Xét tuyển đại học bằng chứng chỉ Ielts – những hệ lụy lâu dài

Các trường Đại học được tự chủ tuyển sinh nên việc đưa thêm các phương thức tuyển sinh mới, trong đó có xét tuyển kết hợp bằng chứng chỉ IELTS là quyền của các trường. Công bằng mà nói, 1 thí sinh có điểm IELTS cao “nhiều khả năng” sẽ có các yếu tố: có ý thức học tập (không lười), năng lực tiếp thu (không tồi), gia đình có điều kiện kinh tế (không nghèo). Một thí sinh có nền tảng như vậy thì việc học tập và cơ hội công việc sau khi ra trường sẽ không tệ. Có được những thí sinh như vậy rất có lợi cho trường 

Tuy nhiên, ở cấp độ vĩ mô, xét trên lợi ích chung của xã hội thì việc đổ xô đi học và thi chứng chỉ IELTS không hẳn có lợi. Nó có phần giống với cái “trend” du học tự túc quãng 5-10 năm trước. Lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc cộng gộp lại là rất khổng lồ. IELTS chỉ nên là 1 trong các tiêu chí để xét tuyển với tỷ lệ hạn chế và cho một số ngành học nhất định, có nhiều đặc điểm phù hợp, hơn là mở rộng một cách tràn lan.

Nhìn rộng ra, không nên lấy năng lực tiếng Anh làm giới hạn cả đầu vào lẫn đầu ra của sinh viên. Nhiều trường hiện nâng chuẩn tiếng Anh đầu ra cho sinh viên lên cao dần. Sẽ có những sinh viên năng lực chuyên môn rất tốt nhưng hạn chế ngoại ngữ (vì nhiều lý do khác nhau) không thể ra trường. Như vậy là rất vô lý.

Trong thực tế cuộc sống, ở bất cứ ngành nghề nào, thậm chí là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bạn sẽ thấy phần lớn mọi người vẫn thực hiện tốt công việc của mình mà không cần thường xuyên sử dụng ngoại ngữ ở trình độ cao. 

Người ta hay gán trình độ tiếng Anh với sự hội nhập, phát triển, giàu có, thịnh vượng. Tuy nhiên, trong thực tế, các quốc gia giàu có ở Đông Á (gần gũi với VN nhất về văn hóa cũng như con đường đi tới sự thịnh vượng) như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, … người dân cũng không giỏi tiếng Anh. Xét ở góc độ đầu tư thì vốn FDI vào Việt Nam nhiều nhất là từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, …. trong tương lai sẽ còn nhiều hơn nữa từ khu vực này. Và thực tế là những bạn biết tiếng Hàn, tiếng Trung trong những năm gần đây mới có lợi thế lớn (điểm chuẩn những ngành này cũng rất cao).

Hãy để thực tế nhu cầu sử dụng ngoại ngữ của xã hội điều tiết việc học ngoại ngữ, không nên dùng công cụ hành chính để áp đặt. 

Đôi khi, mình tự hỏi: chúng ta cho trẻ con học tiếng Anh miệt mài từ cấp mầm non, tới hết phổ thông, rồi chốt lại bằng chứng chỉ IELTS. Suốt mười mấy năm trời cho 1 thứ ngoại ngữ như vậy có thật sự ổn không?!!! 

Chắc sẽ không đến nỗi như tiếng Nga ngày xưa đâu, nhưng rất có thể, phải mất nhiều năm nữa, thực tiễn kinh tế – xã hội sẽ định vị lại giá trị của việc học tiếng Anh hôm nay một cách đúng đắn hơn. Lúc đó thì đã lãng phí rất nhiều rồi, và biết đâu đấy, còn có cả những hệ lụy khó nói rõ được hết 

Cre: Vũ Khắc Ngọc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *