Gặp người đang khóc trên tàu điện ngầm, xin đừng làm phiền

Tôi từng xem qua một cuộc nghiên cứu: Mười nơi thích hợp để khóc nhất ở Bắc Kinh. Kết quả đứng đầu danh sách là tàu điện ngầm, tiếp đó là bên lề đường, trên cầu, trong văn phòng lúc tăng ca…
Lưu lạc nơi đất Bắc bao nhiêu năm nay, nhìn thấy vô số người lén lau vội nước mắt, hay khóc một cách đau đớn trên tàu điện ngầm, bên đường hay cả trên bàn ăn. Có người khóc vì người thân qua đời, có người khóc vì vừa chia tay với người yêu, có người vì công việc không thuận lợi, có người vì dường như cảm thấy cuộc sống này thật sự quá đỗi khó khăn.
Nếu bạn nhìn thấy có người đang ở những nơi như vậy để cố gắng giải tỏa nỗi buồn, mong bạn đừng cảm thấy kinh ngạc, đừng chê bai, đừng chụp ảnh, càng đừng nên làm phiền họ.
Hãy cho họ một không gian riêng, cũng như cho họ chút tự do giải thoát khỏi áp lực.
Hai năm trước, vào lúc thời gian cao điểm tan làm, nhìn thấy một chàng trai mặc vest, chân mang giày da, dáng người lịch lãm. Cửa tàu điện ngầm vừa mở, cậu ấy tiến vào với vẻ mặt vô cùng nặng nề.
11 giờ đêm, cậu ấy cứ vậy mà ngồi trên tàu điện ngầm, đôi mắt nhắm nghiền. Lát sau, chuông điện thoại vang lên, sau một lúc nghe điện thoại, cơ mặt cậu ấy dần trở nên mất bình tĩnh, vẻ mặt mệt mỏi càng lúc càng trở nên xám xịt, rồi nước mắt cứ thế tuôn rơi mất kiểm soát.
Mọi người xung quanh thấy vậy liền nhiệt tình hỏi han, hỏi cậu ấy đã xảy ra việc gì, có người còn vuốt lưng cậu ấy.
Cậu ấy cầm lấy khăn giấy, lau vội nước mắt rồi nói: “Mẹ tôi qua đời rồi!”, nói rồi im bặt.
Hai mươi phút sau, tàu đến trạm, cậu ấy lau sạch nước mắt rồi đứng dậy rời đi. Tôi hoàn toàn có thể biết rằng, vài phút ngắn ngủi trên chuyến tàu ấy, trái tim cậu ấy sớm đã chết lặng.
Cho đến tận lúc cậu ấy đã rời đi, trong tay tôi vẫn còn nắm chặt tờ khăn giấy không dám đưa cậu ấy. Có thể, điều duy nhất tôi có thể làm, đó là một sự quan tâm trong “thầm lặng”.
Không biết lúc bạn thất tình bạn đã đi những đâu, làm những gì để giải tỏa.
Tuần trước, tôi cùng một người bạn đi ăn ở một quán ăn gần nhà.
Không ngờ rằng, bàn bên cạnh chúng tôi, một cô gái với dáng người vô cùng thanh tú đang ngồi một mình, vừa khóc vừa cố nhét thức ăn đầy miệng.
Nghe bà chủ nói rằng, lúc đầu có một chàng trai đi cùng cô ấy, còn mua tặng một bó hoa lớn, nhưng chưa được bao lâu chàng trai đã đề nghị chia tay.
Lúc đầu cô gái chẳng náo cũng chẳng khóc, bình tĩnh nói lời tạm biệt với chàng trai.
Bạn trai vừa rời đi, cô gái dường như lập tức không thể khống chế cảm xúc của bản thân mà khóc lớn.
Bà chủ còn đặc biệt dặn dò: “Đừng cố để ý đến cô ấy quá nhiều, cũng đừng quan tâm cô ấy, để cô ấy có thời gian điều chỉnh lại trạng thái của mình, tốt nhất cứ để cô ấy ở một mình một lúc”
Một cô gái không màng đến hình tượng, cứ như vậy mà ngồi khóc lớn ở một quán ăn bên lề đường. Đến khi chúng tôi đã ăn xong, cô ấy vẫn chỉ ngồi ngây ngốc ở đấy mà khóc. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in bóng lưng nhỏ bé ấy.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa tôi đi test covid, xếp hàng phía trước tôi là bốn người công nhân đã tuổi trung niên.
Quần áo và khẩu trang của bọn họ đều có chút bẩn, trên mặt lộ rõ sự mệt mỏi. Họ không nhịn được mà lớn tiếng than thở với nhau, chẳng chút mảy may chú ý đến người xung quanh. Than rằng ông chủ nợ tiền lương dây dưa không trả, làm việc ở đấy vô cùng nhàm chán, nhưng lại chẳng thể mặc kệ không làm, trong nhà trên có mẹ lớn tuổi dưới là con thơ, dù cho ông chủ đáng ghét đến đâu cũng chỉ có thể nhẫn nhịn.
Sự thật mà nói, họ nói chuyện rất lớn tiếng, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến những người đang gọi điện thoại, đang làm việc hay đang chơi điện thoại, nhưng người khác đều không có ý quở trách bốn người bọn họ.
Cuộc sống luôn sẽ đem đến cho người ta những nỗi khổ, những thời khắc sụp đổ tưởng chừng như khó mà chống đỡ nỗi. May mắn thay, vẫn còn có người đồng cảm với chúng ta, có thể thấu hiểu chúng ta, nguyện ý thấu hiểu chúng ta.
Thật ra hai năm trước tôi cũng từng trải qua tình cảnh như vậy.
Có một lần tưởng chừng như đau khổ đến tận cùng, cứ thế ngồi trên xe taxi mà khóc lớn. Bác tài xế chẳng nói lời nào, chỉ lẳng lặng đặt bịch khăn giấy trước vị trí ngồi của tôi. Điểm xuống xe của tôi là giữa một cây cầu, có lẽ bác tài xế sợ tôi làm chuyện dại dột, không rời đi mà cứ đỗ xe bên cạnh tôi. Bác đợi tôi hơn 20 phút, đến khi tôi ngừng khóc mới an tâm lái xe rời đi, tiếp tục chở khách khác.
Đoạn thời gian ấm áp thầm lặng ấy làm cho tôi nhận thấy thì ra mình không hề cô đơn đến vậy, sự việc kia hóa ra cũng chẳng đáng sợ đến thế.
Phải chăng mỗi người chúng ta đều sẽ trải qua khoảnh khắc này?
Lúc chìm ngập trong áp lực công việc, hay lúc chen chúc trên tàu điện ngầm, hay trong đêm tối tĩnh lặng chẳng có người thân cạnh bên. Những lúc màn hình máy tính tắt lặng, khoảnh khắc bị một cậu nhóc vô ý nào đó tông trúng, những lúc vô tình đánh rơi chiếc bình hoa, hay khoảnh khắc dù đã cố gắng tìm kiếm cũng không mua được tấm vé về quê.
Chúng ta dường như bất tri bất giác mà sụp đổ trong một khoảnh khắc nào đó.
Khoảnh khắc ấy, chúng ta hoàn toàn mất niềm tin vào cuộc sống, cảm thấy thế giới này tràn đầy sự tàn khốc, nhưng lại chẳng hề hy vọng có ai đó chú ý đến, bị làm phiền, hay thậm chí là “bị” quan tâm.
Bởi vì khoảnh khắc ấy, chúng ta thật sự gục ngã, vỡ vụn, xấu hổ với chính mình, chỉ mong muốn có được sự “ngầm” cảm thông của những người xung quanh.
Hi vọng những người xung quanh sẽ không cố truy hỏi, không sợ hãi mà trốn tránh, cũng không dùng những đạo lý để răn dạy, khiển trách. Chỉ cần thông qua những hành động nhỏ hay những ánh nhìn ngầm ra hiệu rằng: “Bạn không hề kỳ quặc, không cần cảm thấy bản thân không đủ nhã nhặn, hay cảm thấy xấu hổ với chính mình. Khó khăn của bạn tôi hoàn toàn có thể cảm thông, sự sụp đổ trong bạn tôi cũng vô cùng thông cảm”
Vậy nên, nếu sau này, trong một khoảnh khắc nào đó, có bắt gặp người trưởng thành nào đang gặp phải khó khăn, đừng chụp ảnh cũng đừng làm phiền đến họ.
Ai ai cũng cần có thời gian để điều chỉnh lại cảm xúc, cũng muốn giữ thể diện cho chính mình.
Có lẽ, đợi đến khi nước mắt họ ngừng rơi, bọn họ sẽ lại khôi phục, trở về với cuộc sống của người lớn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *