Ấn Độ trước thời Phật Cồ Đàm: Từ Hiến Tế Vũ Trụ đến Danh Tính Tối Hậu Tiểu Ngã – Đại…

Ấn Độ trước thời Phật Cồ Đàm: Từ Hiến Tế Vũ Trụ đến Danh Tính Tối Hậu Tiểu Ngã – Đại…

Ấn Độ trước thời Phật Cồ Đàm: Từ Hiến Tế Vũ Trụ đến Danh Tính Tối Hậu Tiểu Ngã – Đại Ngã (tiếp theo)
Tapas: Kỹ thuật và phép biện chứng của những khổ hạnh đạo
Thuật ngữ tapas dẫn xuất từ gốc tap nghĩa là “làm nóng.” Khái niệm này thuộc về một truyền thống của Ấn-Âu, “cực nóng” hay “thịnh nộ” là một phần của nghi lễ kiểu anh hùng. “Làm nóng: bằng những kỹ thuật tâm sinh lý hay chế độ ăn uống được chứng thực giữa những thầy thuốc, pháp sư của những nền văn hóa nguyên thủy. Quyền năng pháp thuật được đi kèm với một nguồn nội nhiệt mạnh mẽ.
Người Ấn Độ gốc Ấn-Âu và đặc biệt là Ấn Độ Vệ Đà đã thừa hưởng những kỹ thuật từ thời tiền sử và đa dạng hóa chúng theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần nói rõ rằng không có một nghi lễ “làm nóng” ở bất cứ đâu đạt đến mức độ cao như của tapas ở Ấn Độ.
Khổ hạnh “làm nóng” có mô hình hay những tương đồng về mặt hình ảnh, biểu tượng và thần thoại liên hệ với hơi nóng “làm chín” mùa màng và ấp những quả trứng để đảm bảo chúng được nở, đi kèm với hưng phấn tình dục, đặc biệt là sức nóng của cực khoái, và với lửa nhóm bởi hai thanh gỗ chà sát vào nhau. Như ta đã biết, Prajapati tự làm nóng qua tapas để tạo ra thế giới. Về mặt nghi lễ, tapas tạo điều kiện cho tái sinh – nghĩa là chuyển từ thế giới này đến thế giới của các vị thần, từ “trần tục” thành “linh thiêng.” Tu khổ hạnh giúp những nhà chiêm nghiệm “ấp” những bí ẩn của tri thức bí truyền và đem đến cho họ sự mặc khải về những chân lý thâm sâu.
Tu khổ hạnh đem đến cho người tu một “sức mạnh” siêu nhiên, thứ có thể trở nên ghê sợ và đôi khi làm người ta lạc lối. Về bản chất, tapas sinh ra bởi nhịn ăn, bởi việc không ngừng quan sát một đống lửa, bởi việc đứng dưới mặt trời, hay hiếm hoi hơn là việc hấp thụ những chất gây say. Nhưng “làm nóng” cũng thu được từ việc nín thở, mở đường cho sự đồng nhất hóa nghi lễ Vệ Đà với những thực hành của Yoga.
Nếu trong việc thờ cúng Vệ Đà, các vị thần được dâng lên soma, bơ nóng và lửa thiêng, thì trong thực hành khổ hạnh họ lại được dâng “hiến tế nội tâm” – đồ cúng được thay bằng các chức năng sinh lý. Quan niệm hiến tế nội tâm này là một sự phát triển với nhiều hệ quả: nó sẽ cho phép ngay cả những nhà tu khổ hạnh lập dị nhất và những nhà huyền môn tồn tại trong giáo hội Bà-la-môn, sau này là Hindu. Vẫn sự hiến tế nội tâm này lại được thực hành bởi những Bà-la-môn, là “những người sống trong rừng,” mà không làm mất đi vị trí xã hội của họ như “những người chủ nhà.”
Nói ngắn gọn, tapas được tích hợp vào một chuỗi những sự đồng nhất hóa ảnh hưởng đến nhiều mặt. Một mặt, cấu trúc vũ trụ và các hiện tượng được đồng hóa với các cơ quan và chức năng của cơ thể người. Mặt khác, tu khổ hạnh được đồng nhất hóa với hiến tế. Ở một số dạng tu khổ hạnh, ví dụ như nín thở, còn được xem là cao cấp hơn cả hiến tế; kết quả của những dạng này được xem là quí giá hơn của hiến tế. Nhưng tất cả những sự đồng nhất hóa này chỉ có hiệu lực nếu phép biện chứng khai mở chúng có thể được hiểu rõ.
Trong Upanishads, sự nhận thức, trí tuệ sẽ được đưa lên vị trí hàng đầu và hệ thống hiến tế sẽ mất đi tính ưu việt của nó trong tôn giáo. Nhưng rồi hệ thống dựa trên sự vượt trội của “nhận thức” này cũng thất bại trong việc duy trì tính ưu việt của nó, ít nhất là trong một vài phân khúc xã hội.
Những nhà tu khổ hành và những nhà huyền môn: Muni, vratya
Một vài trong số những nhà tu khổ hạnh và nhà huyền môn sống bên lề xã hội Aryan mà không bị coi là “dị giáo”; nhưng có những người khác bị coi là “ngoại lai,” dù rằng không thể xác định được họ thuộc tầng lớp thổ dân sơ khai hay chỉ đơn giản là sự phản ánh lại những quan niệm tôn giáo của một số bộ lạc Aryan phát triển bên lề truyền thống Vệ Đà.
Một bài thánh ca trong Rig Vệ Đà kể về một nhà tu khổ hạnh (muni) với tóc dài, bao phủ bởi “màu nâu bẩn thỉu,” “quấn quanh với gió” (nghĩa là trần truồng), và “những vị thần nhập vào người này.” Vị muni này bay trên không. Ông ta ở cạnh hai đại dương, nơi mặt trời mọc và nơi mặt trời lặn… Đây là một ví dụ điển hình của sự xuất thần: linh hồn của vị muni bỏ rơi cơ thể.
Có cả một cuốn sách trong Atharva Vệ Đà dành cho một nhóm bí ẩn, các vratya, những người mà từ họ các học giả tìm kiếm những tiền nhân của những nhà Yoga hay là những đại diện của người phi Aryan, nhưng văn bản có phần không rõ ràng. Văn bản đề cấp đến các vratya thực hành tu khổ hạnh (duy trì ở tư thế đứng trong một năm, v.v.) cùng với kỷ luật về sự thở, tương đồng hóa cơ thể họ với vũ trụ bao la. Một nghi lễ gọi là vratyastoma được thiết lập để tái hợp những thành viên của hội này với xã hội Bà-la-môn. Trong quá trình vratyastoma có những nhân vật khác tham gia, đứng đầu là magadha, đóng vai trò của người hát, và một gái điếm. Trong dịp lễ mahavrata, cô ta giao hợp một cách nghi lễ với magadha hoặc một nhà phạm hạnh (brahmacarin).
Nhà Phạm hạnh cũng được quan niệm là một nhân vật cấp vu trụ. Được thụ pháp, bao bọc trong da sơn dương đen, râu dài, ông ta đi từ biển đông sang biển bắc và “tạo ra thế giới;” ông được ca ngợi như “phôi thai trong lòng của sự bất tử”; mặc đồ đỏ, ông tu luyện tapas. “Đại diện” thế tục của ông là nhà phạm hạnh (người có lời thề đầu tiên là giữ tiết hạnh), người sẽ giao hợp nghi lễ với gái điếm như vẫn thường xảy ra ở Ấn Độ.
Hợp nhất tình dục là một phần của nghi lễ Vệ Đà. Phân biệt giữa hợp nhất mang tính hôn nhân và hợp nhất kiểu truy hoan với mục đích sinh trưởng vũ trụ hoặc tạo ra “sự phòng thủ về mặt phép thuật” là điều quan trọng. Tuy nhiên, trong cả 2 trường hợp, đây là vấn để của những nghi lễ. Sau này mật giáo sẽ khởi thảo một kỹ thuật hoàn chỉnh nhắm đến sự biến đổi bí truyền của tình dục.
Còn có những ẩn sĩ và những nhà tu khổ hạnh trong Vaikhanasasmartasutra phân biệt qua tóc tai hay trang phục, hoặc rách nát hoặc làm từ vỏ cây: một số khác thì khỏa thân, sống bằng nước tiểu và phân bò, trú ngụ ở nghĩa địa, v.v. một số khác thực hành Yoga hay một dạng tiền mật giáo.
Từ thời của Upanishads đã có sự gia tăng tập quán từ bỏ xã hội và sống trong rừng để dành toàn thời gian cho thiền định. Thói quen này đã trở thành một hình mẫu và vẫn được thực hành ở thời hiện đại. Nhưng việc vào “rừng” của những người không phải là nhà tu khổ hạnh, nhà huyền môn hay nhà Yoga là một sự ngạc nhiên lạ lùng vào thủa ban đầu.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *