Có lẽ, nhiều người trong chúng ta hiện nay thường dùng những định kiến của xã hội để đánh giá về một người nào đó, và họ đã trưởng thành hay chưa, trong đó đánh giá qua tuổi tác là tiêu chí phổ biến. Khi mới tiếp xúc với 1 người ít tuổi, ta vội vàng bác bỏ quan điểm của họ, ta coi thường và nghĩ rằng họ trẻ con, họ không biết nghĩ, họ chưa trưởng thành. Nhưng khi tiếp xúc với một người lớn tuổi hơn, ta tôn trọng, ta lắng nghe và đề cao người đó , vì ta thấy họ đã “đủ tuổi” là người trưởng thành.
Nhưng có thật, trưởng thành chỉ đơn giản là đánh giá qua độ tuổi con người ?
Vào ngày thu mát mẻ của Hà Nội, tôi nhận được dòng tin nhắn của một người lạ bày tỏ sự quan tâm về bài viết của tôi gần đây. Tôi đoán rằng người có nhã hứng đọc bài tôi viết thì chắc hẳn phải bằng tuổi hoặc hơn tuổi tôi. Nhưng khi tôi hỏi tuổi của bạn đó, câu trả lời làm tôi ngạc nhiên “mình sinh năm 2k6”. Lúc ấy, suy nghĩ vô thức xuất hiện trong đầu tôi: ”Bằng tuổi em trai mình thì chắc là cô bé này đọc bài viết thấy thú vị nên tiện tay nhắn tin cho mình và muốn nói chuyện phiếm vui vui tí thôi.”
Nhưng rồi, tin nhắn sau đã khiến dòng suy nghĩ trong đầu tôi bị dập tắt: ”Em cảm thấy chị là người suy nghĩ rất nhiều và sâu sắc, tâm hồn nhẹ nhàng nhưng trưởng thành. Chị là người hướng nội ạ?”
Lúc này tôi thật sự bất ngờ. Cô bé đó vì sao lại cảm nhận về tôi như vậy? Độ tuổi của em không phải vốn là độ tuổi đang nổi loạn, vô tư, hồn nhiên, vô lo vô nghĩ, ngày ngày đi học rồi về nhà, cùng lắm là thêm mấy câu chuyện yêu đương, vì sao lại quan tâm và cảm nhận về một người lạ ? Với lại, bài viết của tôi đối với lứa tuổi học trò không phải rất dài dòng và khó hiểu, thậm chí là không có gì thú vị hay sao?
Nối tiếp những thắc mắc trong lòng, tôi ngồi đây đan xen nhiều cảm xúc trò chuyện với em. Sau mỗi dòng tin nhắn, tôi lại thêm bất ngờ về em hơn. Tôi bất ngờ về suy nghĩ chín chắn, sâu sắc và trưởng thành của em, điều mà tôi chưa từng thấy ở cô bé 15 tuổi, và thậm chí là nhiều người lớn cũng không suy nghĩ như thế. Em mở lòng chia sẻ với tôi về khó khăn của bản thân trong quá khứ, và em đã tìm cách vượt qua khó khăn ấy như thế nào. Giờ đây, em cảm thấy may mắn vì nhờ có quá khứ mà hiện tại em như được sống một cuộc đời mới, sống một cuộc sống ý nghĩa hơn. Những gì em chia sẻ với tôi, không hề có một chút giả tạo, không một chút sáo rỗng, không một chút thể hiện thái quá. Thay vào đó, điều mà tôi nhận được là sự đơn giản, thấu hiểu và chân thành qua những dòng tin nhắn của em.
Một cô bé mới đặt chân vào học cấp 3, xung quanh là gia đình, bạn bè và thầy cô. Độ tuổi ấy đơn giản chỉ là độ tuổi ngày ngày học và chơi, ngoài ra không có gì khác biệt. Nhưng cuộc sống của cô bé này có một sự kiện đặc biệt hơn một chút, một ‘món quà’ mang tên khó khăn đã đến với em từ khi em còn ít tuổi hơn thế. Dù lúc đầu em ghét bỏ nó, nó làm em đau đớn và tổn thương, thậm chí nó khiến em khép lại bản thân mình. Nhưng thật may mắn vì sau đó em đã nhận ra giá trị của nó. Chính nó – món quà mang tên “khó khăn”, đã giúp em tạo nên con người của hiện tại, một cô gái dù chỉ mới ở tuổi vị thành niên, nhưng đã nhìn ra giá trị của bản thân và suy nghĩ sâu sắc hơn những bạn bè cùng trang lứa.
Tôi không còn nhìn em là cô bé đơn giản chỉ 15 tuổi nữa. Tôi nhìn em là 1 cô gái trưởng thành, 1 cô gái có lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu dành cho người khác. Em đã làm tôi thêm khắc ghi những giá trị tuyệt vời của cuộc sống này :
“Mọi thứ đều không giống như bề ngoài của nó”. Đừng bao giờ vội vàng đánh giá 1 người qua ngoại hình hay độ tuổi của họ. Chúng ta không biết người mà ta đang tiếp xúc có quá khứ ra sao, họ từng trải nghiệm những gì. Cái mà ta nhìn thấy chỉ đơn giản là là hình thức bề ngoài, là những gì họ phô ra, là ‘bề nổi của tảng băng chìm’. Có quá vội khi ta coi thường ai đó chỉ vì họ ít tuổi hơn ta, hay ta nghĩ ta đang giỏi hơn họ? Có quá vội khi ta chỉ trích người nào đó rằng họ không biết cách sống, vội kết luận cách sống của họ là như này như kia? Ta có biết người ta tiếp xúc từng trải nghiệm những gì? Nếu ta biết những gì họ trải qua hay ta từng trải nghiệm như họ, ta có phán xét người đó như vậy nữa không ?
Trưởng thành không tính bằng tuổi tác vật lý, mà tính bằng trải nghiệm và sự vượt qua trải nghiệm ấy để mài dũa sự sâu sắc của tâm hồn. Có lẽ, những nỗi đau tưởng chừng như không thể vượt qua lại chính là những điều quý giá, là liều thuốc giúp cho ta ngày càng trưởng thành và trở nên tốt đẹp hơn. Vẻ đẹp của nỗi đau, nếu như ta có thể nhìn sâu, vậy thì hãy nhìn sâu hơn một chút. Bởi vì khi nhìn sâu, biết đâu ta sẽ không còn gọi đó là nỗi đau, mà sẽ nhìn đó là món quà – món quà mang tên “khó khăn” – “trải nghiệm không như ý”.
Để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình và nhận ra giá trị của bản thân, từ đó sống sâu sắc và sống yêu thương nhiều hơn, thì trải nghiệm mà ta cần vượt qua đâu có dễ như ta mong đợi. Nếu tất cả đến với ta quá dễ dàng, liệu chúng ta có đủ hiểu và trân trọng những gì ta đang có trong cuộc sống hay không. Nếu không có những điều không như ý, chúng ta có nhìn ra bản chất của cuộc sống vốn dĩ là vô thường? Chúng ta còn than trách vì sao cuộc sống bất công với ta mà không phải với người khác?
Điều chúng ta cần làm không phải là thay đổi những gì đã đến hay sẽ đến với ta, cái ta cần là thay đổi góc nhìn về cuộc sống không mấy tốt đẹp mà ta từng cảm nhận. Ngắm nhìn và cảm nhận cuộc sống đơn giản như nó vốn là, chấp nhận những điều vô thường của cuộc sống. Từ đó mọi thứ sẽ nhẹ nhàng với chúng ta hơn rất nhiều.
Tôi gọi những giá trị được tạo ra từ gian khó là VẺ ĐẸP. Một vẻ đẹp tuyệt vời, một vẻ đẹp đáng trân quý, một vẻ đẹp không phải ai cũng có thể nhìn ra, và cũng không phải ai cũng cảm nhận được. Vẻ đẹp ấy, là vẻ đẹp xứng đáng có được đằng sau những nỗi đau.
“Vẻ đẹp thật sự không thể nhìn bằng mắt mà bằng trái tim”
“Mọi thứ đều không giống như bề ngoài của nó”
(Lời thoại nằm trong bài hát Beauty and the Beast )
