HÔM NAY, BỐ LẠI NHỚ BÀ NỘI RỒI…

Nay bố đi đám hiếu nhà hàng xóm, bà cụ mất trong căn nhà còn dột ở cuối làng, trong khi con cái đều nhà cao, cửa rộng nhưng không nuôi nổi mẹ già. Bố về, ngà ngà trong men rượu, hơi trầm tư, “mâm cao cỗ đầy thì sao chứ, rồi người chết cũng có ăn được đâu. Lúc sống có bát canh không biếu được thì chết rồi còn thịt này thịt kia làm gì”. Mẹ bảo kệ chuyện nhà người ta, bố nó vào ngủ đi. Bố vẫn ngồi trên ghế, im lặng một hồi rồi nhắc tới bà nội “nếu mẹ còn sống thì cũng tám tư bằng tuổi bà í”.

Bà mình mất chẳng do bệnh tật, ốm đau dai dẳng gì, người hôm trước còn hồng hào mạnh khỏe, sau một đêm đã trở thành người của thế giới khác. Lúc đấy mẹ mới sinh chị mình, bố cùng ông nội đi làm kinh tế ở xa chẳng thể về kịp. Ngày xưa chưa có điện thoại, người nhà phải lên tận nơi báo tin cho ông và bố, đường xá đi lại hết hơn một ngày. Về tới nhà, kèn trống í e cùng với những tiếng khóc, những lời trách móc bà rằng tại sao lại vội vã như thế, lại chẳng cho mọi người cơ hội lần cuối.

Thấm thoát đã hơn hai mươi năm, mỗi lần giỗ bà, sau khi mọi người bưng mâm cỗ xuống, mang vàng mã đi đốt, mình có để ý thấy bố vẫn đang đứng đó, trước bàn thờ, tay vân vê mấy nắm hương, mắt nhìn vào di ảnh đen trắng của bà nội, lặng lẽ như vậy. Người mẹ vì gia đình, vất vả cho tới tận ngày cuối cùng ấy, bố chẳng thể nào bớt nhớ được. Bố kể, ngày xưa vì nhà đông con, nghèo lắm, ông đi lính rồi sau này đi làm ăn xa, bà nội ở nhà một nách năm con nhỏ, mò cua, bắt cá, chẳng nề hà việc gì. Rồi sau này, các bác các chú yên bề gia thất, bà vẫn vừa đi làm, vừa vun vén gia đình, chăm lo cho các cháu. Ngày ấy, vẫn còn thiếu ăn nên chưa thể báo hiếu nhiều, bây giờ có của ăn của để muốn báo hiếu, muốn để ông bà ăn ngon một chút, vui chơi một chút, cũng chẳng thể làm được.

Trước khi có những đứa trẻ của riêng mình, bố cũng từng là một cậu con trai quý giá, được bà nuôi dạy thật tốt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *