Có câu châm ngôn như thế này ở Cambridge: “Tuyển sinh ở Mỹ thật ngớ ngẩn (1)”.
Tôi đã nghe câu này – không phải một hay hai lần – thốt lên bởi (hầu hết) các sinh viên quốc tế đã từng nộp hồ sơ xét tuyển vào cả Oxbridge lẫn các trường đại học đứng đầu ở Mỹ.
Tại sao các sinh viên quốc tế lại nghĩ về tuyển sinh đại học ở Mỹ như vậy?
(Vì) YẾU TỐ MAY RỦI
Nếu bạn ứng tuyển vào Oxbridge và được nhập học, khả năng là nếu bạn nộp hồ sơ 100 lần thì ít nhất 90 lần trong số đó bạn vẫn sẽ được nhận.
Ở Mỹ thì lại khác. Hai thí sinh giống nhau hoàn toàn có thể ứng tuyển với bằng cấp y hệt và một người có thể được nhập học trong khi người còn lại thì phải chấp nhận “số phận” của mình.
Lý do bởi vì Oxbridge thật sự phỏng vấn các ứng viên một cách học thuật. Trong khi điểm số A-level (2) và IB (3) thể hiện rằng “cả hai ứng viên này đều thông minh, khôn khéo”, buổi phỏng vấn thật sự cho thấy rằng rõ ràng một trong hai người này mạnh về mảng học thuật hơn người kia. Các bài kiểm tra được tiêu chuẩn hóa như SAT (4) hay A-level không đo lường được năng lực thực chất; chúng chỉ đánh giá khả năng làm bài kiểm tra và đa số những người ứng tuyển cũng có điểm cao nhất có thể rồi.
Bởi vậy, với việc không tổ chức một buổi phỏng vấn mang tính học thuật tử tế, tuyển sinh ở Mỹ phải lựa chọn các ứng viên bằng những buổi “phỏng vấn cá nhân” và các bài luận, mà, tôi nghĩ đa số chúng ta có thể đồng ý rằng chúng mang nhiều sự chủ quan và chỉ là một thước đo không rõ ràng về cá tính của người ứng tuyển.
Điều này không phải để nói rằng Oxbridge hoàn toàn khách quan với những buổi phỏng vấn học thuật đâu; dĩ nhiên là có yếu tố người phỏng vấn cũng như học sinh chỉ có 1 tiếng đồng hồ để thể hiện sự hiểu biết của mình thôi. Thế nhưng, như vậy nó vẫn ít tùy ý, thất thường hơn so với cách tuyển sinh ở Mỹ.
Nhưng mà, điều này không hẳn có nghĩa là nhập học vào Oxbridge khó hơn so với ở Mỹ đâu. Thực ra, tôi đoán là, đối với một ứng viên trung bình (trans: trung bình ý là nhìn chung chứ không phải là thực lực trung bình nhé), thì còn dễ hơn.
Một điểm cần lưu ý là yếu tố các trường thành viên (college) ở Oxbridge. Như bạn có thể đã biết rồi, Oxford và Cambridge gồm nhiều trường thành viên. Tại Cambridge (tôi không chắc lắm về Oxford), có một “hệ thống tổng hợp” (5), nếu bạn bị từ chối bởi các college đứng đầu (thường là Trinity, St. John’s, Churchill v.v…) bạn vẫn có thể được nhận vào các college “thấp” hơn.
Như vậy nghĩa là sẽ khó hơn để được nhận vào học, lấy ví dụ, ở Trinity so với Homerton. Tại Trinity, khoảng ⅓ số sinh viên học về Khoa học Tự nhiên là sinh viên quốc tế và ⅓ trong số đó các quán quân Olympic Khoa học Quốc tế (6) – số còn lại là những người có thực lực không kém cạnh gì các quán quân Olympic kia. Tôi cá là vào học ở đây cũng khó tương đương với mức độ của Harvard, MIT hay là Caltech.
Rồi, để tổng kết lại thì:
Nếu bạn là một học sinh xuất sắc về học thuật; bạn sẽ vào được Oxbridge, có thể sẽ không vào học được ở Mỹ.
Nếu bạn là một học sinh giỏi, tốt*: bạn có thể sẽ vào được Oxbridge, có thể sẽ vào học được ở Mỹ.
Nếu bạn là một học sinh tạm ổn: bạn sẽ không vào được Oxbridge, có thể sẽ vào học được ở Mỹ.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI VIẾT:
*”Giỏi, tốt” theo tiêu chuẩn của Oxbridge và MIT.
*MIT không phải trong Ivy League nhưng tôi đang bàn đến các trường đại học top ở Mỹ hơn là cụ thể chỉ là nhóm Ivy League thôi.
————————-
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH:
(1) nguyên văn là “stupid”, mà viết “ngu ngốc” thì mình thấy hơi quá, nên thôi chọn từ nhẹ nhàng.
(2) A-level: Chứng chỉ Giáo dục Phổ thông Bậc Cao (General Certificate of Education Advanced Level) hay GCE A-level hay A-level là bằng tốt nghiệp giáo dục cơ bản được cấp bởi các Cơ quan Giáo dục Anh quốc và lãnh thổ trực thuộc cho học sinh hoàn tất trung học hoặc cấp dự bị đại học. Xem thêm ở Wikipedia.
(3) IB: Chương trình học Bằng Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate). Chương trình này được thiết lập như cấp 3/dự bị đại học kéo dài 2 năm cho học sinh các trường quốc tế. IB được nhiều trường đại học trên thế giới công nhận và đánh giá cao, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu. Xem thêm tại Wikipedia.
(4) SAT là bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ. Xem thêm tại Wikipedia.
(5) nguyên văn “pooling system”, mình không hài lòng lắm với từ mình chọn; nếu có từ nào ổn hơn các bạn comment mình bổ sung nhé.
(6) Olympic Khoa học Quốc tế: International Science Olympiads (viết tắt ISO) là một nhóm các cuộc thi hàng năm trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, được thiết kế cho từ 4 đến 6 học sinh trung học phổ thông từ các nước tham dự đã được lựa chọn từ các kỳ thi Olympic Khoa học cấp Quốc gia ở trong nước, loại trừ ILO cho phép hai đội mỗi nước, và IJSO được thiết kế cho các học sinh trung học cơ sở. Xem thêm tại Wikipedia.
Theo: Minh Thanh