Ý nghĩa thực sự của “nỗ lực học tập”, rốt cục nó nằm ở đâu?

Ba năm trước, ông ngoại, một người chưa từng ngồi trên trường học một ngày nào, bị căn bệnh tim phổi giày vò dòng dã đã 8 năm, tự mình giật bỏ ống thở, không thèm để ý ba người chú của tôi đang xếp thành hàng tận lực khuyên can, mạnh mẽ yêu cầu được xuất viện.

Về sau, được một chiếc xe cứu thương đưa về nhà, ông ngoại tôi ngồi trên chiếc ghế tự ông làm bằng vải bố, bình tĩnh giao phó hậu sự cho con cháu, sau đó gọi tôi đến bên cạnh nói “Bất Đồng, bệnh tim phổi rốt cục là gì a?, 8 năm rồi cũng không làm rõ được!”

Tôi móc điện thoại ra tìm kiếm một chút tư liệu về bệnh tim phổi, rồi nói với ông ngoại loại bệnh này tên đầy đủ như thế nào, sẽ có những triệu chứng gì. Mỗi lần tôi nói xong một triệu chứng, ngoại đều cười khà khà, “đúng đúng đúng, không sai chút nào.”

Tôi đọc xong, ngoại tôi lại hỏi, “Vậy cuối cùng thì thứ gì trong căn bệnh đó dẫn đến cái chết?”

Tôi nghe ngoại nói mà sống mũi cay cay, không dám đọc tiếp.

Ngoại nhìn tôi, “cháu à, đọc đi cháu, có vấn đề gì đâu chứ?”

Tôi do dự trong chốc lát, “Toàn thân suy kiệt mà chết.”

Ông ngoại nghe xong nhẹ nhàng gật đầu, lầm bầm tự nói mấy câu, nghe qua hình như vô cùng lợi hại!

Trầm mặc một chút, ngoại nheo mắt nhìn về phía khung cửa, hai bên khung cửa dán đôi câu đối, “Người trẻ tuổi bây giờ còn viết câu đối nữa không?”

Tôi dùng sức gật đầu, “vẫn còn người viết.”

Ông ngoại quay đầu nhìn tôi một lần, duỗi cánh tay ra hiệu tôi dìu ông, sau đó gọi bà ngoại cầm kính đeo cùng với giấy bút mang tới, mấy người trong phòng nhìn thấy cảnh này, có người vội vàng kéo tới một cái bàn nhỏ.

Ông ngoại không để ý mọi người, đeo cặp kính lên, cong cái lưng, đem giấy bút được chuẩn bị sẵn đặt lên trên đầu gối, bàn tay run rẩy, một nét bút nhanh chóng gẩy ra một câu đối.

“Âm dương cách biệt, nào ai thấu hiểu,

Đau khổ nhân gian, thiên đường có tiêu.’’

Sau khi viết xong, tôi mới hỏi “ông ngoại, hình như tang lễ người ta mới dùng câu này a?”

Ông ngoại dỡ cặp kính xuống, “đúng vậy, đây là ông tự viết phúng điếu cho mình.”

Người trong căn phòng truyền tay nhau đôi câu đối, ông ngoại lại nói, cháu xem chữ “Tiêu” dùng bộ “ ba chấm thủy” hay là dùng bộ “kim”.

Tôi còn chưa nói, ông ngoại đã phấn chấn chen lời, kêu bà ngoại đem bộ “Từ điển Tân Hoa” tới.

Từ điển tới tay, ngoại dùng sức ho một trận, phun ra một ngụm đờ*, sau đó dùng tay đẩy lên gọng kính, tay phải chấm chút nước bọt nơi đầu lưỡi, từng trang từng trang từ điển được mở ra, trịnh trọng như đứa trẻ lần đầu tiên được mở sách giáo khoa.

Ngoại dò chữ độ chừng mười phút, tìm được kết quả lại đem giấy đặt lên, trên chữ “tiêu” điểm thêm bộ “xoa”, bên cạnh viết thêm chữ “销”, viết xong còn ngắm nghía một phen, “à, như này đúng rồi.”

Nửa tiếng sau, ông ngồi không vững, mệt mỏi nằm xuống giường.

Một tiếng sau, ngoại uống một bát cháo nhỏ.

Hai tiếng sau, ngoại bắt đầu nói năng lảm nhảm.

Bốn tiếng sau, sau khi nói được vài từ đơn âm tiết, miệng của ngoại dần dần khép lại, đầu hơi nghiêng, nhẹ nhàng dời đi, năm đó ngoại tôi 81 tuổi.

Thực ra tôi không biết ý nghĩa thực sự của “nỗ lực học tập là cái gì?”

Chỉ là ngày hôm ấy, người ông gần đất xa trời đó ngồi trong những tia sáng u ám của buổi đêm, cúi cong chiếc lưng, mắt nheo nheo, dường như hoàn thành một loại nghi thức, thành kính mà đem hai chữ cái cuối cùng ấy phân rõ đúng sai, tôi đã quên đi mọi đau thương, quên đi làm cách nào vỗ về người ông ấy an nghỉ trong thời giờ cuối cùng trong đời. Tôi chỉ cảm thấy lỗ chân lông toàn thân rộng mở, trong thâm tâm như có dòng nước ấm dũng mãnh phun ra.

Một giây ấy tôi cảm thấy ông không còn là người thân của tôi nữa, cũng không phải đấng bề trên của tôi, tôi chỉ vui mừng khi thấy một người không hề run rẩy đối mặt với tử vong, không chút hoang hoảng, tại điểm cuối của nhân sinh vẫn tràn trề khát khao tri thức.

Tôi cũng không biết bản thân có được tính là người “nỗ lực học tập” hay không, ít nhất thời khắc này, tôi đối với thứ chưa được biết vẫn tràn đầy hứng thú, đối với những nhà thám hiểm học thuật chan chứa niềm tôn kính và ngưỡng mộ.

Sống trong một tương lai có thể dự kiến trước, nhân loại vẫn không thể nhìn thấu sinh tử vĩnh hằng , nhưng trong chốc lát này đây, tôi vẫn muốn biết nhiều một chút, xem nhiều một ít, đem diện tích còn đang đắm chìm trong màu xám của thế giới này, ép nó nhỏ lại, đem trắng đen phân minh, đem thị phi sáng tỏ.

Nếu như tử vong là một tấm gương, tôi hi vọng có một ngày, đứng trước tấm gương ấy, tôi có đầy đủ dũng cảm của ông ngoại tôi như ngày hôm ấy, không hổ không thẹn, không oán không sầu. Có như vậy mới không phải xấu hổ với những lựa chọn mà tôi đã làm trong quá khứ, những câu nói đã thốt ra, với những người tôi đã yêu.

——-

[+47350likes] Vì cái gì khi đứng trước vận mệnh, không có thứ gì giữ chặt nổi nó?

Cái chuyện học hành, rất nhiều lúc, thực sự rất vô dụng.

Cuộc đời một người cuối cùng sẽ có kết quả như nào? Ai dám nói một câu chắn chắn đây.

Có một câu nói rất nổi tiếng: “Nhất mệnh, nhì vận, ba phong thủy, bốn âm đức, năm đọc sách.”

Năm đó trong trường tổ chức diễn đàn, câu nói đó tôi khinh miệt bỏ qua.

Bây giờ mới lăn lộn trong xã hội được vài năm, mới thực sự rõ ràng câu nói ấy có bao nhiêu xâu xa.

Đem học hành đấu với vận mệnh, đơn giản là đi tìm chết.

Một đời người khi sinh ra, sinh tại quốc gia nào? Đẻ tại thành phố nào? Bố mẹ giàu hay không? Cao hay thấp? Đẹp hay xấu? Yêu thương hay đánh đập?

Đi học gặp được giáo viên giỏi hay kém? Bạn học như thế nào? Liệu rằng có gặp “quý nhân”, hay là kẻ cướp tìm tới đây?

Tốt nghiệp chọn chuyên ngành gì? Chuyên ngành ấy bao giờ thì lạc hậu, lạc hậu lúc bạn chưa tốt nghiệp hay khi bạn đã ra trường?

Thậm chí nhà bạn có theo kịp “quy hoạch” nhà ở hay không? Bao giờ thì quyết định mua nhà mới?

Có quá nhiều, quá nhiều ví dụ thực tế về cuộc đời, bạn bước một bước đi đúng, có thể giảm bớt mấy chục năm phấn đấu.

Lỡ sa chân vào một ngã rẽ, có khi rơi xuống vực sâu không cách nào trèo lên.

Vì thế mà những vận mệnh ấy, đối với việc bạn đưa ra quyết định thế nào, với việc bạn học hành nỗ lực ra sao, không hề có một chút quan hệ nào với nhau cả.

Cùng nhau mặc niệm một lần câu nói dưới đây:

“Nhất mệnh, nhì vận, ba phong thủy, bốn âm đức, năm đọc sách.”

Câu nói này vốn dĩ dùng để cười nhạo một thế hệ học sinh.

Sinh viên Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ 8x về sau, đã ký thác quá nhiều hi vọng vào sách vở. Về sau mới đặc biệt phát hiện ra, họ đã không còn là thế hệ tinh anh của nước nhà ngay sau khi tốt nghiệp nữa.

Vài năm trước đây, có một vị học giả đi đại học Bắc Kinh diễn giảng, tiết mục “bạn hỏi tôi trả lời” có một bạn học sinh từng đưa ra câu hỏi:

“Xin hỏi, gia đình bạn có hoàn cảnh bình thường tốt nghiệp đại học Bắc Kinh, làm thế nào để định vị bản thân trong xã hội hiện nay?

Câu trả lời ấy vang vọng toàn hội trường:

“Các bạn đều là tầng lớp lao động thấp trong xã hội, chỉ là trình độ học vấn cao hơn người khác một chút mà thôi!”

Sau một khắc, rất nhiều sinh viên Thanh Hoa, Bắc Kinh cúi mặt tự giễu bản thân mình.

Chỉ vì một câu nói nặng nề ấy.

Vậy, nếu đổi một câu nói khác thì sao? Rốt cục thì có thứ gì bạn có thể nắm chắc được trong vận mệnh của mình?

Không nói đến bệnh tật, không nhắc về thiên tai, chiến tranh.

Bạn nỗ lực nhảy từ một công ty nhỏ tồi tàn vào làm trong một xí nghiệp lớn, làm sao bạn biết được công ty bạn từng từ bỏ lại là Taobao, xí nghiệp to kia là Nokia đây?

Khó khăn lắm mới dành dụm được chút tiền, làm sao bạn biết được tương lai số tiền ấy liệu rằng có còn giá trị?

Chúng sinh trong bể khổ đang giãy dụa. Người người vắt trán suy nghĩ, ý đồ nắm giữ một chút thứ mà bản thân họ có thể tự quyết định, như con tàu Titanic chìm giữa biển, người người trên biển liều mạng bơi về phía mảnh gỗ trôi nổi đằng xa trên hải dương.

Luôn có một số người cảm giác mình là người chơi hệ may mắn, nắm rõ mọi mánh khóe kỹ xảo, có thể mọi lúc kiếm lời không lỗ.

Như những người chơi cổ phiếu chẳng hạn, họ thường nghĩ rằng mình không phải là con bạc, mà cho rằng tự mình có thể nắm chắc thế cục trên cái bàn lớn trước mắt.

Nhưng, liệu có thật vậy không?

——-

Tôi là một kiến trúc sư, công việc của tôi là làm một hạng mục, tại khu đô thị Tân Hải.

Chính là khu đô thị ở thành phố Thiên Hải năm 2015 đã xảy ra một vụ nổ lớn.

Thời điểm vừa mở cửa bán chung cư cho mọi người, tôi cũng có tham gia quan sát, đúng lúc gặp được một người trung niên ăn mặc giản dị tới xem nhà.

Ông ta ăn mặc thật sự có chút rách nát, cô gái bán chung cư không hề để ý tới ông ta.

Nhưng người đàn ông ấy xem nhà rất lâu, tôi đã đi xem hết một vòng, quay về vẫn thấy ông ý đứng ở chỗ đó.

Cuối cùng ông ý ngại ngùng hỏi cô gái bán chung cư giá tiền của căn nhà đó, nói rõ rằng trường học của con trai nằm ở gần đó, căn nhà đó quả thật rất gần, hơn nữa phong cách trang trí cũng rất vừa mắt.

Cô gái bán hàng báo giá xong cho ông ấy bèn quay đầu mà đi, không tiếp chuyện người đàn ông mặt đầy bụi bẩn vì kiếm tiền ấy.

Lúc xem được tin vụ nổ ở Thiên Tân trên Weibo, hình ảnh đầu tiên chạy lên trong đầu tôi chính là người đàn ông nhem nhuốc ấy.

Không biết về sau ông ta có mua căn nhà đó không?

Hoặc có thể ông ta không mua căn nhà ấy, mà mua một căn bên cạnh vụ nổ ngày hôm đó?

Nếu như ông ta dùng toàn bộ gia sản, vay thêm tiền để mua căn nhà, hiện nay căn nhà ấy còn an toàn hay không? Người trong nhà vẫn tốt hay đã…

Tôi không dám nghĩ.

Ai oái thay, thiên địa vô tình!

Tựa như “Hảo Liễu Ca” trong Hồng Lâu Mộng,

Không có thứ gì bạn đạt được, thực sự là của bạn!

Tiền, nhà, gia đình, sự nghiệp, hư vô mà thôi.

Chính tại ngay lúc này, bạn mới nhìn ra chỗ tốt của tri thức:

Một khi nó chui vào trong não của bạn, không một ai cướp được.

Tôi xin mạn phép tự nhận mình là một người tương đối yêu tri thức.

Có nhiều lúc bạn bè bằng hữu khen tôi tiến bộ, tôi trả lời rằng tôi còn non lắm, họ lại khen tôi biết khiêm tốn.

Nhưng thực sự tôi chẳng hề cảm thấy những thứ đó đáng để khoe khoang.

Thế giới này chỉ có hai loại động lực tồn tại, tình yêu, và nỗi sợ.

Tri thức là thứ đáng để các bạn yêu nó, dù cho việc học vừa tốn thời gian vừa phiền phức, nhưng nó luôn làm con người đầy đủ, thỏa mãn.

Nhưng tôi biết, trong chỗ sâu thẳm của con tim, thứ thôi thúc tôi không ngừng học tập, lại không phải thứ cảm xúc đứt đoạn như tình yêu và nỗ sợ.

Chỉ là vì tôi sợ hãi.

Chỉ vì lá gan tôi bé hơn mọi người, mà cái thế giới này quá nhiều thứ làm tôi run rẩy.

Tôi chỉ như người bơi giữa biển, liều mạng hướng về thanh gỗ trôi nổi đằng xa ấy, đó mới là thứ duy nhất tôi cảm thấy nó thể nắm chặt trong tay mà không tuột.

Có một đoạn văn bao giờ bạn cũng nghe thấy trong các lớp học ở Phương Đông, Du Mẫn Hồng bị cướp, tên cướp đã tiêm cho anh ấy một mũi thuốc mê dành cho con voi, vậy mà anh ấy vẫn được cấp cứu thành công, cuối cùng sống lại.

Việc đầu tiên sau khi anh ấy tỉnh lại, chính là để người khác kiểm tra anh ấy đọc từ vựng, anh ấy phát hiện vẫn nhớ được từ vựng, vui vẻ sống tiếp.

Đó gọi là tri thức cho loài người thuốc an tâm.

Đứng trước tri thức, tôi thậm chí không còn tin vào tiền bạc, sự nghiệp.

Những thứ đó tuy rằng là vật dụng thiết yếu, nhưng nếu ỷ lại vào chúng nó, có lẽ một lúc nào đó sẽ rơi vào hố sau vạn dặm mà nó tạo ra.

Thời điểm mà cảm giác an toàn mất đi giá trị, tôi lại muốn học thêm gì đó.

Học chút vặt vãnh, tâm lý lại cảm thấy yên ổn một chút, tựa như có chút tiền tiết kiệm trong ngân hàng.

Lỡ như thực sự có một ngày bị vận mệnh đạp cho một cái, đạp xuống vực sâu vạn trượng thì sao? Ai sẽ là người cứu tôi? Ai mà biết chứ.

Chỉ có tri thức ở trong não, có lẽ nó sẽ giúp tôi bện một sợ dây thừng, đem tôi thoát thân.

Đối với tôi, thứ đó chính là ý nghĩa của việc nỗ lực học.

Cuối cùng, dùng một câu nói mà tôi vô cùng thích của chàng lùn trong phim “trò chơi vương quyền” tự thưởng cho bản thân một chút:

“Não tốt có sách hay, bảo kiếm có đá mài.”

Chúc các bạn sống thật tốt!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *