Khi các thành phố tiếp tục vật lộn với những thách thức trong việc cân bằng giữa cây xanh và an toàn của người dân, chính quyền bắt buộc phải thực hiện các biện pháp chủ động để đánh giá và giảm thiểu rủi ro liên quan đến cây xanh ở những nơi công cộng.
Ở các khu vực đô thị, giá trị của cây xanh, cây cổ thụ phụ thuộc vào cách quản lý cây xanh. Nếu được chăm sóc đúng cách, các cây xanh mang lại nhiều lợi ích trong nâng cao vẻ đẹp đô thị, chất lượng không khí cũng như không gian công cộng ở các đô thị, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và cải thiện khả năng thấm của đất, duy trì cân bằng sinh thái.
Cây cổ thụ cũng tạo ra mối liên hệ tình cảm giữa người dân và lịch sử của thành phố. Các thành phố có nhiều cây cổ thụ tạo nên cảnh quan văn hóa độc đáo, mang lại cho cư dân cảm giác đặc biệt về sự gắn bó với khu vực. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, những cây cổ thụ dễ bị tổn thương và gây ra rủi ro đáng kể cho người dân.
Những tai nạn đau lòng do cây xanh như vụ mới xảy ra tại công viên Tao Đàn (TP.HCM) không phải là hiếm, ngay cả ở những quốc gia phát triển và có nhiều cây xanh đô thị như Úc, Sinpapore. Và họ buộc phải có cơ chế ứng xử, hay còn gọi là cơ chế quản lý cây xanh đô thị rất chặt chẽ, bài bản và khoa học, từ việc phân loại, quản lý, đến chăm sóc, chẩn đoán và điều trị bệnh… cho cây. Họ coi mỗi cây xanh giống như một con người vậy.
Thủ đô Canberra (Úc) có dân số chỉ hơn 350.000 người. Đơn vị Quản lý dịch vụ công cộng và giao thông Canberra đang quản lý hơn 700.000 cây trên các đường phố dân cư, lề đường chính, công viên đô thị và các khu vực không gian mở khác. Không tính đến những cây trên đất tư nhân, con số này tương đương với 2 cây trên một người hoặc 1 ca tử vong/10 triệu người. Nếu bao gồm cả cây tư nhân, tỷ lệ tử vong do cây đổ tiệm cận mức 1/15 triệu người.
Ở đây, chính quyền địa phương duy trì các kho cây có thể truy cập được, bao gồm mô tả chi tiết về cây, bao gồm tên, số lượng, loài, kích thước, hồ sơ theo dõi thời điểm cây được trồng, cắt tỉa, bị bệnh hoặc được xử lý, khi nào cần chặt cây và trồng lại…
Từng đến Singapore để tham quan, du lịch và công tác, tôi cho rằng nước này làm rất cẩn thận và chặt chẽ với các hoạt động bảo vệ, giữ gìn, chăm sóc cây xanh với những ưu thế nổi trội, nhất là cây cổ thụ xếp vào hàng di sản. Singapore hiện là đô thị dẫn đầu thế giới về độ phủ của cây xanh, với khoảng 50% diện tích được che bóng và họ dường như chưa muốn dừng lại ở đây.
Singapore có 5 đường di sản gồm: Đường Arcadia, đường Lim Chu Kang, đường Mandai, đường Mount Pleasant và đường South Buona Vista. Mỗi con đường này đều được pháp luật bảo vệ, thực thi vùng đệm xanh lên đến 10 mét ở cả hai bên đường và cấm chặt bỏ cây cối.
Cùng với đó, Singapore còn gây ấn tượng cho du khách với 2 khu bảo tồn cây, cụ thể là Center và Changi. Những khu vực này có mật độ cây trưởng thành đặc biệt cao, một số cây đã hơn 100 năm tuổi và là minh chứng sống cho thực tế rằng phát triển đô thị và bảo tồn cây xanh có thể song hành cùng nhau.
Khu bảo tồn cây được pháp luật bảo vệ để kiểm soát việc chặt cây trưởng thành bừa bãi. Chủ sở hữu bất động sản tư nhân muốn chặt bất kỳ cây trưởng thành nào có chu vi vượt quá một 1m phải xin phép bằng văn bản từ cơ quan quản lý.
Những cây xanh cổ thụ là di sản thiên nhiên của Singapore và đóng vai trò là những điểm mốc xanh quan trọng của thành phố trong thiên nhiên của họ. Những cây xanh này đã mất hàng thập kỷ để trưởng thành và làm đẹp cho cảnh quan đô thị, làm đẹp cho môi trường với những tán lá tươi tốt và râm mát quanh năm.
So với cây mọc trong môi trường tự nhiên, cây đô thị chịu nhiều áp lực hơn. Cây trong thành phố thường tiếp xúc nhiều hơn với nhiệt độ, độ ẩm và chất ô nhiễm khắc nghiệt. Đất đô thị cũng ít dinh dưỡng hơn. Các hoạt động xây dựng và phương tiện đôi khi có thể làm hỏng rễ, thân và cành cây, và các công trình phát triển có thể làm giảm không gian phát triển của cây.
Người Singapore ứng xử và quản lý bài bản cây xanh cũng rất bài bản. Thông tin đăng tải rộng rãi trên website của công viên quốc gia Singapore cũng nói rằng, phí phải trả cho dịch vụ của một chuyên gia chăm sóc cây chuyên nghiệp là khá cao.
Tùy thuộc vào các yếu tố như kích thước và tình trạng của loài cây, báo cáo đánh giá cây trực quan cơ bản của một chuyên gia chăm sóc cây dao động từ 150 – 600 đô la Singapore (tương đương 2,8 triệu – 11 triệu đồng VND) cho mỗi cây. Đó là chưa kể các đánh giá bổ sung như đào đất, khoan phát hiện mục nát và đo cắt lớp siêu âm, phí sẽ được tính tương ứng.
Về thời gian kiểm tra tình hình, sức khỏe của cây: Cây có thể không biết nói, nhưng vẻ ngoài và “ngôn ngữ cơ thể” của chúng có thể cho biết về sức khỏe của chúng. Các chuyên gia về cây cảnh (hay còn gọi là “bác sĩ cây cảnh”) được đào tạo để kiểm tra cây một cách nghiêm ngặt và có hệ thống, bằng cách nghiên cứu hình dạng tổng thể, rễ, thân, cành và tán cây. Họ có thể xác định các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của cây đang suy thoái và có thể kê đơn các biện pháp có thể cải thiện sức khỏe của những cây này.
Các chuyên gia về cây cảnh ở Singapore thường kiểm tra cây bằng kỹ thuật VTA Visual Tree Assessment, tức là đánh giá cây bằng trực quan. Kỹ thuật kiểm tra tiêu chuẩn này được Hiệp hội cây cảnh quốc tế công nhận, hướng dẫn các chuyên gia về cây cảnh tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào có thể quan sát được của một cây có thể không khỏe mạnh hoặc không ổn định.
Thứ hai, dựa trên kết quả của VTA, một chuyên gia chăm sóc cây có thể tìm hiểu sâu hơn về tình trạng bên trong của cây bằng công nghệ tiên tiến. Một máy đo đưa một mũi khoan siêu nhỏ có cảm biến vào thân cây để phát hiện bất kỳ khiếm khuyết bên trong nào bên trong thân cây hoặc cành cây.
Chuyên gia chăm sóc cây cũng có thể sử dụng máy chụp cắt lớp âm thanh, dựa trên nguyên lý âm thanh truyền qua gỗ đặc nhanh hơn gỗ mục, họ có thể “nhìn vào bên trong” cây và tìm ra các phần rỗng hoặc mục nát.
Tại Việt Nam, chúng ta chưa thể có điều kiện để chăm sóc cây như chăm sóc người bệnh như tại Singapore. Được biết, hiện nay công cụ quản lý nhà nước đối với cây xanh đô thị, cây xanh công cộng mới bao gồm Nghị định 64, Thông tư 20, tiêu chuẩn TCVN 9257-2012 về quy hoạch về cây xanh công cộng…
Điều khó khăn lớn nhất đối với các địa phương là hiện chưa có Luật Cây xanh như một số nước trên thế giới, do đó, chúng ta chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật liên quan đến cây xanh đô thị; chưa có tiêu chuẩn thiết kế, trồng, nghiệm thu, chăm sóc đối với cây xanh đô thị, cây xanh đường phố một cách bài bản, chi tiết, chặt chẽ, khoa học.
Thế nên, mỗi địa phương phải tùy thuộc vào điều kiện thực tế để ban hành các quy định tạm thời về lựa chọn, trồng, chăm sóc cây xanh; ban hành danh mục cây khuyến khích/hạn chế/cấm trồng; Quy định về cắt tỉa và chống dựng bảo vệ an toàn cây xanh trước mùa mưa bão hay việc xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị…
Do vậy, việc quản lý, giám sát cây xanh của chúng ta vẫn tồn tại những bất cập, chưa thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng cả về tính thẩm mỹ, bản sắc và đặc biệt là sự an toàn của người dân.
Những nỗ lực trong việc quản lý, chăm sóc cây xanh đô thị của những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… thời gian qua là rất đáng ghi nhận, nhưng trên hết vẫn cần một bàn tay tổng chỉ huy, một cách nhìn nhận, đánh giá toàn diện và đúng mức về tầm quan trọng của cây xanh đô thị để có những ứng xử cần thiết và phù hợp.