12 ÁNH SÁNG CỦA PHẬT A DI ĐÀ:

12 ÁNH SÁNG CỦA PHẬT A DI ĐÀ

1/ VÔ LƯỢNG QUANG: là Ánh sáng vô lượng. Ánh sáng này không phải do mặt trời, mặt trăng chiếu, ánh sáng này từ nơi trí tuệ, sự tu chứng của Đức Phật lưu xuất ra nên gọi là vô lượng, ánh sáng của Phật Di Đà soi sáng tất cả chúng sanh khắp các cõi cũng không hết. Khi chúng ta tĩnh tâm cất lên tiếng niệm Di Đà thì lúc ấy chúng ta cũng được tiếp nhận ánh sáng này. Vì thế, nên gọi là Vô lượng quang. Vô lượng quang ứng với Ðiều nguyện thứ mười hai: “Nếu con được thành Phật mà ánh sáng còn có hạn lượng, không soi thấu được trăm ngàn ức na do tha các cõi Phật thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác”.

2/ VÔ BIÊN QUANG: ánh sáng vô biên chỉ về tầm chiếu, ánh sáng Phật Di Đà chiếu xa vô ngại, không bị ngăn bởi quốc độ, tường vách. Ánh sáng của Phật Di Đà vô biên thế nên khi chúng ta tu tập đúng đường lối, ánh sáng của tự thân chúng ta cũng không biên giới, chúng ta cũng đem ánh sáng này chia sẽ cho các chúng sanh mà không ngại giống loài, tôn giáo, đẵng cấp xã hội.

3/ VÔ NGẠI QUANG: Ánh sáng này khác với những thứ ánh sáng mà chúng ta thường thấy. Ánh sáng thường thì màu xanh sẽ ngại màu vàng, vàng sẽ ngại đỏ…. Màu này sẽ ngại màu kia, còn ánh sáng của Phật Di Đà là vô ngại chiếu soi khắp. Ánh sáng này phá tan các chướng ngại về nhân pháp, bất luận các chướng ngại bên ngoài như núi, sông, mây, mù…hay các chướng ngại bên trong như tham, si, mạn.. đều không ngăn che được ánh sáng ấy. Nên người hành giả tu tịnh độ cũng có thứ ánh sáng này, chúng ta không ngại ánh sáng của những người tu Thiền hay tu Mật hoặc Pháp môn nào khác. Không ngại mà dung nhiếp lẫn nhau, đó mới là đúng nghĩa Vô ngại quang Đức A Di Đà.

4/ VÔ ĐỐI QUANG: là không thể so sánh, không có ánh sáng nào có thể so sánh đặng. Ánh sáng Phật Di Đà là vô lượng vô biên, vô ngại nên vô đối. Người hành giả tu niệm Phật được thứ ánh sáng này thì đi đến đâu người ta cũng thấy mến, cũng nhiếp phục được người khác.

5/ VIÊM VƯƠNG QUANG (Diệm vương quang): là vua của các ngọn lửa. Lửa ở thế gian không gì bằng lửa sân. Ánh sáng của Phật Di Đà có thể nhiếp phục được lửa này nên gọi là Vua, Trong Phật Quang Đại Từ Điển nói: “Diệm là tên gọi khác của niết bàn. Cũng gọi là Viêm. Cơ duyên độ sanh đã hết, cho nên mượn cách nói củi hết thì lửa tắt mà gọi niết bàn là viêm (Ngọn lửa)”. Vì thế người niệm Phật lâu ngày sẽ dập tắt được sân hận, bản tính hiền hòa, dễ chịu.

6/ THANH TỊNH QUANG: Ánh sáng này có tính chất là thanh tịnh và có công năng thanh lọc được mọi phiền não, là cho chúng sanh tiêu trừ nghiệp chướng. Bởi vậy mới nói “một câu niệm Phật tiêu trừ 80 ức kiếp muôn vàn tội lỗi”.

7/ HOAN HỶ QUANG: Ánh sáng của chư Phật khi chiếu soi làm cho chúng sanh cảm thấy vui mừng, cho đến tin nhận vâng làm. Hoan hỉ giúp tiêu trừ hết thảy bệnh khổ. Ngài Thân Loan đã phân biệt ý nghĩa khác nhau giữa “Hoan” và “Hỉ”. Hoan là làm cho thân vui mừng, Hỉ là làm cho tâm vui mừng, vì thế ai mà niệm Phật thấy mình càng phiền não, đau khổ, chúng ta cần phải xem lại phương pháp.

Điều này ứng nguyện thứ ba mươi ba: “Nếu con được thành Phật, chúng sinh trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, đều nhờ ánh quang minh của con chạm đến thân họ, khiến thân được nhẹ nhàng hơn cả Trời và Người. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác”.

8/ TRÍ TUỆ QUANG: bản chất của ánh sáng của phật đã là trí tuệ. Ánh sáng này có năng lực phá tan bóng tối vô minh của hết thảy chúng sanh, làm cho chân lí sáng tỏ, vì thế niệm Phật lâu ngày sẽ đạt đến Định và Tuệ.

9/ NAN TƯ QUANG: Từ nan tư nghì thường dùng để tôn xưng Đức Phật. Nan tư quang nghĩa là ánh sáng của Phật Di Đà rất khó nghĩ bàn, không thể dùng cân đong, đo, đếm, được. Vì thế giáo lí Tịnh độ cũng không thể suy nghĩ được. Chúng ta cần phải tu tập mới tiếp nhận được ánh sáng trí tuệ của Phật A Di Đà. Mọi lý luận suông về pháp môn Tịnh độ và Cảnh giới Cực lạc đều là thiếu sót, cần phải thực tu, thực chứng.

10/ BẤT ĐOẠN QUANG: Ánh sáng của Phật Di Đà là không dứt, luôn tương tục. Ánh sáng này thường còn trong ba đời, hằng soi sáng làm lợi ích cho thế gian không gián đoạn. Vì thế hành giả niệm Phật phải công phu đều đặn không ngừng nghĩ. Tương tục, niệm nối liền niệm mới đạt được sở nguyện.

11/ VÔ XỨNG: là không thể tôn xưng, không thể dùng ngôn ngữ văn tự mà diễn tả được ánh vi diệu mầu nhiệm của Phật Di Đà nên gọi là vô.

12/ SIÊU NHẬT NGUYỆT QUANG: là siêu việt hơn cả mặt trời, mặt trăng. Người tu Tịnh Độ phải nhiếp niệm để được soi các thứ ánh sáng vi diệu của Phật Di Đà.

Một hành giả tu Tịnh Độ có chiều sâu phải có được những tính chất của ánh sáng Phật A Di Đà. Từ đó chuyễn hóa cõi Ta Bà uế trược thành cõi Tịnh Độ trang nghiêm.

XIN THƯỜNG NIỆM PHẬT & LẠY PHẬT:
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT 🙏🙏🙏

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *