Truyện của anh buồn đến nao lòng , chắc anh lại viết về con bé ở xóm kinh nước đen .Xin ké anh thắp một nén nhang cho con bé…
Khi mới mướn nhà trong cái xóm ổ chuột cạnh bờ kinh nước đen nầy thì tôi đã gặp cháu. Cháu mất cha sớm, ở với người mẹ mà chiều nào tôi cũng thấy ngồi ở sòng bài mụ Sáu, mặt mũi son phấn tùm lùm, trên tay cầm bộ bài tứ sắc mà chỉ với một ngón tay, cỗ bài hai mươi lá nhỏ nhắn xoè ra xoè vào gọn gàng trông cứ như làm xiếc. Cháu tên Gái, khoảng đâu chừng mười tuổi, không hơn. Tôi để ý đến cháu vì cháu ốm tong teo, nước da tái xanh, tóc vàng hoe và đặc biệt chiếc môi thường bậm lại trông thật dễ thương.
Cháu bán vé số dạo, thi thoảng lại ghé về nhà trọ sát mép nước bờ kinh ,vội vội vàng vàng ăn chút gì đó vào giấc nửa buổi hoặc xế chiều rồi cầm tập vé số chậm rãi theo dọc đường hoặc vào các quán ăn mời mọc khách. Tôi đang thất nghiệp chẳng dư giả gì nhưng ngày nào cũng mua một vài vé số gọi là cầu may và sau nữa giúp cháu. Vốn ít quan tâm đến cuộc sống của thiên hạ nhưng tôi thấy dường như có điều gì bất nhẫn khi người mẹ suốt ngày xoè bài, bỏ bê con cái còn đứa con gái nhỏ bé thì lam lũ đi bán số. Nhưng thôi, hơi đâu mà bận tâm, ở đời nầy, còn biết bao nhiêu chuyện ngang trái nữa là …
Công việc áo cơm thường ngày cứ cuốn hút khiến tôi quên bẳng cô bé bán vé số gầy nhom ốm yếu cho đến một hôm, trên đường tìm việc về nhà, tôi bỗng thấy một đám đông vây kín sòng bài mụ Sáu. Chắc là công an hốt ổ cái sòng bài tụ tập hết ngày nầy đến ngày khác của mụ, tôi đoán thế nhưng không phải. Len vào đám đông, tôi chợt nhận ra cô bé bán số đang ngồi co rúm dưới đất khóc lóc van xin theo từng nhịp đòn roi và cái giọng tru tréo của mẹ nó:
– Mầy không chết đường chết sá cho khuất mắt tao đi, hở con ranh! Có mấy tờ vé số cũng bị người ta giật mất. Rồi lấy gì mà bán … Đồ ăn hại! Đồ chết bằm! Tao vô phước mới sinh đứa con như mầy … Cả ngày mầy đi rông chứ bán buôn gì cái ngữ ấy … Nầy, nầy, cho mầy đi chơi làm mất vé số!
Mỗi câu chửi như té tát vào mặt là những ngọn đòn roi quất túi bụi vào người cháu bé. Tệ một nỗi là hàng xóm láng giềng không ai dám bênh cháu, cứ đứng giương mắt lên mà ngó. Bà mẹ nổi tiếng hung dữ vả lại chẳng ai dại gì xía vào chuyện người khác để nghe những lời chửi mắng cạnh khoé của bà. Cháu bé vừa van lạy như tế sao vừa hướng mắt như cầu cứu với mọi người chung quanh.Thân hình nhỏ bé, mảnh mai kia như quằn xuống với những giọt nước mắt chảy dài trên má khiến ai cũng chạnh lòng.
Chẳng muốn dây dưa vào chuyện người khác nhưng cuối cùng, chịu không nổi, tôi phải vạch đám đông đến gần mẹ cháu, lên tiếng:
-Thôi! Chị đừng đánh cháu nữa. Chuyện đâu còn có đó. Cháu còn nhỏ quá … Mà bây giờ, chuyện đám lưu manh giật vé số như cơm bữa. Cháu xui đành chịu. Mà cháu bị giật hết bao nhiêu…
Đến giờ, Gái mới ngước nhìn tôi. Trên đôi má ràn rụa nước mắt kia , cháu chầm chậm lau bằng bàn tay khẳng khiu rồi thút thít :
– Cháu … Cháu đang đi trên phố thì có hai người ngồi trên xe … Họ kêu lại mua rồi phóng xe đi mất … Vé cháu mới nhận năm chục tờ chưa bán … Chú ơi ! Cứu cháu với ! Mẹ cháu đánh cháu đau quá, chú ơi.
Người đàn bà mà cháu kêu bằng mẹ vẫn cái giọng nanh nọc, hất hàm chửi té tát như không hề nghe cháu nói:
– Mầy còn làm bộ ăn vạ nữa à! Được, tao cho mầy ăn vạ!
Những ngọn roi lại liên tiếp quất vào người con bé tội nghiệp. Đến nước nầy thì tôi không còn giữ bình tĩnh được nữa. Giật ngọn roi từ tay người mẹ bất nhân, tôi lao tới ôm cháu bé, hầu như kéo nó đi trong tiếng tru tréo vang lên không ngớt của bà me làm vang động cả xóm …
*****
Tôi thật sự muốn giúp cháu nhưng lực bất tòng tâm. Thật ra, tôi cũng đã thất nghiệp gần cả năm và đang chạy lo tiền cơm, tiền nhà đã đến kỳ phải trả. Thôi cũng đành khất với mụ Sáu nanh nọc, cái mụ vừa là chủ ổ chứa bài vừa là chủ nhà trọ của tôi. Đưa cho bé Gái mượn hết số tiền dự định đóng tiền nhà, tôi mới đâm hoảng thật sự. Nhưng thôi, tôi tự nhủ cứ đến đâu thì đến. Dẫu sao tôi còn có thể đến bạn bè mượn tạm lo cho cái ăn cái mặc qua ngày.
Cầm chút tiền tôi đưa, cô bé rưng nước mắt. Nếu không có tiền chú cho mượn, cháu không biết kiếm đâu ra làm vốn mà lấy vé số bán tiếp. Cô bé nói thế và nhìn tôi bằng cặp mắt biết ơn. Tội nghiệp cháu! Giá mà dư dả chút đỉnh, tôi sẽ tặng luôn cho cháu số vốn ít ỏi kia. Tôi cố tìm lời an ủi, dặn dò:
-Thôi, cháu cứ tạm mượn tiền của chú, khi nào có thì trả. Nhưng nhớ là phải để mắt tới tụi lưu manh. Chúng không chừa cướp giựt môt ai khi có thể Cháu cũng đừng bán quá khuya, ban đêm đi về đường vắng nguy hiểm lắm .
Có lẽ từ lâu lắm, bé Gái mới nghe những lời an ủi , tỉ tê như vậy nên nó cứ nhìn vào tôi ứa nước mắt. Ba cháu mất sớm , lại sống với người mẹ vô trách nhiệm, dường như điều cháu thật cần là những lời cảm thông , chia sẻ ! Và đột nhiên, cháu lao vào tôi , ôm chặt cứng lấy tôi như sợ tôi biến mất. Ngước nhìn tôi bằng ánh mắt tin cậy ngập đẫm nước mắt, một hồi lâu, cháu mới thốt lên được câu nói mà có lẽ, cháu đã dấu kín trong lòng từ bao nhiêu năm:
– Cháu mang ơn chú. Chú ơi, cháu cần chú biết chừng nào!
Tôi chỉ còn biết vuốt tóc cháu, những lọn tóc vàng hoe trên gương mặt sạm đen vì phơi nắng gió suốt ngày mà thở dài im lặng. Bất chợt, tôi cũng cảm thấy mình cần cháu . Đời một thằng tha phương cầu thực như tôi cũng có hơn gì cháu đâu, cũng cơm đường gạo chợ, lành lặn suôn sẻ gì cho cam. Tôi muốn nói với cháu thật nhiều nhưng sợ cháu không hiểu nổi. Và với một trái tim non nớt, mẫn cảm kia, tôi sợ phải làm cháu thương tổn. Cái kiếp nghèo luôn cứ vận vào những con người lam lũ, nhiều tai ương, bất trắc như cuộc đời chúng tôi, biết làm sao được, biết ngày nào dứt. Bỗng nhiên tôi cũng ứa nước mắt nhìn cháu, chợt nghĩ về cái ngày mai vô định của chính mình.
******
…Bé Gái vậy mà giỏi thật! Chỉ mươi ngày mượn tiền tôi làm vốn, một buổi chiều, cháu hớn hở tìm tôi, giơ cao những đồng bạc nhàu nát nhưng sắp xếp phẳng phiu chạy như bay vào nhà, liến thoắng:
– Chú gì ơi! Hôm nay cháu đã dành dụm được tiền trả chú đây. Lại còn dư được chút đỉnh. Lát nữa cháu mời chú đi ăn cháo huyết. May quá! Mấy ngày rồi hôm nào cháu cũng bán được hết vé số … Có ông chủ cửa hàng còn cho cháu tiền thừa …Tiền của chú cho mượn làm vốn hên thật, Gái cười ỏn ẻn .
Tôi như vui lây với niềm vui của cháu. Mấy hôm rồi tôi cũng đứng ngồi không yên, sống dở chết dở về vụ tiền nhà, tiền ăn, cứ lần lần lửa lửa hẹn với mụ Sáu và mới hôm qua, mụ còn doạ nếu hôm nay không trả tiền thì dọn nhà đi nơi khác. Hú vía! Tôi mừng cho cháu mà cũng mừng cho tôi. Trời còn thương kẻ nghèo khổ như hai chú cháu tôi vậy là phúc lắm rồi.
– Nào, đi thì đi. Tôi bảo. Nhưng thế nầy. Chú sẽ đãi cháu ăn cháo chứ không phải là cháu. Dù sao, chú cũng lớn hơn cháu. Lớn mà để nhỏ đãi ăn thì kỳ lắm.
Cháu Gái cười tít mắt :
– Dạ thôi vậy cũng được. Nhưng ăn xong, chú phải cho phép cháu gửi chú một tí quà nhỏ gọi là. Không đáng gì đâu mà chú ngại. Chú đồng ý không?
Lại còn quà cáp gì nữa đây! Tôi vừa dắt cháu ra quán cháo đầu hẽm vừa tủm tỉm cười,thắc mắc về cái gọi là quà của cháu. Một đứa bé con mới chừng ấy tuổi đầu đã biết được điều mà nhiều người lớn còn chưa nghĩ ra: Chỉ có tấm lòng mới đến được một tấm lòng .. Giá như cháu có điều kiện học hành đến nơi đến chốn thì hay biết mấy .Giá như..
Nhưng tôi biết đó cũng chỉ là mơ ước! Cháu lo cái ăn cái mặc hàng ngày còn chưa nổi huống gì được đi học. Bất giác, tôi chợt nghe từng miếng cháo đắng ngắt trong miệng mình. Tôi cố nuốt nghẹn và tươi cười làm như bình thản, chỉ sợ làm mất đi niềm vui của cháu.
Ngồi ăn ngon lành tô cháo huyết, cháu kể cho tôi nghe về cuộc đời cháu, về những nỗi vất vả mà cháu đã từng nếm trãi, những nỗi cơ cực hàng ngày mà cháu chịu đựng từ lúc cháu mới lên tám tuổi. Khổ lắm chú ơi! Cháu bảo thế! Ba mất, mẹ bài bạc suốt ngày, cháu phải ra đời rất sớm. Làm mướn, rửa chén bát, giặt đồ thuê, bán nước trà đá ở bến xe rồi cuối cùng là đi bán vé số Được tí đỉnh tiền lời, mẹ cháu lại lấy đi nướng vào sòng bài đen đỏ. Tôi nghe mà chạnh lòng. An ủi cháu tôi nghe tim mình cũng quặn thắt.
Cuối bữa ăn, cháu dúi vào tay tôi hai tờ vé số, huyên thuyên nói rồi làm bộ nhìn quanh quất như sợ tôi không nhận:
– Quà của cháu tặng chú đây! Chú phải nhận cho cháu vui! Chẳng đáng gì! Xem như là lòng biết ơn của cháu …
Chẳng biết nói gì hơn, tôi đành nhận. Cháu vui ra mặt, chia tay tôi để kịp đi bán vé số buổi chiều. Cháu còn hẹn tôi thỉnh thoảng lại ra đầu hẻm ăn cháo huyết. Lần sau thì cháu đãi chú đấy, cháu bậm môi nheo mắt nhìn tôi cười, bảo thế …
*****
Chiều nay, tôi về nhà muộn. Một thằng bạn mới xin được việc làm cho tôi chân bốc vác ở cửa hàng gạo với thu nhập hàng ngày cũng đỡ khổ. Mừng như vớ được phao sau bao ngày thất nghiệp đi rông, tôi vội về nhà tắm rửa và dự định sang kiếm bé Gái rủ đi ăn cháo. Hôm nay chú có tiền rồi nhé. Để xem ai đãi ai cho biết. Tôi tự nhủ, lòng bừng lên niềm hạnh phúc vì sắp gặp cháu.
Mới bước vào đầu hẽm, tôi lại thấy đám đông tụ tập trước nhà mụ Sáu chứa bài. Việc gì nữa đây! Lần nầy thì chắc mẫm là công an ra tay dẹp sòng của mụ rồi. Tôi bước nhanh vào nhà để khỏi phải liên luỵ đến mình nhưng rồi cũng tò mò ghé mắt nhìn thử xem. Giữa đám đông hiếu kỳ, một chiếc chiếu đắp trên thân hình nhỏ nhắn và cái giọng tru tréo của người đàn bà quen thuộc, mẹ của cháu Gái vang lên:
-Trời đất ơi! Con Gái bị xe đụng! Quân ác nhơn! Tông con nhỏ chết tươi rồi bỏ chạy luôn! Đồ ác giả ác báo! Trời ơi! Gái ơi! Mầy chết chi cho khổ thân tao vậy, hả mầy …
Tôi véo thật đau vào tay mình, tai nghe câu được câu mất và bỗng nhiên choáng váng mặt mũi. Một người nào đó giở chiếc chiếu rách nát lên. Tôi không còn tin ở mắt mình. Trước mặt tôi là gương mặt ngây thơ của cháu Gái với dáng người ốm yếu, xương xẩu, làn da đen nhẻm, mái tóc hoe vàng và cái miệng nhỏ xíu bậm lại như mọi lần gặp tôi, không lẫn vào đâu …
Bước vào nhà như người mộng du, tôi bật khóc nức nở. Cũng một kiếp người, sao đời cháu nhiều bi thương, bất hạnh thế, Gái ơi!
Và trong cơn đau chợt đến buốt lồng ngực, tôi nghe tiếng mụ Sáu chứa bài mừng rỡ la lên ầm ỉ trước cửa nhà tôi:
– Ơi! Cậu gì mướn nhà ơi! Vé số xổ chiều nay cậu trúng độc đắc rồi! Cậu còn giữ hai tấm vé số của con Gái tặng cậu không? Lộc trời cho, thích nhé ! Tiền nhà của tôi bao giờ cậu trả cũng được …
Nguyễn Minh Phúc.