Khi đến Corleone, Sicily để khảo sát tìm địa điểm làm phim Bố Già, đạo diễn Francis Ford Coppola đã đánh giá khu làng này không còn nét nông thôn nữa, không phù hợp với khung cảnh nguyên bản trong cuốn truyện của Mario Puzo, và thời đó, băng Corleonese đang rất mạnh, không đảm bảo an toàn cho đoàn làm phim, nên ông đã chọn làng Savoca và Forza d’Agro ở Messina để làm bối cảnh chính của ngôi làng Corleone.
Bố già đã nâng tầng Al Pacino với vai Micheal Corleone thành sao hạng A, mang về đề cử Oscar đầu tiên và là khởi đầu cho một chuỗi những màn hóa thân được đánh giá cao trong Serpico, Dog Day Afternoon…Năm 2019, ông được khen ngợi khi xuất hiện trong Once Upon a Time in Hollywood, The Irishman. Hiện nay, Al Pacino đã hơn 80 tuổi có lẽ ông không còn thời gian để quay về thăm Savoca, Forza d’Agrò giống như khi xưa Micheal Corleone từ Mỹ chạy về Sicily để lánh nạn. Tuy nhiên, ông không phải lo lắng khi hàng triệu triệu fan của Bố Già vẫn đổ về nơi đây để nhớ lại những ký ức năm xưa
Điểm đến thứ 6 – Savoca (21km, 38 phút từ Taormina): Có nhiều cách đến Savoca như tự thuê xe và lái đến đây, đi theo tour hoặc thuê lái xe địa phương đưa đi. Do mình không có bằng lái quốc tế và để trải nghiệm kiểu Micheal Corleone nên thuê một chú thuộc Hội bằng hữu chi nhánh Taormina đưa đi. Sáng sớm cậu lái xe này đã đánh chiếc Mercedes E300 mới cáu đến đón ông Việt gốc cây đi Savoca, nhìn quả xe hết hồn tự nhủ “Ở Việt Nam mình chỉ đi chiếc Dream ghẻ mà sao sang đây lại sang vậy”, tay lái xe nói “Anh yên tâm, ông Trùm có nghe nói băng Chém gió ở Việt Nam rất mạnh, nên cử em phải chăm sóc anh, không được để anh phật lòng” “Bọn em có chuẩn bị sẳn bài Speak Softly Love tiếng Ý, tiếng Sicily, tiếng Hy Lạp, tiếng Ả Rập,..cho anh nghe trên xe, nhưng bọn em không có bài Thì thầm tiếng yêu do Thím Đàm rên rỉ đâu ạ”.
Trên đường đi, tay này chạy xe nhanh thôi rồi, như Dom trong “Quá nhanh, quá nguy hiểm” mặc dù đường núi, ngoằn ngèo,…ngồi trên xe sây xẩm mặt mày. Vừa lái vừa líu lô tiếng Anh giọng Ý nói về Bồ già, các băng nhóm mafia, cảnh đẹp ở Messina,…cứ gọi là tưng bừng. Thấy vậy cũng hỏi lại chú mày có biết người nước nào gan dạ nhất không, để tao nói nhỏ này: “Người ta tổ chức ai là người gan dạ nhất thế giới, người Mỹ, Nhật và người Việt vào chung kết. Tay cao bồi Mỹ thì lấy súng bắn vào đầu mình; tay Samurai của Nhật thì lấy kiếm rạch bụng mình, còn chú Việt thì chẳng nói nhiều, mang quả bom ra vừa hút thuốc vừa cưa bom, Ban tổ chức sợ quá vừa chạy vừa la Việt Nam vô đối”, nghe xong chú Cosa Nostra sợ quá lái xe chậm hẳn lại.
Khi đến Savoca, ta sẽ thấy ngôi làng vẫn giữ được nét cổ kính như trong Bố Già. Bạn có thể hít thở, đắm chìm trong bầu không khí gợi nhớ về quá khứ. Ở đây thời gian dường như đã ngừng trôi, người ta có cảm giác đã được trở lại quá khứ khoảng 50 năm trước, khi những chiếc xe hơi còn rất ít và cuộc sống chậm rãi, bình yên, ngôi làng được bao quanh bởi những vườn nho, cam quýt, ô liu và cả những cây xương rồng trĩu nặng những quả chín màu đỏ.
Đầu tiên là ghé thăm Nhà thờ Chiesa Santa Lucia, nơi tổ chức hôn lễ giữa Michael Corleone và Apollonia, đám cưới đi trên con đuờng làng từ nhà thờ đến quán bar Vitelli dưới nền nhạc “Thì thầm tiếng yêu”- Một trong những phân cảnh nổi tiếng của phim Bố Già phần 1,…Ngày nay, nhiều fan hâm mộ đã đến nhà thờ, đi trên con đường đến bar Vitelli và chụp hình cưới giống như cặp đôi Michael và Apollonia vừa đẹp như trong phim lại vừa chất.
Tiếp đó là đến quán bar Vitelli, nơi Michael Corleone gặp Ông chủ quán để hỏi về cô gái Sicily mà anh ta thích khi gặp lần đầu tiên, đó là chính con gái của ông chủ quán – Apollonia, sau này là vợ đầu tiên của Micheal. Lúc đó Micheal bị ông chủ la mắng thậm tệ, vì ông không muốn con gái của mình dính vào người của “gia đình”.
Khi lần đầu tiên gặp ông người Việt gốc cây, ông chủ quán bar Vitelli đời thực và cô cón gái vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi được “Mai cồ” Chuongsss tặng cho cuốn Bố Già phiên bản tiếng Việt và ông trân trọng để nó cạnh cuốn Il Padrino bản tiếng Ý trong phòng lưu niệm. Ông chủ quán nói đây là du khách đầu tiên trong hàng triệu người đến đây tặng ông sách Bố Già. Ông chủ quán cũng tặng lại chiếc áo T-Shirt in hình Micheal Corleone và tên quán bar Vitelli để mang về Việt Nam làm quà kỷ niệm.
Điểm đến thứ 7 – Làng Forza D’Agro: Sau khi ăn bánh ngọt Sicily và làm ly Cappuccino ở bar Vitelli, tiếp tục quay lại Forza D’Agro, cách làng Savoca khoảng 20 phút hướng về lại Taormina. Tại đây có 2 nhà thờ được lấy bối cảnh trong Bố Già: Đầu tiên là Nhà thờ Chiesa di Maria S. Annunziata e Assunta, đây cũng là nơi xuất hiện trong Bố Già 2 lúc cậu bé Vito 12 tuổi trốn khỏi Sicily trên con la khi bị lính của ông Trùm Don Ciccio truy đuổi và cảnh trong Bố Già 1 khi Micheal Corleone lần đầu tiên trở về Sicily lánh nạn. Micheal ngồi trước bậc thềm nhà thờ và đi trên con đường nhỏ trước nhà thờ rồi hỏi 2 cận vệ “Đàn ông ở đây đi đâu hết rồi”, hai cận vệ nói rằng do đánh nhau giữa các băng nhóm nên chết hết rồi. Còn ngoài đời thực thì ở đây thanh niên trong làng lên thành phố đi làm, chỉ còn người già và trẻ nhỏ mà thôi nên làng rất vắng vẻ. Lác đác chỉ có vài fan hâm mộ Bố Già từ nhiều nơi đến đây thăm quan.
Nhà thờ nhỏ thứ 2 là Chiesa della SS Trinità e Convento Agostiniano có kiến trúc Tây Ban Nha. Đây là nơi quay cảnh buổi tiệc đám cưới của Michael Corleone và Apollonia.
Lúc chơi ở làng Forza D’Agro, gặp một cụ ông đeo kính đen rất ngầu như Bố Già ngồi uống café ở quán bar, cụ nói tiếng Anh như gió, hóa ra cụ là Úc kiều, đi làm ăn xa, nay về già nên quay trở lại quê với gia đình để sống những ngày hưu an nhàn. Cụ nói: “Một thằng đàn ông không dành thời gian cho gia đình của mình thì không bao giờ có thể trở thành một thằng đàn ông thực thụ” – trích Vito Corleone. Thấy cụ chém vậy, cũng chém lại “Sức khỏe tốt là điều quan trọng nhất cụ ạ, hơn cả thành công, hơn cả tiền bạc, hơn cả quyền lực” – trích Hyman Roth (Bố già phần 2). Đối đáp quá truất’s nên được cụ mời free một ly Cappuccino rồi chào tạm biệt để quay về Catania.
(còn tiếp Phần 4,…)