Đời hồng nhan được ban tặng cho một vẻ ngoài tuyệt sắc, nhưng có thể cũng là vật đổi vật cho một số người, âu cũng không dễ có một đời êm đềm. Đằng sau vẻ ngoài thanh tú là một kiếp phận đã định trước không hề bình an, đàn bà đẹp xưa nay vốn đã hiếm mà đàn bà đẹp hạnh phúc còn khó kiếm hơn nhiều.
“Hồng nhan đa truân”, câu nói đó có lẽ đã linh ứng vào cuộc đời bi thương của Bắc Cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Sau khi trải qua nỗi đau mất đi người đầu ấp tay gối, mất đi những người con mang bà đẻ đau, bà đã ra đi khi chỉ mới 29 tuổi. Tưởng chừng điều đó đã đặt dấu chấm hết cho một kiếp người bi thương, nhưng số phận đã định ấy vẫn bám đuổi cho dù bà đã mất.
Lê Ngọc Hân (1770 – 1799) là một nhân vật lịch sử nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thế kỉ 18, được biết đến với tên gọi Công chúa Ngọc Hân hay Bắc Cung Hoàng hậu. Cuộc đời bà thường được thêu dệt nên thành giai thoại cuộc tình đẹp đẽ giữa bà với Nguyễn Huệ, vì bà là công chúa một triều đại lớn suy thoái, lại kết hôn với người đứng đầu Tây Sơn, khi ấy đang đe dọa nền chính trị của nhà Hậu Lê. Dân gian còn lưu truyền tên gọi bà là Bà Chúa Tiên khi bà ở Phú Xuân vì dinh phủ lập ở chùa Kim Tiên.
Công Chúa Ngọc Hân là con gái của Vua Lê Hiển Tông, vốn nổi tiếng thông minh, tài sắc vẹn toàn. Bà ngay từ khi còn nhỏ đã bộc lộ tố chất phi thường, thông thạo đủ cả cầm, kỳ, thi, họa khi chưa đầy 10 tuổi. Năm 16 tuổi (năm 1786), bà được vua cha gả cho Bắc Bình vương Tây Sơn Nguyễn Huệ. Năm 1789, sau khi đại phá quân Thanh, Công chúa được Quang Trung tấn phong Bắc Cung Hoàng Hậu.
Cuộc hôn nhân với Nguyễn Huệ vốn chỉ là cuộc hôn nhân chính trị nhưng trải qua thời gian chung sống, Ngọc Hân được Nguyễn Huệ yêu say đắm. bà cũng được ông xem như một tài nhân hiếm có. Bà được giao phó coi giữ văn thư trọng yếu, được phong cho chức nữ học sĩ, dạy dỗ con cái, các cung nữ. Bên cạnh đó, Ngọc Hân trở thành một cố vấn đắc lực về lĩnh vực văn hóa, giáo dục cho chồng; đồng thời khuyên giải cho chồng trong nhiều việc hệ trọng khác như khuyên chồng chấm dứt cuộc xung đột với Nguyễn Nhạc, được ghi lại trong một số biểu văn đương thời.
Nhưng chỉ mới sáu năm chung sống, Hoàng đế Quang Trung đã đột ngột ra đi để lại Bắc cung Hoàng hậu mới tuổi 22 và hai con nhỏ. Bài “Ai Tư vãn” do Ngọc Hân viết, có thể thấy rõ tấm chân tình, sự tiếc thương trong nỗi đau khi tình duyên lỡ bị đoạn đứt, phải chia lìa hai cõi với Nguyễn Huệ.
“Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao,
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!”
Sau cái chết của Quang Trung, Ngọc Hân đưa con khỏi Hoàng cung, dọn ra sinh sống trong chùa Kim Tiền. Bà gượng sống tới năm 1799 thì mất, chỉ mới 29 tuổi. Triều đình Cảnh Thịnh sụp đổ, Nhà Nguyễn lên ngôi với sự thù hận sâu sắc với tiền triều. Trước sự truy lùng, các con của Ngọc Hân đổi sang họ Trần lánh nạn nhưng chẳng bao lâu, Hoàng tử Quang Đức mất ngày 23-12-1801 khi mới 10 tuổi, và công chúa Ngọc Bảo mất ngày 18-5-1802 khi mới 12 tuổi.
Sau được bà ngoại Nguyễn Thị Huyền thương xót, âm thầm đem hài cốt của ba mẹ con Ngọc Hân về làng, an táng tại bãi Cây Đại hay bãi Đầu Voi ở đầu làng Nành. Đồng thời ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích. Năm 1840, Vua Thiệu Trị phát giác, phá hủy đền thờ, mộ tích bị quật đào, hài cốt đổ xuống sông Hồng – nơi sau này dân lập đền Ghềnh thờ bà.
Tuy cuộc đời bà có nhiều nốt thăng trầm, nhưng thực tế Ngọc Hân cũng giống như những người phụ nữ khác trong đời đại phong kiến. Bên cạnh ngoài tài sắc vẹn toàn cũng không thể chống lại được chế độ hay có lối suy nghĩ khác đi. Cũng giống như Huyền Trân công chúa, cũng chỉ là một nạn nhân, một nữ nhi bình thường, cũng chỉ có thể theo bánh xe số phận lắp đặt sẵn mà trở thành con cờ trong cuộc đấu tranh chính trị giữa các triều đại phong kiến, bất đắc dĩ mang vác trên mình một trọng trách vượt quá khả năng của bà.