Sau đó ít lâu thì cô gặp người chồng hiện tại – một chàng trai cùng quê với cô. Điều quan trọng là gia đình anh ta không cổ hủ như gia đình cô, anh ta cũng rất lịch sự, nhã nhặn và biết tôn trọng phụ nữ.
Hai người quyết định kết hôn, nhưng hộ khẩu của cô ấy vẫn ở quê nên cô phải về nhà để lấy. Mặc dù cô không nói cho gia đình biết là cô đã mua nhà ở thành phố cũng như mức lương cụ thể, nhưng người cha và 2 đứa em trai nhìn quần áo đắt tiền, phong thái tự tin cũng đoán được là cô đã trở nên giàu có. Với lại, cô ấy có thể trong thành phố lớn lâu như vậy, chắc hẳn là cuộc sống tốt hơn nhiều so với việc họ ở lại vùng quê hẻo lánh “khỉ ho cò gáy” này.
Thế là người cha bỗng nhiên tỏ ra quan tâm đến cô con gái. Dường như ông ta đã quên mình từng đánh đập, bạo hành con gái như thế nào, thường xuyên đi khắp nơi chửi rủa con gái, gọi là “con điếm” và xúc phạm không thiếu một từ gì. Hai đứa em trai cũng bắt đầu ngon ngọt, lấy lòng chị gái và anh rể, vừa khen chị giỏi giang, vừa than thở mình sống khổ sở vất vả, rồi đem tình nghĩa ruột thịt ra bảo “Chị giàu rồi thì đừng quên chúng tôi.”
Người cha biết được con gái sắp lấy chồng, bèn vội vàng đòi tiền sính lễ. Ông ta còn bảo các con còn trẻ không biết giữ tiền, hay là tiền lương cứ để ông ta cầm hộ, khi nào có con trai để nối dõi rồi ông ta sẽ trả lại cho.
Ngay cả gia đình nhà trai cũng chưa bao giờ nhắc đến việc ép con dâu phải sinh con nối dõi, thế mà ông ta là cha ruột lại nói ra những lời này.
Đương nhiên cô gái sẽ chẳng để ý đến họ, sau khi lấy được hộ khẩu thì cùng chồng đi đăng ký kết hôn. Theo tục lệ truyền thống thì nhà trai phải đưa sính lễ, tiền sính lễ cô tự giữ chứ không đưa cho cha mẹ. Chàng trai cũng hiểu được hoàn cảnh gia đình cô, nên sau khi đăng ký kết hôn thì cùng nhau đi ăn mừng một bữa, chứ không về nhà làm tiệc cưới linh đình giống như những cặp đôi khác.
Sau đó, người cha biết được con gái đã mua nhà thành phố, lại không về quê tổ chức đám cưới nên lại tìm cô để gây chuyện. Đầu tiên là ông ta phàn nàn tại sao con gái không mời cưới, không gửi tiền sính lễ cho cha mẹ ở quê. Con gái lấy chồng mà tại sao đằng nhà gái lại không được một tí tiền gì là thế nào?
Rồi ông ta tỏ vẻ đáng thương, nói ngày xưa nuôi 3 đứa con vất vả. Nói vòng vo một hồi vẫn là muốn mua một cái nhà to trên thị trấn, để 2 đứa con trai có nhà rồi cưới vợ, khi ông ta về già cũng có chỗ mà nương nhờ.
Ông ta bảo: Dù sao thì chồng con cũng có nhà riêng, vậy thì căn nhà của con đứng tên con thì có ích lợi gì? Hai đứa em trai con cũng đến tuổi lấy vợ rồi. Cha mẹ định sẽ nhường ngôi nhà ở quê cho thằng lớn, còn căn nhà của con thì cho thằng nhỏ để chúng nó có tài sản rồi còn kết hôn.
Rồi ông ta bảo cô con gái đi tìm việc cho 2 em trai ở thành phố, nói rằng dù sao cũng là chị em ruột, em trai cô kiếm được tiền thì cô cũng đẹp mặt, cả gia đình cũng có chút hi vọng sau này.
Xong ông ta còn chép miệng, rằng nuôi con trai mới là có tiền đồ, có triển vọng. Còn nuôi con gái cũng chỉ để sau này giúp đỡ cho con trai thôi.
Cô con gái tức giận đến mức suýt bật cười thành tiếng. Hồi trước thì bắt nghỉ học để đi làm, bao nhiêu năm trời không gửi lấy một đồng học phí, thế mà đến lúc con trai cần lấy vợ thì lại đến đây đòi nhà, bắt tìm việc làm cho chúng nó.
Lại còn bảo nuôi con trai mới là có tiền đồ, rốt cuộc tiền đồ của bọn nó ở chỗ nào? Một đứa phải chạy tiền mới vào được cấp 3, nhưng không đậu được đại học nên giờ phải đi làm mấy việc lặt vặt. Đứa còn lại thậm chí không học hết cấp 2, giờ đã to xác mà vẫn ở nhà ăn bám cha mẹ già. Thế mà vẫn mong 2 đứa con trai ấy sẽ làm rạng danh dòng tộc, làm đẹp mặt gia đình hay sao? Đúng là mơ mộng hão huyền.
Nhưng cô con gái cũng không trực tiếp từ chối, còn bảo để cô suy nghĩ một chút, sau đó nói công ty cô vừa thiếu một bảo vệ, hay là để cho em trai tới đó làm việc.
Người cha nghĩ chắc hẳn là công việc nhàn hạ, chỉ ngồi không cũng được lương cao, nên vội vàng về nhà bảo con trai út lên thành phố.
Sau khi gặp em trai, cô không đưa cậu ta về nhà, bảo là đang có nhà nội lên chơi nên không tiện. Cô thuê khách sạn cho em trai ở, nói rằng mấy hôm nữa sẽ có buổi tuyển dụng, cứ ở đây đợi đến hôm đó là được. Kết quả là cậu em trai không đến ứng tuyển, cả tháng chỉ nằm ở khách sạn ăn chơi, tiêu xài hoang phí rồi nợ tiền phòng khách sạn đến mấy trăm tệ.
Cô chị gái biết chuyện thì bảo thôi về quê đi, công ty không tuyển thêm nữa đâu.
Cô còn bỏ tiền ra trả nợ tiền phòng cho em trai rồi nói: Tiền này là chị trả trước giúp em, sau này em phải trả lại cho chị.
Cuối cùng cậu em trai đành chán nản bỏ về quê.
Cha mẹ cô ấy biết con gái chưa sắp xếp được việc cho con trai, liền gọi điện mắng chửi té tát. Cô gái cũng chẳng biết nói gì, họ bèn bảo “Trước sau gì chồng mày cũng đối xử với mày không ra gì, đến lúc đó mày không nhờ em trai thì định nhờ ai? Nếu mày không kiếm được tiền thì không nói làm gì, giờ mày mua được nhà ở thành phố lớn rồi, mà cũng không bỏ tiền ra mua cho em trai được cái nhà, cái xe cho nó đàng hoàng hay sao?”
Cuối cùng cô gái đành gửi cho họ hai trăm nghìn tệ, thế là coi như trả tình nghĩa cho cái gia đình đấy rồi.
Sau một thời gian thì người cha bị bệnh, hai đứa con trai cưng lại không muốn bỏ tiền ra chữa bệnh cho cha. Thế là ông ta lại gọi điện cho con gái, ngọt ngào bảo cô gửi tiền về cho ông ta. Còn bảo con gái đưa ông ta lên những bệnh viện tuyến đầu trên thành phố để trị bệnh.
Cô gái chỉ lạnh lùng nói: Cha quên rồi sao? Lúc trước cha đối xử với con như thế nào? Mười bảy năm trời con không có một bữa ăn cho đàng hoàng, cha bắt con nghỉ học để đi làm, đánh mắng con như một đứa con ở. Khi con bỏ trốn để đi học, cha đi khắp nơi nguyền rủa con bằng những từ ngữ ghê tởm ra sao? Cha có lẽ không nhớ, nhưng con mãi mãi không quên được. Sao cha không bảo 2 đứa con trai mà cha quý như vàng như ngọc ấy, bảo chúng đưa cha đi bệnh viện? Còn con, cả đời này con cũng không tha thứ cho cha.