PHÒNG TUYẾN TRƯỜNG GIANG VỠ TRẬN

BÃO TÁP LẠI CÀN QUÉT

Chú thích: PLA: Giải Phóng Quân
NRA: Quốc Dân Cách Mạng Quân
CCP: Đảng Cộng Sản Trung Quốc
KMT: Quốc Dân Đảng

Sau 3 chiến dịch chí mạng, tình hình chiến trường đã thay đổi hoàn toàn. Hầu hết quân chủ lực của KMT đã bị xóa sổ. Tưởng Giới Thạch tuyên bố từ chức vào ngày 21/1/1949. Phó Tổng Thống Lý Tông Nhân sẽ lên thay thế vị trí của Tưởng. Tuy nhiên Tưởng vẫn nắm giữ quân đội, việc từ chức chỉ là lui ra sau vũ đài chính trị.

Hiện tại thì CCP đã toàn thắng ở phía Bắc. Lực lượng của họ gồm 4 Tập đoàn quân dã chiến với hơn 4.000.000 quân. Giờ làm sao cản nổi nữa ? Tất nhiên KMT chưa muốn đầu hàng, họ vẫn còn 227 sư đoàn. Nếu tính cả các binh chủng đặc công và bộ đội địa phương nữa thì tổng quân số của họ chỉ vỏn vẹn khoảng 1.450.000 người.

Với đà này thì KMT sẽ bị đè bẹp ngay lập tức. Nhưng may thay, sông Trường Giang hay còn gọi là Dương Tử đã chặn đứng được đà tiến như vũ bão của CCP.

Sông Dương Tử dài hơn 6.385 km, bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải và chảy ra biển Hoa Đông. Nó được coi là ranh giới phân chia giữa 2 miền Hoa Bắc và Hoa Nam của Trung Quốc. Do đó, KMT đã lui về vùng Hoa Nam ở phía dưới sông Dương Tử chứ chưa đầu hàng ngay. Còn CCP thì ngại vượt sông nên ranh giới tạm thời giữa 2 phe là như thế

Vào tháng 4, 5 hàng năm, nước sông bắt đầu dâng cao, sóng to dữ dội, phải cao 5 mét. Mỗi lần gặp hải triều lớn, dòng xoáy nước sông chảy ngược được các nhà quân sự gọi là 1 dòng cách trở tự nhiên. Dọc theo 2 bờ sông là các mạng lưới ruộng lúa nước của các tỉnh. Dòng nước chảy cuồn cuộn, địa hình nhiều đầm lầy, rất bất lợi cho các cuộc hành quân và tấn công.

Phòng tuyến Dương Tử được KMT phân thành 2 chiến khu lớn, lấy huyện Hồ Khẩu tỉnh Giang Tây làm ranh giới. Từ Hồ Khẩu sang phía Đông do Thang Ân Bá chỉ huy, từ Hồ Khẩu về phía Tây do Bạch Sùng Hy quản lý. Phương châm của KMT lúc này là:”phòng thủ lâu dài”.

Đầu tháng 4/1949, đoạn bờ sông dài 1.800km từ Nghi Xương đến Thượng Hải đã được KMT bố trí đến 700.000 quân. Trong đó, đoạn 800km từ Hồ Khẩu đến Thượng Hải do 75 sư đoàn gồm 450.000 quân của Thang Ân Bá phòng thủ. Đoạn 1.000km từ Hồ Khẩu đến Nghi Xương do 45 sư đoàn gồm 250.000 quân của Bạch Sùng Hy trấn giữ. Ngoài ra, Hạm Đội 2 của Hải Quân sẽ canh gác ở cửa biển, một số Hạm Đội sẽ tiến vào phòng thủ bờ sông. Tổng cộng có 26 tàu chiến lần lượt đóng ở Nam Kinh, Thượng Hải, An Khánh…

Về không quân, 4 đại đội không quân lần lượt lấy Nam Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán làm căn cứ để chi viện cho lục quân tác chiến.

Còn ở phòng tuyến, Thang Ân Bá đã bố trí 54 sư đoàn chủ lực đóng ở bờ Nam Dương Tử, trên đê sông khắp nơi đều xây đắp chiến hào. Còn ở các vách núi cheo leo thì dựng lên nhiều tháp súng máy, bên dưới thì xây dựng hàng loạt lô cốt kiên cố kèm theo mạng lưới dây thép gai dày đặc. Hễ PLA vượt sông thì sự cách trở của dòng nước và những công sự bên kia sẽ ngăn lại. Cùng với sự phối hợp giữa Hải Quân và Không Quân thì PLA sẽ bị nhấn chìm ngay ở giữa sông. Trong trường hợp vỡ trận thì các sư đoàn cũng có thể rút về Thượng Hải theo đường sắt để lập tuyến phòng ngự mới.

Với sự chuẩn bị như vậy thì KMT rất lấy làm yên tâm. Vì chỉ có giữ sông thật tốt thì may ra mới lật lại được tình thế.

Còn với PLA của CCP, Mao đắc ý vô cùng. Vì đây là lần đầu tiên Mao thấy mình chỉ huy nhiều quân như thế. Trước đó, Mao đã điều động tập trung 21 Quân Đoàn gồm 1 triệu quân từ 2 Tập Đoàn Quân Dã Chiến, chuẩn bị trong tháng 4 sẽ vượt sông Nam Tiến tiêu diệt tập đoàn của Thang Ân Bá.

Đầu tiên là lấy Nam Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu. Sau đó tiến về phía Nam truy quét tàn quân KMT. Khi 1 triệu quân PLA tiến đến gần bờ Bắc Dương Tử đã chuẩn bị vượt sông rất khẩn trương. Ban đầu là do thám phòng tuyến của KMT bên kia, sau đó là tìm hiểu thời tiết của dòng sông.

Rất nhanh chóng, CCP đã cho đóng 10.000 chiếc thuyền gỗ. Để đẩy nhanh tiến độ, CCP đã huy động hơn 3 triệu dân công làm công tác hậu cần. Chiến dịch “vượt sông” rất rầm rộ, nhưng không phải là CCP không tính trước. Họ còn thâm hơn cả Liên Xô và KMT, nhất là về mặt gián điệp. Chính vì gián điệp được cấy vào đối phương từ Trung Ương đến địa phương cho nên CCP đánh đến đâu là thắng đến đó.

Bằng cách cấy nội gián vào mấy Hạm Đội tàu chiến và phi đội Không Quân. Kết quả là từ chỉ huy đến cấp dưới đều là người của CCP, số còn lại không phải người của CCP thì cũng bị khống chế nốt. Thật đáng sợ, nhưng câu hỏi là họ cấy gián điệp vào Hải Quân và Không Quân của đối phương từ bao giờ ? Tất nhiên là cấy từ hồi KMT còn đang đánh nhau với CCP ở Đông Bắc, thậm chí là từ hồi Quốc-Cộng hòa giải. Bằng chiến thuật “chui sâu và leo cao”, người của họ đã ở khắp nơi trong Hải Quân và Không Quân đối phương.

Trong lúc cả 2 phe đang ráo riết chuẩn bị thì đoàn đại biểu song phương của KMT và CCP đã tiến hành cuộc đàm phán hòa bình chính thức ở Trung Nam Hải (Bắc Kinh).

Mao đồng ý đàm phán nhưng quyết tâm của Mao đã định, bất luận là hòa hay chiến, PLA phải “vượt sông”, cần phải tiến hành cuộc “cách mạng tới cùng”. Do đó, khi KMT đề xuất “40 điều sửa chữa ý kiến về phương án dự thảo hiệp định hòa bình trong nước đã được nêu ra trên cơ sở 8 nguyên tắc” thì đoàn đại biểu CCP đã không nhượng bộ. Thậm chí Chu Ân Lai tuyên bố:”Cuộc cách mạng ngày nay quyết không thể giống như cuộc cách mạng Tân Hợi và cuộc chiến tranh Bắc Phạt, vì thỏa hiệp giữa chừng mà đã khiến cho KMT giành được thắng lợi”. Còn KMT thì cho rằng:”Mặc dù điều kiện mà CCP nêu ra là hơi cao. Nếu hiểu được đạo lý chiến bại cầu hòa, thiên hạ là của chung, không bị khốn khổ bởi tư lợi của 1 phe 1 phái, coi nguyên khí của quốc gia, sinh mệnh tài sản của nhân dân làm trọng. Thế thì chỉ có thẳng thắn tiếp nhận, dùng thành tâm nhận sai lầm, lấy dũng khí tiếp thu thất bại. Thế thì sẽ tốt hơn là ngoan cố tới cùng”. Nghe có vẻ quân tử đấy, chả biết thật hay giả nhưng KMT ngộ ra được điều này thì quá muộn rồi.

Ngày 21/4/1949, Mao và Chu Đức ban lệnh “Tổng tấn công toàn quốc”, hơn 1 triệu quân PLA bắt đầu vượt sông.

Bây giờ mới là vấn đề, Hạm Đội 2 cùng các hạm đội khác bắt đầu phản loạn, Không Quân thì cất cánh bay về phía Bắc gia nhập CCP. Còn phòng tuyến của KMT thì rất mỏng do phải dãn quân trên 1 trận tuyến dài 1.800km, trong khi CCP thì dồn hơn 1 triệu quân đổ bộ về 1 hướng. Cuối cùng phòng tuyến đã bị chọc thủng. Thang Ân Bá phải rời khỏi Nam Kinh. Ngày 23/4, thủ đô của KMT là Nam Kinh chính thức rơi vào tay của CCP.

Ngày 4/5/1949, quân của Trần Nghị bao vây Hàng Châu. Ngày 8/5, quân của Bành Đức Hoài vây hãm Lan Châu, cùng ngày Lý Tông Nhân tới Quảng Châu, Bạch Sùng Hy thì dời văn phòng về địa cấp Hành Dương tỉnh Hồ Nam. Ngày 16/5-17/5, PLA lấy được 3 thị trấn ở Vũ Hán. Ngày 20/5, Đại Tướng của KMT là Hồ Tông Nam rút khỏi Tây An. Các khu vực phía đông Cam Túc đã bị PLA lấy hết. Ngày 21/5, PLA của Lưu Bá Thừa vây hãm Nam Xương.

Trước đà tiến như vũ bão của CCP, Tưởng sắp xếp cho quân đội rút về Thượng Hải cùng với tập đoàn Thang Ân Bá ở các khu vực xung quanh, gồm 25 sư đoàn với khoảng 200.000 quân. Tại đây, một phòng tuyến mới đã được thiết lập.

Thượng Hải nằm trên bờ Đông Hải, là thành phố và trung tâm công-thương nghiệp lớn nhất của Trung Quốc, tình hình chính trị ở đây vô cùng phức tạp. Vùng ngoại ô Thượng Hải có địa hình bằng phẳng, thôn làng dày đặc, sông ngòi dọc ngang không tiện cho sự cơ động của các binh đoàn lớn.

Nhưng trước lúc tấn công Thượng Hải, người của CCP nổi loạn khắp nơi. Thường là các em học sinh, sinh viên bị kích động, 1 số thanh niên thất nghiệp không làm đòi có ăn, hay quen thuộc nhất là đảng viên CCP đội lốt các nhà sư cùng xuống đường phá phách. Mặc dù trên danh nghĩa là biểu tình “chống chiến tranh” nhưng nhiều đảng viên không kìm nổi, vác cả cờ búa liềm và cờ của PLA ra vẫy. Chưa hết, các nhóm này biểu tình thì ít mà đập phá thì nhiều. Làm cho an ninh khu vực bị nhiễu loạn, cảnh sát bắt không xuể (Có ảnh bên dưới).

Ngày 12/5, sau khi pháo kích dữ dội vào thành phố, 290.000 quân PLA bắt đầu tấn công vào ngoại ô Thượng Hải, từng trận địa một lần lượt rơi vào tay PLA. Ngày 23/5, Thang Ân Bá cử 5 Sư Đoàn tác chiến với PLA ở vùng Kim Gia Kiều, nhưng lại thất bại. Lúc này, cục diện của KMT không còn cách nào cứu vãn được nữa. Ngày 26/5, Thượng Hải rơi nốt vào tay của CCP, tập đoàn Thang Ân Bá khoảng 50.000 quân là chạy kịp ra cảng để lên các tàu thủy, còn lại khoảng 150.000 thì bị bắt sống hết.

