SAU NĂM NHẤT, MÌNH NHỚ NHƯ IN 3 CHỮ “ĐỪNG”

Lần đầu đi làm thêm một công việc đúng chuyên ngành vào kì đầu năm nhất, sự chuyên nghiệp của môi trường văn phòng và dáng vẻ chuyên tâm của các anh chị nơi đây, khiến mình run lẩy bẩy đến cả rớt balo.

Run vì háo hức và thích thú. Run vì sướng rơn khi bản thân đã kịp chiêm nghiệm được 3 chữ “đừng” trong suốt hành trình năm nhất trước đó. Bởi nếu không, có lẽ mình đã bỏ về trước khi có ai đó mở cửa.

Đối với mình cột mốc trở thành sinh viên năm nhất là cái gì đó đặc biệt lắm!

Vì từ một cô mọt đề cương luôn trong trạng thái lưỡng lự suốt 12 năm đi học đến ngày phải tự mình mở ra một kết giới mới mà ở đó: việc học – việc làm – việc phát triển bản thân, mình đều phải tự xoay sở trong biển trời tự do.

Mình vừa kết thúc năm nhất nên vẫn còn những dư âm lưu luyến, mình lựa chọn nhìn lại và viết ra đôi điều. Hi vọng nó có thể trở thành sự tham khảo cho các bạn 2k3 chuẩn bị mở ra kết giới mới.

Có 3 cái “đừng” cực kì lớn mà mình đã học được trong suốt 1 năm trải nghiệm qua.

1. Đừng đợi đến khi đủ để làm một cái gì đó

“Thôi để khi nào đủ năng lực rồi hẳn apply” “Thôi đợi năm 2, năm 3 quen môi trường đại học hơn rồi làm” “Thôi đợi đến khi nào giỏi tiếng Anh hơn hẳn tham gia” “Thôi đợi khi nào có thời gian hơn rồi học” “Thôi đợi…”

Muốn tham gia câu lạc bộ tiếng Anh nhưng lại e ngại kĩ năng cơ bản của mình. Thôi đợi nâng trình hơn rồi tự tin apply, đợi đến lố timeline nhưng vẫn chưa cảm thấy đợi đủ. Thế là đánh mất cơ hội.

Muốn đi làm thêm nhưng vẫn chưa đủ tự tin với kiến thức đang có, vậy thôi đợi thêm năm sau. Năm sau rồi vẫn thấy chưa đủ nên đợi thêm năm nữa…Thế là phí hoài hơn một năm chỉ để đợi chờ.

Rồi sau nhiều lần trì hoãn mục tiêu, mình nhận ra rằng đợi đến khi “đủ tự tin” là cái đợi chờ vô vọng nhất.

Vì nếu cứ giữ suy nghĩ này với một đứa nhiều lo âu và dễ mất phương hướng như mình thì cái sự đợi sẽ trở thành trì hoãn. Và trong lúc mình cứ tiếp tục an ủi bản thân để đợi đến khoảnh khắc mình cho là phù hợp nhất, có lẽ mình đã đánh mất rất nhiều cơ hội.

Trong khoảng thời gian mình đắn đo, có rất nhiều người đã chạy nhanh về đích.

Trước đây, điều này luôn là một vòng lặp lớn trong suốt hành trình phát triển bản thân của mình nhưng mình vẫn chưa đủ hình dung để nói thành lời. Cho đến khi mình đọc được bài viết Ra Trường Đi Làm Mình Thấy Gì của tác giả Huskywannafly, mọi chuyện mới vỡ lẽ.

Đứng trước một mục tiêu, một cơ hội hãy cho phép bản thân mình một khoảng thời gian để cân nhắc những yếu tố bất đắc dĩ. Chỉ cần cảm thấy có thể đáp ứng 80%, 20% còn lại thường là sự tự ti, đắn đo và cảm giác chưa đủ. Dù là vậy, hãy cứ làm đi.

Vì mình sẽ không thể nào đợi được đến 100% mà bản thân thường trông chờ, vì mình sẽ không có đủ áp lực để cải thiện lên 100% như mình từng tưởng tượng đâu. Chỉ khi thật sự bắt đầu làm, cái mong muốn vượt hơn 80% để tiệm cận 100% mới khởi động nhanh chóng.

Bản thân cho phép mình tiến bước 80%, cơ hội gật đầu cái rụp để đáp lại, vũ trụ dang tay chiếu cố thì có điều gì phải chần chừ đúng không?

Đôi khi để bản thân phóng theo chiếc lao tuy chưa đủ nhọn nhưng sức gió mạnh sẽ tôi luyện và đốc thúc mình nhiều hơn để đi đến đích.

Năm 12, gia đình suy sụp kinh tế, mình tập tành bán hàng online để kiếm thêm thu nhập và trải nghiệm.

Lúc đó mình cũng thấy chưa đủ: từ vốn liếng đến mạng lưới quan hệ và vận chuyển, cái gì cũng rõ chơi vơi. Nhưng cái muốn nó lên tới 80% rồi, bấm bụng làm đại vậy. Mình kiếm được 1 triệu đồng đầu tiên, con số không hề lớn nhưng mình rất hài lòng. Vì 20% “chưa đủ” đó, hóa ra nó không đáng sợ như mình nghĩ.

Bước vào đại học, kĩ năng viết cảm tính theo mình suốt 12 năm đi học chưa bao giờ khiến mình cảm thấy yên tâm. Muốn kiếm công việc làm thêm đúng với sở thích và chuyên ngành nhưng cứ nhấn nhá vì cảm giác chưa đủ tự tin. Nhích lên được 60% mong muốn, mình bấm bụng đi tìm việc.

Mình được lãnh tháng lương đầu tiên từ những con chữ của mình. Mình vẫn có lúc làm sai, có lúc stress cực vì những vỡ mộng. Nhưng đến lúc những kiến thức mình nghe được từ một khóa học online chẳng khác gì so với những thứ mình học được khi bắt tay đi làm thực tế, mình giật mình.

Thử hỏi nếu không bấm bụng bước ra khỏi vùng an toàn, liệu mình sẽ học hết những kiến thức đó trong khoảng thời gian trên hay mình lại tiếp tục trì hoãn và ngồi đợi đến khi “đủ”?

2. Đừng mất niềm tin ở bản thân

Lúc biết điểm thi cuối kì môn Triết Học của mình còn chưa chạm được điểm 6, mình sốc cực. Môn mình không một chút phòng bị tâm lý, môn mình đầu tư nhiều tài liệu nhất lại vả cho mình một cú đầu đời thật đau.

Mình mất niềm tin vào bản thân rất nhiều, mình khóc ấm ức nhiều ngày rồi chuyển sang trạng thái mất niềm tin vào khả năng học vấn của bản thân.

Cả một tuần mình chẳng làm được gì cả, trong đầu cứ quanh quẩn chuyện điểm số. Cả một thời gian mình chẳng có động lực cho một mục tiêu nào cả, trong đầu cứ quanh quẩn chuyện mất niềm tin.

Mãi đến khi nhận được điểm thi ngoài mong đợi của những môn còn lại, điểm A tròn trịa của môn mình e ngại, mãi đến khi mình may mắn có được suất học bổng đầu tiên. Mình mới cảm thấy buồn cười và có phần xấu hổ vì cái sự mất niềm tin của bản thân trước đó không lâu. Mình cảm thấy tiếc nuối vì trong khoảng thời gian ngờ vực bản thân, mình đã bỏ lỡ cơ hội cải thiện bản thân mình.

Mất niềm tin, mình làm gì? Mình khóc và ngủ thật nhiều, đó là giai đoạn an ủi và chữa lành theo phản xạ tự nhiên. Mình tỉnh dậy với đôi mắt sưng, mình đi nghe tarot và chỉ lựa những chủ đề tích cực để đốc thúc bản thân.

Mình điên cuồng làm! Có gì làm nấy, học thật chăm, làm thật nhiệt, vừa khóc vừa gõ, vừa ấm ức vừa đọc bài. Mình điên cuồng tìm kiếm cảm giác thỏa mãn cho bản thân.

Hôm mình bấm bụng viết blog, liều mạng đem sản phẩm đầu tiên đi chia sẻ. Kết quả là bài viết đó vượt hơn 3000 lượt thích, cả trăm bình luận, là bài viết nổi bật trong group, có hàng chục sự kết nối mới mà mình trân quý vô cùng.

Ít ai ngờ rằng, cách đó vài hôm mình đã mất gần hết niềm tin vào khả năng viết của bản thân.

3. Đừng ngại ngùng và mãi đắn đo

Khi lên đại học, chúng mình có rất nhiều cơ hội để tỏa sáng. Lần đầu thuyết trình, lần đầu trả lời đúng câu hỏi mà cả lớp ai cũng sai, lần đầu ứng tuyển làm ban cán sự…Rất nhiều lần đầu đó sẽ đòi hỏi chúng mình nói “đừng” với cái sự ngại ngùng và đắn đo.

Cứ làm đi rồi mới biết được. Cứ xung phong thuyết trình đi, cái áp lực đó sẽ khiến bạn chuẩn bị bài tốt hơn, cái lo sợ đó sẽ khiến bạn cảm thấy phê hơn khi hoàn thành xong.

Đắn đo liệu việc tham gia câu lạc bộ có ảnh hưởng việc học? Nếu đó là một môi trường thích hợp và bạn cực kì mong muốn thì cứ tham gia đi, cái áp lực duy trì việc học và trải nghiệm câu lạc bộ sẽ đốc thúc bạn cân bằng cả hai đầu việc lớn.

Cố gắng hết sức mình, nghiêm túc trong từng vai trò, đến lúc kiệt sức vẫn có thể đưa ra lựa chọn một cách hợp lý.

Cứ tham gia dự án mà bạn cho rằng mình chưa đủ về kĩ năng tiếng Anh đó đi, sự khách quan đã cho bạn cơ hội hà cớ gì phải để cái đắn đo chủ quan cản bước.

Bạn đậu vào dự án, áp lực hòa nhập và trách nhiệm công việc sẽ đốc thúc bạn cải thiện kĩ năng nhanh hơn bao giờ hết. Mà kể cả khi cảm thấy bế tắc, bạn vẫn có thêm một lần đưa ra quyết định thay vì ngần ngại và từ bỏ lúc bắt đầu.

Con người chúng mình luôn vận hành hết công suất khi có một mức giới hạn, một áp lực ít lựa chọn mà phải không? Như kiểu mình thường nghe mọi người chọc vui rằng, muốn tự tin học và luyện thi IELTS nhanh thì cứ đóng tiền thi trước đi đã.

Trong suốt nhiều ngày đắn đo, bạn đã có thể dành thời gian đó để làm tốt hơn bất kì công việc nào.

3 cái đừng này phần lớn mình đều rút ra từ những sai lầm của bản thân. Là 3 cái gạch đầu dòng mà nếu mình được phép quay ngược thời gian, mình chắc chắn sẽ hét to vào mặt bản thân 1 năm trước là “đừng…”

Chỉ khi như vậy, mình mới có thể biến khoảng thời gian bản thân từng lãng phí xuyên suốt những sai lầm trở thành những khoảnh khắc của cơ hội mới.

Chúc cho chúng mình có một hành trình đại học trọn vẹn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *