Đáp: Praditya Bhatt, nhà phát triển phần mềm (từ 2019 đến nay)
Tuy không có con nhưng tôi muốn chia sẻ trải nghiệm của chính tôi khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi đã được dạy một điều không mấy chính xác mà mãi sau này, tôi mới nhận ra được sự thật.
Vào khoảng năm lớp 6, Vật Lý là một bộ môn hoàn toàn mới với tôi. Trên sách Vật Lý của chúng tôi có một hình mình họa như sau (hình 1)
Lý thuyết nói rằng ánh sáng truyền đi theo đường thẳng. Chúng tôi làm thí nghiệm như hình minh họa (hình 1). Mọi người đều cho rằng đó là một phát hiện lí thú.
Một thời gian sau, năm tôi tầm lớp 8. Tôi học đến khúc xạ ánh sáng và được dạy rằng: ánh sáng sẽ gãy khúc khi truyền từ môi trường này sang môi trường khác qua 1 góc xác định.
“Thế kiến thức trước đó đã được dạy thì sao nhỉ?”, tôi nghĩ. Khi giáo viên bắt đầu giảng về quang phổ, bước sóng và lí do ánh sáng gãy khúc, tôi dần chấp nhận thông tin mới này. Ok, ánh sáng gãy khúc chỉ khi qua mặt phân cách giữa 2 môi trường, còn khi trong môi trường đồng tính, ánh sáng truyền đi theo đường thẳng.
Tiếp đó là lớp 11 hay 12 gì đấy, đây là lúc tôi bắt đầu nổi điên. Vật Lý tới và bảo rằng: “Tui sẽ hành bồ ra bã, quên hết những điều bồ đã học trước đó đi vì bây giờ mới là thử thách thật sự này: Cùng làm quen với nhiễu xạ ánh sáng nào!”
Tôi lại một lần nữa bối rối với cái mớ kiến thức này. Nhưng sau vài buổi học, tôi dần hiểu và nắm được nội dung. Và thế thôi…Tạm thời thì thế đã. Tôi tốt nghiệp, biết rằng ánh sáng chỉ có thể gãy khúc trong trường hợp nào đó, ví dụ khi môi trường không thay đổi.
Tua nhanh đến thời điểm vài tháng trước nào. Bức ảnh đầu tiên của hố đen.
Là một người đam mê Thiên văn học, tôi bắt đầu thu thập thông tin về cách bức ảnh này được chụp, và chính xác thì, ta đang nhìn vào cái gì. Bất ngờ ghê, tôi đọc được rằng thật ra chúng ta có thể quan sát những gì ở phía sau hố đen. Tôi nổi khùng với Vật Lý luôn, như kiểu, bồ có thể ổn định một xíu với cái mớ ánh sáng gãy khúc đó không hả? Tôi trở về với việc nghiên cứu, và xem tôi học được gì này. Trong trường hợp này, ánh sáng không hề gãy khúc mà chỉ đang di chuyển theo đường thẳng trong kết cấu của không gian-thời gian. Và chính không gian-thời gian mới bị bẻ cong dưới tác dụng của lực hấp dẫn sinh ra từ hố đen. Do đó, ánh sáng chỉ đang truyền đi theo đường thẳng thôi.
Ừ thì đó là cách mà ánh sáng đã làm khốn khổ cuộc đời tôi theo một cách thú vị từ năm lớp 6 đến tận bây giờ.