Tức giận, buồn bã và trầm cảm: Những nhánh cây trên cùng một thân cây

Tôi không phản đối việc giận dữ, tôi phản đối tình trạng dồn nén cơn giận. Tôi không lên án tình dục, tôi lên án việc đè nén hoạt động tình dục. Mọi điều trong hiện tại đều tốt; bất cứ thứ gì bị mang vác từ quá khứ đều có hại, đều là bệnh tật.

Cảm xúc - Osho

Cảm xúc – Osho

Thông thường, cơn giận không xấu. Thông thường cơn giận là một phần của cuộc sống tự nhiên; nó đến và đi. Nhưng nếu bạn kìm nén cơn giận, nó sẽ trở thành vấn đề. Sau đó, bạn tiếp tục tích lũy cơn giận. Lúc này, nó không còn là chuyện đến và đi nữa; nó trở thành chính con người bạn. Lúc này, không phải đôi khi bạn mới tức giận; bạn luôn giận dữ, luôn trong cơn thịnh nộ, và bạn chỉ chờ ai đó kích động. Hoặc thậm chí chỉ cần một chút khiêu khích, bạn sẽ bốc hỏa và làm những việc mà sau này bạn sẽ nói: “Tôi đã làm một việc mà bản thân không hề muốn”.

 Hãy phân tích cách biểu đạt này: “bản thân không hề muốn”. Sao bạn có thể làm chuyện bản thân không muốn? Nhưng cách biểu đạt này hoàn toàn đúng. Cơn giận bị kìm nén sẽ trở thành cơn điên nhất thời. Chuyện gì đó xảy ra ngoài tầm kiểm soát của bạn. Hẳn là bạn đã kiểm soát chuyện đó nếu bạn có thể, nhưng nó đột nhiên tuôn trào. Bỗng nhiên, nó vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn, bạn không thể làm gì được, bạn cảm thấy bất lực – và nó xuất hiện. Một người như vậy có thể không tức giận, nhưng anh ta hoạt động và sống trong giận dữ.

Nếu bạn quan sát con người… đứng bên lề đường và chỉ quan sát, bạn sẽ thấy có hai kiểu người. Hãy cứ tiếp tục quan sát khuôn mặt của họ. Toàn bộ nhân loại được chia thành hai kiểu người. Một là kiểu buồn bã, những người trông rất buồn, có phần nặng nề. Hai là kiểu tức giận, chỉ chực chờ để nổi điên, sẵn sàng bùng nổ vì bất cứ lý do gì. 

Cơn giận là nỗi buồn đang hoạt động; nỗi buồn là cơn giận bất hoạt. Chúng không phải là hai thứ.

Hãy quan sát hành vi của chính bạn. Khi nào bạn thấy mình buồn? Bạn chỉ thấy mình buồn trong những tình huống bạn không thể tức giận. Sếp nói gì đó và bạn không thể tức giận, vì bạn có thể bị đuổi việc. Bạn không thể nổi giận và bạn phải tiếp tục mỉm cười. Sau đó, bạn trở nên buồn bã. Năng lượng đó trở thành bất hoạt. 

Một người chồng bị sếp mắng ở công ty. Cuối ngày, khi đi làm về, anh ta sẽ tìm một lý do nhỏ nhặt, không liên quan gì để nổi giận với vợ. Con người thích tức giận; họ thưởng thức cơn giận vì ít ra họ cảm thấy mình đang làm cái gì đó. Trong lúc buồn bã, bạn cảm thấy có chuyện gì đó đã xảy ra với mình. Bạn ở thế bị động ở vị trí người nhận. Chuyện gì đó đã xảy ra với bạn và bạn bất lực, bạn không thể đáp trả, bạn không thể trả đũa, bạn không thể phản ứng.

Khi nổi giận, bạn cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Sau một cơn giận đùng đùng, người ta cảm thấy thư giãn một chút và việc đó mang lại cảm giác dễ chịu. Bạn còn sống! Bạn cũng có thể làm được việc gì đó! Dĩ nhiên, bạn không thể làm những việc này với sếp, nhưng bạn có thể làm với vợ của mình.

Sau đó, người vợ đợi các con trở về – bởi vì tức giận với chồng là việc chẳng khôn ngoan, anh ta có thể sẽ đòi ly dị. Anh ta là sếp, và người vợ phụ thuộc vào anh ta, thế nên nổi giận với anh ta là một việc làm nhiều rủi ro. Cô ấy sẽ đợi bọn trẻ. Chúng sẽ về nhà sau khi tan học, khi đó cô ấy có thể la rầy và trừng phạt chúng – vì lợi ích của chúng. Và bọn trẻ sẽ làm gì? Chúng sẽ về phòng và ném đồ đạc, xé sách vở hoặc trừng phạt búp bê, trút giận lên gấu bông. Chúng sẽ phải làm gì đó. Mọi người phải làm gì đó, nếu không, họ sẽ buồn.

Những người buồn bã mà bạn thấy trên phố, những người buồn lâu đến mức gương mặt của họ đã mang nét buồn bã cố hữu, là những người bất lực đang ở tận những bậc thang dưới cùng nên không thể tìm thấy ai để trút giận. Đó là những con người buồn bã, và ở những bậc cao hơn là những con người giận dữ. Càng lên tới những bậc thang cao hơn, bạn sẽ tìm thấy những con người giận dữ hơn. Càng leo xuống thấp, bạn sẽ tìm thấy những người buồn bã hơn.

Tại Ấn Độ, bạn có thể thấy những người thuộc tầng lớp thấp nhất, những tiện dân, đều trông buồn bã. Sau đó, hãy nhìn vào những giáo sĩ và học giả Bà La Môn (Giáo sĩ và học giả Bà La Môn (Brahmin) là những người thuộc đẳng cấp cao nhất trong bốn đẳng cấp của xã hội Ấn Độ cổ đại); họ tức giận. Một người Bà La Môn luôn tức giận; anh ta nổi giận vì bất kỳ chuyện vặt vãnh nào. Một tiện dân thì chỉ đơn giản là buồn, bởi vì không có ai thấp hơn anh ta để anh ta có thể trút giận.

Cơn giận và nỗi buồn là hai mặt của cùng một nguồn năng lượng, chúng đều là năng lượng bị dồn nén.

*** 

Một cơn giận bình thường không phải là thứ gì sai trái. Trên thực tế, những người có thể tức giận và quên hết ngay sau đó là những người rất tốt. Bạn sẽ luôn thấy họ thân thiện, sống động, giàu tình yêu thương, đầy trắc ẩn. Còn những người luôn kìm nén cảm xúc của mình, không ngừng kiểm soát cảm xúc, không phải là người tốt. Họ luôn cố gắng chứng tỏ họ thánh thiện hơn bạn, nhưng bạn có thể nhìn thấy cơn giận trong mắt họ. Bạn có thể nhìn thấy cơn giận trên khuôn mặt của họ, bạn có thể nhìn thấy nó trong mọi cử chỉ của họ – trong cách họ bước đi, cách họ nói chuyện, cách họ giao thiệp với người khác, bạn có thể thấy cơn giận luôn sôi sục ở đó. Họ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Họ là những kẻ sát nhân, những tên tội phạm, những kẻ bất lương thật sự.

Giận dữ mới là con người, giận dữ không phải là chuyện xấu. Tức giận chỉ đơn giản là một tình huống mà trong đó bạn bị kích động và vì bạn đang sống nên bạn phản ứng với sự kích động đó. Nó đang cho người khác biết là bạn sẽ không nhịn; nó cho thấy đây không phải là tình huống mà bạn có thể chấp nhận; nó đang truyền đạt rằng bạn muốn nói không. Cơn giận là sự phản kháng và tức giận không có gì sai.

Hãy nhìn đứa trẻ khi nó nổi giận với bạn. Hãy nhìn mặt nó! Nó tức giận đến mức đỏ cả mặt và trông như thế muốn giết bạn. Đứa trẻ nói: “Con sẽ không bao giờ nói chuyện với cha mẹ nữa. Bo xì!”, và chỉ một giây sau, bạn thấy nó đang ngồi trong lòng bạn nói chuyện líu lo. Nó đã quên. Bất kể nó đã nói gì trong cơn thịnh nộ, nó không còn nhớ nữa. Những lời đó không trở thành hành lý trong tâm trí của đứa trẻ. Đúng là trong cơn giận dữ, đứa trẻ đã nổi giận và nói điều gì đó, nhưng lúc này, cơn giận đã biến mất và tất cả những lời nó nói lúc đó cũng biến mất. Đứa trẻ không vĩnh viễn đắm chìm trong cơn giận, đó là một cơn bộc phát nhất thời, một gợn sóng. Đứa trẻ không bị đóng băng trong đó, mà nó là một dòng chảy liên tục. Gợn sóng đã ở đó, một con sóng đã nổi lên, nhưng bây giờ nó không còn nữa. Đứa trẻ không mang theo gợn sóng đó mãi mãi. Ngay cả khi bạn nhắc lại cho nó nhớ, đứa trẻ sẽ bật cười. Nó sẽ nói: “Vô lý thật! Con không nhớ mình đã nói vậy. Có chuyện như vậy sao ạ?”. Nó sẽ nói: “Con thật sự đã nói như vậy sao? Không thể nào!”. Đó là một cơn giận nhất thời. 

Đây là điều bạn cần phải hiểu. Một người sống trong thực tại có lúc sẽ tức giận, đôi khi vui, đôi khi buồn. Nhưng bạn có thể tin tưởng rằng người đó không mang theo những cảm xúc này mãi mãi. Một người kiểm soát gắt gao và không cho phép bất cứ cảm xúc nào xuất hiện trong bản thân mình là người nguy hiểm. Nếu bạn xúc phạm anh ta, anh ta không tức giận; anh ta kìm nén cơn giận. Theo thời gian, anh ta tích lũy quá nhiều cơn giận đến mức anh ta sẽ làm việc gì đó thật sự kinh khủng. Cơn giận bộc phát nhất thời không có gì sai trái – nó đẹp theo cách nào đó. Nó chỉ đơn giản cho thấy bạn vẫn còn sống. Một cơn giận nhất thời chỉ cho thấy bạn không chết, bạn đang phản ứng với các tình huống và phản ứng một cách chân thật. Khi bạn cảm thấy đó là tình huống cần tức giận, cơn giận xuất hiện. Khi bạn cảm thấy tình huống đó cần vui, bạn vui. Bạn xuôi theo hoàn cảnh, bạn không có định kiến về việc ủng hộ hay chống lại nó. Bạn cũng không có hệ tư tưởng nào như vậy. 

Tôi không phản đối việc giận dữ, tôi phản đối tình trạng dồn nén cơn giận. Tôi không lên án tình dục, tôi lên án việc đè nén hoạt động tình dục. Mọi điều trong hiện tại đều tốt; bất cứ thứ gì bị mang vác từ quá khứ đều có hại, đều là bệnh tật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *