Không phải cứ nỗ lực sẽ đạt được thành công, nhưng nếu không nỗ lực chắc chắn sẽ cảm thấy lo lắng vô cùng.
Đối với những người luôn khao khát tiến bộ như tôi, những lời này như được khắc sâu vào tiềm thức. Chúng ta sẽ bắt đầu từ câu nói này, nhưng không chỉ dừng lại ở mức độ cảm nhận, mà hãy cùng nhau tìm hiểu sâu hơn, khám phá xem đâu là những nguyên lý sinh lý học ẩn giấu phía sau.
I/DOPAMINE VÀ CẢM GIÁC SUNG SƯỚNG
1. Dopamine là gì? Không phải là gì?
Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh, truyền thông tin về cảm giác hưng phấn và vui vẻ, liên quan cả đến cảm giác nghiện. Arvid Carlsson, nhà thần kinh học người Thụy Điển và các đồng nghiệp đã được trao giải Nobel năm 2000 cho những khám phá về dopamine và các tác dụng của nó trong bệnh Parkinson.
Dopamine có đại diện cho vui vẻ hạnh phúc không? Không hẳn.
Có nghiên cứu cho thấy rằng bản chất của con đường dẫn truyền thần kinh bằng dopamine là “tưởng thưởng”, chứ không phải vui vẻ hạnh phúc. Thầy Đặng, một nhà nghiên cứu lai giống động vật, từng trả lời thế này:
Tưởng thưởng là gì? Tưởng thưởng là sau khi bạn đạt được lần thứ nhất, bạn sẽ muốn có lần thứ hai. Về cơ bản, cảm giác giành được phần thưởng mà chúng ta cảm nhận được đều có tính phản hồi (Feedback).
Lấy ví dụ một quả táo. Hương vị, kết cấu hay tính chất vật lý của quả táo đều được chuyển thành những thông tin thần kinh, và được kết nối tới hệ thống khen thưởng trong não bộ (Reward system), hình thành nên những synapse biến đổi linh hoạt (Synaptic plasticity). Bạn biết rằng táo ngon nên bạn mới ăn táo.
Vậy cảm giác sung sướng thực sự xuất phát từ những giây phút vui vẻ à? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tác dụng của dopamine đến từ việc mong đợi phần thưởng chứ không phải từ lúc đã giành được phần thưởng rồi.
Dopamine ≈ want, mang đến khát khao và ảo tưởng.
Tô tiểu xà Arrogance từng viết:
Trong thí nghiệm cho khỉ uống nước đường, khi con khỉ được thưởng nước đường, hoạt động phát xung điện (Spiking activity) của các tế bào thần kinh sản sinh ra dopamine gia tăng một cách rõ rệt.
Sau đó, Schultz đã tiến hành thí nghiệm phản xạ có điều kiện kinh điển của Paplov: 1 giây trước khi cho con khỉ uống nước đường sẽ phát một âm thanh để nhắc nó. Sau khi con khỉ đã quen thì chỉ cần nghe được âm thanh nhắc nhở, nó sẽ chờ mong được uống nước đường.
Hoạt động của các tế bào dopamine tăng mạnh sau khi nghe thấy âm thanh quen thuộc ấy, bởi vì nó báo trước một phần thưởng trong tương lai.
Lưu ý rằng khi được uống nước đường, hoạt động của các tế bào thần kinh sản sinh ra dopamine không còn tăng nữa, vì phần thưởng là nước đường này đã được dự đoán rồi.
2. Tác dụng phụ của dopamine: cơn đau nghiện
Có thể so sánh qua với tình trạng nghiện điện thoại di động ngày nay: nhiều khi chúng ta cứ không ngừng bấm “Tiếp theo”, kể cả khi đã mệt lắm rồi nhưng vẫn không buông tay nổi. Đấy chính là bởi cơ chế khen thưởng của dopamine nói với bạn rằng: “Lướt tiếp thể nào cũng có cái hay”. Khi bạn ép bản thân đặt điện thoại di động sang một bên, bạn sẽ cảm thấy bồn chồn lo lắng, chẳng qua là vì dopamine đã khiến bạn tràn trề mong đợi với cái “tiếp theo” đấy mà thôi.
Về nguyên nhân sinh lý và tâm lý của cơn đau nghiện, Tô tiểu xà Arrogance cũng từng đề cập:
Nghiện (Addiction) chỉ một loại hành vi lặp đi lặp lại mang tính cưỡng chế, ngay cả khi biết rằng những hành động này có thể gây ra những hậu quả không tốt, chúng vẫn tiếp tục được lặp lại.
Hành vi này có thể xuất hiện do rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương, và chính việc lặp đi lặp lại những hành vi này cũng có thể làm tổn thương thần kinh. (Theo Wikipedia)
Endorphin, encephalin, endocannabinoid… là “củ cà rốt” trong “cơ chế khen thưởng”, còn dopamine là “gậy treo cà rốt”. Ba chất kể trước đem lại cho con người ta cảm giác hài lòng sau khi đạt đến, còn dopamine khiến ta cảm thấy thèm khát trước khi giành được.
Thực ra động vật đều rất lười, “gậy treo cà rốt” lắc lư trước mắt khiến chúng luôn muốn ăn cà rốt, góp phần duy trì trạng thái phấn khích của chúng ở mức cao độ. (Đừng nghĩ rằng phấn khích tức là vui vẻ hạnh phúc. Bị động vật ăn thịt đuổi theo ở phía sau thì cũng phấn khích như vậy thôi.)
“Nghiện” lại là một vấn đề khác hẳn. Ngay cả khi dùng chất gây nghiện, nó cũng chỉ khiến bạn đói khát chứ không làm bạn thỏa mãn. Nói cách khác, cảm giác thèm khát nó đem lại lớn hơn hẳn cảm giác thỏa mãn hài lòng. Tức nó đã đánh lừa bộ não của bạn để trung tâm thần kinh đưa ra các phán đoán sai lầm.
Lấy cờ bạc làm ví dụ, cơ chế gây nghiện của cờ bạc là khiến con người ta lầm tưởng rằng “Tôi chắc chắn sẽ thắng ván sau”. Nhưng không, từ trước đến giờ, vét sạch ví con bạc mới là mục đính chính của các ván cuộc thâu đêm suốt sáng.
Nghiêm trọng hơn cả, khi thực hiện những hành vi có tính gây nghiện, mặc dù chính bản thân ta đang rất hưng phấn, không ngừng muốn được kích thích thêm; nhưng ta vẫn không cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Trong các thí nghiệm dùng dòng điện kích thích vùng khoái cảm trong hệ thần kinh để “điều trị” đồng tính luyến ái, các đối tượng là người đã báo cáo lại rằng: họ “muốn được kích thích thêm” và họ “đã được khơi dậy ham muốn tình dục”.
Thế nhưng khi đọc lại những ghi chép phỏng vấn trong quá trình “điều trị”, Kent Berridge phát hiện ra rằng: không ai trong số các đối tượng từng nói “bị điện giật thật là thích” hay “ấn nút phát là thấy thoải mái ngay”, hoặc mấy câu trực tiếp thể hiện cảm giác sung sướng và niềm vui.
Trong trường hợp khác, ví dụ như khi một bệnh nhân mắc chức rối loạn ám ảnh cưỡng chế lặp đi lặp lại một hành động, hệ thống dopamine vẫn bị kích thích và tạo ra “những lời khuyến khích khen thưởng”. Nhưng kết quả rõ ràng chỉ là khổ sở đau đớn.
Chúng ta có thực sự vui vẻ mỗi lần lướt Weibo và Zhihu không? Rõ ràng là không. Chúng ta chỉ đang tìm kiếm phần thưởng, chỉ là những nô lệ bị thúc ép bởi những kích thích tạo nên bởi hệ thống tưởng thưởng này mà thôi. Tựa như tìm kiếm ốc đảo trong sa mạc vô tận, cho dù đi đến khi đế giày mòn vẹn hết, cũng chẳng tài nào thấy được ốc đảo đầy ắp nước kia.
Việc theo đuổi cảm giác sung sướng ấy cũng là một loại “khát”. Không ngừng kiếm tìm giọt nước trong sa mạc, lại khiến ta ngày một khát hơn.
Mỗi lần lên mạng tìm kiếm một bộ phim thú vị hay chơi một trò chơi kích thích, đều có thể trải qua những cảm giác như thế.
II/ ENDORPHIN VÀ CẢM GIÁC THÀNH TỰU
Endorphin là một hormone nội tiết (được tiết ra bởi tuyến yên) có tính chất sinh hóa giống morphin. Nó có thể tác động lên các thụ thể morphin để giảm đau và tạo ra cảm giác hưng phấn vui vẻ sảng khoái, tương tự như morphin và thuốc phiện (opiates). Có thể coi endorphin là một loại thuốc giảm đau tự nhiên, và một số chất, thuốc có thể được sử dụng để tăng hoạt động sản sinh ra endorphin trong cơ thể. Endorphin đem lại cảm giác tương tự như cảm giác thành tựu, bình tĩnh trong lòng.
Endorphin có thể giúp con người ta duy trì trạng thái trẻ trung hạnh phúc vui vẻ, nên nó cũng được gọi là “hormone của niềm vui” hoặc “hormone của tuổi trẻ”.
Roger Guillemin, nhà sinh lý học người Pháp đã đạt giải Nobel năm 1976 cho công trình nghiên cứu các hormone thần kinh, còn phát hiện ra rằng: khu vực sản sinh ra nhiều endorphin nhất và khu vực tập trung nhiều thụ thể của endorphin nhất trong cơ thể con người, chính là khu vực liên quan đến học tập và trí nhớ.
Vì vậy endorphin có thể cải thiện thành tích học tập và tăng cường trí nhớ mỗi người.
Endorphin có thể điều chỉnh tâm trạng xấu, phân phối hệ thống thần kinh nội tiết tố, cải thiện hệ miễn dịch và giảm đau. Dưới tác dụng của endorphin, con người ta có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ, loại bỏ chứng mất ngủ, cũng khiến thể xác và tinh thần của con người ta được duy trì trong trạng thái thư giãn và hạnh phúc, nhờ đó có thể tăng cường hệ miễn dịch.
Endorphin có thể chống lại cơn đau, làm tinh thần phấn chấn; giảm bớt u uất, giúp chúng ta kháng cự buồn đau sầu khổ…; phát triển khả năng sáng tạo, nâng cao hiệu quả công việc,…
Nói chung là khơi dậy tình yêu hứng khởi và tâm trạng tươi sáng, tích cực và sẵn sàng giao tiếp với những người xung quanh.
Qua những mô tả như vậy, bạn có thấy tác dụng của endorphin khá tương đồng với tâm trạng và cảm xúc của chúng ta mỗi khi hoàn thành mọi chuyện cần làm trong ngày? Tại thời điểm ấy, nội tâm chúng ta được thỏa mãn, bình tĩnh, tin tưởng bản thân mình, cũng như tràn đầy niềm tin vào tương lai.
III/ THOÁT KHỎI CÁI BẪY CỦA CẢM GIÁC SUNG SƯỚNG VÀ CHÀO ĐÓN THẾ GIỚI CỦA ENDORPHIN
Tác dụng phụ phổ biến nhất của các hành vi gây nghiện là nâng cao giới hạn trên của ngưỡng chịu đựng. Do vậy, những người dùng chất gây nghiện cần tăng liều dùng liên tục để có thể đạt được cảm giác như lúc trước.
Ngược lại, kiêng khem cũng có thể khiến người ta cảm thấy vui sướng khoan khoái, dựa trên nguyên lý cơ bản là hạ thấp ngưỡng chịu đựng xuống.
Nhịn ăn một ngày, vị giác trở nên nhanh nhạy hơn, hương vị của thức ăn trong miệng có thể được khuếch đại.
Một trong những ý nghĩa của tu hành và trì giới chính là giảm bớt các thụ thể dopamine dư thừa trong não bộ, giảm sự kiểm soát của cơ chế tưởng thưởng trong não và các hành vi gây nghiện không tự nguyện. Nhiều người cảm thấy tu hành là chuốc khổ vào thân, mà không hiểu được ý nghĩa của việc giảm giới hạn dưới của ngưỡng chịu đựng.
Sự khác biệt của dopamine và endorphin trong tình yêu là gì?
Dopamin là nhất thời rung động, endorphin là cảm xúc lâu dài.
Sau khi tình cảm yêu đương bùng cháy mãnh liệt qua đi, ta cần một chất liệu giống như endorphin để bù lấp những khoảnh trống do những cảm xúc mạnh mẽ kia để lại. Như đã nói ở trên, tác dụng của endorphin rất tương đồng với một loại chất gây nghiện khác – morphin, một loại thuốc an thần. Nó có thể làm giảm cảm giác lo âu, khiến con người ta cảm thấy thoải mái, ấm áp, thân mật bình tĩnh. Mặc dù không khiến cho chúng ta thấy kích động và phấn khích nhưng những cảm giác này cũng có thể gây nghiện. Nói chung, hôn nhân càng dài lâu, cảm giác này càng vững mạnh. Một lý do giải thích cho điều này chính là bởi hai vợ chồng đã quen với sự bình yên mà endorphin mang lại. Dường như chìa khóa để có một mối tình lâu dài theo thời gian chính là tiết ra đủ endorphin, trước khi những cảm xúc mãnh liệt kia tiêu tán.
Vậy làm sao để sản sinh endorphin?
Có một nghiên cứu về điều này trong lĩnh vực dục thể thao. (Link Douban: “Phương pháp thúc đẩy bài tiết endorphin“)
Như đã nói, endorphin còn được gọi là “hormone hạnh phúc” hoặc là “hormone trẻ trung”, có thể khiến ta cảm thấy hạnh phúc và hài lòng, thậm chí khiến ta giảm bớt căng thẳng và áp lực.
Lời khuyên từ các chuyên gia: Không phải tất cả các loại vận động đều đem lại hiệu quả này. Việc tiết ra endorphin đòi hỏi một cường độ tập luyện cũng như thời gian tập luyện nhất định.
Hiện tại, có ý kiến nhận định rằng, tập luyện những môn thể thao có cường độ vận động từ trung bình đến cao như aerobics, chạy bộ, leo núi, cầu lông…, từ 30 phút trở lên mới có thể kích thích cơ thể tiết ra endorphin. Những người kiên trì chơi thể thao trong một thời gian dài thường cảm thấy thoải mái khoan khoái sau khi tập thể dục, bởi vì tập thể dục thúc đẩy quá trình sản sinh endorphin. Nếu một ngày không tập thể dục, lượng endorphin được tiết ra giảm đi sẽ khiến cơ thể cảm thấy phờ phạc ỉu xìu.
Nguyên nhân là trong quá trình chạy đường dài như vậy, có một thứ kỳ diệu gọi là “Điểm giới hạn”. Trước điểm ấy, con người ta sẽ cảm thấy mệt mỏi vô cùng, nhưng một khi đã vượt qua được nó, thân thể sẽ tràn đầy sức sống và phấn chấn trở lại. Đấy là bởi, khi số lượng vận động đã tích lũy đến một giai đoạn nhất định, cơ thể sẽ sản sinh ra endorphin. Lúc này, tiếp tục chạy là một việc dễ dàng hơn rất nhiều.
Không chỉ chạy bộ vào buổi sáng, leo núi, luyện Thái Cực quyền hay các bộ môn trong thế vận hội mới có thể làm tăng lượng endorphin; ngồi thiền, yoga hay một số kiểu tu hành khác cũng có thể thúc đẩy quá trình sản xuất này.
Nhiều người quả quyết rằng, những nhà tu hành là những người thể nghiệm endorphin. Trong quá trình tu dưỡng rèn luyện, cảm giác sung sướng vui vẻ xuất hiện từ bên trong khi họ đã “cảm thấy điểm giới hạn” kia.
Ngoài ra, hít thở sâu cũng là một cách để tạo ra endorphin. Trong thời điểm căng thẳng, hít thở sâu có thể giúp chúng ta thư giãn, giảm trạng thái hồi hộp khẩn trương. Đối với việc luyện khí công, hít thở sâu trong một khoảng thời gian dài nhất định có thể giúp con người ta nhập thiền.
Thực ra việc sản sinh ra endorphin rất ít ỏi tằn tiện, cần đổ nhiều mồ hôi công sức.
Các học sinh lớp 12 vất vả dùi mài kinh sử, vượt qua bao nhiêu khó khăn để đỗ được trường đại học mơ ước. Tại thời điểm nhận được giấy báo trúng tuyển, hàm lượng endorphin trong mẫu máu của họ vượt xa mức bình thường.
Vào những khoảnh khắc như khi người nông dân chăm chỉ ròng rã bán mặt cho đất bán lưng cho trời suốt một năm liền, được tận mắt chứng kiến cây cối mình tự tay chăm bón đơm hoa kết trái; hay lúc hai người yêu nhau được đoàn tụ sau biết bao sóng gió trắc trở,… lượng endorphin chắc chắn sẽ bùng nổ.
Việc sản xuất endorphin là kết quả của những nỗ lực cả về thể chất và tinh thần. Niềm vui mà nó mang lại cho chúng ta hiếm hoi quý giá vô cùng.
Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta cũng đều từng trải qua cảm giác nghiện một thứ gì đấy (chơi game, lướt web, suốt đêm cày phim,…) rồi sau đó cảm thấy vô cùng hối hận, trống rỗng, mất mác tản mát trong lòng, tưởng như mình đã lãng phí thời gian mà chẳng làm được việc gì cả.
Đối với những người “có kỳ vọng vào tương lai” giống như tôi mà nói, không nỗ lực chắc chắn sẽ cảm thấy rất lo lắng bứt rứt. Dopamine không đem lại niềm vui, nhưng cơ chế tưởng thưởng “thêm một lần nữa đi” lại sai bảo và điều khiển bạn, thứ nó đem đến là lo lắng âu sầu, chứ không phải là vui vẻ hạnh phúc.
Ai trong chúng ta cũng từng một lần khao khát được trở thành con cưng của tạo hóa giữa muôn vạn người. Tốt nhất là không phải nỗ lực gì nhiều, chỉ cần trải qua vài lần gặp gỡ bất ngờ trong đời rồi đạt được tất cả mọi thứ như nhân vật chính trong tiểu thuyết, sau đó thoải mái tận hưởng cuộc sống vô tư lự. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể đạt được niềm vui sướng vô hạn chỉ trong một bước như vậy? Nhân vật chính trong cuốn “Brave new world” của tác giả Aldous Huxley từng nói thế này:
“Để trở thành con người, nhất định phải có gì đó đáng để chúng ta cố gắng phấn đấu, đấu tranh, ra sức giành được. Nếu ngay từ đầu đã có tất cả mọi thứ trong tay, thì việc duy nhất ta có thể làm chỉ là nhìn thời gian trôi qua mà thôi.”
Những thứ ngay từ khi bắt đầu đã vô cùng đau khổ thì ta sẽ tránh né ngay lập tức theo bản năng. Nhưng cái thực sự đáng sợ là nồi nước ấm đang đun dần con ếch ngây thơ khoan khoái ngâm mình.
Hạnh phúc thực sự đòi hỏi thật nhiều gian khổ và cố gắng mới có thể giành được trong tay.
Ngoài ra, quan trọng hơn là, gene của loài người quy định sự nhạy cảm đối với những thay đổi, cũng như việc thích nghi dễ dàng với những thứ lặp đi lặp lại ở cùng một mức độ. Do đó, để có thể đạt được hạnh phúc dài lâu, chúng ta không thể thành công ngay từ lần thử đầu tiên, mà cần một quá trình hoàn thiện không ngừng, bền bỉ cố gắng.
————————
Bình Luận của bạn đọc:
- Schopenhauer cho rằng cuộc sống được tạo nên bởi dục vọng ham muốn. Không được thỏa mãn thì sẽ đau khổ, được thỏa mãn rồi sẽ nhàm chán, đời người vần xoay giữa đau đớn và chán chường. Nếu ví “ham muốn = dopamine” thì quan điểm của Schopenhauer cũng có thể lý giải rằng vì có quá nhiều dopamine nên mới khổ đau, quá ít dopamine thì chán nản. Hóa ra đối với hầu hết mọi người, không vui không phải vì thiếu dopamine mà do có quá nhiều dopamine nên phải chịu nỗi đau cầu mà không được, bởi thế chủ nghĩa tối giản mới có thể phổ biến đến vậy.
- Nếu chưa từng thắng cược thì chắc chắn sẽ không nghiện. Bởi vì đã thắng rồi, vui rồi nên mới có thể sa đà lao vào. Nghiện game cũng tương tự như vậy, vì lúc bắt đầu đã thật vui, cảm giác khao khát vui sướng lúc sau không thỏa mãn như trước mới khiến con người ta lún sâu.
- Đồng ý với góc nhìn của chủ thớt và phần kết luận.
- Tuy nhiên trình tự lập luận chưa tốt, nhiều luận điểm thiếu dẫn chứng, không đánh giá được mức độ đúng sai, không thuyết phục trên bình diện khoa học.
- Viết một hồi thành một bài self-help đội lốt khoa học thường thức.
_______________
Chú thích :
1. Câu dẫn từ sách của Aldous Huxley có lẽ không được trích nguyên từ sách, mà là những điều tác giả nghiền ngẫm ra sau khi đọc (hoặc nếu ai biết câu gốc có thể bảo mình nha vì mình tìm nhưng không thấy). Có hai đoạn trong sách có tư tưởng khá giống trong bài :
“One can’t have something for nothing. Happiness has got to be paid for.”
“We are not our own any more than what we possess is our own. We did not make ourselves, we cannot be supreme over ourselves. We are not our own masters. We are God’s property. Is it not our happiness thus to view the matter? Is it any happiness or any comfort, to consider that we are our own? It may be thouught so by the young and prosperous. These may think it a great thing to have everything, as they suppose, their own way – to depend on no one – to have to think of nothing out of sight, to be without the irksomeness of continual acknowledgment, continual prayer, continual reference of what they do to the will of another. But as time goes on, they, as all men, will find that independence was not made for man – that it is an unnatural state – will do for a while, but will not carry us on safely to the end…”
2. Có thể hiểu câu “gene của loài người quy định sự nhạy cảm đối với những thay đổi, cũng như việc thích nghi dễ dàng với những thứ lặp đi lặp lại ở cùng một mức độ” là : sướng quá chóng quen, khổ chút cũng không chịu được.
