Khi nào bạn phát hiện ra bản thân đã trưởng thành?

01.

Ba tôi từng nói một câu làm tôi nhớ mãi không quên: đại ý là, dù cho tôi có lớn nhường nào thì trong mắt ba, tôi vẫn là một cậu nhóc. Vì vậy nên ba thường hay lo lắng xem tôi có khỏe không. Mỗi lần tôi về nhà, ông đều lén lút bảo mẹ bỏ vào va-li của tôi mấy thứ thực phẩm chức năng kì lạ. Nhưng so với mẹ, biểu hiện của ba khá tinh tế bởi vì ông không bao giờ nói ra ngoài mặt. 

Mẹ tôi thì lại khác. Mỗi đợt gió lạnh về, bà nhất định sẽ lập tức gọi điện cho tôi, sợ tôi không giữ ấm cơ thể. (Thực ra, tôi đã ngoan ngoãn chuẩn bị quần áo ấm rồi)

Mỗi lần tôi về nhà, mẹ đều hỏi đông hỏi tây, hỏi xem sức khỏe tôi như thế nào, hỏi dạo này sao trông tôi ốm thế, hỏi xem tôi ăn uống có đầy đủ hay không, hỏi tôi có phải thường xuyên thức đêm,… Mẹ tôi có thể liên tục hỏi mấy câu như vậy nhiều lần liền. 

Vì vậy nên rất nhiều khi, ở bên ngoài, ở Bắc Kinh, tôi đều cảm thấy bản thân đã không còn trẻ nữa rồi. Dù gì cũng 30 tuổi rồi, không thể coi bản thân là trẻ con được nữa. Những chuyện vụn vặt trong công việc, tôi đều nuốt hết vào lòng. Về mặt cảm xúc thì tôi cũng không đăng lên vòng bạn bè cho bất kì ai xem nữa.

Đương nhiên, cũng không thể cho ba mẹ biết được. Nhưng những lúc về đến nhà, tôi lại như biến thành một đứa trẻ, không quan tâm ngày mai sẽ ra sao, không suy nghĩ xem ngày mai sẽ ăn gì, hàng ngày đều ngủ đến lúc dậy mới thôi, sau đó thì sao?

Sau đó thì bị mẹ tôi lôi ra khỏi giường.

Nói chung là, đó là cảm giác “giống như quay trở về 10 năm trước” vậy.

Nhưng, nó cũng chỉ là “giống như” mà thôi. 

02. 

Nghĩ kĩ mà xem, vẫn luôn có những sự thay đổi.

Ví như, cha tôi sẽ hỏi ý kiến của tôi về một số quyết định;

Ví như người cha từ nhỏ đã cao lớn của tôi, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu lên nhìn tôi vẻ không phục và nói: “Cha mà có hoàn cảnh sống tốt như con, chắc chắn sẽ cao bằng con.”

Ví như người mẹ của tôi, mỗi khi mọc tóc bạc, cha đều sẽ cố gắng nhổ đi từng sợi sớm nhất có thể. Nhưng, tháng ngày qua đi, tóc bạc ngày càng nhiều lên, như vậy sẽ không thể che giấu mái tóc bạc bằng cách nhổ từng sợi đi như trước được rồi. 

Ví như, trong quá trình tiếp xúc, tôi có thể cảm nhận rõ ràng sự chăm sóc của cha mẹ. Họ sợ tôi quay về nhà lại cảm thấy không thoải mái, vì thế nên họ muốn cho tôi môi trường sống tốt nhất; nhưng họ lại sợ bản thân không thích ứng được, ngược lại sẽ làm phiền đến thói quen sinh hoạt của tôi. Bạn xem, thói quen sinh hoạt của chúng ta, thực ra là không giống họ.

Những lúc như vậy, chính là lúc chúng ta cảm thấy bản thân đã trưởng thành rồi. Nhưng tôi phải nói rằng, vào một lúc nào khác, nó lại cho bạn biết rằng, bản thân không thể là đứa trẻ đó được. 

Khoảnh khắc này thường đi kèm với hai từ, một là “mong manh” và hai là “trách nhiệm”.

03. 

Lúc nào thì chúng ta thực sự trưởng thành?

Đó là khi cha mẹ không thể che giấu sự mong manh của mình trước mặt chúng ta, đó là khi chúng ta có thể cảm thấy cần phải gánh vác gia đình.

Rất lâu sau này, tôi mới có thể ý thức được những áp lực mà bố tôi phải gánh vác. 

Hồi tôi còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, tôi không biết việc dưỡng dục một gia đình cần nhiều sức lực như thế nào, cần đối mặt với áp lực lớn ra sao. Tôi luôn tỏ ra không thích thú với việc “quanh năm không ở nhà” của bố.

Vào một ngày rất lâu sau này, cả đêm tôi không ngủ được, lúc đi vệ sinh thì nghe thấy có tiếng động trong phòng khách, tôi liền nhón chân đi ra và phát hiện khuôn mặt nhăn nhó của bố đang hút từng điếu thuốc một. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nét mặt buồn bã trên khuôn mặt luôn nghiêm nghị của bố.

Bố đã phát hiện ra tôi, ông kéo tôi ra một bên, lần đầu tiên ông nói với tôi tất cả những áp lực mà ông phải đối mặt. 

Tuy đó chỉ là những câu nói ngắn ngủi, nhưng tôi lại bất chợt hiểu được, bố nói với tôi những lời đó, là vì ông coi tôi là một người trưởng thành, bởi vì ông biết rằng, sớm muộn gì cũng có ngày tôi sẽ phải đối mặt với nó. 

Còn có cả mẹ tôi nữa.

Trong lòng tôi, mẹ dường như là một người không bao giờ biết mệt. Mỗi khi đón năm mới, bà đều sắp xếp những chuyện to nhỏ trong nhà một cách hợp lí, sau đó lại quét dọn nhà cửa, kể cả một hạt bụi cũng đừng hòng bay vào. Sau khi chuẩn bị bữa tối cho cả đại gia đình, mẹ vẫn tràn đầy năng lượng trong bữa ăn, như thể bà không biết mệt mỏi vậy.

Nhưng làm sao mà mẹ lại không mệt được cơ chứ? Chỉ là trước đây mẹ che giấu rất giỏi, bây giờ thì không thể giấu được sự mệt mỏi ấy nữa rồi…

04.

Sau tất cả, chúng ta phải tự gánh vác trách nhiệm của bản thân mình, và đây là thời điểm chúng ta trưởng thành.

Chúng ta sẽ hiểu rằng cha mẹ đang già đi, chúng ta sẽ hiểu được những gì họ bỏ ra mới có thể nuôi ta khôn lớn. Sự vất vả nặng nhọc này, có lẽ cả đời cũng không thể hiểu hết, chỉ có thể dần dần hiểu mà thôi. 

Thực lòng mà nói, những chuyện ta có thể làm chỉ có giới hạn của nó. Nhưng, vẫn luôn có một số thứ ta có thể làm được. Tuyệt đối đừng mất bình tĩnh với cha mẹ, đừng tỏ ra nóng nảy; bạn có thể không đồng tình với quan điểm của họ, nhưng bạn có thể từ từ nói chuyện. Cần biết rằng, trong thời kì chúng ta “nổi loạn”, cha mẹ cũng đã cố gắng hiểu chúng ta nhiều nhất có thể.

Lúc chúng ta xa nhà, hãy nghĩ về những trách nhiệm trên vai. 

Một số người nói rằng đây là một loại áp lực, nhưng nếu chúng ta đều là những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương (hy vọng là tất cả chúng ta), thì bạn sẽ hiểu rằng đây không phải là áp lực, mà là động lực.

Hãy chăm sóc tốt bản thân, hãy chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình và đừng để cha mẹ phải lo lắng. 

Đây là những điều chúng ta nên làm.

Năm nay có thể có rất nhiều người không thể về nhà, vậy thì hãy gọi điện thoại, quay video, nói chuyện nhiều hơn với cha mẹ. Cha mẹ học được những thứ này, không phải vì chạy theo mốt, cũng không phải để theo kịp thời đại.

Họ học được là vì họ muốn nhìn thấy chúng ta nhiều hơn. 

Chúc mọi người có buổi sáng/trưa/tối tốt lành!

Cuộc đời mỗi người sẽ trải qua 3 lần trưởng thành:

Lần đầu tiên: là khi phát hiện ra mình không phải trung tâm của thế giới.

Lần thứ hai: là khi nhận ra có một số việc, dù cho bản thân cố gắng dến thế nào thì cũng không thể thay đổi.

Lần thứ ba: là khi trong lòng đã hiểu rõ sẽ không có kết quả, nhưng vẫn bất chấp tất cả để theo đuổi đến cùng.

Trong cuộc sống, có rất nhiều điều bạn không muốn làm, nhưng không thể không làm. Đó chính là trách nhiệm.

Và cũng có rất nhiều việc bạn muốn làm, lại chẳng thể làm được. Ấy chính là số mệnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *