HÀNH TRÌNH NHÂN LOẠI: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng

 “Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng” được viết bởi Oded Galor – một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tăng trưởng và phát triển. Ông được đánh giá là một ứng cử viên danh giá cho giải Nobel Kinh tế và là một trong những bộ óc xuất chúng của thế kỷ 21.

Kể từ khi xuất bản đầu tiên bằng tiếng Hebrew năm 2020, cuốn sách ngay lập tức trở thành tác phẩm bán chạy nhất tại Israel. Và chỉ trong vòng 3 tháng, tác phẩm đã bán được bản quyền cho hơn 20 quốc gia và 30 vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam chính thức là ngôn ngữ thứ 30 mua bản quyền của cuốn sách này, từ bản tiếng Anh có cập nhật và chỉnh sửa.

 Kể từ khi Homo sapiens ra đời như một loài khác biệt gần 300.000 năm trước, cuộc sống con người chủ yếu xoay quanh hai vấn đề sinh tồn và duy trì nòi giống. Trong nhiều thiên niên kỷ và trên khắp hoàn cầu, mức sống của con người hầu như không đổi, chỉ mấp mé vừa đủ để tồn tại. Nhưng thật kỳ lạ, chỉ trong vài thế kỷ qua, phương thức tồn tại của chúng ta đã biến đổi ngoạn mục. So với chiều dài thăm thẳm của lịch sử, chất lượng cuộc sống loài người đã được cải thiện một cách ấn tượng chưa từng thấy gần như chỉ trong một sớm một chiều. Sự biến đổi về chất lượng sống về mặt sức khỏe, tiền tài và giáo dục, đã lấn át mọi thay đổi khác trên các phương diện này. Kể từ thuở bình minh của thế kỷ 19, tuổi thọ đã tăng hơn gấp đôi và thu nhập bình quân đầu người đã tăng 20 lần ở những vùng phát triển nhất thế giới, và tăng 14 lần nếu tính chung cả Trái đất. Sự thịnh vượng tăng vọt trong những thập niên gần đây hầu như chỉ xảy ra ở một vài nơi trên thế giới, dẫn đến sự biến đổi lớn thứ hai chỉ có ở loài người chúng ta: tình trạng bất bình đẳng sâu sắc giữa các xã hội.

Cuốn sách “Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng” là tổng hợp phần lớn thành quả nghiên cứu của tác giả với lý thuyết mới chưa từng xuất hiện về lịch sử loài người: Lý thuyết tăng trưởng thống nhất –  góp phần làm sáng tỏ những động lực chi phối quá trình chuyển đổi từ kỷ nguyên trì trệ sang kỷ nguyên tăng trưởng ổn định về mức sống; đồng thời lý thuyết này cũng khai quật những dấu chân của quá khứ xa xôi trong số phận của các quốc gia.

Cuốn sách được bổ sung bằng những nghiên cứu thực nghiệm và định lượng, với nhiều dữ liệu mới; với nhiều bảng biểu số liệu hấp dẫn; với góc nhìn mới về hành trình phát triển của nhân loại mà bất kì độc giả phổ thông, những nhà nghiên cứu, những nhà hoạch định chính sách yêu thích, quan tâm đến lịch sử phát triển nhân loại, kinh tế phát triển, khoa học chính trị… đều nên đọc.

Nội dung sách tập trung trả lời 2 câu hỏi: 

  1. Bí ẩn của sự phát triển: Tại sao chúng ta là loài động vật duy nhất trên hành tinh (chỉ khá gần đây) thoát được khỏi cạm bẫy sinh tồn và tận hưởng mức sống vượt trội hơn tất cả những sinh vật khác?
  2. Bí ẩn về hệ quả của Bất bình đẳng: Tại sao sự tiến bộ của nhân loại chúng ta lại diễn ra song song với sự bất bình đẳng trên toàn thế giới, dẫn đến sự chênh lệch lớn về sự giàu có của các quốc gia ngày nay?

Bố cục cuốn sách gồm hai phần:

Phần đầu tiên bắt đầu với sự tiến hóa của loài người và sự di chuyển ra khỏi châu Phi, sự xuất hiện của nền nông nghiệp định cư ở nhiều nơi trên thế giới, sự khởi đầu chậm chạp của tiến bộ công nghệ, cuối cùng là khởi động cuộc cách mạng công nghiệp, và đạt đến đỉnh điểm là tăng trưởng kinh tế hiện đại. Một số điểm có vẻ giống với những cuốn sách khác của Jared Diamond, David Landes và Harari, nhưng góc nhìn của Galor khá khác biệt. Theo quan điểm của ông, một khi thời kỳ đồ đá mới (tức cách mạng nông nghiệp) bắt đầu, các bánh xe đã bắt đầu truyền động năng cho cách mạng công nghiệp và sự bùng nổ của tiến bộ công nghệ sau đó. Chiến tranh, bệnh dịch, v.v. ảnh hưởng đến tốc độ dịch chuyển và thời điểm bùng nổ, chứ không phải là những vấn đề mấu chốt. Trọng tâm trong quan điểm của ông về thế giới không chỉ là tiến bộ công nghệ mà còn là động lực của mối quan hệ đan xen giữa tiến bộ công nghệ, giáo dục và tỷ lệ sinh – tất cả đều ảnh hưởng lẫn nhau theo những cách phi tuyến tính. Về mặt này, phần đầu tiên đã gói gọn phần lớn các nghiên cứu được trích dẫn nhiều của riêng ông, đã cho thấy sự khác biệt so với các cuốn sách khác.

Phần thứ hai của cuốn sách thì quay ngược lại điểm xuất phát của Homo Sapiens ở Châu Phi. Nếu đã cho rằng loài người, với sự tiến hóa ban đầu của bộ não và sự ưu đãi của tự nhiên, chắc chắn sẽ đi trên con đường dẫn đến cuộc cách mạng công nghiệp và tỉ lệ sinh sản giảm, thì tại sao tiến trình đó lại bắt đầu ở châu Âu và Vương quốc Anh? Tại sao châu Âu và các khu vực liên quan lại đi trước phần còn lại của thế giới một cách đột ngột như vậy? Ở đây, trong mỗi chương, ông đi ngược thời gian ngày càng xa hơn – bắt đầu từ quá trình thuộc địa hóa và ảnh hưởng khác nhau đối với các thể chế chính trị – được cho là do sự khác biệt về địa lý. Quay trở lại xa hơn, ông cũng xem xét sự xuất hiện của các nền văn hóa thích nghi tốt hơn với cách mạng công nghiệp so với các nền văn hóa khác (ví dụ: tầm quan trọng của định hướng dài hạn và chủ nghĩa cá nhân). Cuối cùng, và có lẽ là tham vọng nhất, ông lập luận rằng sự đa dạng di truyền không kiểu hình (không thể quan sát được) trong quần thể dẫn đến sự đánh đổi giữa niềm tin và sự đổi mới. Sự đa dạng di truyền này đánh dấu những ngả rẽ của con người từ Châu Phi (như đã được các nhà di truyền học ghi nhận).

Tác giả Oded Galor chia sẻ về cuốn sách của mình: “Tôi đã viết cuốn sách theo cách để mọi cá nhân đều có thể tiếp cận được. Tôi hy vọng rằng, mọi người, thậm chí là những học sinh đang ở độ tuổi trung học phổ thông, đều có thể đọc và học hỏi từ cuốn sách. Nó được viết theo cách mà từ các chuyên gia hàng đầu đến độc giả thường thức đều có thể hiểu được. Tôi tin rằng mỗi trang đều chứa đựng những ý tưởng nghiên cứu tuyệt vời. Lối viết của cuốn sách phù hợp với cả những người chưa từng được đào tạo về chuyên môn kinh tế. Cuốn sách này không chứa đựng những thuật ngữ hàn lâm, mà bù lại, đầy những giai thoại và bài học thú vị từ lịch sử, chứa đựng vô cùng nhiều khía cạnh đơn giản mà hấp dẫn về công cuộc tiến hóa của con người. Giả dụ như, bộ não con người đã tiến hóa như thế nào, và những bí ẩn đằng sau sự tiến hóa ấy là gì. Mọi người còn có thể tìm hiểu thêm về cuộc Cách mạng Nông nghiệp, cuộc cách mạng mà – theo như nhiều người nhận định – là sai lầm lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Câu trả lời ngắn gọn là không phải như vậy, nhưng lý do đằng sau – xin mời bạn đọc tìm hiểu qua cuốn sách. Cuốn sách chứa đựng vô vàn lý thuyết căn bản, giai thoại lý thú và mẩu chuyện thú vị. Tôi nghĩ rằng, cuốn sách này vô cùng dễ đọc, vô cùng hấp dẫn, và hứa hẹn sẽ làm phong phú thêm vốn sống cho mọi cá nhân, bất kể hoàn cảnh khác biệt của họ. Tôi thực lòng khuyên các bạn nên cầm lấy cuốn sách này, và nghiền ngẫm nó một cách cẩn thận. Cuốn sách này tương đối ngắn, tuy nhiên lại rất toàn diện. Các bạn có thể đọc nó khi thư giãn vào cuối tuần, hoặc khi nghỉ ngơi ngay trong tuần. Tôi thực lòng khuyến khích các bạn đào sâu vào nội dung cuốn sách và học hỏi được nhiều điều từ nó.”

VỀ TÁC GIẢ

Oded Galor (sinh năm 1953) – Giáo sư kinh tế Đại học Brown, Mỹ. Ông là người sáng lập Lý thuyết Tăng trưởng Thống nhất, với nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu quá trình phát triển xuyên suốt chiều dài lịch sử loài người, vai trò của các yếu tố sâu xa trong quá trình chuyển đổi từ trì trệ sang tăng trưởng và sự xuất hiện của bất bình đẳng trên khắp toàn cầu. 

Oded Galor đã được Đại học Louvain và Đại học Kinh tế & Kinh doanh Poznań trao bằng Tiến sĩ Danh dự. Ông là thành viên của Viện Hàn lâm châu Âu và Hiệp hội Kinh tế lượng, đồng thời góp mặt trong nhiều tổ chức uy tín khác. Ông được đánh giá là một ứng cử viên danh giá cho giải Nobel Kinh tế và là một trong những bộ óc xuất chúng của thế kỷ 21.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *