Xin phép admin cho mình chia sẻ bài viết về chuyến đi Triều Tiên của mình. Để các bạn có thêm thông tin về đất nước này. Khám phá Châu Âu là mơ ước của tất cả mn trong group rồi, vậy có ai tò mò về Triều Tiên không?
#Review #TrieuTien #datnuocbian
“Cảm thấy thật hạnh phúc khi là người Việt Nam” – Đó là những gì Linh muốn hét lên sau chuyến du lịch Triều Tiên 🇻🇳🇻🇳🇻🇳
Triều Tiên – Đất nước cho Linh trải nghiệm trở về giai đoạn trong những năm thập niên 80 thế kỉ XX của Việt Nam. Tuy không được sống trong thời kì đó nhưng qua sách báo, phim ảnh Linh cảm nhận thấy có sự tương đồng rõ rệt về cách ăn mặc, các khẩu hiệu đường lối đầy đường phố, cách làm việc hay thái độ của người dân.
Ngày đầu tiên, Linh được đến tham quan, mua sắm tại siêu thị lớn nhất Triều Tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng, nhìn thấy hai cậu học sinh mua bánh ngồi ăn, Linh nhìn họ ăn cũng thấy khổ….Không hiểu vì sao nữa, trong lòng nghĩ thương dân Triều Tiên quá!
Thế giới ngoài kia phát triển bao nhiêu, công nghệ bao nhiêu, mở bao nhiêu thì đến với Triều Tiên đúng chuẩn một xã hội khép kín, lỗi thời, lạc hậu. Nếu ai muốn tìm lại tuổi thơ, sống xa internet và khói bụi, tiếng xe cộ, sự vội vã thường ngày….thì Triều Tiên quả là thích hợp.
Ở Triều Tiên ta sẽ cảm nhận được nhịp sống chậm rãi, họ đi lại chủ yếu bằng các phương tiện công cộng (bus điện, tàu điện ngầm) hoặc xe đạp. Tất cả xe ô tô, đất đai,….đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Trang phục của người dân Triều Tiên cũng rất đơn giản, chủ đạo là các tông màu tối, quần ống vải hơi loe một chút, giày đen và các kiểu tóc không hề cầu kì (Linh quan sát thấy nữ để thẳng hoặc xoăn nhẹ, không có một ai nhuộm tóc màu). Nhìn chung Việt Nam mình thời kì bao cấp như thế nào thì Triều Tiên như thế nhưng dĩ nhiên sau nhiều năm nên nó có sự phát triển hơn nhất định.
Hướng dẫn viên người Triều Tiên nói với Linh, ở đất nước của họ trẻ em từ lúc sinh ra cho đến lúc lớn lên được nhà nước nuôi toàn bộ. Đi học từ mẫu giáo đến hết đại học không mất tiền, bệnh đến bệnh viện khám chữa không mất tiền, lập gia đình được cấp nhà không mất tiền….Ừ! Nghe thì thấy thích thật đấy! Nhưng cho Linh sống ở đây, Linh chẳng thấy thích chút nào. Cảm thấy con người sẽ trở nên ì ạch, ỉ lại. Chẳng có động lực để trở nên giàu có, phát triển…ai cũng như ai.
Tuy đó, chúng ta sẽ không thể phủ nhận được những thành tựu nhất định của một Quốc gia bị cấm vận, cô lập. Mặc dù quốc gia họ điều kiện rất khó khăn nhưng họ lại có những công trình kiến trúc rất đẹp và hoành tráng. Ví dụ như sân bay Quốc tế Gyeong pyeong (Bình Nhưỡng), toà tháp hình tên lửa (cao 105 tầng – Việt Nam cao nhất có 84 tầng), các toà nhà khu phố mới, thư viện Quốc gia, bảo tàng chiến tranh….Ngoài ra, đường phố bên đây rất sạch sẽ (siêu sạch), rộng rãi, thoáng đãng; quy hoạch nhìn từ trên máy bay xuống Linh cũng thấy rất vuông vắn, chuẩn chỉnh. Ít ra, họ cũng có tàu điện ngầm, ga tàu tuy chẳng hiện đại nhưng mang đầy chất nghệ thuật. Hai bên ga được trang trí bằng những áp phích cổ vũ cộng sản, cổ vũ xã hội chủ nghĩa. Có một điều đặc biệt, họ còn có đường tàu qua Trung Quốc và Nga. Nên khách Trung Quốc hay khách Nga muốn qua Triều Tiên du lịch, công tác tiết kiệm khá nhiều chi phí nếu đi đường tàu (đường bộ).
Quay trở lại với những gì Linh và mọi người trong đoàn tận mắt chứng kiến, cảm nhận khi ở Triều Tiên.
Có một buổi sáng đi qua đoạn đường gần khách sạn, họ đang lấy búa đập để phá huỷ khối bê tông, cách làm rất thủ công. Đi qua các cánh đồng cũng không nhìn thấy máy móc gặt lúa, làm việc hầu như bằng sức người, cũng cuốc rồi cũng cày kéo bằng trâu bò như Việt Nam mình. Hướng dẫn viên bản địa giải thích ở Triều Tiên xăng, dầu rất khan hiếm nên hạn chế máy móc. Ở đây điện cũng thiếu trầm trọng nhất là mùa đông lạnh giá, tuyết làm đóng băng nước nên nhà máy không phát được điện. Người dân ở đây buộc phải tiết kiệm điện một cách tối đa nhưng rất may khách sạn Linh ở là khách sạn Quốc tế 4 sao to nhất thủ đô Bình Nhưỡng nên vẫn có điện buổi đêm. Tuy là khách sạn 4 sao nhưng so với Việt Nam kém hơn nhiều, Linh không biết cho sao gì luôn nhưng nói chung là có điều hoà, nước, chăn ấm đệm êm vậy là đủ rồi. Sang Triều Tiên chúng ta không nên đòi hỏi quá nhiều vì đất nước họ cũng chỉ có vậy!
Đoàn Linh dành một ngày đi tham quan khu phi quân sự DMZ, qua rất nhiều cổng kiểm tra an ninh nghiêm ngặt cuối cùng cũng đến được nơi hai nước ký hiệp định đình chiến năm 1953. Ngoài ra từ căn cứ quân sự của Triều Tiên Linh có thể nhìn thấy lính của Đại Hàn Dân Quốc phía bên kia. Linh cứ thắc mắc lính hai nước canh gác cạnh nhau như vậy không biết có bao giờ nói chuyện với nhau không nhỉ? Vì dù sao họ cũng là anh em một nhà….Khi Linh chụp ảnh giơ tay lên “bắn tim”, thấy anh lính Triều Tiên (người đưa đoàn đi giới thiệu và giám sát) quay sang hỏi chị hướng dẫn viên Triều Tiên “cái này là gì?” (Miêu tả lại động tác của Linh). Tuy họ nói bằng tiếng Triều nhưng may quá tiếng Hàn và tiếng Triều giống nhau nên Linh có thể hiểu được. Thấy anh lính và chị HDV Triều Tiên không hiểu nên Linh giải thích ý nghĩa là “bắn tim”, là “yêu”. Họ thấy rất lạ, còn mình cảm thấy như đang truyền bá được một cái gì rất mới mẻ vào đất nước của họ.
Du lịch Triều Tiên, cảm xúc lắm! Nó bí ẩn và mang tính dân tộc cực cao. Người Triều Tiên họ rất tôn thờ lãnh đạo của họ, họ không coi cuộc chiến tranh nội bộ của họ là cuộc chiến tranh hai miền mà coi đó là cuộc chiến giữa Korea (hai miền nam bắc nói chung) và Mỹ.
Khi đến Triều Tiên, hướng dẫn viên bản địa dặn dò kĩ tuyệt đối không được chụp hình với người dân của họ nếu không hỏi ý kiến, không được tiếp xúc với người dân và Linh cũng tự cảm thấy người dân Triều Tiên lạ lẫm, sợ sệt người nước ngoài. Nếu chụp hình với ảnh hay tượng lãnh đạo của họ phải chụp đầy đủ trong khuân hình, không thiếu góc mất tay, tóc, mặt mũi…Đặc biệt, không được chụp các công trình đang sửa chữa hoặc đang xây dựng.
Linh đến thăm thành phố cổ Kaseong, nơi trồng nhân sâm tốt nhất Triều Tiên và nơi mà có nhiều gia đình bị chia cắt nhất sau chiến Tranh vì thành phố này gần vĩ tuyến 38. Phố cổ này chính là thủ phủ (như kiểu thủ đô bây giờ) trong triều đại 고려 (Cô ro), triều đại phồn thịnh thời Jonseon. Đúng là xa thủ đô Bình Nhưỡng, đến một thành phố khác thôi cũng thấy người dân đã nghèo còn nghèo khổ hơn hẳn, trẻ em mặt lấm lem thương ơi là thương. Chồng Linh cho một đứa trẻ đi qua cái kẹo nó xin vội nhưng hướng dẫn viên nhìn thấy và không cho phép chúng mình làm điều đó.
Người Triều Tiên họ cảm thấy như vậy hạnh phúc nên chắc họ không biết là họ đang khổ đâu (Linh nghĩ vậy). Còn rất nhiều điều Linh muốn chia sẻ, những gì Linh chia sẻ dựa trên quan sát thực tế, thông tin tại chỗ và đánh giá của cá nhân thôi nên chắc hẳn còn nhiều thiếu sót và có thể khác với quan điểm của nhiều người. Vì vậy, đừng ai ném đá mình nhé!
Để nói hết về tất cả những điều muốn nói hay những ấn tượng chắc mình phải quay video nói mới nhanh chứ lười viết lắm vì còn dài 😝😝😝
Cảm ơn cả nhà đã đọc. ❤️
Bài viết chi tiết tại website: http://moclinh.life/…/trieu-tien-dat-nuoc-bi-an-nhat-the-g…/