Vì sao Đài Loan vẫn sử dụng chữ Hán phồn thể?
Tại sao không?
Ngay cả đối với người Trung Quốc chúng tôi, những-tên-cộng-sản-xấu-xa-phá-hoại-những-ký-tự-xinh-đẹp, chúng tôi thừa nhận rằng chữ Phồn thể chi tiết hơn và nhất quán hơn với tính hợp lý của ký tự. Và đó có lẽ là lý do tại sao chính phủ Trung Quốc đã không tiến hành giai đoạn hai của việc giản hóa chữ Hán truyền thống.
Chữ Hán giản thể là một chính sách của Đảng Cộng Sản nhằm khắc phục vấn nạn mù chữ ở đại lục càng sớm càng tốt, giúp mở đường cho sự phát triển sau này. Khi công cuộc xóa mù chữ được hoàn thành, các giai đoạn sau được lên kế hoạch vào những năm 1920, tiếp tục giản hóa và cuối cùng là Latinh hóa toàn bộ ký tự, được coi là không còn cần thiết.
Trong khi ở đại lục, rất nhiều người đã phải học chữ Giản thể từ con số không (đó là lý do tại sao chữ Giản thể được phát minh), tỷ lệ mù chữ ở Đài Loan lại rất thấp kể từ khi Nhật Bản chiếm Đài Loan và phát triển hòn đảo này thành thuộc địa. Vì vậy, đối với họ, điều đó có nghĩa là phải chuyển từ Phồn thể sang Giản thể, một việc khó khăn và hoàn toàn vô nghĩa.
Con người thì lười biếng, và việc chuyển đổi cả một hệ thống chữ viết có thể gây tốn kém cho toàn xã hội. Tại sao phải thay đổi những thứ vẫn còn đang hoạt động tốt?
Tập quán xã hội và văn hóa dân tộc đâu thể thay đổi một sớm một chiều.
Thực tế, trong khi người Trung Quốc sử dụng chữ Giản thể trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết chúng tôi đều đọc được chữ Phồn thể. Rốt cuộc, chữ Hán truyền thống vẫn có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, từ biển quảng cáo cho đến các tác phẩm nghệ thuật. Nếu một sản phẩm có liên quan đến văn hóa truyền thống Trung Quốc, ví dụ như một ấm trà, thì sử dụng chữ Phồn thể sẽ phù hợp hơn.
Nhiều bạn bè của tôi cũng sử dụng chữ Phồn thể ở trên mạng. Một người sáng tác thơ Trung Quốc nên cô phải dùng chữ Hán truyền thống. Một người khác là vì anh ấy làm ăn với Hồng Kông, và một số người Hồng Kông lại cực kỳ nhạy cảm với chữ Giản thể. Để tránh phải thường xuyên chuyển đổi chế độ gõ, anh ấy vẫn dùng chữ Phồn thể, tất cả chúng tôi đều có thể đọc được cả hai dạng ký tự.
Đã có những ý kiến đề xuất việc chuyển về sử dụng chữ Hán truyền thống, bởi mọi người đều đã có thể đọc viết nên nhiệm vụ của chữ Giản thể đã hoàn thành. Nhưng việc đó cũng khó khăn không kém.
Lý do, tất nhiên, vẫn là tập quán xã hội.
Cảm giác thượng đẳng.
Câu trả lời của Anna Detlef đã đề cập đến câu chuyện “không có trái tim trong tình yêu”. Đó chỉ là một phần nhỏ thôi, những người dùng chữ Giản thể chúng tôi thường xuyên nhìn thấy những câu chế giễu này của người Đài Loan và Hồng Kông trên mạng.
Câu hoàn chỉnh của nó là.
汉字简化后, 親不见, 愛无心, 產不生, 厰空空, 麵无麦,運无车, 導无道, 兒无首, 飛单翼, 有雲无雨, 開関无门, 鄉里无郎。
可巧的是: 魔仍是魔, 鬼还是鬼, 偷还是偷, 骗还是骗, 贪还是贪, 毒还是毒, 黑还是黑, 赌还是赌, 贼仍是贼!
(T/N: Mình xin được dịch cho bạn nào có hứng thú muốn tìm hiểu nhé, có gì sai sót thì các bạn chỉ ra để mình edit, hãy thông cảm cho trình độ tiếng Trung cùi bắp của mình)
Hán ngữ:
Hán tự giản hóa hậu, thân bất kiến, ái vô tâm, sản bất sinh, xưởng khống khống, miến vô mạch, vận vô xa, đạo vô đáo, nhi vô thủ, phi đơn dực, hữu vân vô vũ, khai quan vô môn, hương lý vô lang.
Khả xảo đích thị: ma nhưng thị ma, quỷ hoàn thị quỷ, du hoàn thị du, biển hoàn thị biển, tham hoàn thị tham, độc hoàn thị độc, hắc hoàn thị hắc, đổ hoàn thị đổ, tặc nhưng thị tặc!
Tạm dịch:
Sau khi được giản hóa, người thân không còn nữa, tình yêu mất trái tim, sinh sản mất sự sống, nhà xưởng thì trống không, sợi mì không lúa mạch, đi đường mà mất xe, dạy bảo mà không nói, con trẻ thì mất đầu, bay chỉ còn một cánh, có mây mà mất mưa, đóng mở mà không cửa, làng xã thì mất quan.
Nhưng trùng hợp thay: ma vẫn là ma, quỷ vẫn hoàn quỷ, trộm vẫn hoàn trộm, lừa vẫn hoàn lừa, tham vẫn hoàn tham, ác vẫn hoàn ác, đen vẫn hoàn đen, cờ bạc vẫn hoàn cờ bạc, giặc vẫn là giặc!
Và đây là lời đáp trả của người đại lục.
汉字简化后, 党内无黑, 团中有才, 国含宝玉, 爱因友存, 美还是美, 善还是善, 虽丑无鬼, 只不过台无吉, 湾无言。
Hán ngữ:
Hán tự giản hóa hậu, Đảng nội vô hắc, Đoàn trung hữu tài, quốc hàm bảo ngọc, ái nhân hữu tồn, mỹ hoàn thị mỹ, thiện hoàn thị thiện, tuy xú vô quỷ, chỉ bất quá Đài vô cát, Loan vô ngân.
Tạm dịch:
Sau khi được giản hóa, trong Đảng không còn đen, trong Đoàn có người tài, đất nước chứa bảo ngọc, vì tình yêu vẫn còn bạn, nên đẹp vẫn hoàn đẹp, thiện vẫn là thiện, dù xấu xa chẳng còn quỷ, nhưng Đài thì không còn tốt, Loan thì mất tiếng.
Theo ý kiến của tôi thì câu của người Đài Loan có hơi quá (như trẻ con mất đầu v.v), còn câu của người Trung Quốc thì khá là nhân nhượng và ôn hòa.
Và trong khi ở đại lục, chữ Hán truyền thống được gọi là 繁体中文 (Phồn thể Trung văn) và chữ Hán giản thể được gọi là 简体中文 (Giản thể Trung văn), nhiều người Đài Loan gọi chúng là 正體字 (Chính thể tự) và 殘體字 (Tàn thể tự).
Bạn không cần phải là một nhà ngôn ngữ học để cảm nhận được sự thù địch và kiêu ngạo trong câu nói trên.
Vì vậy, việc chê bai chữ Giản thể chính là cách người Đài Loan và Hồng Kông chế giễu người đại lục, thế nên còn lâu chúng tôi mới quay về chữ Phồn thể nhé.
Nếu như bạn để ý, hầu như tất cả các câu hỏi về hai dạng ký tự này đều có ý đề cao chữ Phồn thể và hạ thấp chữ Giản thể, trong khi điều ngược lại hiếm khi được nhìn thấy.
Ngôn ngữ trước hết được sử dụng để giao tiếp, đó chính là sự đồng lòng giữa người dân đại lục. Sẽ thật nực cười khi nói đến “chữ Hán thuần khiết”, kể cả dù cho đó là chính phủ Trung Quốc.
Wi-Fi, iPhone và nhiều từ nước ngoài khác gây hại cho sự thuần khiết của chữ Hán?
Chúng ta đâu cần phải trở nên thảm hại đến thế.
Những ưu điểm của chữ Phồn thể và Giản thể.
Trong thời đại thông tin, điều này thực sự không còn ý nghĩa nữa. Thời gian cần để gõ một ký tự Phồn thể chẳng nhiều hơn gõ một ký tự Giản thể là bao. Nếu có thì chữ Giản thể sẽ trông đẹp hơn trên màn hình khi xài phông chữ nhỏ, nhưng điều này khó có thể coi là một ưu điểm, bởi vì nói thật, hầu hết các phông chữ Trung Quốc mặc định trong Windows đều gớm như nhau.
(Ảnh: 聚春園 (Tụ Xuân Viên), nhà hàng ẩm thực Phúc Kiến nổi tiếng nhất ở Phúc Châu, mở từ năm 1865, sử dụng chữ Hán truyền thống)