Thiên kiến nhận thức muộn: Khi ta tưởng mình biết tỏng rồi.

Là sinh viên, tôi luôn ước mình “tiên đoán” được ngày điểm danh. Tôi từng đội mưa đi học vào 6h45 sáng, đến lớp lúc còn vắng vẻ và rồi thầy cô không hề đụng đến danh sách sinh viên. Tôi thở dài nghĩ biết thế đi muộn hoặc nghỉ một hôm cho vui, nhưng thường thì điểm danh rơi vào đúng hôm tôi nằm ngáy ở nhà. Từ đó tôi mới biết rằng mình chẳng biết tỏng điều gì cả.
Hay ví dụ khác nhé; một người có mối tình tan vỡ vì xuất hiện kẻ thứ ba. Người đó thổn thức nói trong khi nước mắt hoà lẫn rượu: “Sao tôi mù quáng thế chứ? Giá như tôi biết anh/cô ta tằng tịu từ trước, giá như không cố chấp tin tưởng…” Nhưng trí óc bạn không phải yếu tố duy nhất, tại sao nó phải gánh hết phần lỗi? Còn những biến số như sự phản bội của kẻ kia, sự khéo léo che giấu hành tung của bọn chúng… nếu không vô tình lộ ra thì hoạ chăng chỉ có nhà ngoại cảm biết được. Bạn đừng căng thẳng về những việc mình không biết trước/không thể kiểm soát.
Nãy giờ bạn thấy điểm chung chứ; đó là các cụm từ “Biết thế”, “biết thừa”, “giá như”… Bộ não chúng ta đang ôm đồm quá nhiều sự kiện ngoại cảnh và biến nó thành trách nhiệm của mình; hành vi này chỉ xảy ra SAU khi gặp sự việc trái ý muốn. Đúng vậy, tôi đang miêu tả hiện tượng Hindsight bias, trong tiếng Việt là “Thiên kiến nhận thức muộn màng”.
Thiên kiến nhận thức nói chung là những quy luật, nếp quen, đường mòn mà bộ óc có xu hướng đi theo, chi phối cách chúng ta tư duy và ra quyết định. Tuy các thiên kiến khác nhau về bản chất nhưng đều là những nỗ lực để lý giải thế giới phức tạp này. Để lý giải hindsight bias, tôi cho rằng đó là sự tiếc rẻ của bộ não về những sự kiện đã qua.
Vì sao vậy? Vì bộ não quá kiêu hãnh để thừa nhận sai lầm, nên cố gắng lấy một lý do ngoại cảnh mà nếu sự việc suôn sẻ thì nó chẳng hề tồn tại. Một người đánh trượt pha cầu lông chẳng hạn, nếu quá kiêu hãnh anh ta sẽ nói như sau: “Tôi dư sức đỡ phát cầu đó, chẳng qua tại gió…” Thiên kiến nhận thức muộn là vậy. Gió ảnh hưởng đến đâu thì chỉ người trong cuộc mới biết, nhưng nếu không thể chấp nhận thiếu sót, anh ta sẽ tiếp tục thêu dệt những lý do mới làm cây nạng tinh thần.
Né tránh sai lầm là một chuyện, nhưng tôi nghĩ bản chất của thiên kiến nhận thức muộn là vì con người khao khát sự hoàn hảo, ổn định. Bộ não thích nghĩ “Thế giới này thật dễ đoán, quyết định của mình đã đúng nhất rồi”. Người ta hay buồn lòng vì các vấp ngã (những thứ ngoài dự kiến) trước tiên, rồi thấy không làm gì được mới hài lòng về cả quá trình. Nếu sai lầm trong quá khứ là một vết mực bẩn, thì thật vô lý khi cố gắng cắt vết mực đi làm thủng cả tờ giấy chỉ vì trông nó chướng mắt. Những câu “giá như”, “biết tỏng”, “biết thừa” chẳng khác nào nghiến răng nghiến lợi khắc bút chì vào bia đá. Chúng ta đòi hỏi sự hoàn hảo ở một quá khứ đã ngã ngũ từ lâu.
Mong rằng bạn sẽ hiểu rằng khi gặp chuyện không may, những suy nghĩ xét lại quá khứ trong đầu ta đều có lý do của nó. Đó là Thiên kiến nhận thức muộn, sự nuối tiếc bản năng nhất. Tôi nghĩ sẽ nhẹ nhõm hơn nếu chấp nhận ba điều: mình đã đưa ra lựa chọn hợp lý nhất vào thời điểm đó, mình không thể tiên tri và không thể kiểm soát mọi thứ. Những ai càng dậm chân tại chỗ thì thiên kiến kia càng ảnh hưởng xấu đến họ hơn, nhưng con người không hề bất biến mà luôn thay đổi hướng tới sự tích cực.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *