Người phỏng vấn (NPV): Theo ông cách rèn luyện trí tuệ tốt nhất cho người sắp thành nhà văn là gì?
Ernest Hemingway (EH): Anh ta nên ra ngoài và treo cổ vì thấy rằng viết tốt là điều khó kinh khủng. Sau đó, anh ta nên bị chặt hạ không thương tiếc và tự ép mình phải viết tốt nhất có thể trong suốt phần đời còn lại. Ít nhất anh ta sẽ có câu chuyện treo cổ để bắt đầu.
NPV: Còn những người đã dấn thân vào học thuật thì sao? Ông có nghĩ rằng số lớn các nhà văn đang làm nghề giáo đã thoả hiệp với sự nghiệp văn chương của mình?
EH: Nó phụ thuộc vào thứ anh gọi là thoả hiệp. Có phải anh dùng nó trong trường hợp một người phụ nữ đã bị buộc phải thoả hiệp? Hay đó là sự thoả hiệp của chính khách? Hay thoả hiệp với người bán tạp hóa hoặc thợ may của anh rằng anh sẽ trả nhiều hơn chút nhưng sẽ trả sau? Một nhà văn vừa viết được vừa dạy được nên có khả năng làm cả hai việc. Nhiều nhà văn đủ tài đã chứng minh rằng việc đó khả dĩ. Tôi đã không làm được, tôi biết, và tôi ngưỡng mộ những người làm được. Mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng đời sống học thuật có thể đặt dấu chấm hết cho trải nghiệm bên ngoài và điều này có thể hạn chế việc tích luỹ hiểu biết về thế giới. Tuy nhiên, hiểu biết đòi hỏi người viết phải có trách nhiệm hơn và khiến viết lách khó khăn hơn. Cố gắng viết một thứ có giá trị trường tồn là một công việc toàn thời gian mặc dù anh chỉ thực sự dành có vài giờ mỗi ngày để viết. Có thể so sánh nhà văn với giếng nước. Có bao nhiêu loại giếng thì có từng ấy nhà văn. Điều quan trọng là trong giếng phải có nước sạch và nên đều đặn lấy nước ra thay vì hút cạn giếng rồi chờ nước tự đầy lại. Tôi thấy mình đang đi chệch khỏi câu hỏi, nhưng câu hỏi cũng không thú vị cho lắm.
[…]
NPV: Vậy khi không viết, ông vẫn liên tục là người quan sát, tìm kiếm thứ gì đó có thể sử dụng được.
EF: Chính xác. Nếu một nhà văn ngừng quan sát thì anh ta xong đời. Nhưng anh ta không cần phải cố ý quan sát hay nghĩ xem nó sẽ hữu dụng ra sao. Có thể ban đầu điều này đúng. Nhưng sau này mọi thứ anh ta nhìn thấy đều rơi vào kho tàng vĩ đại những thứ anh ta biết hoặc đã thấy. Nếu biết nó có ích lợi gì, tôi luôn cố gắng viết theo nguyên tắc tảng băng trôi. Cứ một phần nhô lên thì có bảy phần tám số đó nằm dưới nước. Anh có thể loại bỏ bất cứ điều gì anh biết và nó chỉ củng cố tảng băng của anh. Đó là phần không hiển hiện. Nếu một nhà văn bỏ sót điều gì vì anh ta không biết nó thì sẽ có một lỗ hổng trong câu chuyện.
Ông Già và Biển Cả đã có thể dài hơn một nghìn trang và có tất cả các nhân vật trong làng và mọi quá trình họ kiếm sống, ra đời, học hành, sinh con đẻ cái thế nào, vân vân. Các nhà văn khác làm việc này xuất sắc và rất giỏi. Khi viết anh bị giới hạn bởi những gì người khác đã làm tốt. Vậy nên tôi đã cố gắng học làm gì đấy khác. Đầu tiên tôi cố gắng loại bỏ mọi thứ không cần thiết trong việc chuyển tải trải nghiệm cho người đọc để rồi sau khi họ đọc thứ gì đó, nó sẽ trở thành một phần trải nghiệm của họ và có vẻ như đã thực sự xảy ra. Việc này rất khó thực hiện và tôi đã luyện tập rất chăm chỉ.
Dù sao thì, bỏ qua cách thực hiện, lần này tôi đã may mắn khó tin và có thể chuyển tải trải nghiệm trọn vẹn và biến nó thành thứ chưa ai từng chuyển tải được. May mắn là tôi đã có một ông già tốt và một cậu bé tốt và gần đây các nhà văn quên mất rằng những thứ như vậy vẫn còn tồn tại. Rồi thì đại dương cũng đáng để viết về như con người. Thế nên tôi may mắn ở chỗ đó. Tôi đã nhìn thấy cá kiếm giao phối và biết điều này. Vì vậy tôi bỏ nó ra. Tôi đã nhìn thấy một bầy (hoặc tốp) gồm hơn năm mươi con cá nhà táng cũng trong vùng nước đó và đã từng dùng lao móc đâm một con dài gần sáu mươi bộ và vuột mất nó. Vì vậy tôi bỏ nó ra. Tất cả những câu chuyện tôi biết từ làng chài tôi bỏ ra ngoài. Nhưng hiểu biết mới là thứ tạo nên phần băng chìm dưới nước.
Người dịch: Linh Khánh