Một giờ sáng, tôi nằm trong vòng tay chồng mà lòng chơi vơi. Đáng lẽ chúng tôi nên ngủ từ cả tiếng trước. Nhưng anh bận lắng nghe những buồn tủi của tôi, còn tôi thì không dám ngủ; bởi tôi đã không còn động lực cho một ngày mới.
Tuần vừa qua có thật nhiều điều xoay vần khiến tôi rơi vào vòng lặp tiêu cực. Đầu tiên là những thất bại khi xây dựng thói quen mới, sức khoẻ không ổn, dự án thực hiện không có tiến triển tích cực… Bên trong tôi rền rĩ: “mình sẽ chẳng thể khá hơn được, tất cả chỉ vô ích thôi.”
Thế là tôi hỏi anh: “Ngày mai sẽ thức dậy với lí do gì đây?”
Anh yên lặng nghe rồi cất lời: “Viết về những tâm trạng này, được không?”
Câu gợi ý ấy nhẹ nhàng va vào những sóng vỗ trong tôi, khiến chúng yên ả hơn một cách bất chợt. Câu hỏi của anh đã trao cho tôi một ý nghĩa để thức dậy vào sáng mai. Những ý tưởng bắt đầu đến, và tôi – tương đối háo hức – muốn ngủ luôn để hoàn thành chúng vào ngày mới. May thay, tôi đã kịp thoát khỏi những vòng lặp tiêu cực để học lấy một bài học mới. Rằng: nếu mất hết động lực hoặc chẳng kiếm đâu ra động lực, vậy thì hãy tự trao cho mình một việc để làm, một ý nghĩa để thức dậy vào ngày mai.
Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện được nhắc đến trong cuốn sách “Đi Tìm Lẽ Sống”. Đó là một người đàn ông già cả đã mất hết động lực sống khi người vợ thân yêu của ông qua đời. Ông tìm đến sự giúp đỡ của tác giả, cũng là một bậc thầy về ý nghĩa sống. Tác giả hỏi: “Nếu ông mất trước người vợ của mình thì bà ấy sẽ ra sao?” Người đàn ông trả lời: “Thế thì sẽ thật kinh khủng, bà ấy sẽ đau buồn chết mất.” Vậy đó, nỗi đau thương mà người chồng đang hứng chịu cũng có một ý nghĩa thật đẹp: bảo vệ người vợ yêu dấu của mình khỏi những khổ đau khi người thân rời xa. Giây phút được trao cho một ý nghĩa để sống, ông đã bình an mà bước tiếp.
Chúng ta luôn cần có một ý nghĩa để có thể thức dậy vào mỗi buổi sáng. Đó có thể là những điều phải tìm kiếm: như một đam mê mãnh liệt, một mục đích sống lớn lao; và đôi khi cũng chỉ cần là những gì đã có sẵn: như một điều nho nhỏ mình có thể làm tốt, một nghĩa vụ phải hoàn thành, hay một nỗi đau bất đắc dĩ. Tuy nhiên, động lực đến từ đam mê và mục đích sống thì không phải ai cũng tìm thấy ngay, và cũng không phải luôn bền vững. Chúng ta thường nhầm tưởng rằng khi bản thân tìm được một đam mê mãnh liệt hoặc một mục đích sống đúng đắn để theo đuổi, ta sẽ không bao giờ biết mệt như một ngọn đuốc rực nóng không có điểm tàn. Nhưng sự thực là bất kì đam mê và động lực nào cũng có đáy và sẽ bị đào kiệt theo thời gian. Kể cả những chuyên gia hay người thành công nhất trong một lĩnh vực nào đó cũng sẽ cảm thấy chán công việc mà họ đam mê, chỉ là, họ biết cách vượt qua sự chán nản. “Hãy học cách yêu lấy sự chán nản” – Đó là câu nói tôi đọc được từ cuốn Atomic Habits của James Clear. Đôi khi động lực không phải tất cả, mà quan trọng hơn đó là thái độ và sự lựa chọn của mình. Thay vì mải mê tìm kiếm bên ngoài, tôi nghĩ sáng suốt hơn là tự trao cho mình một ý nghĩa để thức dậy từ chính những gì mình đang có. Nếu như tôi vẫn còn khả năng và thời gian để viết, thì mai tôi sẽ thực hiện nó. Nếu sự chán nản mất động lực cho tôi chất liệu để sẻ chia, thì tôi sẽ làm lành với nó và trao cho nó ý nghĩa để tôi thức dậy.
Chúng ta rất dễ bị rơi vào bẫy rập của vòng lặp tiêu cực để mà chán nản và bỏ cuộc. Với tôi, cứ mỗi khi tôi rướn người mấp mé vươn tới phiên bản lí tưởng của bản thân thì ngay sau đó lại trượt chân rơi thụp xuống một cái hố sâu. Và thế là vòng lặp tiêu cực bắt đầu: nghi ngờ bản thân, nản chí, rồi hành động với năng lượng yếu ớt, rồi lại càng nghi ngờ và chán nản. Hãy thừa nhận rằng, hầu hết chúng ta đều quá khắc nghiệt với chính mình. Mỗi khi một kết quả không như ý đến, chúng ta tự trừng phạt bản thân vô vàn lần bởi vòng xoáy suy nghĩ tiêu cực, thất vọng, xấu hổ, tự phán xét… Rồi chúng ta nằm dài trên giường, quên mất giờ cơm, thế là ta đặt pizza, ta ngấu nghiến những miếng pizza mỡ màng, ta thấy ổn hơn, sau đó ta lại thấy tồi tệ vì mình đã ăn cả cái bánh pizza thiếu lành mạnh, rồi ta lướt điện thoại, thấy sao bản thân thật thất bại… Vòng lặp đấy sẽ kéo dài hàng tuần hàng tháng nếu ta không thể tự dừng lại và quan sát cuộc hội thoại bên trong chính mình. Hãy dừng lại vài giây, và hỏi bản thân: một điều gì / hành động tích cực gì tôi có thể làm ngay lúc này? Hãy bắt đầu với hành động đấy. Sau khi hoàn thành hành động tích cực đấy, hãy bắt đầu hành động tích cực tiếp theo. Đó là cách ta phá vỡ vòng lặp tiêu cực và bắt đầu một vòng lặp tích cực. Nhớ rằng, nếu những kết quả không như ý là kết quả của chính bạn, vậy thì bạn có quyền lực để thay đổi chúng.
Khi đã đủ bình tĩnh để vượt qua vòng lặp tiêu cực, tôi nhận ra rằng mỗi lần rơi xuống hố là một lần tôi học được bài học mới, và một lần tôi bước gần hơn đến phiên bản mà tôi đang hướng tới. Lần này cũng vậy, chẳng phải là bản thân thất bại hay không tiến bộ nổi. Chỉ là cần phải có những bước chững để mình nhìn lại, rút kinh nghiệm và gói ghém bài học, vậy thôi. Vòng lặp tiêu cực sẽ luôn quay lại, chúng luôn có những bài học để dạy chúng ta. Nhưng đồng thời, sẽ luôn có lối ra từ tận trong sự nản chí. Hãy bắt đầu bằng một hành động tích cực mà bạn có thể làm ngay lập tức, như tôi đang ngồi viết những dòng này để chủ động thoát khỏi vòng lặp chán chường. Và tôi, tạm buông bỏ sự phụ thuộc vào động lực, rời khỏi sự ràng buộc của cảm hứng mà bao dung lấy những chán nản trong mình. Sẽ có những ngày ta thức dậy mà tự hỏi: “động lực đi đâu mất rồi?”. Chẳng sao hết, quan trọng là ta vẫn bước tiếp và phát triển kể cả trong nản chí, vậy thôi.
By Thanh Alice