Hãy học tập phương pháp của tôi và bạn có thể hoàn thành công việc nhanh chóng hơn.
Tác giả: Tim Denning – 4 phút đọc
(Translator’s note: “Dòng Chảy” là trạng thái tâm trí hoạt động, mà trong đó cá nhân thực hiện một hành động được “nhúng” ngập trong dòng cảm xúc và sự tập trung nguồn năng lượng, tham dự một cách toàn vẹn và tận hưởng trong quá trình hoạt động diễn ra- theo Wikimedia)
Tiến vào trạng thái “dòng chảy” chính là bí quyết để làm việc một cách hiệu quả nhất. Ngày nay mọi người chắc ai cũng biết chuyện đó rồi.
Tôi đã sử dụng trạng thái này để viết lách liên tục trong vòng suốt 7 năm qua. Nếu không có trạng thái tập trung cao độ này, chắc hẳn giờ tôi vẫn đang mắc kẹt như hồi năm 2014, lúc mà tôi đang cố vượt qua nỗi sợ ý kiến của mọi người về khả năng viết lách của mình. Tiến vào trạng thái “dòng chảy” nghĩa là tôi đơn thuần không thèm quan tâm khỉ gì đến những thứ như vậy nữa.
Vấn đề ở đây là: làm sao để tiến vào trạng thái đấy?
Mọi người nghĩ tôi là một chuyên gia trong việc phát triển bản thân và đã thuần thục kĩ năng “dòng chảy”. Thực ra không phải vậy đâu. Tôi cực kì dở trong việc tiến vào trạng thái đó. Suốt mấy tháng gần đây, tôi phải mất hơn 3 tiếng để làm được việc đấy.
Tôi thường bắt đầu công việc viết của mình vào 7 giờ sáng thứ 7 hàng tuần, nhưng rốt cuộc không thực sự làm được gì đó cho đến khi đồng hồ điểm 10 giờ, đôi lúc còn đến tận 11 giờ. Đó là 3 tiếng hoàn toàn bị lãng phí. Tôi cứ liên tục trì hoãn bằng việc đọc bài viết của những nhà văn khác, xem video trên Youtube, trả lời email và đăng mấy dòng trạng thái cập nhật ngớ ngẩn trên LinkedIn.
Gần đây, tôi đã tìm được cách để đánh bại sự trì hoãn này.
Một cách dễ không tưởng để chiến thắng trì hoãn công việc.
Có hi vọng cho những người hay chần chừ như chúng ta. Bạn không cần dâng tặng thời gian quý báu của mình cho thần Trì hoãn tối cao nữa đâu. Kỹ thuật sau đây có thể được áp dụng vào tất cả mọi loại công việc, nhưng tôi sẽ dùng việc viết lách của mình để làm ví dụ minh họa.
Vào một ngày thứ bảy đẹp trời, tôi đã tìm thấy câu trả lời cho một bài toán khó. Tôi ngồi xuống. Đồng hồ điểm 8 giờ. Tôi tự nhủ với lòng mình là sẽ viết dàn ý cho một câu chuyện nháp mà khả năng cao là tôi sẽ không dùng tới trong tương lai. Rồi tôi hí hoáy viết tiêu đề, kèm theo tiêu đề phụ.
Chẳng bao lâu sau đó, tôi đã hoàn thành xong toàn bộ câu chuyện. Sau khi tôi kịp nhận ra là đã viết xong, tôi mới thấy mình đang đắm chìm trong trạng thái “dòng chảy”. Tôi có cảm giác như là Mozart khi ông ấy đang sáng tác những giai điệu du dương nổi tiếng vậy. Mẹo đơn giản để vượt qua thói quen trì hoãn?
Đó là viết một câu chuyện vớ vẩn.
Hay nói cách khác: Hạ thấp tiêu chuẩn mà bạn đặt ra cho công việc khi bắt tay vào làm.
Bằng việc không có sự mong đợi gì quá lớn, tôi đã đánh bại được sự trì hoãn. Nghĩ về việc bắt đầu làm một cái gì đó luôn đem đến sự phản kháng và chần chừ. Cái mà bạn thực sự đang làm là cố gắng đáp ứng một tiêu chuẩn, không phải là bắt đầu làm việc. Vậy nên khi tiêu chuẩn về công việc của bạn quá cao, thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để bắt tay vào làm.
Công việc đơn giản, nhẹ nhàng chính là bước đệm để bắt đầu.
Vì công việc khó khăn hơn đem đến cảm giác uể oải và mệt mỏi, như thể bạn đang chuẩn bị cho một cuộc chạy đua diễn ra trong hai ngày liền vậy.
Sử dụng những phương pháp “dòng chảy” dưới dây để nâng cao chất lượng công việc.
Một khi đã giải quyết được vấn đề trì hoãn, bạn có thể tăng tốc với trạng thái “dòng chảy” và nâng cao hiệu suất làm việc.
1. Thêm một lịch trình vào cuối thời gian làm việc của bạn.
Khi bạn gái tôi đặt lịch và bắt tôi tham gia một sự kiện xã hội vào cuối mỗi buổi viết bài, tôi thực sự đã hóa điên. Tôi còn chửi thầm trong đầu nữa. Nhưng rồi tôi nhận ra: cô ấy làm vậy là để giúp đỡ tôi.
Khi có một sự kiện xảy đến sau khi công việc của bạn kết thúc, bạn sẽ phải để ý xem bạn còn bao nhiêu thời gian. Thời gian hạn hẹp ít ỏi sẽ ngăn việc trì hoãn có cơ hội nhen nhóm và bùng lên. Thêm một lịch trình gì đó mà bạn buộc phải tham dự sẽ thúc đẩy động lực và sự khẩn cấp để hoàn thành công việc trước thời gian đó.
2. Hóa thân thành một chú cún và tự thưởng cho bản thân.
Cún rất thích được thưởng gì đó. Con người cũng không khác biệt lắm trong việc này. Vậy hãy tự thưởng cho bạn một cái gì đấy vì đã hoàn thành công việc. Xác định trước điều đó sẽ là gì. Tập trung vào đó. Nói với bản thân rằng nhất quyết sẽ không thể có được phần thưởng trước khi làm xong việc. Mường tượng về phần thưởng ngay cả khi đang làm.
3. Nghĩ về dòng chảy như là năng lượng bạn đang lan tỏa ra.
Khi bạn lan tỏa năng lượng ra thế giới, bạn sẽ nhận lại nó.
Tôi luôn cố truyền năng lượng của mình ra thế giới thông qua việc viết lách. Tôi hay nhận được những bức email tràn trề năng lượng của độc giả. Bạn có thể cảm nhận được nguồn năng lượng đấy khi mà bạn đọc ngôn từ của họ. Gần đây, tôi nhận ra nguồn sức sống ấy cũng tương tự như cái mà tôi cố gắng truyền ra thế giới. chỉ khác ở chỗ năng lượng của tôi thì lớn hơn và thuộc một kiểu dạng khác.
“Dòng chảy” giúp bạn làm việc, và công việc đó sẽ truyền năng lượng ra khắp thế giới. Năng lượng thúc giục người ta hành động. Năng lượng khiến cho cuộc sống này có tiếp diễn đến tận ngày nay. Năng lượng truyền từ người này, thắp sáng hi vọng và cảm hứng cho người khác.
Nếu bạn muốn nhìn hiện tượng này diễn ra như nào, hãy xem ca sĩ Paul McCartney của nhóm nhạc Beatles truyền năng lượng cho cả một vận động đầy kín khán giả như thế nào ở đây nhé (https://www.youtube.com/watch?t=231&v=tRnFHfI7WAQ…)
4. Chứng kiến một người khác toàn hoàn đắm chìm trong “dòng chảy”.
“Dòng chảy” có thể giúp chúng ta nhập tâm và sống trọn trong một khoảnh khắc. Nếu bạn muốn thấy một ví dụ điển hình cho việc này, hãy xem ca sĩ Connor Maynard hát bài hát (https://www.youtube.com/watch?v=YwgNpObouB0&list=RDMM…) 41 triệu người theo dõi đã được chứng kiến Conor ở trong trạng thái “dòng chảy”, và có rất nhiều nhận định cho rằng anh ấy như thể đang thực sự “cảm nhận” được bài hát và sống từng giây phút trong đó.
Những lời nhận xét đó đang cố diễn tả một loại trạng thái “dòng chảy” mà họ có cơ hội được chứng kiến. Trong nhận thức của mình, Conor có lẽ đã di chuyển đến một chiều không gian khác, nơi mà mọi sự mong đợi, xung đột và phản kháng đều biến mất.
Được ngắm nhìn “dòng chảy” thật là một điều đẹp đẽ. Tôi thường gọi việc này là “du lịch dòng chảy”.
Khi bạn theo dõi một người nào đó đang ở trạng thái này, bạn sẽ có động lực cần thiết để làm việc và tự thúc đẩy “dòng chảy” của chính bạn.
Tất cả nằm sẵn trong tay của bạn. Những gì bạn cần làm là giả bộ bạn đang không thực sự bắt đầu công việc. Tự nhủ với bản thân rằng bạn đang đùa cợt loanh quanh thôi. Hãy tạo ra một tác phẩm mà bạn cho rằng chỉ đáng vứt vào sọt rác. Tận hưởng một tiếng làm việc nhẹ nhàng. Rồi nói với chính mình rằng, bắt đầu với chất lượng thấp như này hoàn toàn ổn mà.
Bắt tay vào công việc chính là cách bạn tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Người chỉnh sửa video của tôi có nói với tôi tuần trước là: “Sau 2-3 câu chuyện nhảm nhí đầu tiên, anh bắt đầu viết cực hay luôn.”
Lúc đó tôi không hiểu cậu ấy nói gì, nhưng mà giờ câu nói đó lại càng khẳng định cho luận điểm của tôi. Bạn sẽ hiếm lúc đạt được trạng thái tốt nhất khi vừa mới bắt tay vào làm. Như một vận động viên chạy đua vậy, bạn cần làm nóng tinh thần của mình, và chấp nhận với việc sẽ tạo ra thành quả chất lượng kém, trước khi viên ngọc quý giá tiềm năng bên trong bạn bắt đầu tỏa sáng rực rỡ.
Đánh bại tính trì hoãn bằng một khởi đầu với kỳ vọng thấp.
Btw mình xin chia sẻ 1 số cách để mình ép bản thân vào guồng (đôi khi hiệu quả thôi hic)
– cất điện thoại vào tủ/giấu đi/sạc chỗ khác.
– gõ study with me trên youtube là sẽ có rất nhiều vid quay ng khác tập trung học để có động lực. Trước mình hay xem nojambot, ổng đzai hihi :>
– mình thói quen xem youtube trong lúc làm, ví dụ để bản thân ngay lập tức cảm nhận căng thẳng áp lực để vào việc: office sound, keyboard asmr (tạo môi trường làm việc). Hay tùy ng có thể thấy library sound, coffee shop sound, lofi girl… hiệu quả hơn.
– tránh xa giường. Giường liên tưởng đến nghỉ ngơi và chơi. Dù làm trên giường thoải mái thật nhưng tạo cho mình cảm giác “ko phải nơi làm việc”