Trường Thể dục đầu tiên ở Hà Nội

Trường thành lập năm 1919 tại số 19 đường Charles Wiélé (nay là đường Tô Hiến Thành) theo sáng kiến của hai ông Nguyễn Quý Toản và Trịnh Văn Hợi, với mục đích “dạy dân sanh học tập nghề thể thao, cho giẻo gân cốt, cho tráng kiện tinh thần” (1). Hai ông Nguyễn Quý Toản[2] và Trịnh Văn Hợi đã học tại Pháp nhiều năm và nuôi dưỡng một tình yêu lớn đối với thể thao. Ông Nguyễn Quý Toản có chứng chỉ của Trường Sư phạm Châlons-sur-Marne và mong muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực giảng dạy. Còn ông Trịnh Văn Hợi đã tốt nghiệp Trường Thuộc da, cơ sở thực hành của Trường Hóa học thuộc Đơn vị nghiên cứu khoa học Lyon. Trong thời gian học tập và sinh sống tại Pháp, hai ông tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Năm 1913, họ được cử sang Trường Vận động viên ở Reims cùng 10 sinh viên Đông Dương khác trong suốt kỳ nghỉ. Cũng chính trong thời gian này, hai ông đã nhen nhóm ý định thành lập một trường thể dục ở Việt Nam.
Trở về Việt Nam lần lượt vào các năm 1914 và 1916, hai ông bắt tay xây dựng điều lệ và tiến hành các thủ tục xin mở trường thể dục vào năm 1918. Thống sứ Bắc Kỳ Bourcier Saint-Chaffray đã can thiệp với Hội đồng thành phố Hà Nội để hai ông được thuê một mảnh đất diện tích 18.000 m2 ở phía Nam Hà Nội với giá 1 đồng Đông Dương/năm, nằm giữa nhà máy diêm và hồ Bảy Mẫu. Từ trung tâm thành phố đến đây có thể bắt tàu điện chạy theo đường Đồng Khánh và đường Huế tới đường Charles Wiélé. Khu vực này khá nhiều ao chuôm, vì vậy, để chuẩn bị kinh phí san lấp, hai ông kêu gọi các kỳ mục địa phương quyên góp và xin trợ cấp của chính phủ Bảo hộ, phủ Toàn quyền và Hội đồng thành phố. Với sự hỗ trợ của cựu quan võ Nguyen Dinh Khoat, họ đã tiến hành cải tạo và quy hoạch, xây dựng 1 tòa nhà 4 phòng, bãi cỏ, đường piste, sân, dụng cụ tập luyện. Hai ông cũng dự kiến mở bể bơi bằng cách sử dụng hồ Bảy Mẫu.
Trường khánh thành ngày 21 tháng 9 năm 1919 đặt trụ sở tại số 19 đường Charles Wiélé và hoạt động theo mô hình của Trường Vận động viên Reims. Học sinh muốn đăng ký sẽ được khám sức khỏe bởi một bác sĩ tốt nghiệp từ Trường Y Hà Nội. Chỉ trong vài tuần, con số học sinh nhập học đã lên tới 152. Tuy nhiên, nhiệt tình của người trẻ Bắc Kỳ đối với hoạt động thể dục thể thao thời kỳ này không kéo dài. Những thất bại ban đầu không khiến hai ông nản lòng. Họ nhận được sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp. Ông A.R.Fontaine, quản trị viên Công ty Rượu tặng 500 đồng Đông Dương để quy hoạch một sân chơi cho trẻ em lấy tên “công viên Bà A.R.Fontaine”. Ông Bạch Thái Bưởi cũng quyên tặng một khoản tiền tương đương để xây phòng tắm. Những nỗ lực của hai người sáng lập đã dần lan tỏa tình yêu thể dục thể thao đến người dân Bắc Kỳ. Năm 1921, theo yêu cầu của Toàn quyền Đông Dương, các buổi học của trường đã được quay phim để trưng bày tại triển lãm thuộc địa Marseille. Hồ Văn Lang, trong cuốn sách “Từ Nam chí Bắc” cho biết năm 1924, trường có khoảng 100 học sinh, chia thành hai lớp. Giáo viên gồm các ông Breneau, Trịnh Văn Hợi, Hoàng Văn Ngọc và Đỗ Dụng. Hội cũng lập Ban Thể thao dưới nước, đặt trụ sở tại tòa nhà Henri Virgitti gần hồ Trúc Bạch, được vua Bảo Đại ghé thăm trong chuyến tuần du Bắc Kỳ năm 1933.
Trường Thể dục Hà Nội đổi thành hội đoàn với tên gọi Hội Thể dục Bắc Kỳ (S.E.P.T.O) theo quyết định của Thống sứ Bắc Kỳ ngày 06 tháng 11 năm 1934. Đầu những năm 1940, Hội chuyển trụ sở về đường 214 (nay là đường Trịnh Hoài Đức). Số liệu năm 1942 cho biết Hội có 94 thành viên. Hội thường xuyên tổ chức các giải thi đấu như đấu vật, điền kinh, bóng đá. Để có thêm kinh phí duy trì hoạt động, Hội kết hợp với các đoàn kịch như Tây Thi, Phi Phụng tổ chức các đêm biểu diễn gây quỹ. Hội Thể dục Hà Nội cũng có công sáng lập sân vận động Colombon, người đương thời thường gọi là sân Septo[3], nay là sân vận động Hàng Đẫy, một điểm đến không thể thiếu của những người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Chú thích:
[1] Hồ Văn Lang, “Từ Nam chí Bắc”, Imprimerie Hồ Văn, 1924, trang 60
[2] Ông Nguyễn Quý Toản sinh ngày 15 tháng 6 năm 1888 tại làng Phù Tải, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ông từng giảng dạy thể dục tại Trường Trung học Bảo hộ, thành viên sáng lập và thư ký Hội Khai trí Tiến đức, người sáng lập Trường Thể dục Hà Nội, người sáng lập Hội thể thao Thái Bình, có công trong việc xây dựng sân vận động tại Thái Nguyên năm 1926, Chủ tịch Hội Trí Tri. Ông cũng giữ nhiều chức vụ trong chính quyền đương thời như Bố chính các tỉnh Thái Bình, Yên Bái, Sơn Tây, Quảng Yên; Tuần phủ Tuyên Quang… Ông được tặng thưởng Cành cọ Hàn lâm năm 1920, Kim khánh năm 1925, Đại Nam Long tinh năm 1933, phong hàm Quang lộc tự thiếu khanh năm 1934 và Thái thường tự khanh năm 1936.
[3] Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, sân Septo được xây dựng trong các năm 1936, 1938; khán đài A bằng gỗ, gồm 400 chỗ ngồi.

Lịch sử thế giới hiện đại

Điều lệ Trường Thể dục Hà Nội.
Logo Hội Thể dục Bắc Kỳ.
Con dấu Hội Thể dục Bắc Kỳ và chữ ký của Hội trưởng Bùi Đình Tịnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *