Chủ nghĩa hư vô hiện sinh (niềm tin rằng không có ý nghĩa hay mục đích nào ngoài sự ảo tưởng của con người) trỗi dậy từ sự suy tàn của những câu chuyện tôn giáo khi phải đối mặt với khoa học. Chủ nghĩa hiện sinh và Chủ nghĩa phi lí là hai giải pháp được đề xuất – giá trị tự tạo và sự nổi loạn.

Vào thế kỷ 19 và 20, nền văn minh hiện đại đã phát triển một cách toàn diện, và cùng với sự phát triển này, những nền móng cũ của thế giới quan tôn giáo đã bắt đầu sụp đổ – để lộ ra một cuộc khủng hoảng về ý nghĩa, cái mà chúng ta gọi là Chủ nghĩa hư vô.
Sự xuất hiện của Chủ nghĩa hư vô này đã khiến các triết gia một lần nữa phải nghiêm túc nhìn nhận lại cái câu hỏi triết học sáo rỗng từ lâu – ý nghĩa của cuộc sống là gì?
Từ sự gắn kết mới với ý nghĩa này, đã có ba xu hướng nổi lên. Cái gốc của vấn đề đã có – Chủ nghĩa hư vô, tức là sự nhận thức rằng không có một ý nghĩa khách quan nào đối với cuộc sống của chúng ta. Và đã có hai câu trả lời xuất hiện để vật lộn với vấn đề này: Chủ nghĩa hiện sinh và Chủ nghĩa phi lý. Trong tập này chúng ta sẽ tìm hiểu xem Chủ nghĩa hư vô nghĩa là gì và hai trường phái tư tưởng này đã cố gắng xử lý sự khủng hoảng mà nó đại diện như thế nào.
MỘT MỤC ĐÍCH THIÊNG LIÊNG
Đối với một kẻ mộ đạo, cuộc đời họ vốn đã được ban sẵn một ý nghĩa sống.
Trong các truyền thống của Do Thái – Kitô giáo, lịch sử của thế giới này được kết nổi bởi sự sáng tạo của Chúa ở một bên, còn ở phía bên kia thì là Ngày phán xét của Thiên đường và Địa ngục. Đối với những ai theo Đạo Phật và Đạo Hindu, ta có câu chuyện về luật nhân quả và vòng luân hồi bất tận mà nó tạo ra. Điểm kết thúc trong hệ thống này không phải là sự chia đôi giữa Thiên đàng và Địa ngục mà là sự giải thoát – được biết tới như là Moksha trong Ấn Độ giáo và Cõi niết bàn trong Phật giáo.
Trong những hệ thống tín ngưỡng của phương Đông lẫn phương Tây này, nhân loại có một vị trí đặc biệt – trung tâm của thế giới.
Nhưng khi thế giới quan theo chủ nghĩa hiện đại phát triển mạnh mẽ, nó đã loại bỏ những tàn tích còn sót lại từ tư duy tôn giáo và thứ ý nghĩa khách quan này đã tan biến mất. Khi chúng ta phát triển một mô hình về thực tại ngày càng tốt hơn và không còn cần phải dựa vào các vị thần để đưa ra lời giải thích về thế giới, ta bắt đầu vứt bỏ các vị thần linh này cùng những niềm tin gắn liền với họ.
Như Nietzsche đã chỉ ra, Cơ đốc giáo đánh giá cao tính trung thực và rèn giũa đức tính này ở các tín đồ của nó, chỉ để rồi phải hứng chịu chính quả đắng mà nó trồng nên. Vào thế kỷ 19, tính hiện đại đã chập chững bước sang chế độ trường kỳ với một số những tác phẩm bùng nổ.
SỰ RA ĐỜI CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG Ý NGHĨA
Vào những năm 1830, David Strauss đã xuất bản cuốn Cuộc đời của Giê-su. Cuốn sách nổ tung như một thanh thuốc nổ trong nhà máy sản xuất pháo hoa. Nó nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn học gây tranh cãi làm xói mòn niềm tin vào Kinh thánh như một cuốn sách lịch sử. Năm 1841, cuốn sách Tinh tuý Thiên Chúa giáo của Ludwig Feuerbach được xuất bản. Nó nghiên cứu ý tưởng rằng Chúa vốn là một sự phóng chiếu tâm lý của loài người. Feuerbach, người mà tên có nghĩa là dòng suối lửa, là người có ảnh hưởng lớn đến Karl Marx, người đã tuyên bố rằng:
“Không có con đường nào dẫn đến sự thật và tự do ngoại trừ con đường băng qua suối lửa”
Ngay sau Strauss và Feuerbach, mũi tên thực sự nhắm trúng trái tim của những câu chuyện tôn giáo là việc xuất bản cuốn sách Nguồn gốc các loài của Darwin vào năm 1859.
Xu hướng văn hoá này cuối cùng đã lên đến đỉnh điểm trong sự kiện thảm khốc mà Gã Điên của Nietzsche đã nói đến trong cuốn The Gay Science. Gã điên của Nietzsche – giống với giai thoại Diogenes – đã thắp một chiếc đèn lồng giữa buổi bình minh và tiến vào khu chợ để tìm kiếm Chúa, chỉ để rồi bị những người dân thị trấn chế giễu với tất cả sự mỉa mai của chủ nghĩa hiện đại đầy đắc thắng. Sau đó gã điên đã phát biểu trước mọi người, lặp lại bài phát biểu của Chúa ở phần cao trào của Sách Ông Gióp:
“Thượng đế đã đi đâu rồi?” hắn kêu. “Ta sẽ nói cho các ngươi hay. Chúng ta đã giết người – ta và tất cả các ngươi. Tất cả chúng ta là lũ sát nhân đã giết ngài. Nhưng chúng ta đã làm nên chuyện này bằng cách nào? Bằng cách nào mà ta đã uống cạn được biển lớn? Ai đã cho ta chiếc bông thấm lau khô đường chân trời? Chúng ta đã làm gì khi cởi trói trái đất ra khỏi vầng mặt trời của nó? Giờ đây trái đất đang đi về nơi nao? Giờ đây chúng ta đang đi về nơi nao? Rời xa khỏi tất cả những vầng mặt trời chăng? Phải chăng ta đang nghiêng ngửa liên tục? Ra sau, sang ngang, tới trước, xoay nghiêng, đủ mọi chiều? Liệu có còn lên và xuống nữa không? Phải chăng ta đang lênh đênh như trôi dạt vào cõi hư không bất tận? […] Lẽ nào chúng ta không nghe ngóng được tiếng lao xao của những kẻ đang đào mồ chôn mả Thượng đế hay sao? Không ngửi được mùi thần thể người đang phân rã hay sao? Mọi Thượng đế rồi cũng đều sẽ phân rã. Thượng đế đã chết. Thượng đế đã chết. Thượng đế vẫn chết. Và chúng ta đã giết Người. Làm sao đây để an ủi bản thân, những kẻ sát nhân của tất cả những kẻ sát nhân? Đấng linh thiêng và hùng cường nhất mà thế giới can tâm công nhận đã chảy máu đến chết dưới lưỡi dao của ta: vết máu này ai sẽ lau cho sạch?”
— The Gay Science §125
Đoạn văn này của Nietzsche giống như một lời kêu gọi khẩn thiết của Chủ nghĩa hư vô. Nó đã tuyên bố sự tàn lụi của những giá trị khách quan. Ra sau, sang ngang, tới trước, xoay nghiêng, đủ mọi chiều là cách mà chúng ta định hướng bản thân trong thế giới ngoại tại. Cái chết của Thượng đế đã đẩy toàn bộ mối quan hệ của chúng ta với thực tại – chiếc la bàn của cuộc đời chúng ta – vào tình trạng hỗn mang.
Ý NGHĨA VỀ CÁI CHẾT CỦA THƯỢNG ĐẾ
Nói một cách triết học thì Thượng đế là nền tảng của các giá trị bên ngoài và của ý nghĩa khách quan. Không có sự tồn tại của Thượng đế, không có thần thánh, thế giới ngoại tại thiếu đi mất cái mục đích tối hậu (telos), nó thiếu đi cái mục đích và cái ý nghĩa khiến chúng ta có thể định hướng bản thân. Nền tảng khách quan của đạo đức và mục đích của con người đã mất đi. Khoảng trống này thật tàn khốc làm sao.
Và do vậy, đây là thứ khủng hoảng mà Chủ nghĩa hư vô đã nói đến. Bằng cách hoàn toàn dựa vào ý nghĩa của những lời phê bình Thánh kinh và những hiểu biết sâu sắc của Copernicus, Newton và sau này là Darwin, thực tại không còn là địa tâm và lấy con người làm trung tâm nữa. Với cái vũ trụ mang tính quy luật mà Newton bắt đầu bóc trần và câu chuyện tiến hoá mà Darwin đã khám phá ra, những vị thần không còn mang tính cần thiết ngoại trừ một vai trò hẹp hòi, trần trụi trong Đệ nhất động cơ (Uncaused Cause) của Aristotle, hoặc họ cũng chỉ tựa như một tia sáng sinh động khiến cho cuộc sống vận động mà thôi.
Những lời giải thích hữu hình về thế giới ngoại tại tỏ ra hữu ích hơn nhiều so với những lời giải thích tôn giáo. Do vậy, những câu chuyện tôn giáo này đã bị người ta ném vào bãi phế thải.
Vấn đề ở đây là những giải thích tôn giáo tinh ranh này lại gắn liền với nền tảng đạo đức và ý nghĩa của con người. Cái chết của Thượng đế đã dự báo trước một cuộc khủng hoảng về ý nghĩa.
CHỦ NGHĨA HIỆN SINH LÀ GÌ
Đây là vấn đề gốc rễ mà từ đó chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa phi lý đã phát triển. Trước khi chúng ta xem xét lời đáp trả của từng trường phái, ta cần phải tìm hiểu vì sao lại có quá nhiều những nhầm lẫn xung quanh sự khác biệt giữa Chủ nghĩa hiện sinh và Chủ nghĩa phi lý.
Rắc rối nằm ở bản thân việc sử dụng thuật ngữ Chủ nghĩa hiện sinh, thuật ngữ này được sử dụng nhiều hay ít tùy thuộc vào người viết. Theo một số định nghĩa, Camus và Chủ nghĩa phi lý của ông là những trường phái phụ của chủ nghĩa hiện sinh, trong khi ở những định nghĩa khác, chúng hoàn toàn khác biệt.
Chủ nghĩa hiện sinh thường bao gồm các nhà tư tưởng trong thế kỷ 19 như Kierkegaard và Nietzsche, những người đã xuất hiện trước nguồn gốc của thuật ngữ này rất xa vào giữa thế kỷ 20.
Nhằm khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn, ta còn có những người thường được phân loại là những người theo Chủ nghĩa hiện sinh như Heidegger và Camus, những người đã công khai tuyên bố rằng họ không đi theo Chủ nghĩa hiện sinh. Và vì vậy, định nghĩa chính xác về Chủ nghĩa hiện sinh trở nên khá mơ hồ.
Vì mục đích của tập này, Chủ nghĩa hiện sinh sẽ tập trung vào triết học của Jean-Paul Sartre. Vì nhiều lý do mà Sartre là triết gia gần nghĩa nhất với Chủ nghĩa hiện sinh. Ông không chỉ định nghĩa thuật ngữ Người theo chủ nghĩa hiện sinh và khai sinh ra nhiều thuật ngữ và cụm từ chính của nó, mà còn là một trong số ít những triết gia tự nhận mình là người theo chủ nghĩa hiện sinh.
