TUYÊN CÁO POSTDAM VÀ TƯƠNG LAI CỦA NHẬT BẢN PHẦN CUỐI – Tuyên cáo Postdam và kế hoạch tiếp tục chiến tranh của Nhật

1. Tuyên cáo Postdam

Hội nghị Yalta đã quyết định là sau ngày Đức đầu hàng sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh khác để bàn về tương lai thế giới. Vì vậy mà có cuộc hội nghị giữa các nguyên thủ quốc gia của 3 cường quốc Đồng minh tại thành phố Potsdam ở ngoại ô thủ đô Berlin của nước Đức đang bị chiếm đóng. Lúc 7 giờ 30 tối thứ Hai ngày 16-7, Tổng thống Truman nhận được bức điện đánh đi từ Washington mà ông hằng mong đợi: “Cuộc thí nghiệm tiến hành buổi sáng nay. Kết quả chưa đầy đủ, nhưng theo nhận định sơ bộ thì thỏa đáng, có lẽ vượt quá mức dự kiến” Thế tức là vụ nổ thí nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên đã thành công tốt đẹp. Người Mĩ không còn mong gì hơn thế nữa.

Hội nghị khai mạc vào thứ Ba ngày 17-7-1945, Đại Nguyên soái Stalin, Tổng thống Truman và Thủ tướng Churchill bàn về tương lai châu Âu. Sau đó, Stalin nói về châu Á:

– Trong tinh thần tôn trọng đồng minh của mình, Liên Xô thấy cần thông báo cho Anh, Mĩ biết là người Nhật đang hối thúc Liên Xô làm trung gian nghị hòa với phe Đồng minh. Nhật hoàng đã gửi một bức thư riêng, xin Liên Xô cho Hoàng thân Konoye đến Moskva. Nhưng cũng đồng thời báo cho phía Mĩ biết, Hồng quân đã sẵn sàng chuyển quân về vùng Viễn Đông để đánh Nhật Bản đúng thời hạn đã hẹn (vào tháng 8-1945).

Stalin hỏi Tổng thống Truman:

– Vậy Liên Xô phải trả lời cho Nhật thế nào?

Truman trả lời:

– Ngài cứ chủ động theo cách mà Ngài nghĩ là tốt nhất .

Trưa thứ Tư 18-7, trong buổi ăn trưa, Tổng thống Truman nói chuyện riêng với Thủ tướng Churchill. Thủ tướng Churchill tỏ ra lo ngại về từ “đầu hàng vô điều kiện” trong bản dự thảo tuyến cáo của Hoa Kỳ và góp ý: 

– Việc đầu hàng vô điều kiện có thể khiến cho phe quân phiệt Nhật đi đến đường cùng, khiến cho họ gây ra nhiều tổn hại cho lính của chúng ta khi đổ bộ lên đất Nhật. Vậy ta nên tìm một cái đảm bảo trọn vẹn cho tương lai mà hiện tại không phải chịu hi sinh quá lớn. Theo thiển ý của tôi, nên mở cho phe quân nhân Nhật một con đường để cho họ khỏi “mất sĩ diện”.

Truman đáp:

– Tôi nghĩ người Nhật chẳng còn “sĩ diện” nào để mất sau khi họ đánh Trân Châu Cảng mà không tuyên chiến.

 Rồi Truman hỏi Churchill có nên cho Stalin biết là Mĩ đã có bom nguyên tử không. 

Sáng 22, Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ đem đến phòng của Thủ tướng Churchill bản báo cáo về sự thành công của cuộc thử nghiệm bom nguyên tử ở Alamogodor. Đọc xong, Churchill nói:

– Thuốc súng là gì bây giờ? Đồ chơi trẻ em! Điện khí là gì bây giờ ? Đồ vô nghĩa lí trước nguyên tử lực. Bây giờ tôi mới hiểu được thái độ của Tổng thống Mĩ ngày hôm qua. Giờ đây tôi mới hiểu được: chấm dứt chiến tranh với một hai tiếng nổ. Hơn nữa, chúng ta không cần đến người Nga nữa.

Và cũng vì nắm được bom nguyên tử trong tay mà người Mĩ tỏ vẻ thiếu thiện chí để sắp xếp mọi việc trên thế giới. Họ nóng nảy chỉ muốn họp cho xong. Giống như Churchill, một số nhân vật trong phái đoàn Mĩ, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Byrnes đã cho rằng, với bom nguyên tử trong tay, Mĩ không cần Liên Xô tham chiến, tự nhiên Nhật cũng đầu hàng. Byrnes nói: “Nếu họ tham chiến chống Nhật, sau này chúng ta sẽ không còn được toàn quyền giải quyết các vấn đề đông bắc châu Á nữa”. Nghĩa là người Mĩ sẽ khó nuốt trọn gói.

Ngày 24-7, nhân một buổi nghỉ giải lao, Tổng thống Truman mời Đại Nguyên soái Stalin ra khỏi phòng họp dạo chơi. Ông ta ghé vào tai Stalin và nói: 

– Hoa Kì vừa có một vũ khí mới, đó là loại bom có sức tàn phá mạnh chưa từng thấy. Tuyệt nhiên, ông ta không nói đến từ “nguyên tử” hay “hạt nhân” gì hết.

Trong thâm tâm, Tổng thống Mĩ muốn cho người Ngathấy sức mạnh ưu thế của Hoa Kì. Nhưng Stalin chẳng có vẻ gì ngạc nhiên. Ông đáp rằng ông vui mừng được nghe tin này và hi vọng Hoa Kì sẽ “sử dụng nó thật tốt để chống Nhật”. Sáng ngày 26-7-1945, các đại biểu Anh – Mĩ tham dự hội nghị cho công bố bản “Tuyến cáo Potsdam”(2), phát thanh rộng rãi hướng về nước Nhật. Nhân danh chính phủ ba cường quốc Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa, bản tuyên cáo này yêu cầu Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện theo các nguyên tắc cơ bản sau: 

“Thủ tiêu chủ nghĩa quân phiệt; loại khỏi chính quyền những kẻ chủ mưu khởi xướng các hành động xâm lược; trừng trị các tội phạm chiến tranh; giải thể các lực lượng vũ trang và tước đoạt vũ trang hoàn toàn đối với Nhật Bản; xóa bỏ mọi sự cản trở đối với việc khôi phục và củng cố quyền tự do dân chủ rộng rãi; nghiêm cấm các ngành kinh tế quân sự, quân đội Đồng minh tạm thời chiếm đóng Nhật Bản; giới hạn chủ quyền của Nhật trên bốn đảo chính: Hokkaido (Bắc Hải Đạo), Honshu (Hồng Đô), Kyushu (Cửu Châu), Shikoku (Tứ Quốc) và các đảo nhỏ phụ cận bốn đảo đó sẽ được quy định rõ ràng. Các nước Đồng minh hứa sẽ rút khỏi Nhật Bản khi tình hình an ninh được khôi phục, các cơ chế nhân tố gây chiến không còn nữa và một chính phủ dân chủ thể hiện ý chí nhân dân Nhật được thành lập. Ba cường quốc cảnh cáo rằng trong trường hợp Tuyên cáo này bị bác bỏ thì Nhật Bản sẽ bị “hủy diệt nhanh chóng và hoàn toàn”

Đó chính là bức tối hậu thư mà người Mĩ đã soạn thảo ra để chuẩn bị cho việc sử dụng bom nguyên tử. Tuyên cáo trên không nói gì cụ thể đến tương lai chính trị của nước Nhật cũng như điều gì sẽ xảy ra cho Hoàng gia. Người Mĩ chỉ đưa bản Tuyên cáo này cho Anh và đại diện của Trung Hoa Quốc dân Đảng chứ không thông báo cho Liên Xô. Ngoại trưởng Molotov điện cho phía Mĩ, hỏi rõ sự việc này. Ngoại trưởng Mĩ Byrnes né tránh, giải thích rằng: “Vì Liên Xô không có chiến tranh với Nhật nên chúng tôi không thông báo”.

2. Kế hoạch Ketsu-Go và việc tiếp tục chiến tranh của Nhật 

Các đài dò sóng điện của Nhật Bản bắt được toàn văn bản Tuyên cáo Potsdam vào sáng ngày 27-7, giờ Tokyo. Các giới chức cao cấp trong Hoàng cung và chính phủ có những phản ứng khác nhau.

Ngoại trưởng Togo cho rằng: “Có lẽ ý muốn nghị hòa của Thiên hoàng được bên kia biết nên bản Tuyên cáo không nặng nề. Tuy nhiên, còn vài điểm chưa rõ, nhưng có thể hội ý làm sáng tỏ và xét lại”. Thủ tướng Suzuki tán đồng quan điểm của Ngoại trưởng. Các phía quân sự thì cho rằng: “Tuyên cáo láo xược, chính phủ cần bác bỏ ngay”. Nhưng phía Hoàng cung thì cho rằng: “Nên cẩn thận trong vấn đề phản ứng, trong nước cũng như trên trường ngoại giao”.

Cuối cùng hai lập trường gặp nhau ở một điểm: “Cho báo chí đăng một số đoạn nhưng không kèm theo lời bình luận” Sáng hôm sau, báo chí Nhật không tuân lệnh này, họ đăng gần như toàn văn bản Tuyên cáo của Đồng minh, lại thêm những bài bình luận bất lợi cho phe chủ hòa.

Tờ Mainichi đăng tít lớn: “VIỆC ĐÁNG BUỒN CƯỜI”

Tờ Asahi Shimbun viết: “Tuyến cáo của Mĩ – Anh và chính phủ Trùng Khánh cho thấy rằng nước Nhật phải nỗ lực tối đa để đi đến chiến thắng cuối cùng. Họ còn kêu gọi chính phủ nên ra Tuyên bố bác bỏ Tuyến cáo trên.

Bộ trưởng Ngoại giao cho rằng phe quân phiệt “chơi xỏ” ông ta, bằng cách ngâm ra lệnh cho báo chỉ đăng các bài xã luận. Cuối cùng, Hội đồng chính phủ quyết định, Thủ tướng Suzuki họp báo. Họ phó thác cho tài ăn nói của Thủ tướng sao cho Đông minh hiểu rằng người Nhật không bác bỏ hẳn Tuyên cáo và cho phe quân nhân Nhật hiểu rằng chính phủ không chấp nhận bản Tuyên cáo này. Và đó là cái khéo của Thủ tướng Suzuki. Bốn giờ chiều ngày 28-7, trong buổi họp báo, Thủ tướng Suzuki phát biểu:

“Theo ý kiến của chúng tôi, bản Tuyên cáo Potsdam chỉ là sự lặp lại Tuyên cáo Cairo. Nó không có gì mới. Chúng tôi ‘mokusatsu (Dịch nôm na là “bóp chết bằng cách im lặng”)’ nó”.

Nhưng đến ngày 30-7, tờ New York Times viết: “Nước Nhật bác bỏ đề nghị của Đồng minh về đầu hàng vô điều kiện”. Đồng thời, Đại sứ Sato từ Moskva điện về báo động là người Nga không sẵn lòng làm trung gian hòa giải với phe Đồng minh.

Trong lúc đó, phe quân sự Nhật đang hoàn tất kế hoạch hành quân “Ketsu-Go” (Chiến dịch “Quyết định”), có thể Xem như kế hoạch tự sát tập thể của toàn dân Nhật. Theo đó, hơn 10.000 máy bay được tập trung, điều chỉnh máy móc, gắn thiết bị mang bom. Hai phần ba được dùng để đối đầu với quân Mỹ đổ bộ ở các hòn đảo phía nam (Kyushu, Shikoku). Họ chỉ cần bay lên một chuyến, mang bom theo, lao vào hạm đội Hoa Kì. Thuốc nổ tối đa nhưng xăng chỉ đủ cho một chuyến bay một đi không trở lại. Một phần ba còn lại đón đánh Mĩ ở vùng phụ cận Tokyo. Về bộ binh, sẽ đưa ra một tổng số 53 sư đoàn và 25 lữ đoàn độc lập, tổng cộng 2.350.000 người để chống quân Mĩ. Ngoài ra còn động viên toàn thể nhân dân, nam từ 15 đến 60, nữ từ 17 đến 45, tổng cộng 28 triệu người vũ trang bằng mọi vũ khí kiếm được, từ sáng đến cung tên, gươm đao. Bên cạnh đó, còn 4.000.000 công nhận quốc phòng kết hợp thành các tiểu đoàn tác chiến độc lập, vừa sản xuất vừa tác chiến. Thêm vào đó các lực lượng vũ trang của Nhật còn 3.000.000 quân ở ngoài nước. Ngoài những địa bàn xa xôi như ở New Guinea, quần đảo Indonesia, Đông Dương thì quân Nhật vẫn tập trung cao độ ở Đồng bộ Trung Quốc, nhất là Mãn Châu và Triều Tiên. Xung kích của lục quân Nhật Bản là đạo quân Quan Đông, làm nhiệm vụ canh giữ cho kho quân giới của Thiên hoàng là 900.000 km vuông xứ Mãn Châu. Thành lập từ những năm 1930, lúc đó, đạo quân này có 31 sư đoàn bộ binh, 9 lữ đoàn độc lập, 2 lữ đoàn xe tăng, 1 lữ đoàn xung kích và 2 không đoàn. Có lúc quân số lên đến một triệu người. Nhưng qua quá trình chiến tranh, chiến trường các nơi đòi hỏi, một số lớn đơn vị được đưa về Trung Quốc hoặc các đảo trên Thái Bình Dương. Ví dụ như sư đoàn tinh nhuệ số 1 bị tiêu diệt ở Philippines. Bây giờ, theo kế hoạch hành quân vào mùa hè 1945, thì khi Nhật Bản sụp đổ, đánh không lại, sẽ rút quân về Mãn Châu đánh đến cùng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *