Thực lực mới là thứ khiến người khác tin phục chứ không phải miệng lưỡi, xem ai nói to hơn là được. Kẻ yếu thích ra vẻ mạnh, còn kẻ mạnh thật sự sẽ giả vờ yếu, đây mới là quy tắc ứng xử khôn ngoan.
————–
1. Thực lực bản lĩnh cỡ nào, uy quyền của chúng ta cũng nhiều chừng ấy!
Trong thế giới động vật, bạn nghĩ liệu một chú sư tử có bao giờ quan tâm đến suy nghĩ của cừu non? Hay một con mèo xù lông giận dữ có làm gì được hổ dữ uy quyền? Khi bạn vẫn còn là một sinh vật yếu đuối nhỏ bé, bạn tức giận đến mấy cũng phí công vô dụng. Chỉ khi giống loài mạnh mẽ cất tiếng gầm gừ mới khiến tất cả sợ hãi, e dè.
Tuy nhiên, tính khí của một người thường tỷ lệ nghịch với khả năng của người đó. Gặp gỡ và giao tiếp với càng nhiều người thành đạt, bạn sẽ nhận ra họ luôn giữ thái độ hòa nhã, ngữ khí thong thả và tiết chế thể hiện những cảm xúc tiêu cực ra ngoài. Trong khi đó, những người chưa đủ bản lĩnh lại dễ dàng cáu giận, cư xử khó gần, đôi khi “phát hỏa” chỉ vì một câu nói vô ý của người xung quanh.
Có thể thấy rằng, người tài giỏi không cần to tiếng vẫn cho thấy trọng lượng từng câu từng chữ mình nói ra. Chính khả năng và thực lực của họ đã trở thành “chiếc loa” phù hợp nhất để tạo ra sự ảnh hưởng, nhận lại lòng tôn trọng từ người khác.
2. Thay vì hư danh, hãy chọn ích lợi thực tế!
Có người đàn ông lên thành phố làm việc hơn mười năm, không kiếm được bao nhiêu tiền nhưng đặc biệt sĩ diện. Mỗi lần họ hàng về quê vào dịp tết, anh ta luôn ăn mặc và thể hiện như mình là một người giàu đích thực, lúc thì khoe mình kiếm được dự án hàng chục tỷ đồng, lúc thì kể lể đám anh em tốt của mình là giám đốc công ty này, tập đoàn kia. Những người xung quanh tin là thật, liền nửa đùa nửa thật khích anh ta đứng ra trả tiền bữa ăn, anh cũng huênh hoang rút ví mời tất cả cứ ăn uống thoải mái, không no say không về.
Nhìn con trai kiếm được thì ít mà đi phung phí thì nhiều, người bố tự đi nhờ vả người quen, định giới thiệu cho anh ta một công việc đàng hoàng, kiếm tiền ổn định. Thế nhưng khi biết được, anh ta lại giận dữ quát mắng ầm lên vì cho rằng mình bị ông làm mất mặt trước mọi người.
Trong khi đó, hàng xóm của họ vốn là một tổng giám đốc của tập đoàn lớn trên thành phố, sở hữu mấy căn nhà riêng ở nhiều thành phố khác nhau, lại ngày ngày ăn mặc giản dị, đạp xe đi chợ mua rau như một người dân hoàn toàn bình thường. Cho dù ai hỏi đến thu nhập, ông ấy cũng chỉ trả lời “Vừa đủ ăn, đủ nuôi vợ con ấy mà.”
Khi bạn cố thể hiện sự giàu có của mình, ngoài miệng người ta có thể ngưỡng mộ hay ngợi khen bạn luôn mồm, nhưng thật ra trong lòng thì đố kỵ ghen ghét, mang đến cho mình nhiều phiền toái không đáng. Ngược lại, chúng ta biểu hiện càng khiêm tốn lại càng thỏa mãn lòng “hư vinh” của đối phương và họ càng thích quan hệ với mình. Đạo lý này có vẻ đơn giản nhưng để làm được thì lại rất khó. Mấy ai có thể sống vì chính mình mà không để ý cái nhìn của người khác, không muốn bản thân trở nên nổi bật, bộc lộ tài năng vượt lên mọi người?
Trên thực tế, tuy tất cả không ai nói ra nhưng không thiếu người đã nhận ra và xác định rõ giá trị của bạn bao nhiêu, năng lực ở mức nào ngay từ đầu. Nếu yếu mà cố tỏ ra mạnh, bạn sẽ trở thành trò cười của người khác nhưng nếu biết mạnh mà tỏ ra khiêm nhường, mọi người sẽ dành cho bạn cái nhìn thiện cảm hơn. Chính vì thế, người im hơi lặng tiếng chưa chắc đã yếu đuối thật sự, kẻ ồn ào thể hiện chưa chắc đã mạnh mẽ hơn người ta. Chỉ đến khi đứng trước khó khăn và thử thách, chúng ta mới biết được ai là người có bản lĩnh nhất.
Khi bạn có đủ sức mạnh và bản lĩnh, đương nhiên bạn có thể đạt tới những thành tựu xa hơn, bước chân đến những đỉnh núi cao hơn và phát hiện ra rằng: Ánh mắt xung quanh chẳng thể ảnh hưởng đến bạn được nữa. Chỉ có thực lực mới là thứ quyết định hết thảy.