“Người ta không đất không nghề ngỗng mới bỏ xứ đi, nhưng nhà này đâu tệ?!”
—
THÁNG GIÊNG GIÓ BỎ NHÀ ĐI
(Nguyễn Ngọc Tư)
.
Bữa ông già về Quảng giỗ họ, thằng cháu nội cũng đi chung một đoạn đường. Nó nói với anh lơ xe rằng mình đi khu công nghiệp Sóng Thần, thả nó chỗ nào gần đó là được. “Chuyện nhỏ, ngày nào mà tui không xuống khách ngay đó”, anh lơ xe búng tay. Thằng nhỏ sợ chưa chắc ăn, dặn vói theo, “tui có ngủ quên thì nhớ kêu đó”.
Nó không muốn bỏ lỡ cuộc đi của mình bởi bất cứ lý do gì, ông già nghĩ trong lúc chỉnh lại cái giường, loại ghế họ lắp trên xe đường dài, cảm thấy tư thế nào cũng làm ông bực bội. Rốt cuộc, ông cứ mặc kệ, ngồi xếp bằng không thèm tựa vào đâu, ngó ra cái bến xe rối bời người đi kẻ đến. Rồi xe lăn bánh, có chút xây xẩm khi nghĩ vài hôm nữa quay lại mình chỉ một mình, ông già buột miệng “đã nói đừng đi, ở nhà đâu có thiếu gì”. Ông còn muốn nói thêm nữa, nhưng thằng cháu đã dứt khoát chặn lời khi lấy tai nghe đeo vào. Không phải chuyện này đã bàn xong rồi sao.
Một bữa cơm trước Chạp, thằng cháu nội ông đột ngột nói sẽ đi miền Đông. Ai nấy đều ngừng đũa. Chuyện này rồi sẽ tới, mọi người trong nhà, kể cả ông già đều lường trước, nhưng khi nó thật sự ập vào thì đỡ không nổi cơn choáng váng. “Ở đây thiếu cha gì công chuyện để làm, sao phải đi?”, bữa đó cả nhà xúm thuyết phục thằng nhỏ, nhưng nó chỉ nói thêm một câu khi lùa xong chén cơm, “xóm này tụi nó đi muốn hết, thằng Chín cũng đi rồi”. Chín là bạn thân nó, nhưng cả nhà biết hai đứa không chỉ thân, Chín còn có đứa em gái duyên, da mật. Cô đã cùng đi với anh mình.
Những thanh niên trong xóm Cầu Nâu kéo nhau ngược miền Đông từ vài năm trước. Hồi đầu thì lác đác, nghe tin đứa nhỏ nào bên xóm đó quảy túi bỏ đi, ông già không mảy may nghĩ chuyện đó liên quan tới mình. Nhưng bữa cúng đình, thấy thanh niên thưa thớt, mấy ông già ngồi kiểm đếm coi con cháu nhà nào đang đi – ở, ra một con số không nhỏ. Nếu như con số có mùi vị, thì nó hẳn mang mùi mất mát. Lúc đó ông già bất giác nhìn thằng cháu mình đang làm trà đá đằng góc sân, thấy bần thần.
Nhưng cảm giác bất an cộm lên trong lòng ông, từ anh em thằng Chín khăn gói đón xe đi Bình Dương. Thằng cháu ông buổi tối không còn chải tóc vuốt keo láng mướt, hớn hở xách xe chạy đâu đó, giờ nó treo mình trên võng cắm mặt vào điện thoại. Hỏi sao không đi xóm chơi, nó nói nhìn coi cái xóm này còn ai nữa mà chơi. Ngoài đường vắng ngắt, đêm là dành cho đám trẻ, nhưng tụi nó giờ cũng tản mác xứ người, nên đêm của những làng xóm miệt này bị bỏ rơi.
Cả nhà lén lút bàn nhau tìm công chuyện cho thằng nhỏ làm, tay chân bận bịu thì nó bớt ngó phía chân trời. Ông già o bế lại cái đầm tôm bỏ không lâu nay, giao hết cho nó, từ coi giữ, cho ăn, đến mỗi tuần lấy mẫu tôm đi xét nghiệm. Thấy thằng nhỏ chăm chỉ, cả nhà mừng. Lúc đó đâu ai biết nó âm thầm gom mớ vốn cho ấm túi lúc ra đi, tiền sẽ bảo đảm cho cuộc trốn thoát thành công, kể cả nó không nhận được sự cho phép của người lớn.
“Người ta không đất không nghề ngỗng mới bỏ xứ đi, nhưng nhà này đâu tệ”, ông già tức tối nói. Con dâu ông, tức má thằng nhỏ, cũng sụt sịt rằng mình no đủ, làm chủ vẫn hơn làm công. Nước mắt chị không làm thằng nhỏ mủi lòng. Và cái cớ yếu ớt đó, nhưng cũng bị thằng nhỏ bẻ gãy cái một, khi kể tên một lô lốc những đứa trạc tuổi nó, con nhà giàu nhưng bỏ xóm đã lâu. Tụi nó rậm rật đi theo tiếng gọi của bạn bè, của những đứa con trai (con gái) mà mình thầm thương nhớ, của những cơn gió mùa, của những chân trời xa xôi.
“Nhà mình có nòi đi mà, ba quên rồi sao”, anh con lớn, cũng là bác Hai thằng nhỏ, an ủi ông già. Anh nhắc ông nhớ, cái chân bị thương phải chống tó của anh cũng từ ham vui mà ra. Anh theo bạn đăng lính đi biên giới Tây Nam. Cái gọi là lý tưởng, cho tới lúc bỏ lại bàn chân trong một bãi mìn cạnh một chòm thốt nốt xứ người, anh vẫn thấy nó mắc cười. Khi đó chỉ tiếc mình bị thương sớm quá, không đi suốt với mấy thằng bạn thân cho tới lúc tàn chiến cuộc.
Cha thằng nhỏ là một ví dụ khác, học hết cấp hai thì bỏ đi lái máy cày cũng vài ba năm. Rồi cây lúa hết thời, anh day qua chạy đò máy, lại mới sắm thêm xe cuốc đi đào hầm tôm nuôi công nghiệp. Chẳng công việc nào ngồi một chỗ, nhưng anh là thằng con trai duy nhất của ông già không đi xa quá đến mức tăm cá mịt mù. Vợ anh coi như có phước nhất trong đám đàn bà, bởi luôn nhìn thấy mặt chồng khi chạng vạng.
Ông già không nhớ chính xác hồi hai mươi hai tuổi, mình đang theo ghe chở cua lên Sài Gòn hay đi lái trâu bên Miệt Thứ. Mấy năm đó còn chiến tranh, ông đang tuổi lính. Bà chị gả cho một sĩ quan cấp tá, kiếm cho thằng em tấm kim bài miễn quân dịch, với ý định cho ông ở nhà quản mấy chục công ruộng tiếp má, nhưng ông cứ rày đó mai đây. Có khi ông theo ghe gánh hát, lúc lại qua Ba Hòn vô chùa học bốc thuốc nam. Ở nhà thấy ông con lù lù về mới biết còn sống, riết rồi má ông không buồn hỏi quãng rồi đã đi đâu và sắp tới sẽ đi đâu. Thấy đi là biết đã đi, vậy thôi.
Vợ ông hồi tại thế cứ nhắc hoài, vụ con trai chưa giáp thôi nôi ông đã nhảy tàu đi Nam Vang chơi với bạn. Bà nói lúc má chồng trao đôi bông cưới, cứ nhìn con dâu bằng cái nhìn áy náy, bà thấy lạ nhưng rồi sớm hiểu tại sao. Người nhà này có máu giang hồ. Vì tính hay đi mà lúc thằng con lén đi đăng lính, lúc người ta bửa đập dẫn mặn vào đồng, lúc bà bị đau thương hàn suýt bỏ mạng, chồng bà đều tình cờ vắng mặt. Giờ bà mà còn sống, chứng kiến thằng cháu nội sửa soạn cuốn gói, thể nào cũng nói nó giống ông chớ ai.
Nhìn vào mình, ông già biết thằng cháu đi chỉ để mà đi, có trời cản nổi. Nhượng bộ duy nhất của nó là ở nhà cho tới ra Giêng. Cái Tết của nó trôi qua chậm đến phát điên, nhưng với cả nhà thì quá nhanh, vèo cái đã hết. Đúng hôm bà con ngoài Quảng gọi điện rủ về giỗ họ, thằng nhỏ nói ông nội nhớ đặt vé cho con đi cùng. Lúc đó, ông đoán nó cho mình một ân huệ cuối: đi với nhau một đoạn đường. Chắc mấy bữa qua nó thấy ông già trắng tóc lụi cụi ngồi rửa bạt phơi đầm, động thương.
Giờ nó ngủ ngay cạnh giường kế ông đây, sau khi mấy cuộc gọi hẹn bạn đón. Cũng có thể nó giả bộ ngủ, vì sợ quá những dặn dò lặp đi lặp lại phát nhàm. Xe sắp đến ngã ba Sóng Thần mà ông già chưa chấp nhận nổi chuyện chốc lát nữa nó biến mất. Nhìn nắng chiếu qua ria mép non mởn, ông nghĩ nó vẫn là một đứa trẻ. Nhưng nó sắp bay ra khỏi tổ, từ chối mọi sự che chở ân cần.
Hình ảnh sau cùng mà ông nhìn thấy là cái lưng của nó, cả khi rời khỏi xe và khi bước xuống lề đường, nó đều quay lưng lại. Chừng như nó sợ nhìn thấy ông nước mắt lưng tròng. Người già mà khóc, coi thê lương. Nó đã ớn nước mắt lắm rồi. Ba lô chỉ mỗi một cái đeo sau lưng, hành lý gọn đến mủi lòng, thằng nhỏ nói mang vác chi cho cực, thiếu gì mua nấy, bạn nó khoe quanh mấy khu công nghiệp thứ chi cũng có. Thằng nhỏ chưa tới nơi chốn này lần nào, nhưng nó tỉnh trân, “bạn con ở đó đông như quân Nguyên”.
Ông già bỗng nghĩ trăm năm trước ông bà mình khi chất hành lý lên ghe men theo bờ biển vô Nam khai phá, phía đó còn không có bạn bè chờ sẵn. Trước mặt mịt mù, nhưng họ vẫn dứt dây ghe cái một. Hôm ông về Quảng tìm lại gốc gác nhà mình, kịp gặp bà cóc một trăm lẻ chín tuổi. Vẫn minh mẫn, cóc nói mẹ của bà kể rằng lúc xô ghe ra không ai ngoái lại. Mẹ cóc khi ấy còn nhỏ, không nhớ tháng nhớ năm, chỉ nhớ bữa đó buồm họ căng gió Bắc.