Đầu tiên, dựa theo truyền thống của Hồi giáo, thì Sultan phải là đàn ông đã đủ tuổi trưởng thành và có tư chất thông minh, nhưng lại không hề có luật lệ hay tập quán liên quan đến việc truyền ngôi. Dựa theo tư tưởng xưa của người Turk, việc lựa chọn người đứng đầu, lãnh đạo là quyết định của Allah, vì vậy, việc đưa ra luật truyền ngôi hoặc cố tình tranh giành ngôi vị Sultan là hành động phản lại Đấng Toàn Năng. Sülêymân I từng nói với con mình, Bâyezîd, khi ông nhòm ngó đến ngôi vị rằng “trong tương lai con sẽ bỏ lại tất cả cho Đấng Toàn Năng, vì đây không phải điều mà con người thích, mà là điều mà Allah muốn, con sẽ bỏ lại vương quốc và chính quyền này. Nếu Ngài đã quyết định cho con sở hữu vương quốc này sau khi ta đi, thì không người nào có thể cản được con.” Bất cứ khi nào một hoàng tử Ottoman kiểm soát được thủ đô, kho bạc của đế quốc và giành được sự ủng hộ của giới Janissary, Ulama, và các quan chức trong thành thì coi như có chính danh lên chức Sultan. Thực tế thì kể từ năm 1421, sự ủng hộ Janissary trở thành một yếu tố quan trọng nhất để lên ngôi.
Kết quả của cuộc tranh giành ngôi vị này thường được cho là quyết định của Allah, và các hoàng tử thua cuộc thường phải trốn đến lãnh thổ của những kẻ địch của Ottoman, hậu quả là khiến cả Đế quốc Ottoman rơi vào nội chiến, nổi tiếng là cuộc nội chiến kéo dài 11 năm giữa 5 anh em khi Bâyezîd I mất. Vì vậy mà trong kânûnnâme của mình, Mehmed II đã hợp pháp hoá một luật lệ bất thành văn có từ ngay những ngày đầu của đế quốc: “Vì sự an nguy của đất nước, một trong số các con của ta khi được Allah giao chức Sultan sẽ phải giết hết tất cả anh em của mình. Phần đông các Ulama coi đây là việc có thể chấp nhận được.” Nhưng ngay cả luật này cũng không thể chấp dứt nội chiến. Lý do chính cho việc này là truyền thống cổ của người Turk quy định các con của người lãnh đạo khi đến tuổi dậy thì – theo Luật Hồi giáo là 12 tuổi – phải được đưa đi làm quen với việc quản lý các vùng đất ở Anatolia cùng với những giám hộ của mình, ở đó họ phải tự xây dựng cung điện và thiết lập cơ quan hành chính giống với thủ đô. Vào thời Seljuk, các hoàng tử này trên lý thuyết là hoàn toàn độc lập trong lãnh thổ mình quản lý, nhưng Ottoman thường lựa chọn rất kỹ những giám hộ hay cố vấn cho các hoàng tử khi còn trong Hoàng cung, đảm bảo rằng họ sẽ phải nhận lệnh từ chính quyền trung ương hơn là các hoàng tử. Những hoàng tử này sẽ chỉ nhận tiền thu được từ việc quản lý và bị trung ương kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi cha mình vẫn đang còn sống thì các hoàng tử này sẽ tìm cách giành một khu vực gần thủ đô để quản lý nhằm có được sự ủng hộ của Hoàng cung và lính Kapıkulu. Sự thiếu kiên nhẫn của những hoàng tử đôi khi dẫn đến nội chiến khi họ đánh lẫn nhau ngay trong lúc cha mình còn sống. Năm 1511, Sêlim đem quân đánh các anh em của mình, đến năm 1553 và 1561 Süleymân tử hình hai người con là Mustafa và Bâyezîd vì không nghe lời Sêlim. Những sự kiện này như lời cảnh báo cho Sêlim II (1566-1574) và Murâd III (1574-1595), do đó họ chỉ gửi người con cả của mình đến quản lý một khu vực. Như vậy thì khi Sultan qua đời, vị hoàng tử được đưa đi quản lý đất sẽ dễ dàng vào kinh thành và lên ngôi, những vị hoàng tử khác ở trong Hoàng cung do không có ai hỗ trợ sẽ không cản được. Việc đầu tiên mà Murâd III làm khi lên ngôi là hạ lệnh giết 5 người em mình; Mehmed III (1595-1603) tử hình 19 người em mình và chấp dứt việc gửi các hoàng tử đi quản lý đất. Thay vào đó, ông đưa họ đến các kafes – tương tự như một nhà giam và là một phần của harem, hay còn gọi là Hậu cung. Các hoàng tử này sẽ không được rời khỏi kafes và không được phép nuôi con. Ở đó họ sẽ phải xuyên suốt sống trong nỗi sợ bị tử hình và đa số bị ảnh hưởng đến tâm lý. Khi Süleymân II (1687-1691), được lựa chọn làm người nối ngôi, ông tưởng mình sắp bị đưa đi tử hình và đã khóc trước các quan chức đưa ông rời khỏi kafes, nói rằng nếu muốn giết ông thì làm nhanh đi, ông đã phải ở trong cái nhà giam này hơn bốn mươi năm kể từ khi còn nhỏ rồi. Hệ thống kafes là một điều hoàn toàn trái ngược với truyền thống xưa của người Turk, cho thấy rằng kể từ cuối thế kỷ 16 thì truyền thống này không còn chỗ đứng nữa và ngôi vị trở thành biểu tượng của quyền lực cá nhân.
Những người có tham vọng quyền lực trong Hoàng cung, đặc biệt là các Vâlide Sultan, hay “mẹ của Sultan” cũng có ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn người nối ngôi. Tuy nhiên, dư luận lại cực kỳ không thích việc tử hình mấy đứa trẻ vô tội. Trong tang lễ những người em của Mehmed III, dân chúng trong thành đã có một phen hốt hoảng khi thấy 19 cổ quan tài size trẻ em đi theo sau quan tài của Sultan quá cố, dựa theo lời của một sử gia: “Cả các thiên sứ trên thiên đường cũng nghe tiếng thở dài và than khóc của người dân thành Istanbul.” Khi Mehmed III qua đời, con cả của ông là Ahmed I (1603-1617) lên nắm quyền nhưng sau khi nghe lời cầu xin của một số quan chức cấp cao, quyết định không tử hình người em trai bị tổn thương tâm lý do kafes, Mustafa, của mình. Khi Ahmed mất, con của ông chưa đủ tuổi trưởng thành và Mustafa phải lên giữ ngôi vị thay thế, 2 tháng sau đó ông bị phế truất và phải nhường ngôi cho con của Ahmed I là Osmân II (1618-1622).
Ngoài trường hợp đặc biệt của Mustafa ra thì việc giết anh em khi lên ngôi vẫn được lưu truyền đến tận thế kỷ 17. Trước khi thực hiện chiến dịch Ba Lan, Osmân II đã viết fetvâ để giết anh trai Mehmed. Năm 1622, Jannissary làm loạn giết Osmân và chú của ông, Mustafa lại một lần nữa lên nắm quyền. Mustafa lại bị lật đổ và em trai của Osmân là Murâd IV (1623-1640) trở thành Sultan. Murâd tử hình 3 người em của mình, tha cho người thứ 4, Ibrahîm, vì Murâd không có con. Khi Murâd qua đời, Ibrahîm lên kế vị. Khi Mehmed IV (1648-1678) lên ngôi ở tuổi 7, ông quyết định không giết 2 người em của mình, Süleymân và Ahmed. Khi Mehmed bị phế truất thì em trai Süleymân lên nắm quyền không lâu cũng qua đời, người em khác là Ahmed II (1691-1695 trở thành Sultan. Họ không tử hình các con của Mehmed IV, sau này là Mustafa II (1695-1703) và Ahmed III (1703-1730). Vì vậy, việc truyền ngôi trong họ hàng dần thay thế truyền thống cha truyền chức Sultan cho con; nhưng không có bất cứ luật lệ hay quy định chính thức nào về việc thay đổi chính phủ cho đến khi hiến pháp đầu tiên được ban hành năm 1876.
Khi một Sultan qua đời thì tất cả các chiếu chỉ hay di chúc đều được coi là vô giá trị và không có hiệu lực cho đến khi Sultan mới xác nhận chiếu chỉ và di chúc của “Tiên Đế,” và vì lúc đó chưa có người đứng đầu hợp pháp nên lính Kapıkulu sẽ không nghe lời ai cả nên sẽ gây loạn cả thủ đô. Lâu lâu những cuộc loạn này kéo dài đến hai tuần nên Hoàng cung luôn tìm cách giấu tin Sultan mất cho đến khi người mới lên ngôi. Việc thực thi hệ thống kafes cũng giúp dẹp yên được tình hình này.
Những phe phái trong đế quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền ngôi, ví dụ như lực lượng trấn giữ biên cương, Janissary, Ulama, các bè phái trong Hoàng cung, đều tham gia lựa chọn ai lên nắm quyền. Hội Ahîs trong giai đoạn khi Ottoman còn là một tiểu quốc vùng biên cương, và các lãnh chúa khác giữ biên cương trong giai đoạn nội chiến 1402 đến 1403 là một nhân tố quan trọng trong việc truyền ngôi. Sau này, khi chú và em trai của Murâd II đe doạ đến ngai vàng của ông nhưng do Murâd có sự giúp đỡ của Janissary và Şeyh Emir Sultan of Bursa cũng như các lãnh chúa vùng biên cương nên giữ được ngôi vị. Năm 1446, Janissary, dưới sự xúi giục của Tể tướng (Grand Vizier) Halîl Pasha, ép Mehmed II thoái vị nhưng Murâd chỉ dám lên ngôi khi biết mình được sự ủng hộ của Janissary. Năm 1481, Janissary được lệnh của Ishâk Pasha và Gedik Ahmed Pasha đưa Bâyezîd II lên làm Sultan, buộc ông phải thông qua dự luật mà một số quan chức đưa ra. Trong cuộc tranh giành ngôi vị năm 1511, các hoàng tử đều tìm cách giành được sự ủng hộ của Janissary bằng cách hứa sẽ tăng lương và bổng lộc. Mặc dù cả Sultan và Grand Vizier đều chọn Hoàng tử Ahmed, nhưng Selîm nhờ có sự ủng hộ của Janissary mà ép được cha mình thoái vị và nhường ngôi Sultan.
Để giữ được quyền lực của mình, các Sultan phải có mối quan hệ tốt với Janissary, đội quân mà chỉ có những Sultan giỏi nhất như Mehmed II hoặc Selîm I mới có thể kiểm soát hiệu quả được. Mặc khác, các Grand Vizier như Çandarlı Halîl, Gedik Ahmed hoặc Yemişçi Hasan khi có được sự ủng hộ Janissary thì sẽ có quyền lực không ai dám cản.
Tuy nhiên, với sự ra đời của hệ thống kafes, Janissary trở thành công cụ của Vâdile Sultan, hay Hoàng thái hậu, và Harem Ağası – thái giám da đen có quyền lực cao nhất – và Grand Vizier cũng trở thành bù nhìn trước hai thế lực này. Từ thế kỷ 17 trở đi, tầng lớp Şeyhülislam và Ulama thường theo phe của Janissary, giúp họ có quyền lật đổ Sultan và Grand Vizier, bởi vì các Janissary cần fetvâ của họ mới có chính danh làm việc này. Các Şeyhülislam đôi khi cũng chỉ là công cụ trong cuộc chiến giành quyền lực, nhưng đôi khi fetvâ của họ lại theo ý muốn của dư luận. Như trong cuộc lật đổ Sultan Ibrahîm (1640-1648).