Quân KMT ở Thượng Hải thua là phải. Thật ra không phải là do nhát chết hay yếu kém mà thua, đơn giản là PLA lấy dân thường ra làm bia đỡ đạn. Ban đầu thì người dân Thượng Hải cũng chả ưa gì KMT, họ nghe nói PLA cũng sắp tiến vào đây rồi, nên để im xem sao. Cuối cùng, hy vọng ấy vụt tắt khi PLA đem họ ra làm bia đỡ đạn nốt, còn quân KMT thì không dám bắn vào dân thường nên PLA được đà cứ lấn tới. Ngoài ra, những người biểu tình do CCP điều hành thì liên tục phá phách làm cho an ninh hỗn loạn. Sau khi Thượng Hải rơi vào tay CCP, hàng trăm ngàn dân thường lũ lượt ôm nhau chạy khỏi thành phố.
(Có ảnh bên dưới).

Sau khi lấy được Thượng Hải và Thái Nguyên, quân dã chiến Đông Bắc bắt đầu hướng về Vũ Hán.

Tới ngày 27/5, quân NRA chủ động rút toàn bộ về Đài Loan, quân Mỹ đồn trú ở Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) cũng rút hết.

Ngày 2/6, PLA lấy Thanh Đảo. Ngày 16/7, quân của Lâm Bưu chiếm được địa cấp Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc. Ngày 26/7, chiếm được huyện Chu Châu tỉnh Hồ Nam. Ngày 29/7 chiếm được địa cấp Thường Đức(Hồ Nam). Sau đó, 200.000 quân PLA tiến vào Cam Túc.

Ngày 1/8/1949, cả tỉnh Hồ Nam đầu hàng CCP. Ngày 5/8, KMT rút hết quân khỏi huyện Trường Sa ở Hồ Nam, tập trung quân tại Hành Dương và vùng phụ cận. Ngày 16/8, tập đoàn quân dã chiến số 2 chiếm địa cấp Cống Châu tỉnh Giang Tây. Ngày 17/8, PLA của Trần Nghị bao vây Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến. Thang Ân Bá ra lệnh cho quân chủ lực tập trung tại Hạ Môn. Ngày 24/8, Tưởng Giới Thạch bay tới Trùng Khánh.

Ngày 2/9/1949, PLA chiếm Tây Ninh tỉnh Thanh Hải. Tháng 9, PLA mở chiến dịch Hành Bảo (diễn ra tại Hành Dương và Bảo Khánh) và chiến dịch Quảng Tây. Kết quả là quân chủ lực của Bạch Sùng Hy bị tiêu diệt. Ngày 20/9, PLA tấn công Hạ Môn ở Phúc Kiến đến 3 đợt biển người, chết vô số.

Ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa.

Ngày 8/10, PLA chiếm được Hành Dương. Ngày 12/10, Chính phủ THDQ phải rời về Trùng Khánh, chính phủ Quảng Đông chuyển tới đảo Hải Nam. Đến tháng 10/1949, PLA đánh vào tỉnh Quảng Đông. Ngày 17/10, NRA rút khỏi Hạ Môn, tập trung quân cố thủ Kim Môn. Trần Nghị đưa Hải Quân tới chiếm Hạ Môn. Hàng trăm ngàn dân thường khác phải chạy về Việt Nam để trốn khỏi CCP. Nhiều người chạy từ Thượng Hải về Quảng Đông, rồi từ Quảng Đông lại chạy về Việt Nam. Đời quá khổ, cả đời chạy nạn, mà không chạy thì lại bị CCP lấy làm bia đỡ đạn giống như ở Thượng Hải.

Ngày 23/10, PLA tiến quân vào Tứ Xuyên, Quý Châu. Ngày 25/10 Binh đoàn 10 của PLA chuẩn bị tấn công Kim Môn, quân số lên tới 20.000 quân.

Ngày 1/11/1949, PLA triển khai chiến dịch Tây Nam: Từ tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam tiến quân về phía Tây Nam. Cùng ngày, Lý Tông Nhân bay từ Trùng Khánh về Côn Minh(thủ phủ tỉnh Vân Nam). Ngày 14/11, Tưởng Giới Thạch từ Đài Loan bay tới Trùng Khánh. Cùng ngày, PLA chiếm Quế Lâm(tỉnh Quảng Tây). Ngày 15/11, chiếm Quý Dương(thủ phủ tỉnh Quý Châu). Ngày 20/11, Lý Tông Nhân dời khỏi Hongkong. Ngày 30/11, PLA tấn công Trùng Khánh. Cùng ngày, PLA chiếm Nam Ninh(thủ phủ tỉnh Quảng Tây). Chính phủ THDQ rời về Thành Đô. Bạch Sùng Hy dời trụ sở về Hải Khẩu. Hoàng Kiệt thì dẫn quân chạy cả vào Việt Nam.

Ngày 7/12, chính phủ THDQ di rời toàn bộ cơ cấu về Đài Loan, thủ đô là Đài Bắc. Ngày 10/12, PLA tiến vào tỉnh Vân Nam. Ngày 16/12, PLA chiếm Lạc Sơn ở phía Nam tỉnh Tứ Xuyên. Ngày 18/12, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên là Thành Đô bị bao vây. Đại Tướng Hồ Tông Nam rút về Tây Xương tiếp tục chiến đấu. Ngày 27/12, PLA chiếm được Thành Đô, chiến dịch Tây Nam kết thúc, hơn 900.000 quân KMT bị loại khỏi vòng chiến đấu, chính phủ THDQ tại Đại Lục chính thức bị tiêu diệt.

● Thống kê

Dưới đây là con số thương vong của cả 2 bên trong suốt cuộc nội chiến.

Theo số liệu thống kê của PLA, tổng số quân NRA bị thương vong là 8 triệu quân. Tính theo từng giai đoạn:

▪︎ Giai đoạn 1:(7/1946-6/1947): NRA chết 426.000 quân, bị bắt làm tù binh 677.000 người. Tổng thương vong 1.103.000 người

▪︎ Giai đoạn 2:(7/1947-6/1948): NRA chết 540.000 quân, bị bắt làm tù binh 953.000 người. Tổng thương vong 1.493.000 người

▪︎ Giai đoạn 3:(7/1948-6/1949): NRA chết 572.000 quân, bị bắt làm tù binh 2.077.000 người. Tổng thương vong là 2.649.000 người

▪︎ Giai đoạn 4 (7/1949-6/1950): NRA chết 173.000 quân, bị bắt làm tù binh 1.123.000 người. Tổng thương vong là: 1.296.000 người.

Tổng NRA chết: 1.711.000 quân, bị bắt 4.830.000 người
Tổng thương vong là: 6.541.000

Còn PLA: Chết 1.300.000 quân, 200.000 mất tích, 850.000 khác bị tàn phế.

Như vậy có thể thấy cả 2 bên đều chết hơn 1 triệu quân chính quy. Riêng KMT thì có đến mấy triệu quân bị bắt sống. Tuy nhiên, số liệu trên vẫn còn có nhiều tranh cãi, vì tổng quân số của KMT cả quân phiệt lẫn chính quy là 5,7 triệu quân. Thế mà thống kê lại hơn 6 triệu thương vong ? Thậm chí trên Wiki và SGK Lịch Sử TQ còn kết luận lố bịch nữa:”Tổng cộng KMT chết đến 8 triệu quân ?”. Còn SGK Lịch Sử TQ thì:”Chúng ta đã giết được 8 triệu tên phản động KMT”. Mà CCP thường thống kê rất mơ hồ. Đôi khi họ gom cả số dân thường chết trong cuộc chiến để cộng dồn cho thiệt hại của đối phương. Tổng 5,7 triệu mà tuyên bố giết được 8 triệu là biết ngay có dân thường trong đó. Đấy là CCP tuyên bố giết được, vậy KMT thì sao ? Bề nổi thì KMT hạ được 1,3 triệu quân PLA. Nếu tính cả số người bị CCP đem làm bia đỡ đạn với lối đánh biển người thì có lẽ số người chết phải lên tới chục triệu. Khủng khiếp…

https://www.quora.com/How-many-Chinese-people-died-in-the-2…

https://youtu.be/5c3jLDdDuD0

Link phần trước
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1153864411631527/





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *