Ảnh: bản đồ Tây Tạng với 3 vùng truyền thống Kham, Chamdo và U-Tsang (hoặc tách ra làm U và Tsang thì là 4 vùng). Vùng A Lý (Ngari) ở phía Tây là do chiếm của Ladakh sau này.
Có lẽ sẽ có bạn hỏi sao lại có tag Ấn Độ ở đây. Thì bài này cũng có thể coi là một phần của loạt bài ”Ấn Độ ”thống nhất” tới nhường nào trước khi người Anh tới?”. Số là để cho chắc chắn không đụng hàng, mình đã search lại Group theo từ khóa và thấy rằng có một bài trước đây đòi so kèo Mughal và nhà Thanh. Chắc ai cũng biết bài đó so kèo bị lệch mốc thời gian. Tuy nhiên, nếu so kèo tổng là Trung Quốc – Ấn Độ thì không lệch đâu. Bởi lẽ đã có 2 cuộc chiến lớn giữa các thế lực trên lãnh thổ 2 nước với nhau. Lần thứ nhất (là bài hôm nay) là giữa Tây Tạng và Ladakh diễn ra đời Khang Hy bên Thanh, mà sau đó đã kéo theo sự có mặt của Đế chế Mughal và các Hãn quốc Mông Cổ. Lần thứ 2 là giữa nhà Thanh với Đế quốc Sikh (sẽ kể sau).
Vậy nhưng nếu search từ khóa kiểu ”Chiến tranh Trung Quốc – Ấn Độ” hay ”Thanh – Mughal” thì sẽ rất khó ra những cuộc chiến kiểu này, dĩ nhiên sẽ rất ít người biết tới. Đó là vì trong lịch sử, các quốc gia như Sikh, Ladakh,… chẳng có lý do gì để coi mình thuộc về Ấn Độ,…. Việc đó nói lên một điều rằng: Ấn Độ vốn chẳng phải là miếng bánh to để người Anh chia cắt, mà vốn là một đống bánh nhỏ được người Anh ghép lại mới cho ra được hình dạng to hoàn chỉnh như ngày nay.
Phần 1: Tình hình các xứ Tây Tạng – Ladakh thế kỷ 17.
*Tây Tạng dưới thời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5
Cho đến tận thế kỷ 17, Tây Tạng vẫn chưa có hình thù như ngày nay chúng ta thấy. Cương vực phía Tây của Tây Tạng chưa thực sự kéo được đến dãy Hi Mã Lạp Sơn. Trên sơn nguyên Tây Tạng lúc đó, các bộ lạc vẫn sinh sống rải rác và chưa có hình thái nhà nước nào đáng chú ý hình thành. Đến năm 1642, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 của Tây Tạng mới trở thành lãnh đạo đầu tiên thống nhất hiệu quả Tây Tạng. Kể từ đó, chính quyền Tây Tạng được biết đến với tên gọi ”Cam Đan Phả Chương – Ganden Phodrang” do các Đạt Lai Lạt Ma nối nhau trị vì. Chắc nhiều người cũng biết đấy, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện đang phải lưu vong, chứ trên danh nghĩa ông vẫn kế thừa triều đại này của Tây Tạng.
Sang thế kỷ 18, Tây Tạng thần phục nhà Thanh. Cái giá của việc này là Tây Tạng mất đi các vùng rộng lớn là Amdo (nay là tỉnh Thanh Hải) và Kham (các tỉnh Tây Khang, Tứ Xuyên) cho nhà Thanh. Lãnh thổ Tây Tạng thu hẹp nặng nề chỉ còn 1/3, tương ứng với vùng U-Tsang duy nhất còn lại trong 3 vùng Tây Tạng truyền thống.
Để bù vào các vùng đất đã mất, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đã cho người dân Tây Tạng tăng cường chuẩn bị cho chiến tranh. Binh khí được mua sắm, tu sĩ bị bắt tòng quân, lừa ngựa được trưng thu trong cả nước để cho quân đội. Nhưng đánh ai bây giờ? Trước tiên là bắt nạt 2 thằng nhỏ Nepal và Bhutan ở phía Nam đã (còn anh Sikkim ở giữa 2 Nepal và Bhutan theo chân Tây Tạng, nên bị Nepal san bằng kinh đô). Nhưng ở phía Tây cũng có một con mồi ngon không kém: Ladakh – Lạp Đạt Khắc Quốc.
*Ladakh thế kỷ 17 (hôm trước có bài lịch sử Ladakh có thể xem lại).
Ở phía Tây của Tây Tạng trước kia là một vương quốc gọi là Lạp Đạt Khắc (Ladakh) đã xuất hiện từ lâu trong chuyến hành trình của Trần Huyền Trang. Nghe lạ à, thôi thì gọi là Tây Du Ký cho nó dễ.
Lịch sử Ladakh vốn có nhiều thăng trầm. Quốc gia này có giai đoạn hoàng kim vào thời kỳ mà Tây Tạng còn chưa thành lập nhà nước. Lãnh thổ Ladakh có lúc tới gần 1 triệu km2, bao trùm từ Kashmir sang Tây Tạng và kéo xuống Ấn Độ. Tuy nhiên, sau đó Ladakh rơi vào ”200 năm khổ nạn”. Đó là từ thế kỷ 13, Hồi giáo bành trướng đến Nam Á, chinh phục Ấn Độ. Quân Hồi giáo đã xâm lược, cướp phá Ladakh liên tục và buộc vua Ladakh phải cải sang đạo Hồi. Trong thời kỳ này một số lượng lớn công trình Phật giáo, chùa chiền, tượng Phật, kinh Phật,… đã bị Hồi giáo hủy diệt ở Ladakh.
Triều đại Nam Gia (Namgyal) hình thành vào thế kỷ 17 đã phục hưng Ladakh. Phật giáo một lần nữa hưng thịnh, lãnh thổ và dân số được mở rộng ăn đứt Tây Tạng. Có thể nói Tây Tạng không phải đối thủ của Ladakh vào đầu thế kỷ 17.
Nhưng vấn đề ở đây là gì? Là các vua Ladakh lại không để mắt đến Tây Tạng. Nói cách khác, Ladakh không coi Tây Tạng là kẻ thù tiềm năng để mà đề phòng.
Trong gần 80 năm từ 1616 tới 1694, các vua triều Nam Gia của Ladakh là Tăng Cách (Sengge), Đức Đan (Dendal), Đức Liệt (Delek),… đã mang gần như toàn bộ quốc lực của Ladakh xuống phía Nam chinh chiến với Đế quốc Mughal của Ấn Độ. Trong gần một thế kỷ đánh nhau tưng bừng khói lửa với Mughal, có lúc thắng có lúc thua, cũng mở rộng được một phần lãnh thổ,… nhưng cái giá phải trả của Ladakh không hề rẻ. Với quốc lực cạn kiệt trong khi kẻ thù khổng lồ Mughal vẫn sung sức, vua Đức Liệt của Ladakh buộc phải cầu hòa trên thế thắng với Mughal, thu quân về lại trên dãy Hi Mã Lạp Sơn.
Đến lúc thu quân về, Ladakh mới nhận ra một mối nguy khủng khiếp đang chờ đợi họ: quân Tây Tạng đã lăm le trước cửa vùng A Lý (阿里 – Ngari) của Ladakh. Hàng chục năm vét túi đi đánh Mughal ở phương Nam, các vua Ladakh đã bỏ quên vùng đất A Lý này. Vùng A Lý rộng hơn 30 vạn cây số vuông (tương đương nước Việt Nam) nhưng dân số chưa tới 5 vạn chưa kể người từ Tây Tạng còn đi lại hành hương dễ dàng, gần như không có quân đội bảo vệ.
Khi người Ladakh kịp nhận ra họ hớ hênh như vậy thì đã quá muộn. Với miếng mồi ngon treo ngay trước miệng như thế, con sói đói Tây Tạng không có lý do gì để không tiến quân xâm lược. Cuộc xâm lược của Tây Tạng vào vùng A Lý và Ladakh sẽ được trình bày trong kỳ tới của bài.
