ĐỪNG ĐÁNH ĐỒNG VIỆC CUỒNG THẦN TƯỢNG BẤT CHẤP CHỦ QUYỀN, LỊCH SỬ VỚI NHỮNG HOẠT ĐỘNG GIAO THƯƠNG KINH TẾ VỚI TRUNG QUỐC

Thứ nhất, Mị Châu 4.0 (viết tắt là MC 4.0), là một cụm từ mà dân mạng thường dùng để nói về một bộ phận người hâm mộ Cbiz cuồng thần tượng thái quá. Các hành động cuồng thần tượng thái quá này xâm phạm trực tiếp hoặc gián tiếp đến chủ quyền lãnh thổ, lịch sử Việt Nam”. Và xin được ghim mạnh vào hai cụm từ “một bộ phận” và “xâm phạm trực tiếp hoặc gián tiếp đến chủ quyền lãnh thổ, lịch sử Việt Nam”.

Thứ hai, tại sao MC 4.0 lại thường được nói về một bộ phận hâm mộ Cbiz? Vì thần tượng Trung Quốc tham gia trực tiếp vào các ấn phẩm xuyên tạc lịch sử, lãnh thổ Việt Nam và những người này được một số người Việt bênh vực, bợ đỡ. Còn Việt Nam và Hàn Quốc ít có sự liên kết về mặt lịch sử – thường chỉ gói gọn trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam và giải trí Hàn hiện tại thường chỉ đề cập đến các sự kiện này một cách gián tiếp, là tình tiết thêm vào cho các sản phẩm giải trí. Vì vậy, đại đa phần K-pop hay văn hóa Hàn không liên quan mấy đến chữ MC 4.0.

Thực ra, có rất nhiều người hâm mộ Cbiz chân chính và quyết tâm bảo vệ chủ quyền, lịch sử văn hóa đất nước. Tuy nhiên, những việc làm này lại bị vấy bẩn bởi một đám dở người nào đó thích “đội thần tượng lên trên đầu và đạp Tổ Quốc xuống dưới chân”. Chúng ta cần phải rạch ròi, ủng hộ cái đúng, chỉ trích cái sai.

Thứ ba, người ta có câu “chuyện gì ra chuyện đó (ấy)”, tức là nếu áp vào trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, liên quan đến tranh chấp lãnh thổ thì hai quốc gia áp dụng các biện pháp giải quyết chỉ gói gọn trong vấn đề “tranh chấp lãnh thổ” mà thôi. Còn không liên quan đến các quan hệ kinh tế, ngoại giao, hợp tác… Trừ trường hợp vấn đề này phát triển đến mức độ xung đột quân trực tiếp – điều mà có lẽ không quốc gia nào muốn xảy ra.

Ví dụ, Hàn – Nhật có mâu thuẫn về vấn đề thế chiến, chủ quyền xung quanh đảo Dokdo nhưng họ vẫn giao thương kinh tế, làm ăn kinh tế song phương với nhau rất chặt chẽ, giao thương qua lại giữa hai quốc gia cán mốc hơn 600 tỷ USD. Hay như quan hệ Nga – EU, liên quan đến vấn đề Ukraine, tên lửa hạt nhân, mâu thuẫn chính trị tố nhau liên tục mà vẫn phải ngậm ngùi làm ăn, trao đổi, bán dầu, làm đường ống dẫn khí. Trung Quốc và Mỹ có thái độ khá đối đầu trong thời gian qua, đặc biệt về chiến tranh thương mại, nhưng hai cường quốc này vẫn phải ngồi lại gỡ các nút thắt về kinh tế, giao thương.

Từ những ý trên, nếu bạn Tiktoker này muốn giải thích về việc “hâm mộ Kpop hay văn hóa Hàn Quốc không có nghĩa là MC 4.0” thì bạn nên lấy các ví dụ về việc người hâm mộ Kpop đặt những hashtag bảo vệ chủ quyền, lịch sử, văn hóa dân tộc trong quá khứ như vụ bánh mì, Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, bảo vệ lịch sử Việt Nam chống lại phim Vương Bài…

Nếu bạn chứng minh “hâm mộ Kpop hay văn hóa Hàn Quốc không có nghĩa là MC 4.0” bằng việc vu cho những ai dùng điện thoại, quần áo, hàng hóa từ Trung Quốc đều là Mị Châu thì đây là nhận định rất chủ quan, sai lầm và thể hiện sự thiếu hiểu biết về chính trị.

Trong năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể đạt con số 150 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam nhập hàng hóa từ Trung Quốc lên tới khoảng gần 100 tỷ USD, chủ yếu là linh kiện, máy móc, hàng dệt may, hàng điện tử…Cũng theo dự tính, Việt Nam xuất sang Trung Quốc khoảng gần 50 tỷ USD, chủ yếu là đồ điện tử, nông sản, thép… Nếu “cắt đứt” hoặc hạn chế giao thương với Trung Quốc, Việt Nam coi như đi lùi về mặt kinh tế, nếu không muốn nói thẳng là đứng trên bờ vực sụp đổ. Trung Quốc hiện nay vừa là thị trường cung cấp lớn nhất, vừa là thị trường tiêu thụ lớn thế giới.

Tiếp nữa, quan hệ kinh tế là đôi bên cùng có lợi. Cái lợi của Việt Nam khi tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc là tiếp cận được với nguồn hàng hóa giá rẻ, quy mô lớn, sản xuất nhanh… Cái lợi của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là tiếp cận thị trường dân số lớn, trẻ, sức mua lớn, tiêu chuẩn không cao. Việt Nam và Trung Quốc lại có nét tương đồng về thể chế chính trị, gần gũi về văn hóa. Còn về việc tiêu thụ, bênh vực thần tượng hay các sản phẩm giải trí xuyên tạc lịch sử, văn hóa, lãnh thổ thì Việt Nam éo được lợi cái gì cả.

Trên Tiktok, một đám người chỉ nhăm nhe đi “kích war”, “gây chiến” giữa cộng đồng các nhóm thần tượng Kpop với nhau, giữa cộng đồng Kpop với những người không hâm mộ Kpop, và đám người này cũng cố tình gọi cộng đồng Kpop là “Mị Châu 4.0”.

Nhưng phản biện đám rác rưởi này, như mình đã nói, đó là nêu bật những gì mà cộng đồng Kpop đã làm được: từ thiện, tình nguyện, đóng góp vùng lũ, xây cầu miền Tây, làm trường vùng cao, đóng quỹ vaccine, treo hashtag bảo vệ lịch sử, lãnh thổ…

Chứ lại đi chứng minh “nếu nói cộng đồng Kpop là Mị Châu thì những ai sử dụng đồ Trung Quốc cũng là Mị Châu”. Kiểu như là đang vơ đũa, hướng sự chỉ trích sang những người tiêu dùng bình thường khác, những người bỏ tiền ra mua đồ, chứ không đi xin.

Nghe nó có tý liên quan với hợp tình, hợp lý gì không? Thậm chí việc so sánh thiếu cân bằng, đánh tráo khái niệm này lại còn khiến cho nhiều người ít nắm bắt nội dung câu chuyện từ đầu đến cuối có cái nhìn thiếu thiện cảm về cộng đồng Kpop – thứ mà bạn Tiktoker này đang nhân danh.

Chính trị, kinh tế, xã hội… là vấn đề rất nhạy cảm, cần có một sự hiểu biết nhất định, tư duy thông tuệ. Đặc biệt khi chính trị, xã hội, kinh tế lại gắn với chủ quyền quốc gia. Lên tiếng sai, hệ quả rất lớn và nguy hiểm.

#tifosi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *