5 ngộ nhận về người hướng nội

Bài viết này dựa trên những trải nghiệm của mình – một người hướng nội điển hình, kết hợp với thông tin mình tin tổng hợp từ một số tài liệu khác, có thể không đúng hết với tất cả các kiểu người hướng nội, nên mong rằng sẽ nhận được thêm những ý kiến, trải nghiệm riêng từ mọi người!

1. TẤT CẢ NGƯỜI HƯỚNG NỘI ĐỀU NHÚT NHÁT

Hướng nội và nhút nhát là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nhút nhát là nỗi sợ bị đánh giá tiêu cực (1). Trong khi đó, người hướng nội người có xu hướng tìm vào những thứ bên trong bản thân, sự yên tĩnh hay ở một mình để nạp năng lượng. Do đó, một người hướng nội có thể nhút nhát hoặc không, giống như người hướng ngoại cũng có thể gặp những tình huống mà bản thân cảm thấy nhút nhát.

Tuy nhiên, sự khác nhau về mặt sinh học trong bộ não của người hướng nội và hướng ngoại cũng khiến cho người hướng nội dễ bị lo lắng hơn, từ đó dễ cảm thấy nhút nhát trong nhiều trường hợp hơn so với người hướng ngoại. Cụ thể, đó là do người hướng nội có vùng vỏ não trước trán dày hơn, mà đây lại là vùng liên quan đến những suy nghĩ, tính toán sâu và kỹ lưỡng (2). Điều này còn gây ra những khác biệt nào về người hướng nội và hướng ngoại, mình sẽ đề cập thêm ở các bài sau nhé.

2. NGƯỜI HƯỚNG NỘI KHÔNG THÍCH TIỆC TÙNG HAY NƠI ĐÔNG NGƯỜI

Những điều này dễ là ngộ nhận bởi vì người ta hay thấy người hướng nội tránh đi tiệc tùng thật này, kể cả bản thân người hướng nội cũng có thể bị nhầm rằng chính mình chả có hứng thú gì với mấy vụ đó. Tuy nhiên, bản chất không phải là họ không thích tiệc, mà chính xác hơn là họ không thích cảm giác phải tiếp xúc với nhiều người lạ, không thân thiết, cũng như âm nhạc hay mấy trò chơi ầm ĩ. Chúng dễ làm người hướng nội cảm thấy bị choáng ngợp, mất năng lượng. Vì vậy họ hoặc là trốn hoặc là có phải đi thì cũng muốn kết thúc cuộc chơi mà về nhà sớm là vậy đó.

Cũng vì vậy mà nếu trong bữa tiệc, chỉ cần có một người thân thiết, một cạ cứng của họ thôi thì mọi chuyện lại không trở thành vấn đề, vẫn ăn chơi nhảy mua bét nhè sung sức lắm nhé. Tương tự với trường hợp ở những nơi đông người, ví dụ trong một quán cà phê đi, thì bản chất không phải là nơi đó đông hay ít người, mà vấn đề ở chỗ họ có phải tiếp xúc, giao tiếp với nhiều người không thân thiết lắm hay không. Nếu có 500 người mà toàn người lạ hoắc nhưng họ cũng chả động gì đến mình, thì mình cứ ngồi góc riêng của mình thoải mái chả sao cả. Nhưng chỉ có 10 người mà lại toàn người hơi quen quen rồi phải chào hỏi qua lại thì thôi, anh ơi tính tiền để em xách dép đi về.

Túm lại thì, người hướng nội thích ở chỗ nào thì mấu chốt là việc ở nơi đó “có phải tiếp xúc nhiều với người không thân thiết hay không?”

3. NGƯỜI HƯỚNG NỘI KHÔNG THÍCH NÓI CHUYỆN NHIỀU

Ơ rõ ràng từ mục số 2, mấy ví dụ đã chứng tỏ là họ không thích nói chuyện rồi còn gì. Đúng, nhưng chỉ đúng với trường hợp người không thân thiết. Còn với những người đã gắn bó với họ thì có thể họ chẳng khác nào một cái loa phường. Vì vậy rất nhiều khi bạn có thể lầm tưởng một người bạn nào đó của mình là người rất hướng ngoại, song thực ra bạn ấy lại là người hướng nội.

Một điều đáng chú ý nữa là người hướng nội thích những cuộc nói chuyện có chiều sâu hơn là mấy cuộc hội thoại kiểu hời hợt, xã giao (3). Đó là một trong các lý do chính mà họ không thích nói chuyện với người lạ. Nhưng cũng từ đây mà suy ra rằng, với những người hướng nội có mức độ mở lòng nhiều hơn hơn, sẵn sàng chia sẻ ý kiến của bản thân với cả người lạ, thì họ vẫn có thể cùng bàn luận sâu một vấn đề, câu chuyện gì đó với một người mới gặp. Thậm chí người hướng nội lúc này còn cực kỳ thích thú và thỏa mãn vì được đắm mình trong chủ đề đó.

4. NGƯỜI HƯỚNG NỘI SỢ THUYẾT TRÌNH

Sợ thuyết trình thì cũng là một phần của sự nhút nhát, nên ai cũng có thể có thôi. Người hướng nội do có xu hướng lo lắng nhiều hơn nên có thể sẽ mất nhiều thời gian để vượt qua nỗi sợ hơn chút. Mặt khác, một khi đã dám đứng lên sân khấu, người hướng nội thậm chí làm được rất xuất sắc vì họ thường chuẩn bị, suy nghĩ rất kỹ càng những gì mình sẽ nói và đưa ra được những thông điệp ý nghĩa. Mình cũng biết một người bạn hướng nội điển hình mà hồi xưa học cấp ba còn được giải nhất thi giới thiệu sách luôn, vì lúc nói bạn ý cực kỳ tâm huyết với những trải nghiệm của bạn ý, truyền tải lại một cách rất sâu sắc cho người nghe.

5. NGƯỜI HƯỚNG NỘI KHÔNG THỂ LÃNH ĐẠO

Không thể phủ nhận rằng, những người lãnh đạo hướng ngoại thường rất có sức hút bởi sự hòa đồng, quyết đoán, tràn đầy năng lượng. Song những người hướng nội lại có thể lãnh đạo theo một thiên hướng khác, với sự trầm tĩnh, biết lắng nghe, quan tâm chân thành đến các thành viên trong nhóm. Do đó, hướng nội thì cũng hoàn toàn có thể trở thành một người dẫn dắt tốt, được mọi người tin tưởng, yêu mến. Để trở thành một người lãnh đạo tốt, chúng ta cần phải học tập, rèn luyện, trải nghiệm rất nhiều, chứ vấn đề không hề nằm ở chỗ hướng ngoại hay hướng nội. Không phải cứ sinh ra là người hướng ngoại/ hướng nội thì đã có khả năng lãnh đạo thiên bẩm.

Hướng ngoại hay nội cuối cùng cũng chỉ là một trong nhiều khía cạnh của tính cách con người, song người hướng nội vẫn thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hiện nay. Cũng là một người hướng nội, đã từng chật vật, khổ sở với tính cách của chính mình, song lâu lắm rồi mình chẳng còn lo lắng nhiều về điều đó nữa. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *