Self-hatred hủy hoại con người như thế nào?

“Biết ngay là mày sẽ thất bại mà.”

“Cố gắng cũng vô ích thôi.”

“Mày là đồ bỏ đi.”

“Ai mà chịu nổi cái tính của mày?”

“Mày cư xử bình thường chút được không?”

“Tao ghét cay ghét đắng cái bản mặt của mày!”

Nghe có vẻ như mình đang trích dẫn lời lẽ của một vị phụ huynh tồi tệ, hoặc một gã sếp toxic nào đó.

Mình cũng ước rằng đã có một vị phụ huynh tồi tệ, hoặc một gã sếp toxic trong câu chuyện của bài viết này để mình có thể đổ tội và phản bác lại.

Nhưng thực ra, đây đều là những lời nói trong đầu mình.

Đây là những từ ngữ và câu cú mình sử dụng để giao tiếp với chính mình trong cuộc sống hằng ngày.

Hóa ra, người tồi tệ là mình, và người toxic cũng là mình.

Và hóa ra, kẻ mà mình ghét nhất lại là chính bản thân.

Self-hatred, hay sự “tự ghét bản thân”, có lẽ chính là một trong những hệ quả tồi tệ nhất mà những người mang bệnh tâm lý phải gánh chịu.

Thứ suy nghĩ đáng sợ này không chỉ dừng lại ở việc khiến cho các chứng bệnh tâm lý – như trầm cảm hoặc căng thẳng lo âu – trở nên nghiêm trọng hơn. Nó còn trực tiếp gây ảnh hưởng đến đời sống, công việc, các mối quan hệ, hay thậm chí là trong một số trường hợp đáng buồn, nó khiến cho người ta tự tay cướp đi sinh mệnh của chính mình.

Nếu chứng trầm cảm vẫn thường hay được ví von với một chú chó đen, thì cá nhân mình sẽ ví self-hatred giống như một chiếc gương độc ác.

Một chiếc gương mà khi nhìn vào, mình sẽ không thể thấy được gì ngoài những điều xấu xí nhất, tồi tệ nhất, ghê tởm nhất, tiêu cực nhất ở chính bản thân mình.

Mình nói nó “độc ác”, bởi lẽ mình hiểu rằng nó là cái gương có tri giác. Và nó sẽ chỉ hiện ra và tìm đến mình vào những lúc mình yếu lòng nhất mà thôi.

Sau hơn 1 năm thực hành nhiều phương pháp để cải thiện lối sống và sức khỏe tinh thần, cho đến hiện giờ, mình cũng không dám nói chắc là mình đã chế ngự được self-hatred, và chắc chắn là mình vẫn chưa thể hoàn toàn loại bỏ được nó.

Vậy nếu như mình không thể giúp các bạn chế ngự hoặc loại bỏ được self-hatred, thì mình có thể giúp được gì cho những bạn trẻ đang chật vật với tâm lý tự ghét bản thân đây? Mục đích mình viết ra bài viết này là gì đây?

Mình viết ra bài viết này, đầu tiên là vì mình hiểu được cảm giác bức xúc và nỗi khổ tâm của những người self-hatred thực ra nằm ở việc họ không thể diễn đạt được thành lời những cảm xúc tiêu cực họ đang tự dành cho bản thân.

Cũng chính vì họ không biết phải mô tả self-hatred như thế nào, vậy nên họ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm tới sự giúp đỡ khi cần thiết.

Thứ hai, mình biết rằng hiện nay vẫn còn có nhiều người đang xem nhẹ tầm ảnh hưởng tiêu cực của các chứng bệnh tâm lý với sức khỏe và sinh mệnh con người.

Trong một số trường hợp tích cực một chút, họ sẽ xua tay và bảo bạn “Hãy mạnh mẽ lên!”

Còn với những trường hợp tiêu cực hơn, họ là những người mà khi thấy bạn khóc vì căng thẳng thì sẽ nghĩ là bạn bày trò, hoặc bạn đang đóng kịch.

Thực ra, hai vấn đề trên cũng xảy đến với tất cả những người mang bệnh tâm lý khác.

Những người cần giúp thì nghĩ:

  • “Sẽ chẳng có ai quan tâm đâu.”

Và những người có thể giúp thì nghĩ:

  • “Họ trông ổn đấy chứ?”

Tạo nên một vòng luẩn quẩn của việc: “Người cần giúp thì không được giúp và người có thể giúp thì lại không giúp.”

Tuy nhiên, cá nhân mình tin rằng, không có ai là tốt hoặc xấu hoàn toàn. Khi đối mặt với các vấn đề, sẽ chỉ có những người hiểu (educated), và những người không hiểu (uneducated) về vấn đề đó mà thôi.

Vậy nên, mình viết bài viết này với hy vọng sẽ có thể giúp các bạn đọc hiểu hơn được một chút về lối suy nghĩ self-hatred của những người mang tâm lý tự ghét bản thân.

Về cái cách mà chúng mình vẫn đang hằng ngày tự dày vò bản thân mình và nhiều người khác. Đó có thể là người thân của bạn, bạn bè của bạn, đồng nghiệp của bạn, hay biết đâu là cả chính bạn nữa.

Nhưng cũng sẽ thật khó để mình có thể bao quát được hết tầm ảnh hưởng của self-hatred trong mọi khía cạnh của cuộc sống với chỉ một bài viết này.

Vậy nên, hôm nay mình quyết định sẽ dẫn các bạn tới gặp nạn nhân đầu tiên của phần lớn các chứng rối loạn tâm lý, đó chính là các mối quan hệ, hay cụ thể hơn trong trường hợp này, là chuyện tình yêu.

Có thể các bạn đang có quen biết, hoặc thân thiết, với một người thường xuyên gặp phải “vận rủi” trong chuyện tình cảm.

Bất chấp cho mọi nỗ lực và sự chân thành, đây là người mà dường như luôn gặp phải những “mối” tồi tệ nhất.

Họ có thể đã từng bị “cắm sừng” bởi một cô nàng lăng nhăng, hay bị lừa tình bởi một gã trai ăn bám, hoặc bị bạo hành bởi một kẻ nghiện ngập và hung bạo. Họ liên tục chuyển từ đối tượng yêu đương này sang đối tượng yêu đương khác, mà kết cục thì vẫn luôn là nước mắt và khổ đau.

Nếu như bạn có quen biết với một người như vậy, và đã từng được nghe họ tâm sự, bạn có thể sẽ nghĩ rằng họ là những người đang mong mỏi có được một cuộc tình êm đẹp nhất trên đời này.

Rằng họ xứng đáng có được một người bạn đời thật tốt để bù đắp cho mọi tổn thương mà họ đã từng phải trải qua.

Hoặc, đó chính xác là những gì mà họ muốn bạn nghĩ.

Ngoài yếu tố may rủi không thể tránh khỏi trong cuộc sống, chuyện tình cảm và quá trình xây dựng các mối quan hệ của chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi vấn đề tâm lý.

Trong rất nhiều trường hợp, những người mang tâm lý self-hatred thường xuyên chủ động chọn ra các đối tượng tiêu cực để trao gửi trái tim, đồng thời gạch đi tất cả những ứng cử viên tích cực hơn trong cuộc sống của họ.

Quá trình lọc bỏ nghe có vẻ trái khoáy này có thể xảy ra vô thức, hoặc cố ý; đôi khi có cả trường hợp có phần vô thức, có phần cố ý.

Mình chia sẻ sự thật trên không phải vì mình nghĩ rằng người bạn “hay gặp vận rủi” trong tình yêu mà bạn quen không xứng đáng có được sự cảm thông và thấu hiểu.

Ngược lại, là một người đã bị ám ảnh bởi self-hatred nhiều năm, mình tin rằng họ rất cần tất cả những sự cảm thông, thấu hiểu, đồng cảm và cả những lời động viên của bạn nữa.

Mình chia sẻ sự thật trên bởi lẽ mình muốn các bạn hiểu ra rằng, cũng giống như nhiều tình trạng rối loạn sức khỏe tâm lý khác, self-hatred có khả năng ẩn mình rất tài tỉnh.

Chúng ta thường nhầm lẫn nó với các yếu tố khác, như trong trường hợp này thì “may rủi” có lẽ phần nào đã bị trách tội oan.

Và người bạn đáng thương của bạn, dù cho vẫn xứng đáng được cảm thông, nhưng không phải là bởi lý do mà bạn đang nghĩ.

Cũng là điều hoàn toàn bình thường nếu như sau khi bạn lắng nghe lời tâm sự của một người bạn đã trải qua nhiều mối tình đau buồn đến vậy và bạn hy vọng họ sẽ gặp được một người tốt hơn, một người sẽ có thể yêu thương họ hơn và tôn trọng họ hơn.

Đối với mình, điều đó cho thấy bạn là người có tâm tính tốt lành, và mình hy vọng rằng bạn sẽ còn tiếp tục trao gửi nhiều tình cảm tích cực đến với những người khác với tinh thần tương tự.

Tuy nhiên, đứng từ phương diện của một người mang tâm lý self-hatred mà nói, những mối quan hệ nơi mà họ có thể nhận được sự yêu thương, tôn trọng, trìu mến và trung thành thường khêu gợi nên rất nhiều sự căng thẳng và bức bối trong tâm trí họ.

Vậy nên hậu quả mới thường dẫn tới suy nghĩ muốn xua đuổi hoặc tránh né.

Với những người có tâm lý khỏe mạnh hoặc ổn định, một cuộc tình đẹp có thể được mô tả theo rất nhiều phương diện khác nhau.

Có thể bạn mong anh ấy sẽ có luôn chuẩn bị bữa sáng cho bạn và đặt cho bạn những biệt danh dễ thương.

Có thể bạn mong cô ấy sẽ hôn bạn khi bạn rời nhà và ôm chầm lấy bạn khi bạn trở về.

Có thể bạn mong người ấy sẽ luôn trao cho bạn những cử chỉ ngọt ngào nhất, những món quà ý nghĩa nhất và cả những trải nghiệm tuyệt vời nhất.

Những điều trên đều nghe thật là tuyệt vời, thật là tốt đẹp. Chúng ta đều muốn có những người bạn đời như vậy.

Vậy thì tại sao chúng lại không có tác dụng chữa lành đối với những người mang tâm lý self-hatred?

Câu trả lời ngắn gọn nhất mà mình có thể rút ra được từ kinh nghiệm của bản thân, đó là vì:

Những người mang tâm lý self-hatred cảm thấy không xứng đáng có được những điều tốt đẹp đó.

Và từ những suy nghĩ “tôi không xứng đáng” hình thành nên xung đột gay gắt về giá trị bản thân trong tâm trí của họ.

Tại sao anh ấy lại có thể luôn nghĩ tốt về mình như vậy, rõ ràng mình đã làm sai cơ mà?

Tại sao cô ấy lại luôn trân trọng mình đến thế, trong khi mình thậm chí còn không thể nhìn vào chính mình ở trong gương?

Tại sao anh ấy luôn nâng niu, trìu mến với mình đến thế, trong khi mình còn không thể tự đối diện với sự khinh bỉ mà mình đang dành cho bản thân?

Tại sao người ấy lại có thể gọi mình là xinh đẹp và tốt bụng, thông minh và tình cảm, trong khi mình chẳng thể tự cảm nhận được chút nào dù chỉ là một từ trong những điều trên.

Và cũng bởi vì những tâm lý né tránh, vì mong muốn được xoa dịu những xung đột về giá trị của bản thân, nên trong một số trường hợp tiêu cực, suy nghĩ “tôi không xứng đáng” đã dần dần trở thành một thứ tồi tệ hơn, đó là: Tôi đáng phải chịu khổ đau.

Đây là lý do mà có nhiều người self-hatred liên tục bị hấp dẫn bởi những đối tượng mà có lẽ họ đã đoán biết được rằng sẽ tạo nên đau khổ và phiền muộn cho họ. Họ nghĩ rằng họ xứng đáng phải bị như vậy.

Bởi lẽ cách những người này đối xử với họ khớp với cách những người mang self-hatred tự nhìn nhận về giá trị của bản thân.

Trong cuốn sách How to find love, các tác giả của The School of Life có viết một câu rất hay mô tả về hiện tượng tâm lý này ở người self-hatred mà mình xin phép được trích nguyên văn như sau:

It’s as an escape from this form of nausea that we may run into the arms of people who can be relied upon to be satisfactorily cruel to us.

Cụm từ “satisfactorily cruel” có lẽ chính là từ khóa đắt giá nhất ở câu văn trên để mô tả về những mối tình mà người có suy nghĩ “Tôi đáng phải chịu khổ đau” luôn tìm tới.

Đôi khi, sự tàn nhẫn (cruel) trong tình yêu không hiển hiện như sự tàn nhẫn trong những vụ lăng nhăng, lừa tình, hay bạo hành.

Đôi khi, sự tàn nhẫn còn có thể biểu hiện ở những tia nhìn khó chịu của họ khi thấy ta bước vào nhà. Hay những cái thở dài của sự phiền phức khi ta cố gắng tâm sự những chuyện buồn phiền trong ngày với họ. Hay những khi họ coi ta như công cụ để thỏa mãn nhu cầu thể xác. Hay những khi họ im lắng, và khiến cho ta phải lo lắng về câu hỏi không biết rồi mối quan hệ này còn có ngày mai hay không.

Tuy nhiên, dù chúng ta có tự ghét bản thân tới nhường nào, mình vẫn tin rằng luôn có những “nửa đặc biệt” ngoài kia sẵn sàng yêu thương và tôn trọng chúng ta.

Mình nhận ra rằng, những người để tâm lý self-hatred bám rễ quá sâu đã dần dần hình thành thói quen dán cho những người tốt xung quanh họ cái mác là “nhàm chán” và “kém hấp dẫn”.

Mình nhận ra rằng, khi chúng ta dán những cái mác đó lên người khác, sâu thẳm bên trong chúng ta đang nghĩ rằng: Họ sẽ không thể “nghĩ xấu” về chúng ta nhiều như cách chúng ta tự nghĩ về bản thân được.

Hoặc: Họ sẽ không thể khiến cho chúng ta phải chịu những khổ đau mà chúng ta đáng phải chịu.

Trong thực tế, những người này thường không hề giống như những gì mà chúng ta vẫn tự dán mác cho họ.

Giờ, mỗi khi nhìn lại về những mối quan hệ trong quá khứ, mình nhận ra rằng những người tốt xung quanh mình thường là những người đã phát hiện ra được một khía cạnh tốt đẹp hoặc tích cực nào đó ở mình.

Giờ, mình hiểu ra rằng họ tiếp cận với mình, muốn xây dựng mối quan hệ với mình, muốn yêu thương và tôn trọng mình, đơn giản là bởi vì họ đã nhìn ra được một điều gì đó mà họ yêu thích ở mình.

Một điều tốt đẹp nào đó, mà mình chưa thể tự nhận thức được, hoặc do bị che mắt bởi chiếc gương độc ác mang tên self-hatred nên mình mới không thể nhìn ra.

Đôi khi, mình ước rằng mình đã có thể kiên nhẫn hơn với những người tốt đó và tình cảm của họ.

Biết đâu nhờ vậy mà mình sẽ sớm có được nhận thức chính xác về cái hố sâu self-hatred mà mình đã tự chôn mình ở trong đó.

Mình nhận ra rằng mọi sự né tránh, xua đuổi thực ra đều xuất phát từ những nỗi sợ.

Những phần tình cảm tốt đẹp mà những con người tốt bụng của quá khứ ấy trao gửi cho mình rõ ràng đã đụng chạm đến cái gốc rễ của tâm lý self-hatred, đó là suy nghĩ rằng mình vẫn còn đang mắc nợ với sự tự trừng phạt.

Chúng ta nên học cách loại bỏ thói quen dán mác cho người khác, và cũng nên bỏ cái mác “tự trừng phạt” ra khỏi trán mình đi thôi.

Trong vòng hơn 1 năm qua, mình đã học được rằng trên đời này thực ra có tồn tại thứ sức mạnh có thể giúp chúng ta chế ngự được self-hatred.

Thứ sức mạnh đó, chính là self-love, hay sự tự yêu bản thân.

Theo cá nhân mình, tự yêu bản thân nên là bước đi đầu tiên của bạn trên hành trình loại bỏ sự tự ghét.

Khi đã làm chủ được sức mạnh tự yêu, bạn cũng sẽ dần nhận ra rằng có rất nhiều người tốt xung quanh sẽ có thể yêu thương bạn như cách bạn đang tự yêu chính mình.

Khi bạn tự yêu bản thân, bạn sẽ sẵn sàng mở lòng hơn khi “nửa đặc biệt” đến gõ cửa trái tim bạn.

Và trên tất cả, khi bạn tự yêu lấy bản thân, bạn sẽ có thể chấp nhận một sự thật rằng, dẫu cho chúng ta có đầy khiếm khuyết, thì cũng chẳng có lý do gì để chúng ta phải tự trừng phạt cho đến tận cuối đời.

“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *