[LÀM ĐƯỢC NGAY ĐIỀU BẠN MUỐN]
Mấy ngày qua đi lung tung khắp HN SG, lại được gặp thêm nhiều bạn mới, nghe thêm nhiều câu chuyện. Tui nhận ra được một điều rất hay.
Mọi người thường hay nghĩ họ đã lập kế hoạch nhưng mà thật ra là chỉ lập được một phần kế hoạch, và thường là sẽ không theo được kế hoạch của chính mình.
Nếu bạn:
- Đã từng lập kế hoạch nhưng rồi sau đó bỏ dỡ nó giữa chừng vì nhận ra quá khó để theo được.
- Muốn phát triển năng lực bản thân nhưng động lực khi có khi không
- Muốn thăng tiến nhanh hơn, hạnh phúc hơn so với bạn bè trang lứa.
Bài viết này có thể giúp bạn.
Nhiều khi tui cũng ước có người cho tui biết những điều này khi tui còn trẻ. Huhu
Tui mạnh dạn đoán rằng, những ai đang đọc bài này đều là những người mong muốn (hoặc đã từng) hoàn thiện bản thân, và chắc chắn đã có không dưới một lần bỏ ngang một mục tiêu, kế hoạch của chính bản thân chúng ta.
Chính bản thân tui cũng như thế, rất nhiều là đằng khác. Và tui không muốn như thế nữa, tui bắt đầu tìm hiểu sâu hơn một xíu và phát hiện ra một giải pháp cực kỳ đơn giản sau.
Phần lớn chúng ta thất bại ở một hành động nào đó, thông thường là do những tiếng nói trong đầu. Chính những tiếng nói này khiến động lực của bạn bị triệt tiêu hoàn toàn.
Nếu bạn đang giảm cân, bạn sẽ nghe:
- Thôi, ăn thêm có tí. Có sao đâu
- Ăn miếng rồi chiều mình ăn ít lại. Chiều mình sẽ đi tập.
- Ăn nốt hôm nay rồi mai bắt đầu cũng được.
Hay nếu bạn muốn đọc sách:
- Để chơi nốt game này rồi mình sẽ đọc.
- Giờ mà đọc sách là buồn ngủ lắm, không được không được
- Lướt FB 5′ đã rồi mình sẽ đọc sau
Gần như làm bất kỳ việc gì MỚI chúng ta đều bị những giọng nói này trì hoãn lại. Bởi vì não bộ của chúng ta hoạt động như thế, nó bảo vệ chúng ta khỏi những rủi ro có thể xảy ra từ những thứ MỚI. Do đó muốn phát triển bản thân, chúng ta buộc phải học cách giao tiếp với bộ não của mình.
Tui đã giải quyết điều này thế nào?
Thử ngẫm lại nhé. Vì sao cùng là thức dậy sớm nhưng nếu như bạn đặt giờ cho chuyến bay sớm, hoặc một cuộc hẹn quan trọng (phỏng vấn, thi cử) thì bạn không bao giờ đi trễ, thậm chí còn thức dậy trước khi chuông kêu. Trong khi thường ngày thì chuông kêu 8 hồi vẫn không dậy, vẫn đòi “ngủ thêm 5 phút thôi”.
Bạn nghĩ là do việc thức dậy đi học, đi làm hàng ngày là không quan trọng. Bạn đang nghĩ như thế đúng không? Và chính vì như thế, động lực thức dậy của bạn bị triệt tiêu. Nhất là trong trạng thái mơ màng, não bộ chưa khởi động lại hết.
Cách đơn giản nhất chính là gia tăng động lực.
Bạn không thể dậy trễ vào ngày quan trọng vì bạn biết nếu bạn trễ thì bạn “tiêu” là cái chắc. “Tiêu” ở đây gắn với một cảm giác bạn sợ (đã từng trải qua ở quá khứ) hoặc một viễn cảnh rất tệ (do bạn tưởng tượng ra). Chính vì thế nên bạn thức dậy luôn. Động lực đủ mạnh.
Vậy để gia tăng động lực cho bất kỳ điều gì bạn mong muốn nhưng chưa thực hiện được. Hãy gán cho nó một nỗi đau, một nỗi sợ. Hãy nghĩ về những điều tồi tệ nhất bạn đã từng trải qua.
- Cảm giác hoang mang, sợ hãi khi phải lang thang không có nhà về, phải ngủ nhờ nhà bạn, hay ngủ ở tiệm net.
- Cảm giác tủi thân khi không đủ tiền ăn, phải vay mượn bạn bè, nhờ nó trả hộ và chúng nó khinh thường, đùa cợt.
- Cảm giác bị tổn thương, căm phẫn khi người yêu đòi chia tay, chê bai vì bạn không đủ tốt.
Bất kỳ đó là gì, hãy nhớ lại những cảm giác tồi tệ ấy. Gán nó vào trong đầu và tự nhủ rằng.
.
“Tôi không muốn như thế, tôi không muốn lại phải trải qua điều tồi tệ đó. Và để ngăn chặn nó, tôi phải bắt đầu bằng việc này”
.
Tôi đã có những ngày tháng phải nói là không muốn trở lại tí nào, khi không được ngủ ban đêm, phải đi chợ sặc mùi hôi thối. Đó là những đêm thức trắng, xách hàng oằn gãy vai và trong túi thì không đủ tiền để mua 1 ổ bánh mì.
Đó là đêm mưa khi xe chở hàng bị ngã giữa đường, tui phải dầm mưa nhặt lại từng trái cà chua, dưa leo.
Tui không muốn như thế, cảm giác nghèo khổ và bị khinh thường đó là điều tui không bao giờ muốn quay trở lại.
Mỗi khi thức dậy, mỗi khi có giọng nói trong đầu vang lên ngăn cản tui. Tui sẽ tự hỏi: “Mày có muốn trở lại những ngày tháng đó không?”. Tự khắc động lực sẽ đến.
Có người cho rằng cách làm của tui mang tính “tiêu cực”. Tui không nghĩ như thế. Bởi vì sâu thẳm của Động Lực là Nỗi Đau. Nỗi Đau càng lớn thì Động Lực càng mạnh.
Nhiều người chia tay người yêu xong thay đổi hẳn cũng là vì thế.
Hoặc nhiều bạn gia đình khó khăn từ bé, bố mẹ ly thân sau nghị lực phi thường cũng là thế.
.
Tất cả xuất phát từ nỗi đau, và những điều chúng ta đã vượt qua được ở quá khứ. Thế nên, nhìn trên một góc độ nào đó. Những tổn thương và những nỗi đau chúng ta đã trải qua cũng là một thế mạnh, một món quà giúp cho động lực chúng ta tiến lên sẽ mạnh mẽ hơn.
Quan trọng là bạn có muốn hay không mà thôi.
Một lưu ý nhỏ cho các bạn khi bắt đầu biến nỗi đau thành động lực để hành động. Đó là hãy bắt đầu với những hành động nhỏ và đơn giản thôi. Những gì dễ nhất và có thể thực hiện được trong vòng 1 phút ấy. Sau rồi tăng dần. Thì sẽ đạt được mục tiêu dễ hơn.
Ví dụ như thường ngày bạn ngủ đến 8h mới thức thì đừng đặt mục tiêu 5h thức, khó quá khó. Không ai làm được cả.
Thay vào đó hãy đặt mục tiêu là 7h30 và cố gắng đạt được nó trong 7 ngày liên tục. Khi đó cơ thể đã quen và bạn cũng dẹp được những tiếng nói trong đầu rồi thì tiếp tục chuyển qua 7h trong 7 ngày nữa.
Cứ thế, bạn sẽ đạt được mục tiêu thức dậy 5h sáng mỗi ngày.
Đừng cố gắng làm nhanh, hãy cố gắng làm thôi là được rồi. Thà đặt mục tiêu nhỏ, đơn giản mà đạt được. Chậm cũng được, nhưng ít ra nó còn được thực hiện còn hơn là một mục tiêu to lớn và kế hoạch đẹp đẽ nhưng cứ nằm hoài trên giấy.
—
Vậy đó, mục tiêu mỗi ngày một bài chia sẻ của tui vẫn đang tiến triển nè. Dù là đang ở giai đoạn 3 ngày viết 1 bài. Nhưng nó vẫn đang tiến triển.
Mỗi ngày giỏi thêm 1 chút thôi, ít lâu sau nhìn lại bạn sẽ thấy kết quả kinh ngạc.
Ai muốn đọc thêm có thể xem những bài khác tui viết nhé. Hoặc hãy nói cho tui biết vấn đề của bạn, tui sẽ cho bạn giải pháp.
Bằng một bài viết dài.
Còn giờ, hành động thôi! Nhớ lại xem, những nỗi đau quá khứ của bạn là gì?