Nhiều bạn học ngành ngôn ngữ trăn trở về nghề nghiệp

Đây không phải 1 bài review công ty, nhưng gần đây mình thấy nhiều bạn học ngành ngôn ngữ trăn trở về nghề nghiệp, lặp lại khá nhiều, nên xin viết một bài, tóm tắt lại những kinh nghiệm của mình (với tư cách 1 người học ngôn ngữ đã trải qua), nói đúng hơn là review về công việc của ngành này, để các bạn theo ngành này có cái nhìn toàn cảnh về tương lai của mình. Bài sẽ đi sâu vào review chi tiết và phân tích cá nhân của mình, nên nhiều chỗ sẽ dài dòng lan man.

Vấn đề gần đây mà mình thấy các bạn thắc mắc: mông lung với nghề, làm nhiều vị trí nhiều ngành mà vẫn thấy chênh vênh: nguyên nhân là thiếu chuyên môn. Đi làm vài năm chủ yếu ở mấy vị trí không cần chuyên môn => chính vì không làm cụ thể một nghề gì nên càng không thấy định hướng. Ngành ngôn ngữ nói chung, hay ngôn ngữ Anh, Hàn, Nhật, Trung…. nói riêng, ngành này không có nghiệp vụ gì trừ khi đi dạy, hoặc dịch. Mà đã không có nghiệp vụ chuyên môn thì thường làm hành chính, giấy tờ chung chung, làm công ty nào biết quy trình nơi đó, gọi là làm nhiều quen tay=>sang nơi khác, quy trình khác, lại học từ đầu, kinh nghiệm chỗ cũ khó áp dụng được nên không được tính=>lương lại về khởi điểm.

Ngành này theo định hướng của trường (về lý thuyết): đi dịch/dạy. Thực tế thì như thế nào? (mình học ngôn ngữ Anh nên review sẽ đúng cho các bạn học ngôn ngữ Anh, các bạn học ngôn ngữ Hàn, Trung, Nhật có thể thấy không đúng lắm, vì giờ mấy tiếng này đang được chuộng=> tìm được nhiều cơ hội tốt hơn)

Về chuyện đi dịch:

Dịch nói: không biết bao nhiêu lứa sinh viên ra trường mới làm đúng nghề, vì dịch giao tiếp thông thường thì không mấy ai cần nữa, mình từng làm cho công ty dịch thì thấy lâu lắm mới có khách thuê dịch giao tiếp (cho nên nếu là tiếng Anh thì giờ có đi dịch, chủ yếu là cabin cho hội thảo=> cái này khó, cần học thêm nhiều, cần mối quan hệ nhiều, rồi thương hiệu, uy tín cá nhân). Nếu xuất sắc + đam mê thì theo, lương đi dịch 1 2 buổi có khi bằng cả tháng làm văn phòng (trung bình 5-6tr). Chắc Trung, Hàn Nhật may ra còn đất dụng võ đi dịch giao tiếp.

Dịch viết: lương bèo, trừ khi dịch kỹ thuật (nhận trực tiếp không qua công ty) thì thù lao cao, nhưng phải hiểu chuyên môn kỹ thuật. Làm cho công ty dịch thuật, tưởng đúng ngành nhưng toàn tài liệu khó nhằn và cực kỳ đa dạng chủ đề (nếu dịch hồ sơ, hộ khẩu, chứng từ=> ok không vấn đề, khó nhất nhưng cũng hay gặp nhất là dịch về xây dựng, máy móc, tra google mãi không thấy). Người học ngôn ngữ sao phân biệt được các vấn đề kỹ thuật mà hiểu mà chuyển ngữ? => dịch cho công ty rất khó, vì phải hiểu chuyên môn (từ y tế, dược đến xây dựng, cơ khí…). Đôi lúc khách hàng còn yêu cầu người dịch phải có kinh nghiệm trong các ngành trên=> thế thì chỉ có bác sĩ, kỹ sư. Công ty nào cũng vậy thôi, yêu cầu thị trường nó vậy, chứ không phải công ty này yêu cầu cao quá, tôi muốn vào công ty yêu cầu thấp hơn, để chỉ dịch những chủ đề chung chung như khi đi học. Còn dịch chung chung thì khách chẳng cần đến công ty làm gì, tự nhân viên của họ (khá tiếng Anh, google dịch) cũng dịch được. Vào công ty dịch thì đừng nói tôi chưa học tiếng Anh chuyên ngành này nên không nhận=> Oh no, nhận tuốt, nhiều khi thiếu nhân lực, bạn không dịch thì ai dịch? Chưa kể dịch cho công ty còn gặp nhiều khách hàng rất…, đưa tài liệu 70 trang (chuyên ngành) kêu mai lấy, làm như chụp ảnh thẻ lấy ngay vậy, đòi tốc độ dịch của Google nhưng chất lượng = người dịch ???? Nếu không dịch cho công ty thì dịch freelance? Rảnh thì nhận, tận dụng thời gian rảnh mà lại có tiền?=> Hợp với sinh viên, muốn làm thêm để trau dồi, lại có tiền; còn làm freelancer dịch chuyên nghiệp? Nghe có vẻ ngon ăn, nhưng cũng khoai. Dịch freelance thì không tránh khỏi trường hợp khách cần dịch gấp mà tài liệu nhiều=> nếu có team cứng cùng rảnh cùng khá tiếng Anh mà nhận cùng, chia nhau dịch=> ok. Team không đủ người hoặc không tìm được team=> thức xuyên đêm mà dịch là bình thường. Lâu dài thì hơi bị mệt với kiểu này. Nghe bấp bênh quá, hay là cứ đi làm 8 tiếng rồi nhận thêm tài liệu ngoài giờ dịch=> không ảnh hưởng công việc chính mà lại tăng thu nhập. Nghe cũng màu hồng nhờ, nhưng bạn nghĩ xem, 8 tiếng nhìn màn hình máy tính, cũng lao động trí óc rồi, giờ về nhà lại vắt não cân đong đo đếm từng chữ, cho kịp deadline. Deadline gấp chắc thời gian tắm với ăn còn chả có, rồi thức khuya, sáng hôm sau đi làm làm sao. Vậy nên dịch kiểu này lâu lâu mới nhận, làm cho đỡ mai một vốn tiếng, kiếm thêm chút thì ok. Dịch viết mà đề tài chung chung, chắc cộng tác với nhà xuất bản (dịch sách-không quá chuyên môn), làm phóng viên cho 1 báo nào đó, (đi tìm tin tức tiếng Anh ở báo nước ngoài rồi dịch lại tiếng Việt), cái việc dịch tin tức này không phải cái khó ở việc dịch, mà áp lực phải tìm tin giật gân, tin hot mới nhiều người xem.

Biên/phiên dịch cho công ty/dự án: Nếu công ty nào có tuyển vị trí phiên dịch thì chắc là tiếng Hàn, Nhật, vì ít người biết mấy tiếng này, gọi là phiên dịch nhưng chắc chắn sẽ phải kiêm thêm việc khác nữa; tiếng Anh mà có tuyển phiên dịch giao tiếp giờ chủ yếu cho mấy dự án vùng sâu vùng xa (ví dụ thông dịch giữa cán bộ địa phương với chuyên gia nước ngoài)=>hay phải đi xa, hết dự án = thất nghiệp. => Lương cho các dự án kiểu như này khá cao (15-20tr/tháng), nhưng dự án thì không kéo dài, thành ra cũng không gọi là ổn định

=> Bạn thích ngôn ngữ nhưng có sống được với nghề hay không lại là chuyện khác. Muốn lấy ngôn ngữ làm cần câu cơm thì phải rất giỏi, rất chịu khó để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, các mảng dịch khó & cần nhân lực hiện nay mà mình biết là: cơ khí, xây dựng, y dược. So với 2 công việc được coi là “đúng ngành”, thì đi dạy là khả thi hơn, hoặc tự mở trung tâm dạy tiếng

Không làm giáo viên, không làm biên phiên dịch thì làm gì?

Một số công việc trái ngành mà dân ngoại ngữ ra trường làm mà mình biết (cũng là công việc mà số đông sinh viên ngoại ngữ ra trường làm)

Trợ lý, sales, Admin, HR, lập trình viên, tuyển dụng/headhunter chuyên nghiệp, nhân viên NGO, nhân viên tư vấn du học, BA, cán bộ dự án ODA, làm idea cho các công ty POD, cán bộ đại sứ quán, nhân viên mua hàng, nhân viên công ty du lịch, tiếp viên hàng không, kế toán kiểm toán…

• Trợ lý/thư ký trong công ty: thư ký thì sắp xếp cuộc họp, lo văn thư hậu cần cho sếp… Trợ lý thì tùy nơi, có nơi yêu cầu chuyên môn/kinh nghiệm cao để tham vấn nghiệp vụ cho sếp, học ngôn ngữ ra thì hầu như không có lợi thế khi ứng tuyển vào vị trí trợ lý như thế này, nên thường sẽ đảm nhận trách nhiệm: đứng giữa giám đốc + nhân viên để đảm bảo liên lạc, báo cáo từ các phòng ban lên giám đốc thì thông qua trợ lý, trợ lý có vai trò tổng hợp, format báo cáo=>trình giám đốc, đôi khi có vận dụng kỹ năng dịch, trong trường hợp giám đốc là người nước ngoài, nhân viên kém tiếng Anh thì mình có vai trò biên phiên dịch: dịch trong cuộc họp, dịch email, dịch thầm (whispering, là dịch song song với người nói sang ngôn ngữ đích), việc thì bận, tổng hợp nhiều thứ, tùy lĩnh vực công ty mà phải trau dồi thêm về lĩnh vực đó (ví dụ về xây dựng thì cũng phải hiểu bản vẽ kỹ thuật, hiểu 1 số nghiệp vụ trong xây dựng). Vị trí này nếu có thêm bằng luật/quản trị kinh doanh có thể phục vụ công việc tốt hơn.

• Sales thì cũng tùy ngành, sales kỹ thuật lương khá cao (15tr trở lên là bình thường), nhưng vào sẽ phải học 1 số kiến thức kỹ thuật, cái này hơi khó với dân chuyên ngữ, sales bất động sản, bảo hiểm=> dân nào cũng thấy khó, sales đông y thì thôi khỏi nói, sales khóa học ở trung tâm tiếng Anh: áp lực doanh số như bao vị trí sales khác.

• Admin, HR: khá nhiều người làm, thường là training-on-job, hợp với ai thích ổn định, để theo được thì không cần học văn bằng 2/học lên cao, vị trí này thì đâu cũng cần.

• Lập trình viên: học thêm lập trình ngoài trung tâm, ra làm cho công ty IT.

• Nhân viên NGO: cũng có một số vị trí cần ngoại ngữ là chính, không yêu cầu một chuyên môn cụ thể=> thường sẽ đảm nhận vị trí trợ lý dự án, truyền thông cho dự án, điều phối dự án, trợ lý dự án thì nhiều việc không tên, truyền thông cần năng động, hợp với người thích giao tiếp, điều phối dự án thì cần kinh nghiệm. NGO lớn của nước ngoài thì lương ổn, phúc lợi tốt, lương tăng chậm, không có hoa hồng (vì không có lợi nhuận từ kinh doanh). Nếu thích theo con đường này lâu dài thì có thể cân nhắc học lên cao ngành Development Studies/International Development, phấn đấu vào các tổ chức lớn như UN. Ứng tuyển (theo những trường hợp mình biết) thì công bằng, có kinh nghiệm làm NGO là lợi thế, mức lương khởi điểm cao. Học bổng ngành này cũng nhiều, chủ yếu học bổng chính phủ (bao tất tần tật), dễ xin cho người trái ngành.

• BA: Business Analyst, cần biết thêm về IT, không cần phải biết quá sâu, là cầu nối giữa khách hàng người nước ngoài nói bằng tiếng Anh và lập trình viên, có nhiệm vụ truyền đạt lại những yêu cầu về phần mềm của khách hàng cho đội ngũ kỹ thuật. Bạn phải đọc tài liệu tiếng Anh nhiều, tiếp xúc với nghiệp vụ ở nhiều mảng khác nhau: y tế, bất động sản, giáo dục….

• Nhân viên tư vấn du học, công việc là tư vấn cho học sinh vào trường phù hợp, có tỉ lệ đỗ cao, dịch thuật hồ sơ, công việc có áp lực gần giống với 1 người làm sales, là giúp cho càng nhiều học sinh trúng tuyển càng tốt.

• Project admin, sales admin: khác ở chức danh, bản chất vẫn là admin, hỗ trợ về giấy tờ cho phòng chuyên môn.

• Business development: chức danh nghe oách nhưng công việc gần giống sales, làm cho công ty IT, xây dựng (kiêm admin, chuẩn bị hồ sơ thầu)

• Cán bộ dự án ODA (dự án có vốn đầu tư nước ngoài): nghe oách, hồi mới ra trường thấy chữ nước ngoài nghe thích, tưởng vào làm là lượn nước ngoài như cơm bữa, thực chất ODA là nợ công (mà nợ công là gánh nặng đất nước, thực chất thì ngày càng ít vốn vay ODA được cung cấp cho các dự án phát triển của Việt Nam), ai quan tâm có thể google thêm, cái này hơi vĩ mô, nhưng mình nghĩ nhìn rộng ra sẽ hiểu đúng giá trị công việc, thay vì lầm tưởng nó hào nhoáng.

• Headhunter: bản chất là môi giới, ở đây là môi giới nhân sự cho công ty có nhu cầu tuyển nhân sự, cần có kỹ năng sales, cũng có áp lực như với vị trí sales.

• Idea staff, support staff cho công ty POD: công ty kiểu này bán áo thun, mũ, cốc cho thị trường nước ngoài, đầu vào thì cần biết tiếng Anh cơ bản, công việc là lên mạng xem các họa tiết nào hay thì copy về hoặc biến tấu cho sản phẩm, nghe tưởng nhàn nhưng không phải copy về là xong, cần có mắt thẩm mỹ, mắt thẩm mỹ đó hợp thị hiếu ng mua, lương thì tùy vào bạn bán được bao nhiêu, lương thì từ vài triệu, 20 30tr cũng có. Support thì đỡ áp lực doanh số hơn. Công ty kiểu này không hiếm các bạn sinh viên trường top, vì nhiều tiền.

• Cán bộ đại sứ quán: tổ chức sự kiện, điều phối chương trình, hậu cần cho sự kiện.

• Một số chức danh khác nghe sang sang như “nhân viên đối ngoại”/Talent acquisition executive, Learning & Development staff/coordinator, C&B, payroll admin cũng không nằm ngoài mấy công việc mình nêu trên. Nhân viên đối ngoại: phụ trách giao dịch với đối tác nước ngoài, công việc có phần giống business development- tạo kênh hợp tác lâu dài, tìm kiếm khách hàng mới… Talent acquisition executive: cách gọi khác của nhân viên tuyển dụng. C&B, payroll admin: phụ trách lương, phúc lợi cho nhân viên, là một nhánh của công việc HR, công ty lớn mới tách ra kiểu này chứ công ty nhỏ hay tầm trung thì HR làm đủ thứ. Learning & development staff: tiếp nhận nhân viên mới, lên chương trình đào tạo nội bộ cho nhân viên mới có hứng thú với môi trường làm việc, thực chất là một phần việc của HR, và đầu vào cũng sẽ đòi hỏi kiến thức về nhân sự, các công ty lớn mới có vị trí này.

• Nhân viên mua hàng: các công ty như Samsung, Panasonic có vị trí này cho sinh viên ngoại ngữ. Thi vào cũng không khó lắm. Công ty lớn nên có quy trình hết rồi. Nhưng về lâu dài mình cũng không thấy có khả năng phát triển lắm. Làm hơi chán.

• Nhân viên công ty du lịch: dẫn tour, có thể kiêm thêm bán tour như sales, cần đi lại nhiều, hợp với ai thích giao tiếp tiếng Anh, làm thì được trau dồi phản xạ ngôn ngữ.

• Tiếp viên hàng không: cái này số ít người theo, cần chiều cao (cái này không phải ai cũng đáp ứng được), tiếng Anh giao tiếp tốt (tiếng Anh nếu học tử tế trong trường cũng thừa tiêu chuẩn)

• Kế toán kiểm toán: số ít và nhiều năm trước, khi bằng ngoại ngữ còn chút lợi thế, một số anh chị mình biết xin vào 1 trong 4 công ty Big4 khi chỉ có bằng tiếng Anh, vào làm thì training-on-job công việc kiểm toán, sau đó công ty tài trợ cho học chứng chỉ quốc tế như ACCA, có chứng chỉ này thì đi được lâu dài, làm được nhiều lĩnh vực khác như tài chính, đầu tư… giờ thì hầu hết là ưu tiên background kế toán kiểm toán ngay từ đầu vào

** Trừ một số vị trí đặc thù như lập trình, sales kỹ thuật, kế-kiểm, các vị trí còn lại theo mình là tương đối dễ xin khi chỉ có bằng ngoại ngữ.

** Mình biết vài người làm một số công việc kể trên: cán bộ dự án ở công ty, làm du lịch, làm PR marketing => rồi lại thấy đi dạy là hợp nhất, lại quay về dạy.

Các hướng khả thi cho người học ngôn ngữ:

1) Đi dạy (cần học thêm kỹ năng sư phạm, cần thì thi chứng chỉ của tiếng đó cho cao lên). Đi dạy thì không chỉ cần chắc kiến thức mà còn phải biết cách diễn đạt cho học sinh hiểu. Lương đi dạy cũng khá. Đi dạy cho trường Đại học thì nên học lên cao=> cái này sớm hay muộn cũng phải học, vì không thể một cử nhân dạy cho cử nhân được. Với ngành tiếng Anh thì chịu khó tìm học bổng TESOL, học bổng ngành này không quá cạnh tranh nếu chịu khó tìm (Theo mình biết thì Úc, Newzealand có học bổng cho ngành này, một số học bổng khá hào phóng, bao không chỉ học phí mà còn sinh hoạt phí, đó là mấy năm trước, không biết hiện tại thế nào).

2) Học thêm 1 nghiệp vụ khác nếu muốn đi làm ở công ty: như BA, HR, tester… Tester dân trái ngành cũng nhiều nhưng phải chịu khó học lập trình, và nhiều người cũng nhảy sang nên lại cạnh tranh kiểu khác. BA dân trái ngành cũng làm được nếu chịu khó đầu tư học thêm. Nói chung đã trót đi làm lâu, nếu bắt đầu lại ở 1 ngành mới thì chấp nhận lương như fresh. Dần dần rồi tăng. Học nghiệp vụ có thể học ở trung tâm, rồi ghi vào CV=> đi phỏng vấn được nhận thì lại vào học từ công việc thực tế.

Học ngôn ngữ có thất nghiệp không?

Trả lời đơn giản thì không. Việc thì đầy, kiếm không khó, vì đâu đâu cũng yêu cầu ngoại ngữ.

“Ngoại ngữ là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội” => trong thời buổi bây giờ nó đúng với ai có một nghề trong tay, ngoại ngữ giúp người ta có công việc tốt hơn so với khi không có ngoại ngữ, tiếp cận với tài liệu tiếng Anh đa dạng hơn để học hỏi thêm về nghề, còn dân ngoại ngữ có chìa khóa rồi nhưng không có nghề, cầm chìa rồi không biết mở cái gì. “Có ngoại ngữ thì không lo thất nghiệp”=> cái này cũng đúng với những người có 1 chuyên môn khác, giờ có tiếng Anh thành điểm cộng trong hồ sơ. Với người có chuyên môn = kỹ năng cứng, giờ có tiếng Anh = kỹ năng mềm => hồ sơ đẹp.

Để đi làm được thì cần có kỹ năng cứng (chuyên môn) + kỹ năng mềm (tiếng Anh, giao tiếp, công cụ tin học văn phòng, làm việc nhóm…). Dân ngoại ngữ đang có kỹ năng mềm, thiếu kỹ năng cứng. Từ hồi vào học đã nghe mấy thầy cô nói ra trường không thiếu việc (chắc để trấn an sinh viên), ra làm nhiều nghề (nghe tưởng ngành đào tạo người đa tài). Rồi ra trường mới biết là ờ không thiếu việc, nhưng quan trọng là việc gì. Làm kiểu personal assistant thì đầy, nhưng chính vì không có nghiệp vụ nên không có quyền tự chủ trong công việc (không ai tin tưởng mà giao một công việc cần kiến thức chuyên môn cho làm), ai sai gì làm đó, cảm thấy rất bí bách, và toàn việc không tên, công việc thì rất bận nhưng làm xong cũng không có thêm được cái nghề gì :)) Ai trải qua sẽ hiểu, bị sai vặt nhiều, ai bảo gì làm đó, mình đứng giữa sếp lớn với sếp bé chạy mấy việc linh tinh mệt hết cả người. Được mỗi cái chức danh trợ lý, executive, điều phối này nọ nghe oai chứ thực ra chẳng hiểu sâu cái nghề gì, toàn mấy công việc như người đứng trung gian. Đừng ai bảo là nghề assistant hay admin nhé, đấy không phải nghề, đấy là vị trí/chức danh trong công ty thôi. Nghề phải là kỹ năng chuyên môn (cắm hoa, sửa chữa điện nước, nấu bếp, làm bánh, y dược, lập trình, cơ khí….), càng làm càng lên tay, làm xong nơi này áp dụng được ở nơi khác=> khó có chuyện làm xong công ty này nhảy chỗ khác lương lại về khởi điểm.

Có nghề mới phát triển lâu dài được, cái chức danh nghe oai ở một công ty chẳng để làm cái gì. Nhảy việc ở nơi khác họ xem mình có kỹ năng nghiệp vụ gì chứ KHÔNG nhìn vào chức danh ở cty cũ. Có chức danh nghe sang nhưng thực chất làm mấy công việc không phát triển được gì, vẫn mông lung về tương lai nó giống như “thất nghiệp” khi đang đi làm vậy. Ngoại ngữ không phải nghề, nó là công cụ cho việc học nghề được thuận lợi, ví dụ học lập trình thì tra cứu tài liệu bằng tiếng Anh nó nhiều hơn là tài liệu tiếng Việt, học nấu ăn thì có tiếng Anh là đọc hiểu đc nhiều công thức nấu ăn nước ngoài hay ho. => Nghĩ về cái gì có lợi lâu dài chứ đừng vì chức danh ở một công ty nghe sang sang mà tưởng đó là việc ngon. Đặt trường hợp các bạn mở công ty, các bạn muốn đặt chức danh cho nhân viên là gì chả được. Mà thực tế là nhiều nơi đặt chức danh hay để thu hút ứng viên, đọc JD thì cũng chẳng có gì khác. Bạn có là “Global Specialist” ở công ty cũ mà thực chất công việc không đem lại kỹ năng gì, thì khi nhảy việc bạn cũng như bao nhiêu tấm chiếu mới khác cùng apply thôi.

Học thêm ngôn ngữ có giúp ích cho sự nghiệp không?

Học thêm ngôn ngữ không hữu ích cho sự nghiệp lắm, bạn thích thì học thôi, trừ khi bạn học thật giỏi ngôn ngữ đó để đi dạy/dịch. Dịch đa ngữ thì cũng có việc nhưng khó xơi và cũng không thường xuyên có việc, nếu có thì chắc việc dịch tài liệu cho mấy công ty (cái này thường nhận thêm chứ không phải việc full-time). Phiên dịch đa ngữ (dịch nói) chắc cũng có và tiền thì cao khỏi nói nhưng cái này đỉnh cao quá mình không biết :)) Làm trong công ty thì không cần nhiều ngôn ngữ lắm, có tiếng Anh thôi là sống khỏe rồi.

Không học thêm (văn bằng 2/thạc sĩ/nghiệp vụ) thì sự nghiệp đến đâu?

Thì con đường đi chủ yếu dừng ở bộ phận admin, sales, HR. Thích ổn định thì ok. Thích phấn đấu thêm nhiều cơ hội tốt, thích thử thách về chuyên môn thì hơi chán.

Có bạn nói học thật giỏi tiếng thì ắt tìm được việc phù hợp, việc phù hợp chẳng thiếu, chẳng cần chuyên môn=> nói thì cũng vô cùng, vì còn tùy vào định nghĩa “phù hợp” của bạn ở đây là thế nào? Có bạn chỉ muốn làm lễ tân, admin, support giấy tờ, được nói tiếng Anh, công việc nhàn, lương khá=> với bạn là phù hợp=> Ok, bạn thích thì cứ phấn đấu theo hướng đó. Mình thì không hài lòng ở những vị trí đó (vì muốn nhiều lựa chọn hơn) và mình đoán nhiều người cũng vậy, nên kiếm được việc chỉ là bước đầu, đi làm rồi thì lại nghĩ về lâu dài phát triển như thế nào, kinh nghiệm làm ở đây rồi áp dụng ra sao, vẫn thấy mông lung.

Ngôn ngữ Anh ở các trường khác nhau như thế nào?

Ngôn ngữ Anh ở một số trường mở ra đặt tên ngành như ngôn ngữ Anh thương mại, ngôn ngữ Anh pháp lý, ngôn ngữ anh khoa học kỹ thuật, ngôn ngữ Anh chuyên ngành tài chính-kế toán. Lý thuyết là đào tạo cán bộ thành thạo ngôn ngữ ở các mảng này=> biên phiên dịch cho các mảng này. Thực tế thì sao? Bản chất vẫn là học tiếng Anh, nhưng ở mức độ bài bản hơn trung tâm, và có học tiếng Anh 1 chuyên ngành, nhưng không đi sâu. Cùng là học tiếng Anh, nên bằng ngôn ngữ Anh của một trường top với một trường bình thường cũng không khác nhau là mấy đâu, không có chuyện bằng trường này có giá hơn bằng trường kia. Và tên ngành là gì đi nữa thì vẫn là không có chuyên môn (trừ khi đi dạy), vẫn không thể bằng một người chuyên ngành (luật/kỹ thuật) học tiếng Anh của chuyên ngành đó, vì họ hiểu bản chất vấn đề hơn. Giờ chẳng thiếu một người có chuyên ngành (luật/kỹ thuật/tài chính) có tiếng Anh tốt. Vậy nên để so sánh, thì ví dụ một người học kỹ thuật với tiếng ANh khá, họ tra cứu từ chuyên ngành và hiểu nhanh hơn=> có thể dịch đúng và nhanh hơn một người học ngôn ngữ không hiểu về kỹ thuật. Vai trò của người học ngôn ngữ ở đây chắc là edit bản dịch cho trôi chảy hơn. => Thôi xong, dân ngoại ngữ học tiếng Anh chuyên ngành ra để dịch mà giờ chén cơm cũng mất, còn cái nịt.

Lời khuyên: Nếu chọn ngôn ngữ làm công cụ (không đi dịch/dạy), vẫn nên học tiếng cho thật tốt, đằng nào cũng theo rồi, chi bằng biến nó thành công cụ xịn, cũng không phí.

Tóm lại: 1. Với những ai đang theo ngành/đã tốt nghiệp, để đi được lâu dài=> học thêm là cần thiết, (kể cả đi dạy): Dạy thì học thêm kỹ năng sư phạm, học lên thạc sĩ (nếu cần), tự mở lớp/trung tâm, tự chiêu sinh thì không cần; đi làm công ty thì học thêm chuyên môn khác như đã nêu trên 2. Với những ai đang định vào ngành này: cân nhắc kỹ- muốn học tiếng một cách bài bản để đi dạy, OK, chọn ngành ngôn ngữ ổn; muốn đi làm trong các công ty có sử dụng ngoại ngữ làm công cụ: chọn ngành khác, học thêm tiếng ở ngoài.

Evoto

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *