Hẳn ai cũng từng nghe huyền thoại “ăn ốc đổ vỏ” của loài chim tu hú. Trên thực tế, trong tự nhiên có rất nhiều tình huống nuôi nhầm con. Loài bướm xanh alcon dưới đây cũng có một cuộc sống kí sinh như vậy, tuy nhiên cái kết không có hậu cho lắm.
CUỘC SỐNG ĂN BÁM AN NHÀN
Ấu trùng bướm xanh Alcon (tên khoa học: Phengaris alcon) bọc mình với “lớp màng” tiết ra một loại chất giống mùi của ấu trùng kiến. Khi những con kiến chạm vào lớp màng đó, chúng sẽ lầm tưởng rằng sâu bướm xanh alcon là ấu trùng kiến và mang nó về tổ.
Vì kích cỡ của ấu trùng bướm lớn hơn ấu trùng kiến rất nhiều, nên khi ở tổ kiến, kiến chúa và kiến thợ chăm sóc cho sâu bướm rất chu đáo, thậm chí còn quan tâm hơn chính ấu trùng kiến của mình.
Kiến lửa châu Âu (tên khoa học: Myrmica rubra) là một trong những “mái nhà chung ấm áp” của sâu bướm xanh alcon. Để chống lại các vị khách không mời, tổ kiến đã tạo ra những chất mang mùi khác. Tuy nhiên loại mùi này sẽ biến mất nếu chúng giao phối với những đàn chưa hình thành cơ chế phòng vệ tương tự.
Bạn tưởng câu chuyện đến đây là kết thúc sao? Không, hãy xem cú “plot-twist” ngoạn mục sau.
DING DONG! THIÊN ĐỊCH TÌM ĐẾN CỬA
Bướm xanh alcon có một thiên địch – loài ong bắp cày Ichneumon eumerus. Khi ong bắp cày Ichneumon eumerus phát hiện trong tổ kiến có ấu trùng bướm xanh alcon, chúng sẽ ngay lập tức ập vào tổ kiến và phun một loại “cocktail” pheromone đặc biệt khiến đàn kiến tự tấn công lẫn nhau.
Ong bắp cày ngụp lặn trong trận địa bạt ngàn những kiến để tìm kiếm tình địch, sau đó đẻ trứng vào bên trong ấu trùng bướm xanh alcon rồi bỏ đi. Đến khi bướm xanh alcon trở thành nhộng, trứng của ong bắp cày sẽ bắt đầu phát triển và tiêu diệt gọn ghẽ chú nhộng non từ trong ra ngoài. Ấu trùng ong bắp cày kí sinh sau đó giả dạng thành ấu trùng bướm xanh alcon rồi tiếp tục cuộc sống cơm bưng nước rót trong tổ kiến.
Nguồn bài viết: Fanpage Kim Đồng – Tri thức trẻ