ĐẶNG TUYÊN PHI – TỪ CÔ THÔN NỮ HÁI CHÈ ĐẾN VƯƠNG THÁI PHI PHỦ CHÚA TRỊNH, SAU CÙNG LẠI TỰ TẬN NƠI HOÀNG LĂNG

Tuyên phi Đặng Thị Huệ hay còn gọi là Đặng Tuyên phi, không rõ sinh thần bát tự, là một ái thiếp của Thịnh Vương (盛王) Trịnh Sâm. Đặng Thị Huệ được gán cho biệt danh “Hồng nhan họa thủy” bởi trong nhiều tài liệu nhắc đến bà, sử gia đều nhận xét chính Thị Huệ là người đã góp phần làm suy yếu chính quyền Đàng Ngoài lúc bấy giờ bởi những âm mưu tranh giành quyền lực của mình.

Tang thương ngẫu lục chép rằng Tuyên phi quê ở làng Trà Hương, huyện Phù Đổng, thuộc trấn Kinh Bắc ở Đàng Ngoài. Thị Huệ sống cùng người em trai là Đặng Mậu Lân, làm nghề hái chè để kiếm sống. Có tác giả cho rằng, vì Đặng Thị Huệ vốn chỉ là cô gái hái chè nhưng sau này được làm bà hoàng đứng đầu hậu cung nơi phủ Chúa nên tục gọi là Bà Chúa Chè.

Khởi đầu cho chuỗi ngày ở phủ Chúa của Đặng Thị Huệ là làm nữ tì cho Tiệp dư Trần Thị Vịnh. Nhờ nắm bắt cơ hội, lại thêm nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn, Thị Huệ lọt vào mắt xanh của Trịnh Sâm, trở thành sủng phi của Chúa. Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại, Trịnh Sâm sau khi nắm quyền, dẹp loạn trong ngoài liền trở nên kiêu ngạo, ăn chơi xa xỉ phóng đãng. Thị Huệ xuất hiện trước mặt Trịnh Sâm như một sự sắp xếp của đại đạo vốn dĩ vô tình, giống như Đế Tân gặp Đát Kỷ, là điềm báo chính quyền Lê Trịnh sắp tới hồi sụp đổ.

Sau khi chiếm được lòng tin yêu của Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ bắt đầu xây dựng thế lực cho mình. Tham vọng về địa vị của Thị Huệ ngày càng rõ ràng sau khi sinh hạ được Trịnh Cán: Huệ ngầm cấu kết với Huy Quận công Hoàng Đình Bảo, cố gắng xây dựng thế lực cho em trai mình là Đặng Mậu Lân, đồng thời lôi kéo các cận thần nơi sân chầu phủ Chúa về phe mình. Quả đúng cho câu: Nước lớn thuyền lên, phe cánh của Tuyên phi dần dần mạnh lên và đối chọi gay gắt với phe cánh của Trịnh Khải – trưởng tử của Trịnh Sâm. Lợi dụng sự bất mãn của Trịnh Khải khi không được chúa cho ở ngôi Thế tử dù là trưởng tử, Tuyên phi cùng Huy Quận công đã âm thầm mưu sự, đem người trà trộn vào phe cánh Trịnh Khải đợi cơ hội đến.

Sau khi tin đồn Trịnh Sâm bị bệnh nặng lan truyền ra ngoài, rốt cuộc Trịnh Khải đã rục rịch hành động, gây ra vụ án năm Canh Tý (1780). Được gián điệp là Cấp sự trung Nguyễn Huy Bá báo lại, Tuyên phi liền chớp lấy cơ hội, trừ khử phe cánh của Trịnh Khải, đưa Công tử Cán con trai mình lên ngôi Thế tử. Hai năm sau, tức năm 1782, Trịnh Cán nối ngôi chúa, lấy hiệu là Điện Đô Vương, vua Hiển Tông nhà Lê cho phép Đặng Tuyên phi làm Vương Thái phi, buông rèm chấp chính giúp ấu chúa quản lý sự vụ. Quả thực, Đặng Tuyên phi lúc này, có thể xem là Lã hậu thứ hai. Thế lực của thị và Huy quận công ngày càng lớn, nắm hết mọi quyền hành.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Trịnh Khải được lũ kiêu binh hỗ trợ, lật đổ Đặng Thị Huệ và giết Huy quận công. Theo Lê quý dật sử, hôm binh biến xảy ra,  Tuyên Phi nghe tin Hoàng Đình Bảo đã tử trận liền thay xiêm y rồi trốn trong hậu cung. Riêng chúa Trịnh Cán thì được gửi gắm cho quận Diễm đem ra khỏi cung lánh nạn. Đêm đến, bà Sét (mẹ Trịnh Sâm) sai người đón cháu về. Ngô Gia văn phái Ngô Thì gia viết như sau:

“Các gia thần của chúa nhỏ cũng đều chạy trốn hết cả, riêng Quận Diễm bế chúa nhỏ lánh đi nơi khác, từ sớm đến tối không được ăn gì chúa nhỏ gào khóc nheo nhéo. Mãi đến đêm Thánh Mẫu sai người đi tìm Thị Huệ và chúa nhỏ về cung cho thay quần áo và ăn uống, chúa nhỏ vì quá sợ hãi nên không ăn uống được bệnh tình càng nặng”

Đến đoạn cuối của cuộc đời mình, sau những năm tháng mưu mô toan tính tranh giành quyền lực, Đặng Thị Huệ mất tất cả và tự tận bên lăng Thịnh Vương hôm đại kỵ (1873). Những ngày cuối cùng này được miêu tả qua vài dòng của Hoàng Lê nhất thống chí:

“Khi chúa nhỏ bị bỏ, Thái phi Dương Thị Ngọc Hoan liền sai người bắt Tuyên phi hài tội, rồi buộc bà phải lạy tạ. Tuyên phi không chịu lạy, Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất, nhưng bà vẫn nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa lời. Thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam vào nhà Hộ Tăng ở vườn sau. Tại đây, Đặng Thị Huệ bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở…

Sau một thời gian giam giữ ngặt, Thị Huệ được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Ở đây, bà ngày đêm gào khóc xin được chết theo chồng. Đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi uống thuốc độc mà chết, được táng cách Vọng lăng (lăng Trịnh Sâm) một dặm.”

Quả đúng cho câu: Kẻ thắng làm vua kẻ thua làm giặc. Đến lúc không còn gì cả, trở nên sa cơ thất thế, có chăng Thị Huệ đã nhận ra vàng son hư vinh một khắc không đáng giá bằng một cuộc sống bình đạm hạnh phúc. Chồng qua đời không bao lâu thì con cũng mất, bản thân lại bị lăng nhục, cuộc đời cũng thật lắm truân chuyên! Có lẽ vì vậy nên nàng đã tự tận nơi lăng chồng hôm đại kỵ (giỗ đầu), để được đoàn tụ cùng chồng con nơi hoàng tuyền?

Nói Thị Huệ là kẻ khiến cho triều cương bất ổn, vậy cũng có chút bất hợp lý! Bởi sao Sâm Túc một khi biến đổi, thời cuộc đã định là đến buổi loạn lạc, há sức một người có thể thay đổi được? Chính quyền Lê – Trịnh lúc bấy giờ đã lung lay tận gốc rễ, quân không chính quan không liêm, ngay cả Dương thị và Trịnh Khải cứ ngỡ bản thân là kẻ chiến thắng sau bao thăng trầm, cuối cùng cũng để mất cơ đồ khi vó ngựa Tây Sơn tiến vào.

Ai ai cũng bình rằng Thị Huệ là hồng nhan họa thủy, là kẻ có tội. Tuy vậy, những gì hậu thế chúng ta biết về Đặng Thị Huệ chủ yếu là qua Hoàng Lê nhất thống chí và Cương mục, vậy liệu đó có đủ chân thật về nàng hay không? Từ cổ chí kim, có tiệc nào là không tàn? Lẽ thịnh suy âu cũng như thế. Hào kiệt hay tiểu nhân, đều sẽ được sử sách ghi lại. Là vinh hay nhục, chỉ có nàng biết, trời biết, đất biết. Hậu thế chúng ta, cũng tựa như thầy bói xem voi, luận thị phi dựa trên vài trang sử sót lại.

Nguồn ảnh: Blog Phạm Vĩnh Lộc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *