
Từ nhỏ, tớ đã luôn tự ti về ngoại hình của mình. “Mắt bé, mũi tẹt, trán dô” luôn là những tính từ mẹ giới thiệu tớ đến mọi người. Tớ nhận thức được (hoặc được tiêm nhiễm nhận thức) rằng: MÌNH XẤU XÍ.
Mọi người chắc hẳn đều nghe nhiều đến Luật hấp dẫn. Tớ thì chưa tìm hiểu cơ chế của Luật này để mà phân tích ở đây, nhưng tớ nghe nói rằng: khi bản thân mình tin vào điều gì mạnh mẽ, thì mình có xu hướng chứng minh điều đó. Biết áp dụng thì nó rất tích cực, nhưng tớ đã vô thức dùng nó để biến lời của mẹ thành sự thật. Có lẽ lời nói của mẹ chỉ là câu đùa vui chốc lát với mọi người, nhưng sự tự ti thì ăn sâu bén rễ thành niềm tin sâu sắc và thường trực: MÌNH THẬT SỰ XẤU XÍ.
Ai có thể trở nên xinh đẹp khi luôn ủ dột, tự tin, so sánh với người khác và thấy mình thấp kém? Ai có thể trở nên xinh đẹp khi nhận được lời khen của người khác thì tức giận, tổn thương vì thấy người ta đang mỉa mai mình?
Lớn lên, niềm tin kia càng được củng cố nhờ các khuôn mẫu trong truyền thông đại chúng. Vẻ ngoài được-cho-là-đẹp của một người, được đo đạc cẩn thận từ đầu đến chân, biến thành tiêu chuẩn và lan truyền rộng khắp mọi nơi loài người có thể nhìn thấy. Mũi thì phải cao từng này, mắt thì phải to từng này, môi thì phải dày từng này, mặt thì phải nhỏ từng này, da thì phải trắng từng này. Những ĐẶC ĐIỂM của một nhóm thiểu số/ hoặc của một chủng tộc khác được quy chuẩn thành thước đo cho SỰ XINH ĐẸP của số đông.
Rất nhanh chóng, vẻ đẹp tiêu chuẩn kia không chỉ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà dần tràn ngập ở thế giới thực. Nhờ makeup và công nghệ thẩm mỹ, mọi người như chị em một nhà.
Thật khó hiểu khi chúng ta luôn cố gắng duy trì sự đa dạng sinh học, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng chịu đau đớn để giống một ai đó trên tạp chí; và lịch sử đã chứng minh tiêu chuẩn cho cái đẹp là chủ quan, khác biệt, luôn biến đổi theo thời gian, địa lý, chủng tộc,…
Mãi cho đến khi lên đại học, tớ mới thôi bị ám ảnh bởi việc nhìn thấy bất cứ ai trên đường đều so sánh từng bộ phận của họ với từng bộ phận trên cơ thể và mặt mũi mình, chỉ để chứng minh “Mình không đến nỗi xấu” nhưng kết luận cuối cùng luôn là “Chả ai có thể xấu hơn mình nữa”. Đó là lý do trước đây, khi tớ nói chuyện với một chị, chị ấy rất ngạc nhiên: “Sao ai mày cũng khen xinh thế, mà tao có thấy xinh đâu?”
Cho đến bây giờ, tớ cũng vẫn không thấy ai xấu được, vì luôn có thể nhìn ra ít nhất một nét xinh đẹp của bạn ấy, và với tớ như thế đã là quá đẹp. Nhưng may mắn là, tớ đã dừng hẳn việc so sánh với ngoại hình của bản thân. Tớ cũng bắt đầu vui vẻ khi nhận được lời khen của mọi người, thay vì cho đó là lời xã giao hay kháy mỉa. Và việc viết về sự tự ti khổng lồ, đánh vào nơi dễ tổn thương nhất này, nghe có vẻ đơn giản, nhưng đã một bước tiến lớn, chứng minh tớ đã nhổ được cái gai trong lòng.
Gai thì đã nhổ, nhưng sẹo thì khó mà hết trong một sớm một chiều. Bên ngoài tích cực vậy nhưng sâu thẳm bên trong thì sự tự ti thâm căn cố đế vẫn còn đó. Bảo là hết 100% thì rất khó, vì tớ đã nuôi lớn nó trong hầu hết thời gian của cuộc đời, và mới chỉ dừng lại vào khoảng 2 năm trước thôi.
Nhưng tớ tin là nó có thể hết đấy, nhờ những con người tuyệt vời không đánh giá tớ theo những quy chuẩn khuôn mẫu mà tớ đã và sẽ gặp, nhờ việc tớ đang cố gắng khiến mỗi ngày trôi qua không hoài phí.
Viết đến đây, tự nhiên nhận ra, việc tự yêu và được yêu thật sự là liều thuốc hoàn hảo cho những vết thương tinh thần ^^
Cre ảnh: Pinterest
