
Tôi từng tư vấn tâm lý cho một cậu bé vào năm 2018. Lúc đó, cậu bé ấy 19 tuổi, bỏ học đại học và làm việc ở một tiệm cắt tóc.
Tôi không nghĩ nhiều người đã từng nhìn thấy tình huống như này trong đời. Cậu bé ấy gần như cả người chằng chịt toàn vết sẹo, vết dao và vết bầm tím, tất cả đều là do chính cậu tự gây ra. Cậu ấy bị trầm cảm nặng.
Tôi phải mất một thời gian dài mới có thể hiểu được hoàn cảnh gia đình của cậu ấy. Cậu sinh ra trong một gia đình đơn thân, mẹ cậu ấy nuôi cậu từ khi còn nhỏ. Cậu ấy bỏ học cũng vì mẹ bị liệt, bởi vậy nên cậu ấy đã gửi mẹ ở nhà trọ và làm việc kiếm tiền nuôi mẹ.
Cậu bé này là một người con rất có hiếu. Ngày nào cũng cõng mẹ đi chơi, nhưng chỉ dám cõng mẹ vào ban đêm, sợ người khác nhìn thấy.
Cậu chưa từng yêu ai, cũng chẳng có người thân giúp đỡ, hai mẹ con nương tựa vào nhau. Khi trời mưa giông gió rét, mái nhà bị dột, hai mẹ con cậu cũng chỉ đành nằm ôm chăn ướt sũng.
Tôi tin rằng trong thời đại ngày nay, khi mạng Internet đã phổ biến rộng rãi và xã hội đã phát triển vượt bậc, chúng ta khó có thể tưởng tượng được cảnh cậu bé ấy nằm cuộn tròn trong nhà, vừa nghe tiếng mẹ kêu lên đau đớn, vừa nhấp vào phần mềm vay tiền trực tuyến trên mạng.
Trạng thái tinh thần của cậu lúc đó đã đạt đến giới hạn. Vì cần gấp tiền để chữa bệnh cho mẹ, cậu bị người ta lừa mất hơn một nghìn tệ. Ngày cậu bị lừa, cậu về nhà, mẹ cậu nằm trên giường hỏi tối nay ăn gì, cậu bé vừa khóc vừa cắn môi cho đến khi miệng bê bết máu.
Sau đó thì tôi cho cậu ấy mượn khoản tiền ấy. Tôi còn nhớ lúc ấy mắt cậu chợt sáng lên, nhưng lại run rẩy.
Tôi nói với cậu rằng, “Lần này mà vượt qua được, sau này dần dần tìm cách cải thiện cuộc sống. Dù sao thì cũng không thể chết được đúng không? Cuộc đời còn dài, tương lai cũng không biết trước được. Sau này tìm một cô bạn gái còn dắt tới nhà cho mẹ xem, mọi thứ dần dần rồi sẽ tốt lên thôi”
Sau đó thì mẹ cậu ấy mất, đến bây giờ tôi cũng không biết nguyên nhân, chỉ biết là mất ở trên giường, có thể là đột quỵ nhưng tôi cũng không rõ nữa.
Ngày hôm đó, tôi vẫn nhớ mình cùng cậu ấy tiêu đúng tròn mười bảy tệ để mua một bát mì bò nóng hổi và ít trái cây hoa quả cho mẹ cậu.
Sau đó không lâu thì cậu ấy mất. Trước khi mất, cậu ấy cũng không đến chỗ tôi, cũng không nói với tôi lời nào. Cậu ấy nhảy từ tầng năm xuống và tử vong tại chỗ, không một lời trăn trối.
Tôi không có nhiều cảm xúc, cảm giác duy nhất mà tôi có là dường như tôi đã nói điều kinh tởm nhất mà tôi từng nói trong cuộc đời này: “Mọi thứ dần dần rồi sẽ tốt lên thôi”
Kể từ đó, tôi thực sự nhận ra rằng cuộc sống của một số người có thể là tuyệt vọng, cuộc sống của một số người khác lại được định sẵn là một nỗi đau dài đằng đẵng.
Lúc đó, tôi thực sự rất bi quan, nghĩ rằng những lời lẽ đó mình nói ra thật kinh tởm và giả dối. Tôi biết trên đời này làm sao chỉ có người chết và nỗi đau, tất nhiên là cũng có cả niềm vui và hạnh phúc nữa. Nhưng đây là một điều xa xỉ, hầu hết mọi người không tuyệt vọng tột độ nhưng cũng không hề đạt đến đỉnh cao của hạnh phúc.
Hết lần này đến lần khác, trong sự đau khổ và cằn cỗi, ta dựa vào chút hạnh phúc thoảng qua để cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống. Tôi nghĩ đây mới là những người bình thường, còn cậu bé đã mất ấy, cậu ấy không hề tầm thường.

Đối với những người đang trầm cảm, thì việc vẽ ra 1 viễn cảnh tương lai tươi đẹp chính là chuyện cười đối với họ. K sống trong hoàn cảnh đó, trạng thái tâm lí khoẻ mạnh, k thật sự muốn can thiệp mà chỉ đơn giản đứng ở ngoài cửa hô “cố lên” & trong từng lời nói đều mang ý tứ muốn “dạy đời” người trầm cảm. Phải nghĩ đến A, nghĩ đến B, nghĩ đến tương lai, nghĩ đến sau này, nghĩ đến bla bla…
Nếu cho rằng như thế đã đủ để trở thành động lực sống, “đấng cứu thế” của cuộc đời người khác, thì dừng lại đi, tốt nhất hãy để họ được yên :)))