BẠN KHÔNG HIỂU BẢN THÂN NHƯ MÌNH NGHĨ ĐÂU: ẢO TƯỞNG TỰ SUY XÉT NỘI TÂM

Hãy tưởng tượng có một bức tranh mà thế giới xem là đẹp, ví dụ như bức Starry Night của Van Gogh. Bây giờ tưởng tượng bạn phải viết một bài luận về lý do tại sao bức tranh đó nổi tiếng. Hãy nghĩ về một lời giải thích hợp lý. Không, đừng tiếp tục đọc. Hãy giải thích tại sao tác phẩm của Van Gogh là vĩ đại.

Có một bài hát hoặc một tấm ảnh nào bạn yêu thích không? Có thể có một bộ phim nào đó mà bạn xem đi xem lại nhiều năm, hoặc một cuốn sách. Hãy tưởng tượng về một trong những thứ bạn yêu thích đó. Bây giờ, thử giải thích tại sao bạn thích nó. Khả năng là bạn sẽ thấy khó giải thích thành lời, nhưng nếu thúc ép thì bạn có thể sẽ đưa ra một lời giải thích nào đó.

Vấn đề là, theo nghiên cứu, lời giải thích của bạn có lẽ sẽ hoàn toàn là nhảm nhí. Tim Wilson (Đại học Virginia) đã chứng minh điều này vào năm 1990 với Poster Test. Ông cho một nhóm học sinh vào một căn phòng và cho họ thấy nhiều tấm ảnh. Các học sinh được cho biết chúng có thể chọn bất kỳ một tấm ảnh nào mà chúng muốn như một món quà và giữ nó. Sau đó ông cho một nhóm học sinh khác vào phòng và nói với chúng điều tương tự, nhưng lần này chúng phải giải thích tại sao chúng muốn tấm ảnh mà chúng đã chọn. Sau đó Wilson đợi 6 tháng và hỏi cả 2 nhóm chúng nghĩ gì về những lựa chọn của chúng. Nhóm thứ nhất, những người chỉ cần chọn lấy một tấm ảnh chúng thích và rời đi, tất cả đều thích sự lựa chọn của chúng. Nhóm thứ hai, những người phải viết ra lí do tại sao chúng chọn tấm ảnh này mà không phải những tấm khác, thì ghét sự lựa chọn của chúng. Nhóm thứ nhất thường chọn một tấm ảnh đẹp, kỳ lạ. Nhóm thứ hai thường chọn một tấm ảnh truyền cảm hứng với một con mèo bám chặt vào một sợi dây.

Theo Wilson, khi bạn đối mặt với một quyết định mà ở đó bạn buộc phải nghĩ đến lý do căn bản của bạn, thì bạn bắt đầu bác bỏ phần não cảm xúc của bạn và bật phần não logic của bạn. Bạn bắt đầu tạo một danh sách những lý luận tán thành và phản đối mà nó sẽ không bao giờ xuất hiện nếu bạn dùng đến trực giác của bạn. Như Wilson nhận thấy trong nghiên cứu của ông, “Hình thành những sở thích thì hơi giống với việc đạp xe; chúng ta có thể thực hiện việc đó một cách dễ dàng mà không dễ giải thích làm thế nào đạp được xe.”

Trước nghiên cứu của Wilson, mọi người thường nhất trí rằng sự xem xét cẩn thận là điều tốt, nhưng Wilson cho thấy việc tự xem xét nội tâm có thể đôi lúc dẫn bạn đến chỗ đưa ra những quyết định có vẻ tốt về bên ngoài nhưng lại thiếu vắng cảm xúc. Nghiên cứu ở Kent State chỉ ra những sự nghiền ngẫm về chứng trầm cảm của riêng bạn có xu hướng làm bạn trầm cảm nặng hơn, nhưng sự xao lãng lại giúp cải thiện tâm trạng. Đôi khi, việc tự xem xét nội tâm lại gây phản tác dụng. Nghiên cứu về sự tự xem xét nội tâm đánh giá lại toàn bộ ngành công nghiệp phân tích về nghệ thuật – âm nhạc, phim ảnh, thơ ca, văn chương.

Khi bạn hỏi người khác tại sao họ thích hoặc không thích thứ gì đó thì họ phải chuyển một thứ gì đó từ một phần cảm xúc sâu sắc của tâm hồn họ thành ngôn ngữ của những từ ngữ, câu và đoạn văn lý trí, logic. Vấn đề ở đây là những nơi sâu kín đó của tâm hồn có thể là vô thức và không vào được. Những thứ có sẵn với ý thức có thể không liên quan nhiều đến những sở thích của bạn. Sau này, khi bạn cố gắng để biện minh cho những quyết định hoặc những gắn bó cảm xúc của bạn thì bạn bắt đầu lo lắng về lời giải thích của bạn nói lên điều gì về bạn như một con người, làm hỏng thêm giá trị của câu chuyện tự thuật nội tâm của bạn.

Trong Poster test, hầu hết mọi người thực sự thích bức tranh đẹp hơn bức tranh con mèo, nhưng họ không thể nêu ra được một lời giải thích hợp lý tại sao, ít nhất là không giải thích được theo một cách có lý. Ngược lại, bạn có thể viết ra được tất cả những kiểu giải thích nhảm nhí về bức tranh con mèo. Nó có 1 mục đích rõ ràng.

Wilson tiến hành thực nghiệm khác, ở đó mọi người được cho xem 2 tấm ảnh nhỏ về 2 người khác nhau và được hỏi ai quyến rũ hơn. Sau đó họ được đưa cho 1 phiên bản của tấm ảnh lớn hơn mà họ đã chọn, nhưng nó thực ra là 1 tấm ảnh của 1 người hoàn toàn khác. Họ sau đó được hỏi lý do tại sao họ chọn nó. Mỗi lần, người đó mệt mỏi vì phải bịa ra một lời giải thích cho sự lựa chọn của anh/cô ấy.

Các thực nghiệm khác của Wilson yêu cầu các đối tượng đánh giá chất lượng của món mứt. Ông đặt trước mặt họ 5 loại mứt khác nhau từng được xếp hạng bởi Consumer Report là những loại mứt ngon nhất, ngon thứ 11, thứ 24, thứ 32 và 44 trên thị trường. Một nhóm nếm thử và xếp loại họ nghĩ món mứt này ngon cỡ nào. Nhóm khác phải viết lý do tại sao họ thích và không thích về mỗi loại mứt họ đã nếm.

Giống như thực nghiệm với những bức tranh, những người không phải giải thích với bản thân thì hướng đến những loại mứt tương tự như Consumer Report nói là ngon nhất. Còn những người bị buộc phải tự xem xét nội tâm thì đánh giá về các loại mứt một cách không nhất quán và có những sở thích khác nhau dựa vào những lời giải thích của họ. Mùi vị thì khó mà xác định và giải thích thành lời, do đó những người giải thích tập trung vào những khía cạnh khác như màu sắc hoặc độ dẻo của mứt. Không có yếu tố nào trong số đó cuối cùng tạo ra nhiều khác biệt đối với những người không giải thích.

Tin rằng bạn hiểu được những động cơ và những khao khát của bạn, những thứ bạn thích và không thích, được gọi là ảo tưởng tự xem xét nội tâm. Bạn tin rằng bạn hiểu bản thân bạn và tại sao bạn là như vậy. Bạn tin rằng kiến thức này nói với bạn rằng bạn sẽ hành động như thế nào ở mọi tình huống thuộc tương lai. Nhưng nghiên cứu cho thấy, theo thời gian thì sự tự xem xét nội tâm không phải là hành động chạm vào chỗ sâu kín nhất trong tâm hồn bạn mà nó là một sự bịa đặt. Bạn nhìn vào những gì bạn đã làm, hoặc bạn cảm nhận như thế nào, và bạn bịa ra một số lời giải thích mà bạn có thể tin tưởng về mặt lý trí. Nếu bạn phải kể với người khác thì bạn cũng bịa ra một lời giải thích mà họ có thể tin theo. Khi nói đến việc giải thích lý do tại sao bạn thích những thứ/những người nào đó thì bạn không thông minh lắm, và hành động phải giải thích với bản thân có thể làm thay đổi thái độ của bạn.

Theo Yêu tâm lý

Bài gốc:  Dịch từ cuốn “You are not so smart” – David McRaney.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *