Thần sấm nặng tình với Việt Nam
Năm 1965, hãng sản xuất máy bay Republic Aviation chính thức chấm dứt tồn tại khi được hãng Fairchild Aircraft mua lại. Một năm trước đó, dây chuyền sản xuất sản phẩm nổi tiếng cuối cùng của hãng này cũng dừng hoạt động sau khi liên tục sản xuất suốt 9 năm loại máy bay chiến đấu siêu âm có tên tuổi gắn liền với chiến tranh Việt Nam. Đó là dòng máy bay F-105. Trong nhiều biến thể của dòng máy bay này, được sản xuất nhiều nhất là biến thể F-105D Thunderchief chủ yếu dùng tấn công mặt đất. F-105D được thiết kế ban đầu để mang vũ khí hạt nhân chiến thuật phục vụ các đòn tấn công trả đũa. Về sau, Không lực Mỹ dần chuyển dòng máy bay này sang làm máy bay ném bom thông thường. Trang bị tiêu chuẩn khi đó của F105D sẽ là 16 quả bom loại 750 cân Anh (gần 340 kg). Tổng cộng có 610 chiếc F105D được xuất xưởng, và dòng máy bay này chỉ tham chiến ở Việt Nam thực hiện các phi vụ ném bom, trong đó quan trọng nhất là tham gia cuộc tấn công miền Bắc giai đoạn 1965 – 1968 (về sau, chỉ còn các biến thể F105F và F105G thuộc các phi đội Wild Weasel mang tên lửa diệt radar Shrike là còn tham chiến ở miền Bắc). Do là máy bay ném bom chủ lực của USAF trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần 1, F105D cũng thường xuyên phải dấn thân vào các mục tiêu được bảo vệ phòng không mạnh và chịu tổn thất lớn. Trong 610 chiếc F105D được sản xuất, 298 chiếc mất vì hỏa lực đối phương, chưa kể thiệt hại vì trục trặc kỹ thuật. Với ngót 50% bị bắn rơi, F105D hiển nhiên là loại máy bay Mỹ “nặng tình” với Việt Nam nhất trong cả cuộc chiến.