
Bản thân tôi là cô gái nông thôn vừa tốt nghiệp tiến sĩ (PhD).
Điều kiện gia đình tôi rất nghèo, bố mẹ không có tay nghề gì, chỉ có thể sống dựa vào nghề làm ruộng, ruộng đất trong nhà cũng không nhiều, thu nhập hàng năm chỉ ít ỏi như thế, trong nhà tôi còn có đứa em trai.
Sau khi bố mẹ tôi kết hôn, ông bà nội để lại cho bọn họ một khoản nợ chồng chất, thật sự là nghèo trắng tay, chẳng còn gì ngoài căn nhà dột nát. Khi tôi còn nhỏ, mỗi khi mùa mưa đến, trong nhà không có lấy một chỗ khô, bố mẹ tôi cùng ôm lấy hai đứa nhỏ là tôi và em trai cuộn tròn ở một góc giường để ngủ ngồi.
Để xây được một ngôi nhà trệt bằng xi măng không bị dột mưa, bố mẹ tôi phải vay mượn tiền và bắt đầu đi ra ngoài làm công. Mẹ may quần áo, còn bố thì làm việc vặt và trông coi kho hàng.
Khi tôi lên cấp 3, các khoản nợ trong nhà coi như đã trả hết, và dần dần còn có thể dư ra một ít để gửi tiết kiệm ngân hàng. Khi đó, bố tôi vẫn hay hỏi tôi có muốn cân nhắc vào đại học sư phạm hoặc là quốc phòng hay không, như vậy thì có thể miễn được học phí. Thành tích thi đại học cũng không tệ, bố mẹ cũng không có ý can thiệp vào lựa chọn của tôi. Tôi thi đỗ vào một trường top 10 cả nước và chọn ngành kỹ thuật. Học phí đại học khi đó của tôi là một khoản vay, tiền sinh hoạt mỗi năm bố mẹ đều gửi cho tôi là 10 000 tệ, đến năm hai bất kể số tiền đó có tiêu hết hay không, bố mẹ cũng gửi thêm cho tôi 10 000 tệ khác. Bản thân tôi cũng không chịu thua kém, mỗi năm nhờ vào tiền học bổng và làm gia sư cũng có thể kiếm thêm được một chút. Hơn nữa tính tôi tương đối tiết kiệm, cơ bản thì 10 000 tệ mỗi năm đều sẽ còn dư lại rất nhiều, nên bố mẹ cũng không cần phải gửi nhiều tiền trợ cấp cho tôi.
Khi tốt nghiệp đại học, tôi vô cùng muốn tiếp tục học lên nghiên cứu sinh, đầu tiên là vì thành tích tôi có thể được bảo đảm, thứ hai là cũng vì phần lớn các bạn cùng lớp đều chọn học nghiên cứu, không muốn tụt lại phía sau. Cả quá trình này bố mẹ cũng không can thiệp vào lựa chọn của tôi, nhưng khi tôi chọn học tiến sĩ, thì mẹ tôi có nói vài lời để tôi thận trọng và chú ý đến vấn đề phụ nữ sẽ đến tuổi kết hôn sinh con. Lý do cá nhân mà tôi chọn học trực tiếp lên tiến sĩ rất thực tế, một là vì tiền trợ cấp tiến sĩ rất cao, tôi không muốn bố mẹ tôi lại cho tôi tiền sinh hoạt nữa, hai là vì khi đó phòng thí nghiệm có các anh chị khóa trên nhận được lời mời của Huawei, lương một năm gần 300 000 tệ. Con số 300 000 tệ này là số tiền bố mẹ tôi chưa từng thấy qua trong đời.
Học tiến sĩ chỉ dài hơn học thạc sĩ kỹ thuật hai năm nhưng thực tế áp lực công việc lại lớn gấp đôi. Tốt nghiệp tiến sĩ yêu cầu bài báo khoa học và còn cả *chỉ số IF. Bình thường ngoài các dự án riêng của bản thân, còn phải giúp các thầy cô làm việc vặt và viết sách đề tài hướng dẫn cho đàn em. Hàng năm về quê ngày lễ tết còn bị đủ kiểu hàng xóm láng giềng thân thích hỏi khi nào thì tốt nghiệp, áp lực vẫn là rất lớn. Khi bài báo hết lần này đến lần khác bị từ chối, nhìn những bạn cùng viện đã đi làm ngày trở nên tốt hơn, và khi tôi nghĩ đến mình vẫn còn đang gặp khó khăn, cũng sẽ tự hỏi bản thân ban đầu tại sao lựa chọn học tiến sĩ, nhưng khoảng thời gian này cũng nghiến răng mà kiên trì được đến cùng.
*Chỉ số IF (Impact factor) của một tạp chí khoa học (academic journal) là một số đo phản ánh số lượng trích dẫn (citation) trung bình theo năm của các bài báo khoa học (article) được xuất bản gần đây trên tạp chí đó. IF thường được dùng với tư cách là proxy (thống kê học) đại diện cho độ quan trọng tương đối của một journal so với các journal khác trong cùng lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành. (theo Wiki)
Sau khi tốt nghiệp năm nay, tôi đã nhận được một số lời mời, tiền lương cao nhất một năm có được là hơn 500 000 tệ, so với nhiều bạn cùng viện ưu tú khác, tôi thật sự không đáng nhắc tới. Nhưng nhớ lại quá trình học tập từ nhỏ đến lớn, tôi đã bước từng bước từ ngôi làng nhỏ rách nát , từ ngôi trường tiểu học xập xệ không đủ thầy cô trong thôn, đến lớp trọng điểm của trường cấp 2 trên thị trấn, đến lớp trọng điểm của trường cấp 3 trọng điểm trên thành phố, rồi đến học đại học và tiến sĩ ở *trường trọng điểm 985. Dường như tôi thật sự đã đi rất rất xa rồi, phải biết rằng trong thôn có rất nhiều cô gái trạc tuổi tôi, chỉ có thể học tiểu học, cấp 2 xong đã phải đi ra ngoài làm công rồi.
*Các trường thuộc Đề án 985 đều là những trường đại học trọng điểm của Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, Đề án 985 bao gồm 38 trường. Nổi bật có thể kể đến là Thanh Hoa, Bắc Đại,… (Theo Wiki)
Nếu muốn nói tiếp tục học tiến sĩ sẽ có tương lai hay không, đối với tôi một đứa trẻ nông thôn không có con đường nào khác có thể đi mà nói, thì đây đã là con đường tốt nhất cho tôi đi rồi. Học tập không có ngưỡng phân cấp điều kiện gia đình, chỉ cần bạn nỗ lực và đạt thành tích tốt sẽ có thể đi đến cùng. Mục đích mà tôi cố gắng học cao hơn cũng là vì để có bằng cấp cao hơn, công việc tốt hơn, và có thể nuôi sống bản thân. Cho nên đối với tôi, “học tiến sĩ’ vẫn có tương lai tốt.
Nhưng đối với người khác mà nói, cụm từ “tương lai” này có nghĩa thế nào thì có thể tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người rồi.
Khách quan mà nói thì, học tiến sĩ cần phải cân nhắc rất nhiều, đầu tiên phải hiểu rõ sau khi học tiến sĩ là tiếp tục nghiên cứu khoa học hay đi làm. Nếu tiếp tục nghiên cứu , còn phải xem hướng đó có dễ xuất bản bài báo khoa học hay không, liệu có đủ các thành tích (số luận văn, chỉ số IF) trước khi tốt nghiệp để hỗ trợ bản thân trong việc tìm một vị trí giảng dạy không. Nếu muốn đi làm sau khi học xong tiến sĩ, phải xem hướng đó có tốt để làm việc không, tình hình làm việc chung trong ngành như thế nào. Sau đó còn phải xem sự ủng hộ của gia đình, còn tùy vào thầy hướng dẫn, vân vân.
Học tiến sĩ chỉ là một lựa chọn, mà cũng còn rất nhiều nhân tố khách quan khác ảnh hưởng đến kết quả của sự lựa chọn này. Điều duy nhất chúng ta có thể nắm bắt được là lòng mình, mình muốn cái gì, và có nguyện ý nỗ lực vì nó hay không.

Bạn học cùng lớp cấp 3 của mình hiện tại đang có khoảng 10 người đã và đang học thạc sĩ tại nước ngoài, và có 2 người học lên tiến sĩ, mình thì ko có điều kiện để học lên nhưng mình vô cùng khuyến khích mọi người nên học lên, càng cao càng tốt, đặc biệt là tận dụng xin học bổng các kiểu, vì thật sự học các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, ko những có bằng cấp mà còn có rất nhiều tiền đó