CON CƯNG

Nhớ đợt trước tôi còn ở trọ chỗ cũ, khu nhà trọ có 3 tầng cao và 1 tầng trệt. Dưới tầng trệt sẽ là hầm để xe kiêm luôn lối ra vào của cả khu, lúc mới dọn đến tôi không hề biết dưới đây có phòng cho thuê vì tôi vốn thuê ở tầng ba. Cho đến năm thứ 2 thuê trọ, có một người phụ nữ dọn tới ở dưới trệt và cô ấy có nuôi một con chó.

Người phụ nữ dáng người nhỏ bé, khắc khổ, chân đi hai hàng. Mỗi lần tôi đi ra ngoài đều bắt gặp cô trong một bộ quần áo xộc xệch, lôi thôi dường như cô không ngại mình xấu và cũng không hề có nhu cầu chăm chút bản thân. Trưa trưa, người trong khu nhà đều sẽ thấy cô ngồi bệt xuống đất, tay ôm hộp cơm hộp ăn ngấu nghiến vì đói. Cô chẳng bao giờ nấu cơm, chắc do có lẽ mải đi làm sáng đêm tối ngày. Một phần cơm đôi khi sẽ là cơm cá, cơm thịt kho Tàu hoặc hôm nào đói kém hơn chỉ có đôi ba cọng rau cùng nước canh nguội ngắt. Thế mà, người phụ nữ tội nghiệp ấy lại dành những phần thịt, cá cho “cậu Vàng” của mình mà chỉ ăn cơm với canh hoặc nước mắm. Mọi người xung quanh hỏi thì cô nói: “Nó còn nhỏ mà nó phải ăn nhiều hơn mình chứ!”. Đúng vậy, cô xem cậu Vàng như con ruột mình bởi lẽ cô không có gia đình, con cái hay bà con thân thích.

Cách cô gọi con chó cũng rất dễ thương: “Cún ơi”, “Con ơi”, “Bé ơi” như cách người mẹ âu yếm, yêu thương gọi đứa con cưng của mình. Còn Cậu Vàng đi đâu cũng quấn quýt lấy mẹ, lúc mẹ đi làm nó cũng lẽo đẽo đi theo( cô làm nghề thu mua ve chai ). Cứ như vậy, cậu Vàng như một người con trai vệ sĩ bảo vệ mẹ mình. Cô kể Vàng nó sợ người ta làm hại cô, đánh cô và vì trước kia có những lần cô bị đánh đập rất dã man, hỏi đó là ai đánh cô thì cô quay mặt đi không nói.

Có lẽ vậy, mà mỗi lần có người đi qua đi lại là con Vàng xông từ trong nhà ra sủa rất to. Mặc dù, đó chỉ là người thuê trọ ở trên tầng, người lấy xe máy đi ra ngoài, người giao hàng hay người thân đến thăm chỗ con cái ở trọ nó đều sủa. Thậm chí, những người quen đi lại lắm lần khu trọ, nó vẫn sủa. Thế là con Vàng bị ghét, bởi lẽ có những người họ không hề chó mèo nhưng đều bị tiếng sủa của Vàng làm giật mình và bị nó dọa tưởng như nó cắn xé mình đến nơi. Lúc này, cô chỉ biết ái ngại, nhẹ nhàng nói với con mình: “Cún, con đừng sủa đừng cắn cô chú, cô chú ở tầng trên nhà mình mà. Đừng cắn cô chú nha con.” Nhiều người báo chủ nhà, kêu muốn đuổi cô đi vì con chó sủa hoài nhức đầu quá, chủ nhà cũng thông cảm nên nhắc cô giữ chó, đóng khóa cửa cẩn thận, tránh làm phiền không gian đi lại của mọi người.

Dịch Covid tràn tới, các chỉ thị liên tiếp được đưa ra, cấm không cho ra ngoài. Cô thất nghiệp, vẫn ăn cơm hộp nhưng cơm hộp từ thiện, ăn mì tôm cả mấy tháng trời. Mọi người trong khu người góp cho cô ít gạo, người cho cô chai nước tương, cho cô thùng mì, cứ như vậy nhờ tình thương xóm giềng cô lay lắt sống sót qua đại dịch. Hết dịch, người ta đi lại nhiều hơn, Vàng vẫn giữ thói sủa bậy làm người khác sợ bắn người mỗi khi nó lao từ trong nhà ra.

Giờ tôi đã đi khỏi chỗ trọ cũ, do sắp tới khu nhà giải thể, ai cũng phải đi tìm chỗ mới. Còn cô, tôi không rõ cô nói chuyện, thỏa thuận như thế nào với chủ cũ. Nay ngồi ngẫm nghĩ, nhiều khi kiếp người đơn côi lắm, có một người bên cạnh bầu bạn, trân trọng là hết sức đáng quý. Thế nhưng, cũng có khi, chẳng có ai bên ta cả mà chỉ có một con vật nhỏ thương ta mà thôi. Tôi cũng không thích tính sủa bậy của con Vàng nhưng nếu không có Vàng, cô ấy sẽ buồn và cô đơn biết nhường nào. Những cuộc đời như cô, ta bắt gặp bên ngoài còn nhiều không kể xiết, câu chuyện họ liệu đủ viết nên những trang văn?

Xin phép kể thêm một câu chuyện nhỏ mà tôi nghe được trên Podcast Tran Quoc Khanh show ( hiện tại chính là Vietsuccess ). Khi nhân vật chính đi giúp đỡ chống dịch thì anh gặp hai mẹ con ngồi ngoài đường, rất đáng thương, không có đồ ăn, thức uống. Không kìm lòng được trước tình cảnh khốn khó như vậy, anh nhanh tay lấy cho họ đồ hộp ăn liền và sữa. Người mẹ cảm động, ứa nước mắt nhắc đứa con: “Cảm ơn chú đi con, cảm ơn chú đi con.” Nhân vật chính vẫn luôn trăn trở sau chuyến đi ấy, liệu hai mẹ con họ có vượt qua được không, liệu số đồ ăn đó có đủ giúp họ phần nào hay không?

Làm sao để hết khổ? Làm sao hết đau lòng trước những điều như vậy? Bản thân tôi cảm thấy đây là một câu hỏi rất lớn, liên quan đến những vấn đề khác nhau cần được giải quyết. Sức mình có hạn, chỉ mong những mảnh đời ấy có thể thêm vững bước trong cuộc đời khắc nghiệt này, cảm thương cho những số phận ấy. Cầu chúc cho những ai đang khó khăn, cô đơn, đau khổ đều sẽ được xoa dịu phần nào khi đọc bài viết này và với những người may mắn hơn họ như tôi luôn giữ được tâm bình an, hạnh phúc để giúp ích cho chính mình, gia đình mình và cho cuộc đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *