Làm cách nào để một người có thể tin vào cả khoa học lẫn tôn giáo cùng một lúc?

A: Jae Won Joh

=======

Đây sẽ là một câu trả lời rất dài dấy, nhưng hãy lắng nghe tôi và tôi sẽ khiến bạn ngạc nhiên trong vài phút tới. Hãy cho phép tôi được bắt đầu với việc đặt một câu hỏi có vẻ không liên quan cho lắm: bạn đã từng nghe về Thí Nghiệm Ultra Deep Field mà kính thiên văn Hubble thực hiện chưa?

Bạn thấy đấy, vài năm trước NASA từng hoàn thiện được một tấm bản đồ về bầu trời ban đêm có độ phân giải thấp, và họ muốn đi sâu hơn nữa. Họ đã chọn một vùng không gian bé tí ti – với kích thước bằng đầu bút chì ở xa hết mức có thể. Thực sự, vùng đó chẳng hề quan trọng chút nào, chỉ là một chấm trống trơn trong khoảng không chẳng chứa đựng chút gì, nhưng rồi họ lại quyết định chĩa ống kính được chế tác tinh xảo của kính Hubble vào vùng không gian đó để phát hiện ra bất kỳ photon ánh sáng cô đơn nào có thể lấp ló từ chỗ đấy.

Mỗi khi Hubble quay được một vòng quanh trái đất, nó sẽ chĩa về vùng không gian ấy trong vòng 20 phút. Sau 400 quỹ đạo, người ta đã thu thập mọi dữ liệu và diễn giải chúng để sau đấy phát hiện ra không chỉ một vì sao hay một cụm sao, mà là mười ngàn thiên hà cơ đấy. Hóa ra cái điểm trống trơn ấy lại không hề trống đâu. Giờ thì, cứ cho rằng một thiên hà sẽ chứa khoảng 100 tỷ ngôi sao đi, vậy sẽ có khoảng 1 triệu tỷ các ngôi sao – trong số đó, khá giống với mặt trời của chúng ta, nhiều ngôi sao sẽ có hệ thống hành tinh riêng của mình, và cũng có tiềm năng trở thành nơi trú ngụ của những hình thái sinh học hiện nay vẫn chưa được biết đến.

Tôi cho rằng kết quả đó là một thứ có tác dụng tốt trong việc nâng tầm nhận thức trong lúc chúng ta chiêm ngưỡng kích thước khổng lồ của những bí ẩn xung quanh mình. Xin hãy nhớ lấy điều này trong lúc bạn đọc tiếp nhé. 

== Đầu tiên, nói qua khoa học một chút nhé… ==

Tôi là một nhà khoa học được đào tạo đàng hoàng đấy. Vào lúc tốt nghiệp đại học, tôi đã dành hàng ngàn giờ đồng hồ cho các phương pháp, viết được những bài trên các tạp chí bình duyệt (peer-review), trình bày về công việc của mình tại các hội nghị quốc gia, và đã dành khoảng một phần ba cuộc đời mình để làm việc trong các phòng lab nghiên cứu. Tại sao à? Bởi lẽ tôi nhận ra rằng nếu mình muốn hiểu được những điều diễn ra trên thế giới lạ lẫm xung quanh mình thì, chắc chẳng còn phương pháp nào khác tốt hơn việc nghiên cứu trực tiếp các bản thiết kế.

Bạn phải thừa nhận rằng, trong vài trăm năm gần đây khoa học đã có những thành công to lớn – chúng ta đã chữa được bệnh đậu mùa và bại liệt, đưa được người lên mặt trăng, phát minh ra internet và tăng tuổi thọ của nhân loại lên gấp ba lần.

Nhưng tôi cho rằng một trong những trải nghiệm quan trọng nhất bạn có được từ việc làm khoa học ấy là, khi bạn bước đi trên chiếc cầu tàu trải trên những điều đã được biết tới thì, sẽ đến lúc, bạn chạm tới đoạn cuối cây cầu ấy. Và ngoài điểm cụt đó là mọi thứ mà chúng ta còn chưa biết – những vùng biển còn chưa được khám phá cùng bí ẩn sâu sắc mà ta còn chưa có được chút thông tin gì hết, kiểu như, tại sao khối lượng và năng lượng lại tương đương với nhau, năng lượng tối, vật chất tối là gì, hoặc tại sao lại có nhiều chiều không gian, làm cách nào ta có thể tạo ra nhận thức từ các miếng ghép, các bộ phận cơ học. Đó mới là tri thức thực sự mà khoa học đem lại – một chân trời mênh mông trong sự trì độn của chúng ta.

Giờ thì, hãy tạm yên tâm rằng với mỗi thế hệ, chúng ta sẽ luôn luôn xây thêm được những bước tiến mới cho chiếc cầu kia… Nhưng ấy là cả một đại dương mênh mông cơ mà, và chắc chắn trong một vài năm ngắn ngủi của thế kỷ 21 này, chúng ta sẽ không thể sống mà chờ được nhìn thấy cái đích cuối cùng đâu. Và vì thế, thêm một lần nữa: khoa học khẳng định lại sự thật hiển nhiên là những gì ta không biết vượt xa những điều ta đã biết.

Và vì thế, sau khi biết biết được tất cả những điều này, tôi thấy rằng câu hỏi này chứa đựng sự hiểu lầm khá phổ biến được lan truyền trong khắp thập kỷ vừa rồi, đặc biệt là trong chuyện chính trị: rằng các nhà khoa học không có khả năng đánh cược ngoài những gì mình đang có, và họ hành xử như thể họ đã biết hết mọi thứ cùng với nhiều phương trình mô tả hoàn hảo bức tranh của cả vũ trụ này.

Thực sự ấy là cách mô tả khá xoàng về cách thức khoa học vẫn hoạt động đấy.

Theo nhiều nghĩa, khoa học muốn bác bỏ những giả thuyết của người khác (bao gồm cả giả thuyết do tôn giáo đặt ra), nhưng nó còn xa hơn thế nhiềuMục đích thực của khoa học là đạt được sự sáng tạo trong việc tạo dựng nên những giả thuyết mới – và một trong những phẩm chất của người làm khoa học ấy là phải biết dung hòa nhiều giả thuyết khác nhau trong đầu cùng một lúc. Công việc thực sự của chúng tôi ấy là gây dựng nên những câu chuyện trong phòng lab hằng ngày và rồi tìm kiếm những bằng chứng để chỉ ra xem chuyện nào đáng để mò mẫm hơn những chuyện còn lại.

Nhưng thường thì câu hỏi được đặt ra sẽ quá xa xôi đối với hiện tại này đây. Chúng vượt quá những công cụ của khoa học, và từ đấy, chúng tôi chẳng thể tìm được bằng chứng nào cả. Chẳng sao hết – khoa học có thể chấp nhận nhiều câu chuyện cùng tồn tại một lúc mà. Sự mông lung ấy được coi là một phần tất yếu giữa chúng ta và mẹ trái đất. Và cũng là một phần trong những bí ẩn to lớn xung quanh chúng ta.

== Một chút về tôn giáo… ==

Tôi được người mẹ là nhà sinh học vi sinh nuôi nấng. Bà cũng là một con chiên rất sùng đạo luôn luôn yêu cầu tôi phải đọc Kinh Thánh và học hết những câu chuyện liên quan cũng như phải ghé thăm nhà thờ. Nhiều năm làm khoa học rồi song tôi vẫn thấy thoải mái khi cầu nguyện Chúa dù tôi luôn hiểu rằng có lẽ Người còn chẳng tồn tại hay quan tâm tới mình, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp mà mình có thể cho là do “sức mạnh của lời cầu nguyện” dù rằng con người phàm tục trong tôi sẽ bảo đó chỉ là “giả dược” (thuốc trấn an tinh thần hơn là trị bệnh) và “trùng hợp” mà thôi. Vì thế, tôi tự đánh giá hời hợt rằng mình là người “theo đạo”.

Hãy nghĩ tới điều này: có trên 2000 tôn giáo trên toàn cầu, và mỗi người đều đã biết cảm giác làm người vô thần ra sao rồi, bởi lẽ tất cả những gì bạn cần làm ấy là nhìn vào tôn giáo của người ta và bảo rằng, “Thật nực cười khi anh chị đi tin vào điều đó”, và tất nhiên, họ có thể nhìn bạn và suy nghĩ đến điều tương tự.

Cứ thử một thí nghiệm nhỏ nhé: lần tới bạn gặp một người mới nào đó, dù là trên máy bay hay trong quán rượu, cứ hỏi họ xem họ có từng nghe về thí nghiệm Hubble Ultra Deep Field Hubble chưa. Tôi đảm bảo rằng số người bảo là rồi sẽ chẳng là gì so với số còn lại. Song mọi người đều sẽ kể được cho bạn nghe về mọi tình tiết của những câu chuyện thơ mộng mà họ được nghe hồi xưa.

Bạn không cần phải là một nhà nhân chủng học mới có thể nhận ra được rằng hệ thần kinh của chúng ta sẽ tiếp nhận bất cứ thứ gì nền văn hóa truyền thụ cho mình. Vì thế, nếu lớn lên ở Ả Rập Xê Út, chắc bạn sẽ rất yêu mến đạo Hồi. Và nếu sinh ra ở Rome thì, chắc hẳn bạn sẽ rất yêu Thiên Chúa giáo; tại Tel Aviv thì mê Do Thái giáo; tại Springfield, Ohio sẽ là Cơ Đốc giáo (xin lỗi vì điểm qua quá nhiều, rõ ràng tôi đang tổng kết hơi quá một chút, nhưng chắc rằng bạn sẽ hiểu vấn đề).

Vì vậy rõ ràng không phải vô tình khi Hồi giáo không thịnh hành tại Springfield, Ohio, và Cơ Đốc giáo không nở rộ tại Mecca. Ấy là bởi, chúng ta là sản phẩm từ nền văn hóa của mình, và ta chấp nhận những gì nền văn hóa ấy truyền thụ cho mình. Nếu chỉ có một sự thực, bạn sẽ mong rằng nó được phổ cập đồng đều khắp mọi nơi, nhưng rõ ràng dữ liệu thu thập được không ủng hộ điều này rồi. Chỗ điên rồ ở đây là, những nền văn hóa của chúng ta đã truyền thụ điều này vào cơ thể ta, và cả những điều khiến người ta mong muốn được chiến đấu và hi sinh thông qua những câu chuyện ấy.

Bạn có biết câu chuyện của Congo về sự ra đời vương quốc Bakuba không? Chuyện thế này này: có một người khổng lồ trắng tên là Mombo bị đau bụng, ông ta đã nôn ra trái đất và mặt trời cùng mặt trăng và các vì sao đấy. Và rồi ông ta lại đau thêm một lần nữa và nôn ra các loài động vật, con người và cả cây cối. Trong lần nôn thứ hai ấy có cả con báo, chiếc đe, chim đại bàng, phụ nữ, chú khỉ Fumu, bầu trời, các loại thuốc, đàn ông và sấm sét nữa.

Nếu bạn thấy rằng câu chuyện về sự ra đời của Bakuba không giống với một lời giải thích về sự tồn tại của chúng ta hiện giờ thì, hãy nhớ rằng nếu là người Bakuba, bạn cũng sẽ có cảm giác tương tự về câu chuyện phương Tây đề cập đến một cặp đôi khỏa thân cùng một con bò sát biết nói và những hoạt động cấm kị. VÀ nếu bạn là người Bakuba đang sinh sống tại Kansas, bạn sẽ đấu tranh để có thể đưa câu chuyện của mình vào những cuốn sách giáo khoa viết cho trẻ em.

Những quyển sách linh thiêng do các tôn giáo trên thế giới viết ra thường rất đẹp đẽ, và là những tri thức tinh túy khó khăn lắm mới đúc kết được. Nhưng hãy nhớ một điều rằng, những người viết nên các cuốn sách đó đã sống cách đây hàng thiên niên kỷ rồi và họ chẳng biết gì về kích cỡ của vũ trụ, Big Bang hay chuyện nhiễm khuẩn, ADN, hoặc máy vi tính hay thấu hiểu được văn hóa của những nước láng giềng đâu. Ralph Waldo Emerson đã chỉ ra rằng những câu chuyện tôn giáo về thế hệ này thường trở thành những câu chuyện văn học giải trí cho thế hệ sau – và thực sự thì, bạn có thể thấy rằng chẳng ai tranh cãi chuyện Isis và Osiris hay các vị thần Hy Lạp / La Mã nữa.

== Vậy, làm thế nào bạn có thể kết hợp cả hai lại với nhau? ==

Tôi không nói rằng câu chuyện của Bakuba hay Adam và Eve là sai vì hai chuyện mâu thuẫn với nhau…với tư cách một nhà khoa học, tôi nói rằng chúng sai, bởi vì các bằng chứng hiện có đều chống lại chúng.

Ví dụ, câu chuyện kinh thánh nói rằng thế giới mới có 6000 năm tuổi thôi trong khi kiến thức khoa học tốt nhất lại nói rằng nó đã tồn tại được 4,5 tỷ năm rồi, tức là những người kể lại kinh thánh sẽ phải giải thích coi tại sao người Nhật lại làm gốm vào khoảng 4000 năm trước khi trái đất xuất hiện.

Theo ý tôi thì, những chuyện kiểu này khiến tôi khá phân vân. Đã lâu rồi tôi cảm nhận rằng chúng ta còn biết quá ít để có thể là một kẻ vô thần trong thời gian dài song lại biết quá nhiều để có thể tin vào những câu chuyện tôn giáo nào đấy.

Vì thế điều khiến tôi ngạc nhiên ấy là mức độ chắc chắn tôi phát hiện được. Khi bước vào một hiệu sách, bạn sẽ tìm ra những cuốn sách viết bởi các tác giả theo thuyết vô thần mới (neo-atheist) và sách về các tôn giáo khác nhau, và họ sẽ tranh luận với nhau, đối lập với nhau và dành hết năng lượng của mình vào những việc như thế.

Chắc là nên có những tiếng nói khác nữa chứ nhỉ? Hình như đối với một cuộc thảo luận đương đại, vậy là bị giới hạn quá mức rồi. Bởi lẽ bạn chỉ có thể nghĩ về không gian của những điều khả dĩ mà thôi…

· Cứ nhìn vào truyền thông Đạo Hồi – Công Giáo – Do Thái Giáo – bùm! Đó chỉ là một điểm trong không gian những điều có thể xảy ra thôi đấy.

+) Cứ nhìn vào tôn giáo phương đông – bùm! Lại một điểm khác.

+) Ý tưởng cho rằng chúng ta chỉ là những mảnh ghép, linh kiện cơ học và sẽ được ngắt đi khi chúng ta chết cùng là một điểm khác.

+) Người ngoài hành tinh đã trồng chúng ta như những chiếc cây… Nghe vô lý cực, nhưng thôi kệ đi, cũng là một khả năng mà.

Khi điền hơn 2000 điểm dữ liệu kia vào không gian khả dĩ ấy, bạn sẽ thấy được khung cảnh vô cùng bao la giữa những khả năng đó. Tất cả những điều đó đều rất khó có thể xảy ra, nhưng khi được gắn lại với nhau, chúng tạo nên không gian khả dĩ này và vẫn chưa hề có những cuộc thảo luận về toàn bộ không gian ấy đâu. Thay vào đó, người ta thường chỉ nói giới hạn về thứ mà tôi coi là sự phân tách sai trái này thôi – hữu Thần và vô Thần.

…Và ấy là lúc cuộc tranh luận kết thúc. 

Đúng vậy, sẽ có những nhân vật đứng giữa đấy, và thi thoảng họ tự mô tả mình bằng thuật ngữ “bất khả tri”. Tôi không dùng từ ấy bởi nó hay được sử dụng như một thuật ngữ yếu – thường khi ai đó bảo mình là người “bất khả tri”, ý họ sẽ là “Tôi không rõ cái ông râu ria ở trên mây kia có tồn tại hay không nữa”.

Vì thế tôi tự gọi mình là người “Khả Dung” (Possibilian). Và niềm tin ẩn sau thuyết Khả Dung ấy là sự chủ động khám phá ra những ý tưởng mới, cùng cảm giác thoải mái với yếu tố sáng tạo của khoa học và việc chứa đựng nhiều giả thuyết trong đầu vào cùng một lúc. Là người Khả Dung thì, mới đầu… mọi thứ đều có thể chấp nhận được. Và rồi tôi dùng các công cụ khoa học để loại bỏ đi nhiều phần trong không gian khả dĩ ấy. Ví dụ, dù rằng sẽ rất tuyệt vời nếu có giác quan thứ sáu, song bằng các phương tiện ta có thể dùng để đo đạc mọi thứ, hiện tại chưa có bằng chứng nào chứng minh điều này.

Cơ bản thì, người Khả Dung sẽ bước tiếp ngay tại vị trí mà sức mạnh của khoa học phải dừng lại, vào lúc chúng ta không có các công cụ để giải quyết vấn đề mình đang phải đối mặt, và phải hiểu được không gian khả dĩ. Hiện nay, ta có thể loại trừ một vài điều trong đó, song những điều còn lại thì chưa.

Lý do quan trọng để duy trì một tư duy cởi mở, cầu thị về những điều ta chưa biết ấy là vì ta biết rõ về sự mênh mông của những điều mà mình không biết. Với mọi thế hệ các nhà khoa học, họ luôn có cảm giác rằng mình có mọi mảnh ghép, mọi thứ mình cần để trả lời xem điều gì đang diễn ra trong vũ trụ quanh rồi. Nhưng cứ thử tưởng tượng phải giải thích cực quang mà không hiểu về từ quyển hay phải giải thích về trái tim trước khi có khái niệm máy bơm hay giảng giải về cách hoạt động của cơ bắp trước khi phát hiện ra điện mà xem. Bạn sẽ đưa ra những lý thuyết, nhưng rồi bạn sẽ bị nguyền rủa rằng mình sẽ mắc sai lầm mà thôi. Và trong nhiều trường hợp, đó là lúc người ta thấy yên lòng hơn với tôn giáo, chuyện mê tín hay những hiện tượng siêu nhiên, vv.

Giờ thì ta cũng ở trong tình huống này đấy.

Ví dụ 1: Chúng ta có vật lý Newton, vật lý Einstein và vật lý lượng tử, rồi nghĩ là, được lắm, mình đã có đủ “đồ nghề”. Nhưng các nhà vật lý thiên văn lại nhìn các hành tinh, thiên hà chuyển động và nhìn vào lực hấp dẫn rồi nhận ra rằng… hẵn còn thiếu gì đó. Ngoài kia có thứ gì mà ta chẳng thể trông thấy, sờ vào hoặc ngửi thấy được, nhưng chắc chắn nó phải ở đó để có thể làm phương trình này trở nên chính xác. Vì vậy, họ gọi thứ mờ ảo ấy là “vật chất tối” – ta không biết chính xác rằng nó là thứ gì, nhưng ta cần nó để phương trình trở nên cân bằng. Có lẽ nhiều người đã biết: vật chất tối không phải là một yếu tố mờ nhạt nhỏ bé đâu; nó chiếm 90% trong số mọi vật chất từng được biết đến – bể học thực vô biên mà!

Ví dụ 2: Hãy xem xét não bộ con người nhé. Đó là thiết bị phức tạp nhất chúng ta từng phát hiện được; cơ bản thì nó là thứ công cụ để tính toán của người ngoài hành tinh đấy. Mật độ kết nối của nó dày đặc đến mức nếu bạn định lấy một mô não có thể tích 1 milimet khối, trong đó sẽ chứa nhiều kết nối hơn những vì sao trong Dải Ngân Hà đấy. Vậy mà bằng cách nào đó, cỗ máy cơ học phức tạp, ẩm ướt này lại chính là BẠN. Ấy là tất cả những hi vọng, ước mơ, cảm xúc và động lực của bạn. Nếu bạn có mất đi một chút cái chất màu đỏ kia, bạn cũng chẳng khác biệt đi nhiều lắm đâu, nhưng nếu mất một phần mô não có kích thước tương đương, trạng thái nhận thức của bạn sẽ thay đổi hoàn toàn đấy.

Vấn đề là, ta không biết cách để khai thác cỗ máy đó và tạo nên một hệ thống trải nghiệm chủ quan nhờ nó. Cứ tưởng tượng xem nếu tôi cho bạn một nghìn tỷ mảnh lắp ghép và bảo bạn bắt đầu lắp chúng vào cho hoàn chỉnh đi. Tới lúc nào, bạn sẽ lắp thêm một mảnh vào nói rằng, “A-ha! Nó đang trải nghiệm nè… Hương vị của phô mai này”?

Đó là vấn đề đầy. Ta không có cách nào để áp dụng các phương trình của mình nhằm xác định xem chúng ta nhận thức tính đỏ của màu đỏ hay hương vị của mỗi lần “xì hơi” là gì. Chúng ta không chỉ không có lý thuyết nào trong việc xác định cách hoạt động của não bộ đâu. Ta còn chẳng biết rằng một lý thuyết như thế trông sẽ ra sao nữa kia.

== Kết luận ==

Tất cả những điều kể trên đều chỉ để kêu gọi bạn hãy thể hiện sự khiêm tốn về mặt hiểu biết thôi.

Chúng ta không thể chứng minh sự tồn tại của Chúa, song điều đó không đồng nghĩa với việc Người không tồn tại – những công cụ hiện nay đơn giản không thể phù hợp với nhiệm vụ ấy. Vì thế tôi luôn lưu giữ cả khoa học lẫn tôn giáo bên mình – có lúc, khoa học cho tôi câu trả lời tôi tìm kiếm; lần khác, nó sẽ không ích gì, và trong lúc những công cụ khoa học không cho phép tôi thu thập được dữ liệu để thấu hiểu tại sao / bằng cách nào một hiện tượng màu nhiệm lại có thể xảy ra thì, tôi vẫn hạnh phúc khi đạt được những sự thông thái của một bậc đáng tri thức nào đó cho tới khi khoa học hoàn thành được nhiệm vụ của nó. Nếu khoa học chẳng bao giờ trả lời nổi thì, tôi cũng sẽ cảm thấy ổn thôi.

Với những kẻ đần độn thông thái hay nói rằng các chính trị gia không theo đạo gì hết thì sẽ phù hợp hơn, tôi phải thừa nhận rằng người ta sẽ thích những ai có thể tuân thủ nghiêm túc một quyết định nào đấy. Nếu bạn muốn quyết xem liệu mình có nên kết hôn hay không, hoặc bán đi một tài sản nào đó hay chuyển đến một thành phố khác thì, những việc này sẽ cần tới một sự lựa chọn nghiêm túc.

Nhưng tôi đang định nói rằng có lúc việc quyết đoán là rất cần thiết song có lúc thì lại không cần đến thế. Liệu bạn có chặn đường một anh chàng đang ở giữa đồng không mông quạnh nào và hỏi xem anh ta nghĩ gì về các nền văn minh ngoài trái đất hay không? Bạn có quan tâm xem ý kiến của anh ta là gì không? Liệu bạn có cho là nó quan trọng hơn ý kiến của, ví dụ, một nhà sinh vật học không? Nếu không thì, có lẽ tồn tại những lúc không hợp chút nào để trở nên quyết đoán và hành động như thể bạn đã có câu trả lời khi chưa có được những bằng chứng tốt đâu.

Tôi cảm thấy rằng ngày nay người ta quá chán và mệt mỏi với những người hành xử như thể họ đã quá chắc chắn về những điều mà họ còn chưa biết tường tận. Như Voltaire đã từng nói rồi, sự bất định chẳng khiến ta thoải mái chút nào, nhưng tất định lại là một thứ vô lý.

Vì vậy, thế nào cũng được. Là người Khả Dung, tôi sẽ thích tìm hiểu và được sáng tạo cùng nhiều câu chuyện cũng như nắm giữ những giả thuyết trong tâm trí mình một cách thoải mái hơn. Và tôi luôn cảm thấy rằng mình được tự do được trích câu sấm của khoa học, ba chữ quan trọng nhất mà khoa học đã truyền đạt lại cho nhân loại: Tôi không biết.

Đối với ai đang phải vật lộn để dung hợp những quan điểm có vẻ bất đồng về tôn giáo cùng khoa học: hãy cố gắng tìm kiếm sự thoải mái trong việc chứa đựng nhiều câu chuyện trong đầu cũng như cảm giác bất định. Đây không chỉ là cái cớ để giữ tâm trí mình luôn rộng mở, mà còn là chủ động tìm kiếm các ý tưởng mới đấy. Điều này rất quan trọng với nền giáo dục, luật pháp của chúng ta, thậm chí cả với chuyện chiến tranh có thể sẽ xảy ra (hoặc không). Nói ngắn gọn thì, hãy trút bỏ giáo điều và luôn luôn tò mò, ngạc nhiên. Hãy xem liệu bạn có thể sống được một cuộc đời tôn vinh những điều khả dĩ và ngợi ca sự bất định hay không. 

~~~~~

Tôi muốn nói lời cảm ơn vào đúng lúc: phần lớn nội dung câu trả lời này xuất phát từ một bài nói chuyện của giáo sư thần kinh học của tôi, David Eagleman, vài tháng trước đây về chủ đề này. Tôi thấy rằng mình hoàn toàn đồng ý với ông và cho rằng câu hỏi này là một cơ hội chia sẻ ý kiến của ông với nhiều người hơn nữa, vì thế nếu bạn có ấn tượng gì thì, tôi muốn nói rằng tôi chỉ đứng trên vai của người khổng lồ mà thôi. 

Một đường link nếu bạn muốn đọc thêm: http://en.wikipedia.org/wiki/Pos…

Credit: A Ngô Thanh Liêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *