
Trước hết, tôi (tức Trần Quốc Vượng) cần làm rõ rằng mình không phải là một chuyên gia về Tây Sơn học, tôi không thể có một cái nhìn toàn diện về vua Quang Trung, và ý kiến sử học của tôi cũng chưa bao giờ mang sắc màu chính thống quyền uy. Song, không thể phụ lòng Sông Hương đã mời gọi và nhiều bạn đọc hỏi han nên tôi đành gắng gượng viết mấy dòng này, chỉ xoay quanh một chuyện, một vấn nạn có phần hóc búa: vua Quang Trung có phải là nhà đổi mới không? và nếu ông không mất sớm thì nước Việt ta liệu có cơ may đổi mới ngay từ cuối thế kỉ XVIII rồi hay không?
[Lược bỏ đoạn tóm lược về các nhà đổi mới trong lịch sử nước ta]
Phong trào Tây Sơn, thực chất là một phong trào nông dân, nhưng người cầm đầu phong trào đó không phải là kẻ “khố rách áo ôm”! Gia đình họ Nguyễn Tây Sơn là một phức hợp tiểu-công-nông-thương bên bờ sông Côn, trục giao thông đường nước phủ Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc là một tay buôn trầu nguồn, gia tư khá giả, con em được học hành cả văn lẫn võ. Tây Sơn thượng (đạo) và hạ đạo ở đôi bên đèo An Khê là khu vực trung gian Kinh Thượng, là tiền đồn di dân khẩn hoang của người Việt vào sâu xứ Thượng. Do quan hệ buôn bán trầu nguồn (và cả trâu bò gạo muối), Nguyễn Nhạc từ ấp Kiên Thành, dần có quan hệ giao tiếp với nhiều nguồn – vùng, nhiều hạng người xuôi – ngược, tầm nhìn không chỉ ở một làng, mà mở rộng ra cả tình thế Nam Hà Đàng Trong. Ông đủ khá giả, sự tính toán và hiểu biết, đủ tài tổ chức để tập hợp lực lượng, xây dựng đồn trại và sau khi đã đủ quy tụ, thì cũng đủ sức lực nội sinh và ngoại sinh để tỏa rộng phong trào ra khắp Quy Nhơn – một “tiểu Đồng Nai” của Đàng Trong, nơi “dân chúng đông, vật phẩm nhiều, thuyền xe tụ tập, buôn bán đông vui”, nghĩa là một thị trường địa phương, rồi xứ Quảng, rồi cả Nam Hà nữa… Nhưng trí lực và quan hệ xã hội – cái làm nên cốt cách và con người Nguyễn Nhạc chỉ đủ cho ông vươn lên từ một tuần biện lại (viên chức thu thuế ở một trạm bên sông) thời chúa Nguyễn thành một “Tây Sơn vương”, một thủ lĩnh địa phương lớn, dù cuối cùng có khoác danh hiệu “Trung Ương Hoàng Đế” – cái danh này đã vượt quá xa cái thực lực của ông mất rồi. Nguyễn Lữ (em Nguyễn Nhạc, anh (hay em?) của Nguyễn Huệ) thì còn kém cỏi hơn. Ông trở thành “tiết chế” hay “Đông Định vương” cũng chỉ vì là anh em của Nhạc và Huệ mà thôi. Hay nói cho đúng, thì ông không phải là một dạng tài năng, mà chỉ nhờ quan hệ máu mủ họ hàng nên có chức danh lớn, ông là thứ phẩm của một xã hội nông dân, của một nền văn minh thôn dã. Ông hoàn toàn không phải là đối thủ của Nguyễn Ánh. Thiếu Nguyễn Huệ, thì có thể coi như Tây Sơn đã mất Đồng Nai – Gia Định.
Trong loạn lạc và chiến tranh nông dân sẽ thường hàm chứa sẵn mầm mống phá huỷ. Cảng và thị tứ Hội An (Faifo) bị tàn phá (1774), cù lao Đại Phố (1777) rồi Bến Nghé (1782) cũng vậy. Phố xá bị đốt, thương nhân Hoa kiều bị giết, của cải bị cướp. Dù Tây Sơn sau này có muốn giao thiệp với thuyền buôn phương Tây, cho phép nhà buôn Anh Chapman buôn bán, hứa sẽ giảm thuế cho thuyền buôn Anh, thậm chí có thể nhường đất cho Anh để lập thương điếm, thì sự phá phố xá, phá tàu thuyền buôn Ma Cao, giết thương nhân ngoại quốc cũng đủ để khiến cho họ phải nghi ngại, lững lờ, và dù Chapman có muốn cũng khó mà tìm được một kẻ đại thương nào đủ can đảm dám đứng ra để môi giới buôn bán. Đại thương và ngoại thương Đại Việt ở cả 2 miền Nam Bắc, trớ trêu thay, vì do chính sách ức thương của triều đình, lại nằm trong tay thương nhân người Hoa mà Tây Sơn đã xuống tay sát hại. Cho nên, Tây Sơn dần bị rơi vào thế tương đối cô lập với thế giới bên ngoài qua phía mạn biển. Tây Sơn buổi đầu cũng cố gắng tỏ ra dễ dãi với giáo dân và giáo sĩ ngoại quốc, có ra luật tự do hành đạo (1783). Nhưng giáo sĩ và thương nhân Tây phương nhìn chung vẫn coi Tây Sơn là “kẻ phản loạn”, “kẻ tiếm quyền”, họ vẫn hướng về nhà “cựu Nguyễn” đang thất thế, mong giúp hoàng tôn Dương và Nguyễn Ánh sau này để thu lợi lớn hơn. Nguyễn Nhạc tức giận vì thương nhân Hoa kiều giúp Nguyễn Ánh nên đã ra lệnh tàn sát họ, và lại quay ra đàn áp những người theo đạo Thiên Chúa. Đó là sự nhỏ nhen, sai lầm của chính Nguyễn Nhạc (và cả Nguyễn Lữ nữa)
Nguyễn Huệ là một ngoại lệ trong đám anh em và thủ lĩnh Tây Sơn. Tài ông cao hơn, trí lực sâu hơn, tầm nhìn rộng rãi hơn. Chắc chắn là có những tố chất bẩm sinh trong con người này, nhưng càng chắc chắn hơn là ông biết thu nhận cái tốt đẹp từ bạn bè gần xa, mà chủ yếu từ thầy giáo Hiến – một môn khách của đại thần Trương Văn Hạnh. Ông biết nghe, biết học hỏi các danh sĩ (Trần Văn Kỷ, La Sơn Phu Tử, Ngô Thì Nhậm…), biết dùng cả cái tài của linh mục Tây phương (J. Koffler), và ông cũng biết quyết đoán, biết thuyết phục người khác phải đi theo mình. Ai chưa theo, chưa phục (chẳng hạn La Sơn Phu Tử ban đầu chưa chịu ra làm việc với ông), ông sẽ để người ta suy nghĩ, cuối cùng vẫn không theo ông thì ông vẫn để họ sống chứ không ra tay giết hại (Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều…). Qua đó có thể thấy được ông có một tấm lòng bao dung, một đức tính lớn của người lãnh tụ. Ông đã ba lần anh hùng, anh hùng áo vải, anh hùng xoá hận sông Gianh, xóa ranh giới “Đàng Trong” – “Đàng Ngoài” đã in hằn gần hai thế kỷ, và anh hùng trong thắng tích Thăng Long. “Đống Đa”, từ hiện thực lịch sử, đã trở thành biểu tượng của dân tộc, bên cạnh Bạch Đằng, Chi Lăng ngày trước, cũng như Điện Biên Phủ sau này. Đống Đa là một tột đỉnh của phong trào Tây Sơn và chính nó đã đưa Quang Trung trở thành anh hùng dân tộc, trở thành một thiên tài quân sự Việt Nam, tiếp nối Trần Hưng Đạo, rửa hận cho Hồ Quý Ly. Tiếc là sau chiến thắng, do cuộc đời bậc tài danh quá ngắn ngủi, ông chưa kịp làm gì nhiều, nhất là việc thực hiện ý định phát đại quân tiễu trừ Nguyễn Ánh ở Gia Định. Bốn năm (1789-1792) chưa là cái gì cả, cho một xã hội cũ, cho một xã hội bộn bề đổ nát sau chiến tranh.
Nhưng theo tôi, chúng ta chứ nên vì thế mà đẩy Quang Trung tới giai đoạn “cách mạng”, cách tân và than vãn rằng nếu ông không mất sớm thì sự đời sẽ khác!
Nên biết sau chiến tranh, Quang Trung cũng chỉ quản lý được từ xứ Quảng trở ra Bắc, một đất nước có ba chính quyền thì chưa thể gọi là thống nhất được. Sự bất hoà, đấu đá lẫn nhau rồi chia đất (từ 1776) giữa anh em Tây Sơn là một tai hoạ lớn cho cả dân tộc, cho nhân dân và cho bản thân dòng họ Nguyễn Tây Sơn. Lỗi lầm chính có thể thuộc về ông anh cả Nguyễn Nhạc, được Nguyễn Lữ hùa theo, song Nguyễn Huệ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Anh em Tây Sơn thua anh em họ Đông A (tức nhà Trần) về điểm này, cụ thể là sự biến bất hoà thành hoà thuận. Ông không biết lùi như Trần Hưng Đạo đã lùi, và việc ông xưng đế ở Phú Xuân để sánh ngang với Hoàng đế Nguyễn Nhạc được sử gia “chính thống” hết lời ca ngợi là để cho Mãn Thanh “biết tay”, biết là “nước Nam này có chủ” chưa hẳn đã là điều hay đâu. Ông vẫn có thể nhân danh Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc mà đánh Mãn Thanh cơ mà?
Chế độ chính trị mà Quang Trung thiết lập trên nửa phía Bắc đất nước vẫn hoàn toàn như cũ: kiểu quân chủ quan liêu, lại nặng về quân sự là đằng khác. Bất kể do bối cảnh lịch sử miền Bắc (nước cũ vua Lê), hay do hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh như thế nào, đấy không hề là một sự đổi mới về chính trị.
Về ý thức hệ, theo lời khuyên của La Sơn Phu Tử và chính Quang Trung khẳng định cương quyết: “Theo cái học của Chu Tử”, tức là theo Tống Nho, điều đó khiến ông đã tự thua kém so với một nhân vật sống từ 4 thế kỷ trước là Hồ Quý Ly, càng thua kém vì cái khoảng cách 400 năm ấy đủ thể nghiệm sự thất bại của ngọn cờ ý thức hệ Tống Nho. Thậm chí, ông còn muốn “trở lại” ý thức độc tôn Nho Tống nữa kia. Cả chuyện phá chùa – tháp thời Tây Sơn với cái sắc lệnh rất khó thực hiện như sau: “Ở mỗi huyện tổng chỉ có một chùa”. Có cả chuyện phá chuông chùa để đến thời Cảnh Thịnh và sau đó nữa, dân lại quyên cúng đúc lại chuông chùa.
Ông cũng đề cao chữ Nôm như Hồ Quý Ly, cũng cho người dịch (Hồ Quý Ly thì tự dịch) thư tịch cổ Trung Hoa ra chữ Nôm. Nhưng thời Hồ Quý Ly không có thư kinh nào khác, và khi dịch Kinh Thư, Hồ Quý Ly cũng xé bỏ lời tựa của Chu Tử để đưa vào ý kiến cá nhân của mình (phê phán cả Khổng lẫn Chu). Thời Quang Trung, là nửa sau thế kỷ XVIII, ngay ở Trung Hoa thôi đã có nhiều sách khoa học kỹ thuật Tây phương mà Lê Quý Đôn đã biết tới trong một chuyến đi sứ sang Thanh và đã ghi lại trong Vân Đài Loại Ngữ, chẳng hạn về tri thức “Quả đất hình tròn và xoay quanh mặt trời”. Nếu thật đổi mới, sao ông không cho dịch loại sách này? Những lời khuyên về việc học và thi cử của La Sơn Phu Tử mà Quang Trung hết sức nghe theo đều là hết sức cũ kỹ, cùng lắm chỉ là “Nho cải tiến”. Chữ Nôm là một sáng tạo văn hoá lớn. Nhưng chữ Nôm rất khó học và phải có tiền đề là thông thạo chữ Hán. Thời Hồ Quý Ly chưa có chữ nào khác ngoài Hán và Nôm. Nhưng từ trước Quang Trung 1-2 thế kỷ đã xuất hiện chữ quốc ngữ do kết quả Latinh hoá tiếng Việt bởi giáo sĩ ngoại quốc và giáo dân Việt Nam. Từ giữa thế kỷ XVII đã có từ điển Việt – Bồ – Latinh của cố đạo A. de Rhodes thực hiện. Nếu Quang Trung thực sự đổi mới giáo dục văn hoá, sao ông không cho truyền bá học quốc ngữ đi?
Về kinh tế – xã hội, Quang Trung hạ chiếu Khuyến Nông và chiêu tập dân lưu tán trở về xóm làng cày cấy. Đó là việc làm đúng sau chiến tranh, nhưng đó cũng là việc từ ngàn năm xưa văn hiến Lý, Trần, Lê đấng minh quân nào cũng từng làm, biện pháp ấy không có gì mới mẻ cả. Xu hướng tiến lên của xã hội thời ấy là tư hữu hóa ruộng đất không có gì cưỡng lại nổi. Nhưng Quang Trung – và con cháu ông vẫn mơ tưởng đến – và với cố gắng vô vọng thực hiện, một thứ quốc hữu hóa ruộng đất! Đây là một ảo tưởng rất chi là Tàu – là la chinoise, về “thế giới đại đồng, thiên hạ vi công”, một thứ “chủ nghĩa xã hội ảo tưởng” của nông dân và vua quan thân dân, hoặc đó là một kiểu “xã hội chủ nghĩa Nhà Nước” của Vương Mãng đời Hán hay Hồ Quý Ly đời cuối Trần.
Thế kỷ XVIII là thời buổi giao lưu kinh tế trên thế giới, cả biển và đại dương cũng bắt đầu phát triển mạnh. Yêu cầu của thời đại là cần phải tìm cách liên kết các thị trường địa phương thành thị trường dân tộc – quốc gia và gắn nó với thị trường thế giới. Thế mà Quang Trung lại chủ trương tự cung tự cấp: “Trẫm muốn không có thứ gì phải mua của Tàu cả”. Khi có người ở triều đình Phú Xuân nhắc khẽ ông: “Có lẽ vẫn phải mua thuốc Bắc của Tàu” thì ông chỉ gục gặc đồng ý. Thực ra, ông còn có ý định phát triển buôn bán với Trung Hoa và đã xin mở nhà hàng ở Nam Ninh (Quảng Tây), mở chợ biên giới ở Bình Thuỷ Quan (Cao Bằng) và Du Thôn Ải (Lạng Sơn). Việc ấy đã được tiến hành từ thời Lý, với các bác dịch trường dọc biên giới Việt Trung (xem Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn). Những tài liệu mà Trần Văn Quý (Viện Hán Nôm) phát hiện được ở Quỳ Hợp thượng du Nghệ Tĩnh cho ta biết Tây Sơn cũng “cởi mở hơn” đối với việc buôn bán trên biên giới Việt – Lào. Nhưng không một tài liệu nào cho đến nay được phát hiện cho ta biết về ý định của ông nhằm phát triển ngoại thương về hướng biển trong giao lưu kinh tế – văn hoá với Nhật Bản, hay rộng hơn là thế giới Nam Hải và phương Tây.
Theo tôi hiểu, Quang Trung vẫn giữ cái nhìn hướng nội và lục địa cổ truyền của các triều đại quân chủ Đại Việt. Việc ông muốn “xin lại” Lưỡng Quảng cũng như ý định cho tới trước lúc qua đời về việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở xứ Nghệ – ngoài ý định “nắn gân” Càn Long và đề phòng Nguyễn Ánh từ Gia Định đi đường biển đánh ra Phú Xuân – cũng thể hiện cái nhìn hướng nội và lục địa đó.
Càng ngày, thuyền chiến và thuỷ quân Tây Sơn càng lạc hậu so với lực lượng của Nguyễn Ánh ở Gia Định. Từ Gia Định, Nguyễn Ánh bắt đầu biết đóng thuyền chiến theo kiểu phương Tây, biết xây thành kiểu Vauban, mở mang đô thị Bến Nghé – Gia Định, giao thương với bên ngoài, không ngoài ý định khôi phục nhà Cựu Nguyễn. Nên chỉ 10 năm sau khi Quang Trung qua đời, Nguyễn Ánh đã toàn thắng Tây Sơn. Lịch sử Việt Nam từ đây chuyển sang một chương mới…
- Nguồn: Trần Quốc Vượng, “Tây Sơn Quang Trung và công cuộc đổi mới đất Việt ở thế kỷ XVIII”, Tạp chí sông Hương số 35
