
Chúng tôi đang tiến hành thu thập các câu chuyện tình của thế hệ trước, chúng tôi muốn sưu tầm những câu chuyện đó, để những cảm động thuần túy kia được lưu giữ mãi mãi.
Họ thông qua cuộc sống bình lặng kể lại câu chuyện lãng mạn của mình, họ bên nhau mà chẳng cần thề non hẹn biển, cũng không hề cháy bỏng rầm rộ, họ đi cùng nhau từ niên thiếu tới bạc đầu, bên nhau vượt qua năm tháng.
Chúng tôi muốn ghi chép lại những câu chuyện này để kể cho những người cần sự ấm áp, cần tin vào tình yêu nghe.
Nếu bạn muốn, chúng tôi cũng có thể viết những câu chuyện này thành bưu thiếp để tặng cho nhân vật chính trong câu chuyện của các bạn.
__________
Cmt của “Những Chặng Đường Núi”:
“Tôi gửi mình vào những bức thư,
Khi bà nghe thấy tiếng xe bưu tá lăn bánh ngang qua,
Đó là lúc tôi tới gặp bà.”
-Đây là bức thư của ông nội tôi viết cho bà nội.
Hiện bà đã lớn tuổi, sức khỏe ngày một yếu dần.
Tuy tôi không muốn nhưng phải chấp nhận một điều, đó là như bao người già gần đất xa trời trong phim truyền hình, bà mắc chứng Alzheimer nặng.
Tôi từng đọc qua một bài thơ về người già:
“Chú chó nhà hàng xóm,
Nhìn thấy gương mặt tôi,
Lùi về sau vài bước.”
Tôi nghĩ, đây có lẽ là một trong những lí do mà bà thường ở lì trong nhà không ra ngoài.
Bà nội tôi không được đi học, vào thời của bà, trẻ con nông thôn chẳng mấy ai được đi học.
Bà là chị cả trong nhà, đi làm ở xưởng dệt từ rất sớm. Chàng trai hay đọc thơ ở căn nhà cạnh xưởng dệt đã lọt vào mắt xanh của bà như thế.
Bà nói, lúc trẻ ông nhã nhặn lắm, mỗi khi đeo kính lên đều khiến tim bà trật nhịp.
Hôm đó gió ấm vờn quanh, tiếng ve kêu râm rang cũng rất nhẹ nhàng, có lẽ vì ánh nắng chiếu lên mắt kính, nhấp nhoáng hòa vào cả thời thanh xuân của một cô gái.
Câu chuyện vừa gặp đã phải lòng đã bắt đầu như thế.
Bà thường nghe ông đọc sách, dù tới nay còn chẳng hiểu được “chi”, “hồ”, “giả”, “dã” là gì, nhưng bà vẫn kiên nhẫn nghe ông đọc tạp chí “Văn học Nhân dân”.
Lúc đó vẫn chưa có tiệm sách, nhưng không hiểu sao cứ vài ba ngày ông lại mượn mấy quyển sách thiếu nhi về, còn lấy cớ là: “Để em học chữ.”
Bà kể, hồi đó bài hát được mọi người yêu thích nhất chính là “Đông phương hồng”, ai cũng học hát theo. Bà hát hay lắm, ngày nào cũng chạy tới hát cho ông nghe, còn không cho ông học bài.
Ông bà đính hôn khi ông vẫn đang học đại học.
Ông viết trong thư:
“Dành dành trộm mất nắng hè,
Anh đem giấu hết mang về cho em.”
Trước ngày đi học, ông đi một chặng đường rất xa, tặng một bó hoa dành dành cho người ông yêu.
Trong sách viết, hoa dành dành là sự chờ đợi đằng đẵng, giống như những bức thư của ông bà sau này: “Thấy thư như thấy người, mở thư nở nụ cười.”
Nhớ lúc còn nhỏ ở cùng ông bà, tôi và ông thường khiến bà giận lắm, lần nào cũng bị bà đuổi ra khỏi nhà bếp.
Lúc đó ông sẽ lấy cái ghế mây mà ông yêu quý ra, còn tôi sẽ bắc thêm chiếc ghế nhỏ, đại hội bóc phốt cứ thế bắt đầu.
Chúng tôi lén khép cửa nhà bếp lại, giống như làm thế thì bà sẽ không phát hiện vậy.
Tôi thường trách bà không cho tôi mua “Thần bếp Tiểu Phúc Quý”, rồi lại nghĩ que cay ngon thế nào, hấp dẫn ra sao; vì sao hai ngày chỉ được ăn một cái pudding, bà cứ cấm không cho chúng tôi làm cái này làm cái kia…
Ông thì hay thấp giọng nói thế này: “Cháu không biết đâu để ông kể cho nghe, hồi bà cháu còn trẻ…”
Ông hay kể về thời ông bà còn trẻ.
Ông kể, hồi còn trẻ, có một thời gian bà mê chơi nhảy dây, cứ tan làm là chạy tới “làm phiền” ông, bắt ông phải chơi cùng bà, còn không cho ông đọc sách, ông đọc sách là bà giận, người đâu mà hay hờn hay dỗi.
Ông còn kể, bà rất thích hát, bà hát thì ông nghe, dù cho bà có lạc nhịp đi nữa…
Hai năm trước, lúc ông vẫn còn, tình trạng của bà chưa nặng lắm, tuy ông cũng thường than: “Chắc chắn là bà mày muốn ông cao huyết áp đây mà.”
(Ông luôn cho rằng ông mắc chứng cao huyết áp là do bà nấu ăn mặn quá.)
Ông là giáo viên Ngữ văn, máu lãng mạn đã ăn sâu vào xương rồi.
Lúc còn nhỏ, mỗi tối khi đi dạo công viên với ông về, chúng tôi đều cầm một nhành hoa về.
Nhất là vào mùa hoa dành dành nở.
Ông chủ đã quen thân với ông tôi, lần nào cũng trêu: “Lại tới mua hoa cho cô nàng nào thế?” Ông cũng cười khà khà trả lời: “Em gái ở nhà thích hoa dành dành lắm!”
Bà không thích váy hoa, nhưng lại thích sưu tầm bình hoa các loại.
Hai năm trước, lúc ông ra đi cũng là mùa hè.
Lúc đó, hoa dành dành còn chưa nở. Sau đó, bà đặt hoa dành dành suốt cả mùa hè, ông chủ tiệm hoa ngày nào cũng đưa hoa tới. Hoa rất nhiều, cắm đầy tất cả bình hoa trong nhà, phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ…
Ngày hạ táng, bà nội không tới.
Bà chỉ ôm hoa dành dành, ngồi thẫn thờ ngoài cửa suốt cả ngày.
Tháng 5 năm này, tính khí bà càng lúc càng kỳ lạ, không hay nói chuyện, thường ngồi một mình.
Có lẽ bà đang đợi một chiếc xe đạp, cũng có thể là đang đợi một người.
Thời gian trước tôi về nhà vào đúng dịp hoa dành dành nở, tôi có mua một bó cắm vào bình hoa, bà vớ lấy nó như một đứa trẻ, ôm chặt không cho ai động vào.
Bà ôm bình hoa, run rẩy trở về phòng, khi quay ra thì ôm một chiếc hộp sắt, trong hộp đầy ắp những bức thư được xếp gọn gàng, bức trên cùng thời gian viết là hai năm trước.
Phần kết của câu chuyện
Tôi không còn bà nội nữa, nhưng ông nội đã đợi được người ông yêu.