LỜI ĐÁP TRẢ CỦA NHỮNG KẺ THEO CHỦ NGHĨA HIỆN SINH
Để giải quyết vấn đề mà Chủ nghĩa hư vô đặt ra và sự biến mất của ý nghĩa khách quan, lời đáp trả của Chủ nghĩa hiện sinh của Sartre trước tiên là xác định thế nào là con người. Và đây chính là lúc mà câu nói nổi tiếng của ông, Hiện hữu trước bản chất sau, bắt đầu mang sức ảnh hưởng.
Bản chất là một thuật ngữ bắt nguồn từ triết học Hy Lạp cổ đại. Đối với Aristotle, bản chất của một vật được tạo thành từ những đặc điểm xác định của nó. Khái niệm về bản chất này gắn liền với ý tưởng liên quan đến mục đích tối hậu, tức là mục đích của một vật. Do đó: bản chất của một con dao là dùng để cắt, bản chất của một cái cốc là để chứa chất lỏng, và bản chất của một chiếc thuyền là để chạy trên mặt nước.
Theo quan điểm cổ điển của triết học, bản chất của một sự vật có trước sự tồn tại của nó. Nếu như cái cốc không thể chứa chất lỏng, vậy thì đó không phải là cái cốc vì nó thiếu đi khía cạnh thiết yếu.
Trước khi cái chết theo nghĩa bóng của Thượng đế xuất hiện, người ta nói rằng bản chất của chúng ta đã xuất hiện trước cả sự hiện hữu của chúng ta. Con người có một mục đích cụ thể — đối với Aristotle, về cơ bản chúng ta là những người có lý trí. Còn đối với những người theo đạo Cơ đốc, chúng ta là những kẻ sa ngã cần phải khao khát được cứu rỗi. Nhưng với Chủ nghĩa hư vô, những ảo tưởng này đã không thể tiếp diễn được nữa và những gì được bóc trần ấy là không có một thứ ý nghĩa khách quan nào hết. Không có một mục đích tồn tại nào lớn lao hơn nhân loại.
Và do vậy chúng ta phải đối mặt với một sự trống rỗng về ý nghĩa. Chúng ta sống trong một vũ trụ vô nghĩa, vậy thì làm thế nào để xác định chúng ta là ai đây? Bản chất của con người là gì? Đối với Sartre, bản chất được xác định bởi sự tồn tại của chúng ta, bản chất của chúng ta là những gì chúng ta làm, cách chúng ta hành động trong thế giới. Như ông đã nói trong cuốn Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (Existentialism is a Humanism): “con người chẳng là gì khác ngoài cái họ hướng tới”
Ông nói thế này:
“bản chất của con người vốn không tồn tại, vì rằng Thượng đế vốn không tồn tại để nghĩ ra bản tính ấy. Con người không chỉ tồn tại như nó được quan niệm, mà còn tồn tại như nó muốn thể hiện; và bởi nó được quan niệm sau khi có sự hiện hữu, và bởi nó muốn tỏ ra sau khi có cái đà ấy hướng tới sự hiện hữu, nên con người không là gì khác ngoài những gì mà nó tự tạo nên. Đó là nguyên tắc đầu tiên của Chủ nghĩa hiện sinh”
Và do vậy, đối mặt với cái khoảng trống vô nghĩa mà Chủ nghĩa hư vô đã đề ra, câu trả lời của người theo Chủ nghĩa hiện sinh ấy là, chúng ta phải tự tạo ra ý nghĩa của riêng ta thông qua hành động của mình. Ý nghĩa khách quan không tồn tại nên ta phải tự tạo ra ý nghĩa riêng bằng cách sống cuộc sống của mình.
Và đó là câu trả lời của những kẻ theo Chủ nghĩa hiện sinh đối với vấn đề của Chủ nghĩa hư vô.
LỜI ĐÁP TRẢ CỦA NHỮNG KẺ THEO CHỦ NGHĨA PHI LÝ
Tính Phi lý vốn là một ý tưởng mà chúng ta tìm thấy ở Kierkegaard, nhưng nó chỉ thật sự được Albert Camus phát triển đầy đủ thành một triết lý trong tiểu luận dài thành sách của ông – Thần thoại Sisyphus.
Chủ nghĩa phi lý là lời đáp trả của ông đối với vấn đề của Chủ nghĩa hư vô. Ông đã mở đầu cuốn Thần thoại Sisyphus với một trong những câu mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử triết học:
“Chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc, đó là sự tự sát. Đánh giá xem cuộc sống đáng sống hay không đáng sống cũng chính là trả lời cho câu hỏi có tính nền tảng của triết học”
Khi đối mặt với vấn đề của Chủ nghĩa hư vô, chúng ta đang đặt câu hỏi liệu việc thiếu mục đích khách quan có đồng nghĩa với việc cuộc sống không đáng sống hay không.
Tính Phi lý chính là chiếc chìa khóa để Camus định hình câu hỏi. Tính Phi lý là nơi chạm mặt giữa hai điều: một bên là cái thực tại khách quan lạnh lùng và vô nghĩa, còn bên kia là động lực cố hữu của loài người trong việc đi tìm ý nghĩa. Tính Phi lý nảy sinh từ sự chạm mặt giữa lòng khao khát muốn đi tìm ý nghĩa của chúng ta với một vũ trụ vốn vô nghĩa. Đó chính là sự căng thẳng giữa động lực đi tìm ý nghĩa này và việc không thể nào thoả mãn nó.
Tất cả chúng ta đều chôn vùi trong sự căng thẳng phi lý này và theo như Camus, ta có ba lựa chọn thay thế để giải quyết vấn đề trên

  1. Tự sát: Lựa chọn đầu tiên chính là tự sat. Nếu như cuộc sống không có ý nghĩa thì sao phải tiếp tục sống làm gì? Camus thấy rằng lựa chọn này không thoả đáng. Ông chỉ ra rằng cái chết không có ý nghĩa gì hơn trong cuộc sống và nó chỉ đơn giản là một kiểu trốn tránh vấn đề.
  2. Niềm tin tưởng vô căn cứ: Lựa chọn thứ hai là tin tưởng vào một thứ gì đó vô điều kiện — tin vào một số học thuyết hoặc hệ tư tưởng cho chúng ta biết rằng có một ý nghĩa mà chúng ta phải tin vào. Đây có thể là một tôn giáo như Cơ đốc giáo hoặc một hệ tư tưởng như chủ nghĩa Mác. Ta nuốt một viên thuốc vớ vẩn và đổi lại ta nhận được sự ân xá từ tính phi lý. Camus coi lựa chọn này là tự sát
  3. Chủ nghĩa phi lý: Camus nhận thấy hai lựa chọn này không chân thành và vì vậy ông đề xuất một lựa chọn thứ ba – ấy là đón nhận sự căng thẳng vô độ, đón nhận tính phi lý và dựa vào nó. Lựa chọn thứ ba này chính là Chủ nghĩa phi lý.
    Chủ nghĩa phi lý là một cuộc nổi loạn chống lại sự vô nghĩa. Chúng ta không thoát khỏi tính phi lý thông qua cái chết hoặc tự sát triết học. Chúng ta đón nhận tính phi lý như nó vốn vậy, không lối thoát, và ta duy trì sự căng thẳng của tính phi lí trong mình mà không quay lưng đi.
    CHỦ NGHĨA PHI LÝ vs CHỦ NGHĨA HIỆN SINH
    Camus khuyến khích chúng ta sống một cuộc sống không có sự an ủi — một cuộc sống được định rõ bởi ý thức nhạy bén và sự nổi loạn chống lại cái chết và giới hạn của chính nó. Ông nhìn vào những người theo Chủ nghĩa hiện sinh và bác bỏ những thứ mà sau cùng ông nhìn nhận như là Chủ nghĩa thoát ly và tính phi lý của họ, nói rằng:
    “họ thần thánh hoá những gì đè bẹp họ và đi tìm lý do để nuôi hi vọng vào những thứ làm họ kiệt quệ. Niềm hi vọng gượng ép đó là thứ tôn giáo nằm trong tất cả bọn họ”
    Chủ nghĩa phi lý mang nghĩa tránh xa sự cám dỗ để tạo ra ý nghĩa hoặc tin vào một ý nghĩa nào đó. Những người theo Chủ nghĩa phi lý nổi dậy chống lại sự thỏa mãn sai lầm về khao khát đi tìm ý nghĩa của chúng ta. Thay vào đó, Camus nói rằng chúng ta phải kìm nén sự căng thẳng, kiềm chế không gian của sự vô nghĩa phi lý. Như cách mà ông nói thế này:
    “cách duy nhất để ứng phó với một thế giới không tự do là trở nên hoàn toàn tự do đến mức chính sự tồn tại của bạn cũng là một hành động phản kháng”
    SISYPHUS: NGƯỜI ANH HÙNG PHI LÝ
    Triết lý của Camus về Chủ nghĩa Phi lý được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh — nhân vật thần thoại Hy Lạp Sisyphus. Sisyphus là người sáng lập thành phố Corinth của Hy Lạp. Chàng ta được biết đến là kẻ láu cá nhất trong tất cả loài người và thậm chí còn láu cá hơn chính thần Zeus.
    Khi được đưa đến địa ngục, chàng đã tìm được cách thoát ra. Trong một vài phiên bản truyện, chàng lừa Thanatos, trong những câu chuyện khác là Hades và trong những câu chuyện khác nữa là Persephone. Chàng ta trốn thoát, quay trở lại trần gian và say sưa với niềm vui của thế giới trước khi bị đưa trở lại Địa ngục, nơi chàng bị trừng phạt bằng cách lăn một tảng đá lên một ngọn đồi và nhìn nó lăn xuống lần nữa, sau đó chàng sẽ quay về chân đồi và lặp lại quá trình trong một vòng lặp vô tận.
    Có ba lý do tại sao Sisyphus là biểu tượng của Chủ nghĩa phi lý của Camus. Tình yêu cuộc sống của chàng ta được thể hiện khi chàng trốn thoát khỏi địa ngục và quay trở lại tận hưởng những thú vui của thế giới một lần nữa, điều này hoàn toàn trái ngược với quan niệm phủ nhận sự sống của Chủ nghĩa hư vô.
    Lý do thứ hai là hình phạt của Sisyphus — sự phi lý khi lăn một tảng đá lên đồi chỉ để rồi thấy nó lăn xuống lần nữa và bị buộc phải lăn tảng đá một cách lặp đi lặp lại, trong khi biết rõ kết quả không thể tránh khỏi. Sisyphus bị mắc kẹt trong một chu kỳ vĩnh cửu của sự phi lý.
    Lý do thứ ba khiến Sisyphus là hiện thân của Chủ nghĩa phi lý của Camus là vì chàng ta là một kẻ nổi loạn. Chàng ta đánh lừa thần chết và các vị thần để trở lại với sự sống. Chàng nổi loạn chống lại trật tự cơ bản của mọi thứ, chàng nổi loạn chống lại các vị thần.
    Tất cả những điểm này đã kết hợp với nhau trong dòng kết sách tuyệt vời của Camus như sau:
    “Tôi bỏ đi, để lại Sisyphus dưới chân núi! Người ta sẽ luôn luôn tìm thấy lại gánh nặng của mình. Nhưng Sisyphus dạy cho ta một sự chân thật cao hơn, đến độ có thể phủ nhận các vị thần và nâng những tảng đá lên. Chàng cũng kết luận mọi sự đều tốt đẹp. Vũ trụ từ đây không còn chủ nhân dường như không còn trơ trụi hay vô ích đối với chàng. Mỗi nguyên tử của tảng đá kia, mỗi vảy khoáng vật trong ngọn núi ngập bóng đêm kia, trong bản thân nó tạo thành một thế giới. Bản thân cuộc tranh đấu hướng tới đỉnh cao là đủ đế lấp đầy trái tim con người. Ta phải tưởng tượng là Sisyphus hạnh phúc”
    Và vì vậy, Chủ nghĩa phi lý không phải là về việc đi tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống mà là nổi loạn chống lại sự phi lý của cuộc sống, là việc đứng ngoài nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa, nổi loạn chống lại chính trò chơi phi lý và khẳng định cuộc sống đúng với bản chất của nó. Nó là sự đấu tranh với tính chính trực, bởi sự đấu tranh hướng tới những đỉnh cao này đã đủ để lấp đầy trái tim của con người ta. Đối mặt với cuộc khủng hoảng của sự vô nghĩa mà Chủ nghĩa hư vô mang lại, người theo chủ nghĩa phi lý không nổi cơn thịnh nộ và tự sát, họ không bám lấy chiếc bè cứu sinh gần nhất và tự sát triết học. Người theo chủ nghĩa phi lý khẳng định cuộc đấu tranh và tận hưởng cuộc sống đúng với bản chất của nó. Ta phải tưởng tượng là Sisyphus hạnh phúc.
    TÓM LẠI
    Nói tóm gọn lại: Chủ nghĩa hư vô là sự nhận thức rằng không có ý nghĩa khách quan. Chủ nghĩa hiện sinh trả lời điều này bằng cách nói rằng có thể tạo ra ý nghĩa của riêng chúng ta thông qua những lựa chọn mà chúng ta đưa ra trong cuộc sống của mình. Mặt khác, Chủ nghĩa phi lý nói rằng chúng ta không nên tìm cách tạo ra ý nghĩa của riêng mình mà nên nhìn thẳng vào bản chất của tính phi lý và chống lại sự vô nghĩa này.

Ô có nhiều bác cứ bị tiêu cực hoặc là anti chủ nghĩa hư vô hiện sinh nhỉ! Chủ nghĩa hư vô hiện sinh có phải là “đáng buồn” hay “lũ thất bại” gì đâu… nó là cảm giác nhẹ nhõm sau cùng sau một thời gian đằng đẵng hỏi những câu hỏi lớn, tìm hiểu mọi thể loại tôn giáo và đi những con đường ít ai đi để rồi cuối cùng cũng tìm được sự bình yên với sự thật rằng… lý do vì sao vốn không quan trọng. Tôi ở đây và tôi không cần phải thanh minh điều đó với bất kỳ ai và với bất kỳ một đấng trên cao nào hết, tôi cứ thong thả sống trong khi đang ở đây và khi mọi chuyện kết thúc. Đm tất cả luôn.

Đấy không phải là cái gì đáng buồn, đấy là sự hợp lý. Và đấy là cảm giác bình tĩnh sâu sắc với một người như em, kẻ đã dành hết phần lớn đời mình đi hết từ thần học hay hệ tư tưởng cực đoan này sang hệ khác để trốn tránh nỗi sợ hãi hiện sinh của mình… lý do vì sao không quan trọng và kết quả thì lúc nào cũng như nhau – đều có lợi cả thôi.

Cuộc đời giống như chương trình Whose Line is it Anyway ấy. Tất cả đều là dàn dựng và cũng chẳng quan trọng, nhưng em vẫn sẽ xem nó.


Có một thời gian dài em cảm thấy kiểu như “tất cả chỉ diễn ra trong đầu ta thôi” và thực sự thì mấy thứ này toàn là do ta tự dàn dựng mà ra. Em không biết là mình là người theo chủ nghĩa hư vô hiện sinh, nhưng biết thì cũng hay, giờ em có thể xác định bản thân với một thứ khác cũng được bịa ra rồi ????


Em không muốn tranh cãi đâu chỉ muốn đưa ra một số thảo luận ở đây thôi. Em nghĩ rằng một điểm khác biệt quan trọng thường không được đề cập khi thảo luận về Nietzsche và Chủ nghĩa hư vô là Nietzsche đã đặt niềm tin của mình vào Tri thức luận của Kant – nhưng Tri thức luận của Kant không thực sự ủng hộ ý tưởng “Không có bất kỳ ý nghĩa nào cả”, mà thay vào đó nó ủng hộ ý tưởng “Ta không biết và không thể nào biết liệu ý nghĩa có tồn tại hay không” Em tự hỏi liệu sự khác biệt đó có làm cho những ý tưởng như bước nhảy vọt niềm tin của chủ nghĩa hiện sinh của Kierkegaard bớt phi lý hơn không – bởi vì ta vẫn nên tranh luận về khả năng tồn tại của một thế giới với ý nghĩa mà chúng ta không hiểu.


Em luôn hình dung rằng thỉnh thoảng ta phải sẵn sàng đối mặt với sự phi lý, như cách ta có thể đối mặt với một người bạn cũ (có thể nói như vậy), nhưng không nán lại. Các hệ tư tưởng có thể hữu ích một cách hợp pháp: có những giới hạn đối với những gì một cá nhân có thể hiểu được và những lời nói dối nhỏ bé mà chúng ta tự nói với bản thân có thể mang lại lợi ích cho hạnh phúc và phúc lợi của chúng ta.
Chúng ta tự lừa dối bản thân và tự nhủ rằng giết người là xấu xa, bởi vì chúng ta không muốn sống trong một thế giới nơi chúng ta có thể bị giết, nhưng khi tình huống thay đổi thì cách nhìn của chúng ta cũng phải như vậy. Khi chúng ta bị tấn công bằng một con dao, những lời nói dối chúng ta tự nhủ với bản thân tan vỡ, ta tự nói với mình một lời nói dối mới: rằng không sao cả vì chúng ta đã tự vệ. Nếu không bao giờ nhìn vào tính phi lý (và nhận ra rằng tất cả chỉ là những thứ giả tạo), chúng ta có nguy cơ xây dựng các hệ thống đạo đức ngày càng phức tạp và siêu cụ thể và chúng ta có thể đánh mất mục tiêu thực sự là hạnh phúc và sự thịnh vượng trong hành trình của mình.
Nhưng trong lúc này, khi một hệ tư tưởng đang làm việc thiện thực sự đối nghịch với cái ác thực sự (về mặt thực sự cải thiện cuộc sống của con người), em nghĩ rằng những lời nói dối là một sự giải thoát chính đáng khỏi nỗi sợ hãi căng thẳng của chủ nghĩa phi lý.
Nếu chúng ta tưởng tượng là Sisyphus hạnh phúc, chúng ta có thể không bao giờ tưởng tượng được một thế giới nơi chàng ta có thể thoát khỏi xiềng xích vật chất của mình. Chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội để chàng được hạnh phúc hơn. Chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội thuần túy để giết (các) vị thần áp bức mình một lần và mãi mãi, vì sự thờ ơ với quyền lực của họ và sự đánh giá sai về quyền lực của họ đối với trái tim và khối óc của mọi người. Nếu chúng ta chấp nhận tính phi lý, chúng ta có thể sẽ không bao giờ thấy được mục đích xây dựng bất cứ thứ gì đáng để được gán cho ý nghĩa cả. Đây là cái giá của chủ nghĩa phi lý.
TLDR: Em nắm giữ tính phi lý trong tầm tay. Nó là một tấm gương hữu ích để phản ánh bản thân một cách phê phán, nhưng lại là một khoảng trống vô tận và trêu ngươi, hứa hẹn nhiều điều hơn những gì nó nên hứa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *