Xã giao có một tiếng, nghỉ ngơi mất một tuần: Người hướng nội có nhất định phải hướng ngoại hơn không? (P2)

04. TÔI LÀ MỘT CHÚ CÁ HƯỚNG NỘI, BƠI LỘI TRONG BIỂN NƯỚC HƯỚNG NGOẠI

Là một người hướng nội, từ nhỏ đến lớn những người xung quanh vẫn thường hay có kiểu lo lắng không đầu không đuôi rằng: Cái đứa nhỏ này sao lại không thích mở miệng nói chuyện như vậy chứ, có khi nào bị tự kỷ rồi không?

Trong quan niệm của giáo viên và những người lớn trong nhà, trẻ con yên lặng, an tĩnh, thích ở một mình đều không hoà đồng, không tốt. Từ bé đến lớn, môi trường trường học không ngừng đề cao hoạt động đoàn đội, ý thức tập thể, thúc ép mỗi người đều phải nỗ lực trở nên hoạt bát cởi mở, khiến bản thân ngày càng “hoà đồng”.

Một người bạn đi du học của tôi nói, cô ấy không chịu nổi nhất là cảnh trong mấy buổi họp mặt đi vòng quanh trò chuyện với một mớ người mà cô ấy không hề biết. Nội tâm chỉ văng vẳng một tiếng thét gào: Sao còn chưa kết thúc nữa! Làm ơn cho tui về nhà đi!!!

Ở chỗ làm cũng vậy, phần lớn chúng ta hiện nay đều làm việc ở văn phòng mở, liên lục hứng chịu tạp âm và ánh mắt của mọi người xung quanh. Có một vài người sẽ trưng trên bàn làm việc mấy thứ hoa cỏ để trang trí, đồng thời cũng giúp cản đường nhìn, xây dựng phòng tuyến an toàn. Còn tôi, tôi chỉ muốn trồng luôn một hàng chuối kế bên bàn làm việc của mình.

Khi phải động não (brainstorm), người hướng ngoại sẽ tư duy sôi nổi. Tuy nhiên không phải chỉ có tích cực phát ngôn, không ngừng trao đổi ý kiến mới có được ý tưởng hay. Khi ở một mình cũng sẽ kích thích được óc sáng tạo, nhiều lúc trong một cuộc họp ngắn ngủi không đủ để người hướng nội có thói quen tư suy sâu có thể biểu đạt được hết suy nghĩ của họ.

Trên thực tế, trường học, công ty hay những nơi quan trọng hầu như đều được thiết kế để phù hợp với người hướng ngoại hơn. Môi trường xã hội cũng tận lực mang đến sự kích thích cho con người, bất kể có phù hợp với nhu cầu của người đó hay không.

Thậm chí trong cuộc sống hằng ngày luôn có những hoàn toàn không hợp với người hướng nội, ví dụ như:

  • Lúc đi mua sắm: Tui biết tui cần mua cái gì, có thể nào để tui tự mình xem được không…
  • Lúc gọi xe: Bác tài, tui thực sự không muốn bàn chuyện chính trị ở Mỹ chút nào…

Vào những lúc thế này tôi thường hay hoài nghi: Tại sao tán gẫu lại biến thành một chuyện đương nhiên như vậy? Rồi thế là người hướng nội bị biến thành người cần được người khác khoan dung, thông cảm????

05. NGƯỜI HƯỚNG NỘI CÓ NHẤT ĐỊNH PHẢI TRỞ NÊN HƯỚNG NGOẠI HƠN KHÔNG?

Bởi vì bị người ngoài nhận định là thiếu đi năng lực xã giao, người hướng nội dần dần biến thành một dạng “tính cách thiếu hụt”. Có rất nhiều người hướng nội cũng tự cảm thấy phiền não vì “khuyết điểm” này của mình, bắt đầu tìm cách trở nên hướng ngoại hơn để có thể tồn tại trong thế giới hướng ngoại này.

Vậy thì mấy cái mẹo “giúp” người hướng nội cải thiện tính cách rốt cục là cái gì? Tôi từng tham gia một hoạt động kiểu như “Thử thách bản thân”, một người hướng nội như tôi đã rút phải những “tấm vé địa ngục” sau:

  • Hãy giới thiệu bản thân với một người lạ
  • Mỉm cười với 3 người lạ đi qua trên đường
  • Ôm thật chặt người bạn ở kế bên bạn
  • Hét to “Tôi không sợ hãi xã giao

Tôi không biết đây có phải là thử thách bản thân không, nhưng cảm giác đau khổ tột cùng thì thật sự có tồn tại đó…

Trong văn hoá của ngừoi Trung Quốc, sự khó xử của những hành động đó thì lộ rõ rành rành. Chẳng qua mấy thử thách nhỏ này lấy “hướng ngoại” làm mục tiêu, ép những người hướng nội phải bước ra khỏi vòng an toàn của mình. Hoặc cũng có thể từ trước đến nay những người hướng ngoại không bị bắt phải thay đổi tính cách của họ.

Con người là loài có tính xã hội cao. Khi gặp phải trường hợp không biết phải xử lý như thế nào, tiềm thức thôi thúc con người học theo và bắt chước những gì người khác làm. Nếu như thế giới không hề có người hướng nội, vậy thì trên đời cũng mất đi không ít những nhà khoa học, nhà soạn nhạc, nghệ thuật gia, nhà triết học,…

Người hướng nội chỉ cần mỗi ngày có một chút thời gian dành cho chính mình; không cần phải thay đổi, không cần phải “chữa lành”. Chỉ cần khi chúng tôi muốn có một khoảng thời gian yên tĩnh, xin đừng bắt chúng tôi trò chuyện.

06. TÔI CHÍNH LÀ TÔI, MỘT NGƯỜI HƯỚNG NỘI KHÁC BIỆT

Khi tôi lên nghiên cứu sinh có học một lớp tâm lý học, thầy từng một lần phân lớp thành 2 nhóm người hướng ngoại và người hướng nội (do học sinh tự mình đánh giá). Sau đó cho bọn tôi thảo luận nhóm câu hỏi: Bạn muốn nhóm kia thấu hiểu điều gì ở bản thân nhất?

Nhóm hướng nội nắm lấy cơ hội để giải thích cho bản thân: Chúng tôi không phải là đám mọt sách không có chính kiến, chúng tôi cũng có năng lực xã giao, có bạn bè thân thiết…

Những lời này không nằm ngoài dự đoán của tôi. Điều tôi bất ngờ là khi nghe được thành viên của nhóm hướng ngoại nói những điều mà tôi chưa từng suy nghĩ qua. Họ nói:

  • Chúng tôi không lỗ mãng, chỉ là chúng tôi có thói quen suy nghĩ thông qua lời nói;
  • Khi bọn tôi làm chủ một cuộc trò chuyện, không phải là bọn tôi cố ý tỏ ra vô duyên hay công kích ai cả;
  • Khi bọn tôi kiếm người trò chuyện, đơn giản chỉ muốn làm cho không khí náo nhiệt hơn thôi

Điều đó khiến tôi ý thức được từ trước đến nay tôi luôn tin rằng người hướng ngoại và môi trường xã hội mà bọn họ tạo ra đã chèn ép những người hướng nội. Nhưng thực tế, những điều mà người hướng ngoại không hiểu về chúng tôi, cũng nhiều như cách mà người hướng nội chúng tôi hiểu sai về bọn họ.

Mỗi người đều là một cá thể độc lập và đặc biệt, mà hướng nội hay hướng ngoại chẳng qua chỉ là một nhãn dán mà chúng ta dán lên cho mình. Suy cho cùng, hướng nội và hướng ngoại không phải là lưỡng phân (dichonomy) mà là một quang phổ liên tục (spectrum) của tính cách. Mỗi người chúng ta đều có tính cách phân bố khác nhau trên quang phổ này, thâm chí có một số người có tính cách vừa đúng chính giữa của quang phổ, được gọi là tính cách trung gian (ambiverts)

Chúng ta chỉ cần hiểu rằng, sự đơn độc (solitude) rất quan trọng. Đối với một số người, đó chính là lối sống của họ. Và họ cũng đang sống rất tốt.

Nếu như bạn là một chú cá hướng nội thích bơi lội một mình, vậy thì cứ tiếp tục hướng nội thực ra cũng rất tốt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *